Bệnh Parkinson: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, phòng ngừa
Nội dung bài viết
Bệnh Parkinson là một rối loạn phổ biến ảnh hưởng lên khả năng kiểm soát vận động của não bộ. Bệnh diễn tiến nặng dần theo thời gian. Nhưng nếu được điều trị tốt có thể giúp người bệnh tránh mất chức năng nghiêm trọng. Trong bài viết này sẽ nói về nguyên nhân gây bệnh và dấu hiệu phát hiện bệnh Parkinson.
1. Nguyên nhân của bệnh Parkinson là gì?
Hiện tại, nguyên nhân của bệnh Parkinson vẫn chưa được biết. Bình thường, những tế bào thần kinh não bộ sẽ sản sinh ra một chất gọi là dopamine. Dopamine giúp kiểm soát vận động.
Ở những người bệnh Parkinson, những tế bào thần kinh thoái hóa dần và mất khả năng sản sinh ra dopamine. Điều này dẫn đến xuất hiện những triệu chứng của bệnh và diễn tiến nặng dần theo thời gian. Người ta vẫn chưa biết một cách rõ ràng rằng tại sao hoặc bằng cách nào những tế bào thần kinh này lại làm việc không đúng nữa.
2. Bệnh Parkinson có di truyền không?
Xấp xỉ 10 – 15% những người bệnh Parkinson có ít nhất một người thân có quan hệ gần (cha mẹ hoặc anh chị em ruột) có bệnh này. Dường như, bệnh có tính di truyền trong một số trường hợp. Ở những người được chẩn đoán bệnh Parkinson lúc trẻ ( được chẩn đoán trước 50 tuổi), đột biến gen có thể đóng một vai trò. Hầu hết các chuyên gia rối loạn vận động đều nghĩ rằng nguyên nhân của bệnh là do sự kết hợp giữa yếu tố gen và môi trường.
3. Bệnh Parkinson thường gặp ở độ tuổi và giới tính nào?
Bệnh Parkinson thường gặp ở những người trên 50 tuổi và xấp xỉ khoảng 1% những người trên 60 tuổi được chẩn đoán bệnh. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
4. Triệu chứng của bệnh Parkinson là gì?
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Parkinson có thể chia thành 2 loại: vận động và không vận động.
4.1. Triệu chứng vận động
Là những triệu chứng ảnh hưởng đến chức năng vận động của cơ thể. Đây là những triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh Parkinson. Các triệu chứng vận động chính của bệnh là run, chậm vận động, cứng khớp và cân bằng kém (mất ổn định tư thế). Ở giai đoạn đầu, những triệu chứng này thường nhẹ.
Các triệu chứng thường bắt đầu ở một bên của cơ thể và có thể tiến triển thành hai bên sau một vài năm. Khi diễn tiến nặng dần, một vài người có thể gặp khó khăn trong việc đi lại, nói chuyện và các công việc thường ngày khác. Các triệu chứng này thường tiến triển chậm. Tuy nhiên tốc độ diễn tiến sẽ khác nhau ở mỗi người. Các triệu chứng của bệnh Parkinson có thể được kiểm soát tốt trong một thời gian dài.
-
Run
Run điển hình trong bệnh Parkinson là run khi nghỉ. Trong giai đoạn sớm, thường là run không liên tục và khó phát hiện. Một số bệnh nhân cho thấy rằng cảm giác “run bên trong” ở tay, chân hoặc cơ thể mà không thể thấy được. Sau này khi cường độ run nhiều hơn, người ta sẽ dễ chú ý hơn.
Run thường xảy ra ở một tay và được mô tả như là đang “lăn viên thuốc”. Sau một vài năm có thể diễn tiến thành run hai bên. Các bộ phận khác cũng có thể bị run như chân, môi, hàm hoặc lưỡi. Tuy vậy, run trong bệnh Parkinson thường không ảnh hưởng đến đầu. Bên bị run đầu tiên cũng có xu hướng bị nặng hơn trong suốt diễn tiến của bệnh.
