YouMed

Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì: Dấu hiệu và nguyên nhân

chuyên viên tâm lý nguyễn thị hương
Tác giả: Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương
Chuyên khoa: Tâm thần

Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì về mặt bản chất không khác gì so với bệnh trầm cảm ở người lớn. Chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt trong cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng xem đâu là nguyên nhân, biểu hiện của căn bệnh này qua bài viết của Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương nhé!

Về mặt y học, bệnh trầm cảm ở tuổi teen không khác biệt với chứng trầm cảm ở người lớn. Tuy nhiên, cách biểu hiện triệu chứng ở tuổi thanh thiếu niên lại khác với người lớn.1

Việc phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng. Bởi việc kéo dài tình trạng trầm cảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực và làm gián đoạn cuộc sống của trẻ ở tuổi dậy thì.2

Dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì là một giai đoạn đặc biệt. Vào thời điểm này, trẻ có những thay đổi tâm sinh lý và bắt đầu rời xa gia đình. Điều đó khiến cho việc nhận ra các triệu chứng trầm cảm ở lứa tuổi này trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy, một số biểu hiện dưới đây khá rõ ràng và chúng có thể là tín hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Những thay đổi về cảm xúc

Khi mắc trầm cảm tuổi dậy thì, trẻ thường có những thay đổi cảm xúc sau:3

  • Cảm giác buồn bã, ủ rũ là dấu hiệu rõ ràng nhất. Tình trạng này có thể kéo dài và trẻ có thể khóc mà không có lý do rõ ràng.
  • Thất vọng về bản thân, cảm giác vô dụng, tội lỗi.
  • Cảm thấy tuyệt vọng, trống rỗng.
  • Dễ khó chịu, bực bội, dễ tức giận ngay cả với những việc nhỏ.
  • Mất hứng thú, mất niềm vui trong các hoạt động yêu thích thường ngày.
  • Mất niềm vui hoặc dễ xung đột với gia đình và bạn bè.
  • Tự đổ lỗi, tự phê bình nặng nề cho những thất bại trong quá khứ.
  • Sự nhạy cảm tăng lên theo hướng tiêu cực.
  • Khó suy nghĩ, mất tập trung. Việc đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ trở nên khó hơn.
  • Cảm giác cuộc sống và tương lai u tối, ảm đạm.
  • Thường xuyên nghĩ đến cái chết, sắp chết hoặc tự tử.
Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì biểu hiện ở sự thay đổi cảm xúc của trẻ
Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì biểu hiện ở sự thay đổi cảm xúc của trẻ

Những thay đổi về hành vi

Khi bị bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì tấn công, hành vi của trẻ cũng có những thay đổi:3

  • Thường xuyên ở trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức dù nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Xa lánh tập thể, bạn bè và cả người thân trong gia đình.
  • Chán ăn hoặc trở nên cuồng ăn hơn.
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Khả năng tập trung và suy nghĩ lúc này cũng kém đi và do đó, kết quả học tập cũng giảm sút.
  • Ít khi chú ý đến vệ sinh cá nhân và ngoại hình.
  • Có hành vi tự hại bản thân, lên kế hoạch hoặc cố gắng tự sát.

Nguyên nhân của bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì

Cho đến nay, nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì vẫn chưa được xác định. Các nhà nghiên cứu chỉ có thể đưa ra một số yếu tố có liên quan mật thiết với căn bệnh này.1 3

Sự chênh lệch của các chất dẫn truyền thần kinh trong não

Các chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng và hành vi. Trong đó, điển hình nhất là các chất như serotonin, dopamine và norepinephrine. Các nghiên cứu cho thấy khi các chất này ở mức độ thấp có thể gây ra bệnh trầm cảm.4 5

Sự thay đổi của nội tiết tố3

Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì có thể đến từ nguyên nhân thay đổi nội tiết tố. Điều này rõ ràng hơn với các đối tượng là trẻ em gái. Khi đang trong độ tuổi này, estrogen – hormone sinh dục nữ và có liên quan đến trầm cảm – tăng cao. Điều này có thể là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ trầm cảm ở trẻ gái. Tuy nhiên, hormone sinh dục nam – testosterone – lại không liên quan đến căn bệnh này.

