YouMed

Bấm huyệt và cách chữa trào ngược dạ dày hiệu quả

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là rối loạn tiêu hóa phổ biến có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Các triệu chứng của GERD không chỉ khiến người bệnh khó chịu trong cuộc sống hằng ngày. Mà với tình trạng nặng sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Sau đây, Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai xin giới thiệu đến quý độc giả một phương pháp hỗ trợ hiệu quả bệnh lý này, đó là bấm huyệt chữa trào ngược dạ dày. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Trào ngược dạ dày dưới góc nhìn y học cổ truyền

Thực tế, các biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản khá đa dạng. Vài dấu hiệu dễ thấy như nóng rát thượng vị, ợ chua, ợ nóng, trớ, có thể lan ra phía sau xương ức, thậm chí là cổ họng. Điều này được lý giải là bởi acid và pepsin trào ngược từ dạ dày lên thực quản gây tổn thương các lớp bề mặt niêm mạc thực quản-dạ dày. Bên cạnh đó, ta còn gặp những triệu chứng không điển hình khác như khó nuốt, nuốt đau, khàn tiếng, ho, đau họng, tăng tiết nước bọt, đau dạ dày…1

Nguyên nhân có thể do ăn uống không điều độ, căng thẳng, stress, tác dụng phụ của thuốc… Nếu tình trạng bệnh kéo dài không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng như loét thực quản, hẹp thực quản, bệnh Barrett thực quản, thậm chí là ung thư.2 3

Trong đông y vẫn chưa có bệnh danh tương ứng chính xác với y học hiện đại. Những biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày được mô tả trong các chứng thôn toan (ợ chua), khẩu toan (miệng có vị chua), thổ toan (nôn ra chất chua), vị quản thống (đau dạ dày)…

Ngoài ra, y học cổ truyền cho rằng các rối loạn của bệnh liên quan chặt chẽ đến công năng của tạng phủ, đặc biệt là Tỳ, Vị, Phế, Can…3

Xem thêm: Trào ngược dạ dày thực quản: Nên và không nên ăn gì?

Một số triệu chứng thường gặp trong trào ngược dạ dày thực quản
Một số triệu chứng thường gặp trong trào ngược dạ dày thực quản

Vì sao bấm huyệt có thể chữa trào ngược dạ dày? Hiệu quả như thế nào?

Cần phải hiểu rằng bấm huyệt chỉ là liệu pháp bổ trợ, cải thiện triệu chứng. Không thể chữa trị dứt điểm tình trạng bệnh hoàn toàn. Đặc biệt là ở những giai đoạn sau, xuất hiện triệu chứng nặng nề hay biến chứng nguy hiểm. Theo đó, bấm huyệt chữa trào ngược dạ dày thông qua tác động vào huyệt đạo, kinh lạc góp phần:

  • Thúc đẩy chức năng tiêu hóa và tuần hoàn nuôi dưỡng cơ quan, thư giãn cơ thực quản-dạ dày.
  • Thông kinh lạc, điều hòa khí huyết, ôn trung, ích khí, giáng nghịch, lợi vùng bụng, ngực-sườn, tiêu ứ trệ…3
  • Cải thiện công năng hoạt động của tạng phủ bị rối loạn như Tỳ, Vị, Phế, Can…3
Bấm huyệt là phương pháp y học cổ truyền có thể mang lại nhiều lợi ích trong điều trị trào ngược dạ dày
Bấm huyệt là phương pháp y học cổ truyền có thể mang lại nhiều lợi ích trong điều trị trào ngược dạ dày

Cách bấm huyệt chữa trào ngược dạ dày

Chỉ định, chống chỉ định

Bấm huyệt điều trị trào ngược dạ dày có thể thực hiện ở các đối tượng mắc triệu chứng bệnh.

Tuy nhiên, một số trường hợp có thể trạng đặc biệt nên hạn chế và cân nhắc kỹ càng như:

  • Phụ nữ đang mang thai, người trong tình trạng cấp cứu, biến chứng bệnh tiến triển xấu, người mắc bệnh ưa chảy máu…
  • Vùng da thực hiện kỹ thuật đang chảy máu, lở loét, hay có bệnh da liễu…

Huyệt đạo thường sử dụng trong bấm huyệt chữa trào ngược dạ dày

Bấm huyệt là thủ thuật y học cổ truyền, thường dùng lực từ tay (ngón tay, bàn tay, khuỷu tay…) tác động vào vị trí huyệt. Ngoài ra, thao tác này thường sẽ được phối hợp thêm với xoa bóp để tăng hiệu quả điều trị.