-
Chậm vận động
Đa số mọi bệnh nhân bệnh Parkinson đều có chậm vận động và có thể làm cho người bệnh cảm thấy yếu sức, mệt mỏi. Ở cánh tay, chậm vận động có thể gây khó khăn trong những hoạt động như cài nút áo, buộc dây giày, đánh máy tính… Chậm vận động có thể khiến cho người bệnh khó nhấc chân lên khi đi, bước đi chậm ngắn hơn và cảm giác không vững. Người bệnh cũng có thể gặp những khó khăn khi thay đổi tư thế từ đang ngồi sang đứng dậy.
-
Cứng cơ
Có thể gặp trong vận động của tay, chân hoặc thân mình. Thường khởi đầu ở một bên của cơ thể cùng những triệu chứng khác như run, chậm vận động. Khi bệnh tiến triển, có thể ảnh hưởng cả hai bên.
-
Mất thăng bằng (mất ổn định tư thế)
Thông thường những phản xạ tự động trong não giúp chúng ta giữ được thăng bằng khi đi hoặc đứng. Ở những người bệnh Parkinson những phản xạ tự động này thường giảm hoặc mất, khiến cho người bệnh bị mất thăng bằng.
Mất thăng bằng thường hiếm gặp ở giai đoạn đầu của bệnh, mà thường gặp ở giai đoạn trễ. Khi các phản xạ tự động bị mất, người bệnh có thể gặp khó khăn nhiều hơn trong việc đi lại, thậm chí có thể cần có người hỗ trợ hoặc ngồi xe lăn. Nếu như mất thăng bằng tiến triển sớm ở giai đoạn đầu của bệnh, thì sẽ ít khi nghĩ đến bệnh Parkinson hơn, mà có thể nghĩ đến hội chứng Parkinson khác như teo cơ hệ thống hoặc liệt trên nhân tiến triển.
4.2. Triệu chứng không vận động
Các triệu chứng không vận động có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, xúc giác (ngửi, nếm, nhìn) và khả năng suy nghĩ
-
Những vấn đề về nhận thức và sa sút trí tuệ
Những vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ thường gặp ở những người bệnh Parkinson và mức độ có thể từ nhẹ đến nặng. Những triệu chứng về nhận thức thường gặp là suy nghĩ chậm chạp, khó đưa ra quyết định, những công việc phức tạp, ghi nhớ những sự kiện gần đây và nhận định về khoảng cách.
-
Hoang tưởng và ảo giác
Hoang tưởng được định nghĩa là một rối loạn về tư duy khiến cho người đó không có khả năng liên hệ với thực tế. Các triệu chứng hoang tưởng xảy ra ở 20-40% những người sử dụng thuốc điều trị bệnh Parkinson.
Ảo giác thị giác (nhìn thấy những thứ không có thật) là triệu chứng tâm thần hay gặp nhất ở bệnh Parkinson và trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển. Ảo giác có thể đi kèm với hoang tưởng, thường là hoang tưởng bị hại. Ví dụ như hoang tưởng rằng vợ/chồng đang lừa dối mình, ăn cắp tiền và có những người đang cố gắng chiếm lấy nhà của mình hoặc người đang chăm sóc mình đầu độc, âm mưu hại mình.
Hoang tưởng là một triệu chứng của bệnh Parkinson nhưng nó còn biểu hiện của những bất ổn thần kinh khác. Tìm hiểu ngay: Rối loạn nhân cách hoang tưởng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
-
Rối loạn cảm xúc
Trầm cảm, lo âu và mất hứng thú là những rối loạn cảm xúc thường gặp ở những người bệnh Parkinson. Tất cả những tình trạng này đều có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh và làm nặng thêm các triệu chứng vận động.
- Triệu chứng trầm cảm ở những người bệnh Parkinson: họ thường có cảm thấy buồn, mất hứng thú.