Trẻ gái có nguy cơ bị trầm cảm ở tuổi dậy thì cao hơn do sự thay đổi nội tiết tố nữ
Trẻ gái có nguy cơ bị trầm cảm ở tuổi dậy thì cao hơn do sự thay đổi nội tiết tố nữ

Tác động của những sự kiện đau thương1 3

Trẻ em không có khả năng đương đầu với các sự kiện đau thương. Do đó, nếu những sự kiện này xảy ra, chúng có thể dẫn đến những tổn thương lâu dài trong não bộ. Đến một thời điểm thích hợp, chúng có thể bộc phát và dẫn đến trầm cảm. Cha mẹ ly hôn, trẻ bị lạm dụng, mất mát người thân,… đều là những sự kiện có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.

Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì có thể do di truyền1 3

Đã có nghiên cứu cho thấy, trầm cảm có một thành phần sinh học.6 Nó có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái. Đứa trẻ lớn lên trong gia đình có người từng bị trầm cảm cũng dễ mắc căn bệnh này hơn. Mối quan hệ giữa người bị trầm cảm với trẻ càng gần gũi thì nguy cơ càng cao.

Ảnh hưởng bởi các suy nghĩ tiêu cực1 3

Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì có thể khởi phát từ những suy nghĩ tiêu cực mà trẻ bị ảnh hưởng. Những suy nghĩ này có thể đến từ bên trong gia đình và trẻ học được từ người thân. Khi đó, trẻ không học được cách đương đầu và vượt qua thử thách. Thay vào đó, trẻ cảm thấy bất lực với các vấn đề gặp phải và không tìm cách giải quyết chúng.

Những căng thẳng trong cuộc sống3

Trẻ vị thành niên phải đối mặt với những áp lực học hành, các mối quan hệ. Các vấn đề này thường trở nên khắt khe hơn khi trẻ đã bước vào giai đoạn dậy thì. Sự căng thẳng đó có thể tạo ra áp lực và khiến trẻ phát bệnh. Tình trạng trầm cảm ở học sinh phần lớn cũng đến từ nguyên nhân này.

Áp lực học tập có thể là một phần trong những nguyên nhân gây trầm cảm
Áp lực học tập có thể là một phần trong những nguyên nhân gây trầm cảm

Hướng điều trị bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì

Nếu các triệu chứng trầm cảm xuất hiện và kéo dài, trẻ cần được đưa đến gặp người có chuyên môn. Tại đây, trẻ sẽ được thăm khám sức khỏe, làm các bài kiểm tra, xét nghiệm và đánh giá tâm lý để xác định mức độ trầm cảm. Từ đó, bác sĩ sẽ đề xuất hướng điều trị tùy vào tình trạng của người bệnh.3

Trẻ có thể được uống thuốc và tham gia các buổi trị liệu tâm lý. Dù chữa trị bằng cách nào, trẻ cũng cần được theo dõi sát và chăm sóc kỹ lưỡng. Điều này sẽ giúp trẻ có thêm động lực vượt qua bệnh tật. Thay đổi lối sống cũng giúp giảm các triệu chứng trầm cảm tuổi dậy thì. Trẻ mắc trầm cảm nên tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tránh xa caffeine, rượu, bia. Ngoài ra, việc quan tâm kỹ lưỡng cũng giúp phòng ngừa nguy cơ trẻ tự tử.1

Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tự tử cao trong lứa tuổi này. Do đó, người thân cần hết sức lưu ý và quan tâm đến trẻ. Nếu nhận thấy trẻ có những triệu chứng của bệnh, hãy dẫn ngay chúng đến gặp người có chuyên môn. Việc điều trị căn bệnh này sẽ có hiệu quả cao khi tiến hành sớm và kết hợp cả thuốc với các liệu pháp tâm lý. YouMed hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Teen Depressionhttps://www.healthline.com/health/adolescent-depression

    Ngày tham khảo: 16/12/2022

  2. Depression in children and young peoplehttps://www.nhs.uk/mental-health/children-and-young-adults/advice-for-parents/children-depressed-signs/

    Ngày tham khảo: 16/12/2022

  3. Teen depressionhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/teen-depression/symptoms-causes/syc-20350985

    Ngày tham khảo: 16/12/2022

  4. The neuroscience of depressive disorders: A brief review of the past and some considerations about the futurehttps://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/2398212818799269

    Ngày tham khảo: 16/12/2022

  5. Emotional Roles of Mono-Aminergic Neurotransmitters in Major Depressive Disorder and Anxiety Disordershttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6262356/

    Ngày tham khảo: 16/12/2022

  6. The Genetics of Major Depressionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3919201/

    Ngày tham khảo: 16/12/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người