Theo đó, trong bệnh lý trào ngược dạ dày, thầy thuốc có thể cân nhắc chỉ định các huyệt đạo sau: Trung quản, Chương môn, Đản trung, Lương môn, Thiên khu, Túc tam lý, Thái bạch, Cách du, Tỳ du, Vị du,… Dựa vào mức độ lâm sàng, thể bệnh,… mà thầy thuốc có thể linh hoạt thay đổi công thức huyệt. Ví dụ theo phép trị:3 4

  • Kiện Tỳ, lợi thấp: Tỳ du, Thái bạch, Phong long, Đại đô, Quan nguyên, Khí hải, Chương môn, Túc tam lý, Lương môn…
  • Sơ Can, kiện Tỳ: Trung quản, Túc tam lý, Lãi câu, Hành gian, Thiếu phủ, Thái xung, Thần môn, Nội quan…

Liệu trình cơ bản là xen kẽ thực hiện với khoảng 2-3 phút/huyệt, cho đến khi vị trí này ấm nóng, căng tức nhẹ nhàng là được. Tổng thời gian 30 phút/ngày hoặc mỗi khi có dấu hiệu khó chịu.

Vị trí một số huyệt thường dùng trong bấm huyệt điều trị trào ngược dạ dày

Huyệt Trung quản

Vị trí: mộ huyệt của Vị, từ rốn đo lên 4 thốn, thuộc đường thẳng giữa bụng.

Tác dụng: trị đau tại chỗ, hay rối loạn trào ngược dạ dày như ợ hơi, nôn mửa, đầy hơi,…

Huyệt Đản trung

Vị trí: huyệt hội của khí, thuộc giao điểm của đường thẳng giữa ngực với kẽ liên sườn 4-5.

Tác dụng: điều khí, giáng nghịch, thông lợi vùng ngực sườn,… trị đau tại chỗ, triệu chứng khí nghịch lên gây ợ chua, nóng rát vùng ngực, tức ngực, khó thở,…

Huyệt Chương môn

Vị trí: là mộ huyệt của Tỳ, nằm ở đầu tự do của xương sườn thứ 11.

Tác dụng: hóa tích trệ ở trung tiêu, tiêu ứ đờm, tán hàn khí ở ngũ tạng… dùng trị đau tại chỗ, rối loạn trào ngược dạ dày, đầy bụng, sôi bụng, nôn, kém ăn…

Huyệt Lương môn

Vị trí: từ rốn đo lên 4 thốn (huyệt Trung quản), cách đường giữa bụng 2 thốn.

Tác dụng: điều hòa trung khí, hóa tích trệ, trị nôn mửa, sôi bụng, đau tại chỗ…

Huyệt Thiên khu

Vị trí: từ rốn đo ngang qua 2 bên, mỗi bên 2 thốn.

Tác dụng: điều hòa khí ở đường ruột, tiêu ứ trệ… dùng trong điều trị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, nôn, táo bón, tiêu chảy

Huyệt Túc tam lý

Vị trí: hõm dưới ngoài xương bánh chè đo xuống 3 thốn, cách mào chày 1 thốn.

Huyệt chủ vùng bụng trên, điều hòa khí trung tiêu, thông kinh lạc, khí huyết, bồi bổ nguyên khí. Chủ trị đau dạ dày, chậm tiêu, nôn ói, mệt mỏi,…

Huyệt Thái bạch

Vị trí: ở mặt trong bàn chân, trên đường tiếp giáp giữa da lưng và gan bàn chân, huyệt nằm ở hõm giữa thân và đầu xa của xương bàn chân ngón 1.

Tác dụng: hòa khí trung tiêu, điều hòa vận hóa tỳ vị,… dùng trong trị đau tại chỗ, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng…

Huyệt Cách du

Vị trí: giữa đốt sống lưng D7-D8, đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.

Tác dụng: huyệt tán khí ứ trệ ở vùng ngực, thực quản, điều hòa vị khí, thư giãn lồng ngực. Trị đau nặng ngực, ợ hơi, ợ nóng…

Huyệt Tỳ du

Vị trí: giữa đốt sống lưng D11-D12, đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.

Tác dụng: trợ tiêu hóa, điều Tỳ khí, trị đầy bụng, không muốn ăn, nấc cụt, tiêu chảy…

Huyệt Vị du

Vị trí: giữa đốt sống lưng D12-L1, đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.

Tác dụng: điều Vị khí, hóa thấp, tiêu trệ… trị đầy chướng hơi, chậm tiêu, đau dạ dày, ngực sườn đầy tức, cơ bụng nhão yếu….