- Triệu chứng lo âu: có thể bao gồm những cơn hoảng loạn, lo sợ quá mức.
- Mất hứng thú: được định nghĩa là mất động tực, có thể dẫn đến ít nói, ít vận động và biểu lộ cảm xúc
Đọc thêm bài viết của bác sĩ về trầm cảm để có thể chăm sóc bản thân và người thân thật tốt: Trầm cảm: Đôi điều bạn nên biết
-
Rối loạn giấc ngủ
Khó đi vào giấc ngủ và ngủ chập chờn là những vấn đề thường gặp ở nhiều người bệnh Parkinson. Và cũng có thể là những vấn đề như khó ngủ trở lại sau khi thức giấc, chuột rút, ác mộng, đau hoặc đi tiểu đêm nhiều lần. Có một số người khác lại có thể la hét, đấm đá trong lúc ngủ,thậm chí có thể làm gây chấn thương cho chính họ hoặc người ngủ chung trong vô thức.
-
Ngủ ngày
Ngủ quá nhiều vào ban ngày có thể ảnh hưởng đến 75% những người bị bệnh Parkinson. Triệu chứng ngủ ngày có thể nặng hơn khi sử dụng thuốc điều trị bệnh Parkinson
-
Cảm thấy mệt mỏi
Hơn ½ những người bệnh Parkinson cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng.
-
Rối loạn chức năng tự động
Hệ thống thần kinh tự động giúp kiểm soát những chức năng tự động như nhịp tim, tiêu hóa thức ăn, nhịp thở, vã mồ hôi, tiểu tiên và ham muốn tình dục. Ở những người bệnh Parkinson có thể có các triệu chứng như hạ huyết áp tư thế (huyết áp bị hạ sau khi từ ngồi/nằm sang tư thế đứng, dẫn đến cảm giác đầu lâng lâng, chóng mặt và té), táo bón, khó nuốt, vã mồ hôi bất thường, tiểu lắt nhắt, rối loạn chức năng tình dục (tăng hoặc giảm bất thường ham muốn tình dục)
-
Mất khứu giác
Khứu giác thường bị mất ở những người bệnh Parkinson, họ thường khó phát hiện và phân biệt mùi này với mùi khác. Triệu chứng này thường xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh, có thể xảy ra trước những triệu chứng khác mà người bệnh không nhân ra.
-
Đau
Các báo cáo cho thấy rằng gần 40% những người bệnh Parkinson cho thấy rằng họ có cảm giác đau. Đặc điểm của những cơn đau này là đau như bị đâm, đốt hoặc ngứa ở một số vùng của cơ thể như mặt, bụng, bộ phận sinh dục hoặc khớp.
Bình thường, khi nhắc đến bệnh Parkinson, bạn sẽ nghĩ ngay đến triệu chứng run. Hi vọng qua bài viết này cung cấp cho bạn thêm một vài triệu chứng khác của bệnh Parkinson.
5. Bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh Parkinson như thế nào?
Những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh Parkinson cũng có gặp ở những bệnh lý thần kinh khác. Điều quan trọng là phân biệt bệnh Parkinson với những bệnh lý khác bởi điều trị là khác nhau. Tuy nhiên có thể khó chẩn đoán bệnh Parkinson ở giai đoạn sớm của bệnh
5.1. Hỏi bệnh sử và khăm khám lâm sàng
Không có bất kì xét nghiệm máu hoặc hình ảnh nào giúp xác định chẩn đoán bệnh Parkinson. Do đó, chẩn đoán dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng.
Hai trong ba triệu chứng chính (run, chậm vận động, cứng cơ) và các đặc điểm hỗ trợ chẩn đoán bao gồm:
- Triệu chứng khởi phát ở một bên của cơ thể
- Run khi nghỉ, giảm khi vận động
- Các triệu chứng có thể được kiểm soát bởi các thuốc bệnh Parkinson
Trong khi hỏi bệnh sử, bác sĩ có thể sẽ hỏi bệnh nhân những triệu chứng bắt đầu như thế nào, một bên hay hai bên bị ảnh hưởng. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nên cung cấp cho bác sĩ các thông tin như thay đổi cảm xúc, thói quen đi ngủ, đại tiểu tiện hoặc khả năng nghi nhớ.
Bác sĩ cũng có thể sẽ hỏi về những bệnh lý đang mắc phải hoặc thuốc đang điều trị, những chấn thương gần đâu và những khó khăn trong đi lại hoặc thức giấc. Và bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám chức năng thần kinh như phản xạ gân xương, sức cơ, thăng bằng hoặc yêu cầu thực hiện phối hợp động tác.
5.2. Theo dõi đáp ứng với thuốc
Các triệu chứng vận động thường cải thiện đáng kể sau khi dùng thuốc. Nếu không chắc chắn được chẩn đoán và triệu chứng không rõ ràng, có thể xem xét điều trị thử trong ít nhất hai tháng. Nếu các triệu chứng cải thiện đáng kể, thì có khả năng là bệnh Parkinson
Ngược lại, những người có triệu chứng giống bệnh Parkinson do các bệnh khác gây ra (teo cơ hệ thống, sa sút trí tuệ thể Lewy) thường không cải thiện khi dùng thuốc. Điều trị thử không được khuyến cáo cho những người có triệu chứng nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
5.3. Các xét nghiệm hình ảnh học
Các xét nghiệm hình ảnh như cộng hưởng từ (MRI), thường không có ích trong việc xác định xem người đó có mắc bệnh Parkinson . MRI thường được dùng để loại trừ những chẩn đoán khác.
6. Tiên lượng bệnh Parkinson như thế nào? Có nguy hiểm không?
Rất khó tiên lượng ở những người mắc bệnh Parkinson vì diễn tiến rất khác nhau giữa người này với người khác. Hầu hết, bệnh nhân đều đáp ứng tốt với điều trị trong nhiều năm. Nhiều người vẫn lo lắng sẽ bị tàn tật và cuối cùng chết vì bệnh Parkinson. Mặc dù, bản thân bệnh không gây tử vong nhưng nó làm tăng nguy cơ tử vong do các biến chứng như té ngã, suy hô hấp hoặc viêm phổi. Một điều quan trọng cần lưu ý là bệnh Parkinson diễn tiến chậm và các thuốc hiện tại có thể kiểm soát triệu chứng trong một thời gian dài.
7. Bệnh Parkinson có thể chữa khỏi hoàn toàn không?
Thuốc điều trị bệnh Parkinson có thể giúp kiểm soát hoặc cải thiện một số triệu chứng của bệnh như run, vận động chậm chạp và cứng khớp. Hiện tại, chưa có loại thuốc nào giúp chữa khỏi bệnh Parkinson hoặc giúp cho bệnh không diễn tiến nặng dần theo thời gian.
8. Khi nào nên bắt đầu điều trị bệnh Parkinson?
Quyết định khi nào bắt đầu điều trị bệnh Parkinson phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Điều quan trọng nhất cần cân nhắc chính là các triệu chứng ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày của người đó không? Một yếu tố quan trọng khác chính là nhận thức của cá nhân đó về việc sử dụng thuốc.
Hiện có 6 loại thuốc chính để điều trị triệu chứng của bệnh Parkinson: levodopa, chất đồng vận dopamine, chất ức chết men bất hoạt dopamine, thuốc ức chế catechol-O-methyl transferase và amantadine.
9. Những loại thuốc hay dùng trong điều trị bệnh Parkinson là gì?
Các loại thuốc chính được sử dụng để điều trị trong bệnh Parkinson là thuốc đồng vận Levodopa và dopamine.