Vị trí một số huyệt vùng lưng và vùng bụng có thể giúp điều trị trào ngược dạ dày
Vị trí một số huyệt vùng lưng và vùng bụng có thể giúp điều trị trào ngược dạ dày

Lưu ý trong quá trình bấm huyệt chữa trào ngược dạ dày

Thực tế, điều trị trào ngược dạ dày phụ thuộc vào giai đoạn tình trạng của từng bệnh nhân. Quan trọng nhất là cần phải thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ ăn kèm với các phương pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc khác. Nên kiên trì khám và trị liệu đúng chỉ định của thầy thuốc thì mới đạt kết quả mong muốn.1

Thao tác bấm huyệt cần được thực hiện bởi người có chuyên môn hoặc dưới sự hướng dẫn kỹ càng của y bác sĩ. Điều này sẽ hạn chế được những rủi ro khi xác định sai huyệt đạo, lực bấm quá thô bạo…

Trong quá trình trị liệu, người bệnh cần lưu ý:2

  • Cố gắng điều chỉnh tâm lý, hành vi của bản thân với mục đích giảm stress, căng thẳng.
  • Cân bằng chế độ sinh hoạt với việc ăn đúng bữa, sau ăn không nên nằm ngay, ngủ đủ giấc… Không nên ăn uống những đồ khó tiêu trước lúc đi ngủ.
  • Hạn chế thực phẩm, gia vị cay nồng, đồ uống có gas, thuốc lá, rượu bia
  • Nâng đầu cao khoảng 20 cm khi nằm, nhằm ngăn ngừa acid trào ngược.
  • Kiểm soát tác dụng phụ của thuốc đang điều trị như kháng viêm, giảm đau, kháng sinh…

Những phương pháp đông y khác điều trị trào ngược dạ dày

Xoa bóp4

Đây là liệu pháp thường xuyên đi cùng với bấm huyệt chữa trào ngược dạ dày, cũng như chữa các rối loạn tiêu hóa khác như đau bụng, khó tiêu, đầy hơi… nhằm nâng cao lợi ích đạt được. Dùng toàn bộ lòng bàn tay áp nhẹ nhàng lên vùng bụng (chú ý vùng thượng vị). Sau đó lần lượt tiến hành các động tác xoa, day, miết theo chiều kim đồng hồ. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân nằm sấp, thầy thuốc có thể xát, xoa thêm vùng lưng từ đốt sống D7 trở xuống.

Cấy chỉ3

Ứng dụng phương pháp cấy chỉ trong điều trị trào ngược dạ dày mang lại lợi ích tích cực. Tuy nhiên, cách thức này không được tự ý làm tại nhà mà phải có sự thăm khám, chẩn đoán kỹ càng từ bác sĩ.

Cấy chỉ điều trị trào ngược dạ dày nên được thực hiện bởi người có chuyên môn y tế
Cấy chỉ điều trị trào ngược dạ dày nên được thực hiện bởi người có chuyên môn y tế

Châm cứu

Tương tự như cách thức điều trị không dùng thuốc của đông y, châm cứu cũng là liệu pháp có thể được cân nhắc lựa chọn trong quá trình trị liệu. Bằng thao tác sử dụng kim châm tác động trực tiếp lên huyệt đạo giúp hạn chế khó chịu của bệnh lý gây ra. Lưu ý rằng liệu pháp này cần phải được thực hiện bởi người có chuyên môn.

Dược liệu và bài thuốc đông y2

Hiện nay, ưu điểm của thảo dược từ y học cổ truyền được đánh giá cao. Đặc biệt về các khía cạnh như độ an toàn cao, ít tác dụng phụ không mong muốn… Một số bài thuốc điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả được ứng dụng phổ biến như Tiêu dao tán, Bình vị tán,…

Xem thêm: Lá Khôi – “thần dược” của căn bệnh viêm dạ dày

Quả thực, nhờ sự phát triển của nền y học mà có đa dạng phương pháp điều trị bệnh GERD. Trong đó, bấm huyệt chữa trào ngược dạ dày được đánh giá là liệu pháp hỗ trợ an toàn, dễ thực hiện và hiệu quả. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về phương pháp này. Nếu có nhu cầu khám, chữa trào ngược dạ dày bằng đông y, bạn hãy lựa chọn những cơ sở uy tín để được điều trị đúng cách nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Thuốc trị trào ngược dạ dày thực quảnhttps://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-169211220172134562.htm

    Ngày tham khảo: 08/01/2022

  2. Bài thuốc trị trào ngược dạ dày thực quảnhttps://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-tri-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-169198262.htm

    Ngày tham khảo: 08/01/2022

  3. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản bằng cấy chỉhttps://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-benh-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-bang-cay-chi-169135528.htm

    Ngày tham khảo: 08/01/2022

  4. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/01/Quyet-dinh-ve-viec-ban-hanh-Huong-dan-Quy-trinh-ky-thuat-kham-benh-chua-benh-chuyen-nganh-Cham-cuu.pdf

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người