-
Levodopa (hay L-dopa) trong biệt dược Madopar, Syndopa
Thuốc giúp giảm triệu chứng chậm vận động, cứng cơ và run, do đó có thể giúp cải thiện việc đi lại và vận động của cơ thể. Đây là loại thuốc phổ biến và phù hợp với nhiều người. Levodopa có nhiều dạng khác nhau như carbidopa – levodopa (ví dụ: sindopa) và levodopa – benserazide (Madopar).
Tác dụng phụ thường gặp: buồn nôn và nôn, đau đầu, chóng mặt, dễ buồn ngủ. Những vấn đề này thường không nghiêm trọng và có thể giảm dần theo thời gian. Những tác dụng phụ nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra nhưng hiếm, bao gồm hoang tưởng. Để ngăn ngừa các tác dụng phụ, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để tìm ra liều thấp nhất mà vẫn có tác dụng và thời gian phù hợp nhất trong ngày để uống thuốc.
Những bệnh nhân Parkinson khởi đầu điều trị với levodopa thường đáp ứng tốt. Tuy nhiên hơn ½ những người dùng levodopa trong thời gian dài, có thể có những vấn đề như “dao động vận đông” và “rối loạn vận động”
Dao động vận động rảy ra khi tác dụng của levodopa giảm hoặc mất ngột ngột. Điều này xảy ra mà không có cảnh báo và làm triệu chứng của Parkinson nặng nề hơn. Ví dụ như: một người có thể đột nhiên hoặc ít nhất trong thời gian ngắn, thấy vận động và đi lại khó khăn.
Rối loạn vận động: là những chuyển động bất thường mà cơ thể không kiểm soát được. Những rối loạn này có thể ảnh hưởng các phần khác nhau của cơ thể ví dụ như giật, xoắn vặn tay chân, chuột rút …
Nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào khi dùng levodopa, hãy gặp bác sĩ của bạn để trao đổi. Bác sĩ có thể sẽ thay đổi liều lượng thuốc hoặc đổi sang thuốc khác.
Để tìm hiểu sâu về thuốc Madopar, đọc ngay bài viết của dược sĩ: Thuốc điều trị bệnh Parkinson: Madopar (levodopa, benserazide) và những thông tin lưu ý
-
Thuốc đồng vận Dopamine như: pramipexole, ropinirole
Những loại thuốc này giúp kiểm soát triệu chứng gần giống như levodopa.
Tác dụng phụ thường gặp: buồn nôn, cảm thấy mệt mỏi, phù chân, hoang tưởng và có thể làm cho một số người khó kiểm soát hành vi như đánh bạc hoặc tiêu quá nhiều tiền.
Những thuốc đồng vận Dopamine bao gồm pramipexole (tên thương hiệu: Mirapex), ropinirole (tên thương hiệu: Requip), rotigotine (tên thương hiệu: Neupro), bromocriptine (tên thương hiệu: Parlodel, Cycloset), và apomorine (tên thương hiệu) Thuốc đồng vận dopamine thường được sử dụng cùng với levodopa cho những người mắc bệnh Parkinson nặng.
Tìm hiểu ngay: Bạn biết gì về thuốc điều trị bệnh Parkinson Sifrol (pramipexole)?
-
Những loại thuốc khác
Thuốc ức chế MAO-B, ức chế COMT và amantadine. Những loại thuốc này ít được dùng hơn levodopa và dopamine.
Như vậy, để trả lời cho câu hỏi: Liệu bệnh Parkinson có thể đươc điều trị khỏi hoàn toàn, thì bạn cần biết Parkinson là bệnh mãn tính, hiện tại không có phương pháp điều trị khỏi. Tuy nhiên, nếu kiểm soát tốt triệu chứng, người bệnh vẫn sẽ có được cuộc sống tốt và kéo dài.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Patient education: Parkinson disease symptoms and diagnosis (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/parkinson-disease-symptoms-and-diagnosis-beyond-the-basics
Ngày tham khảo: 16/11/2020