Bệnh quai bị có dẫn đến vô sinh không? Vì sao?
Nội dung bài viết
Quai bị từng là một căn bệnh thường gặp ở trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Ngày nay, số lượng ca bệnh quai bị ít hơn trước do sự có mặt của vắc-xin. Tuy nhiên, quai bị vẫn là mối quan tâm lớn do có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Một trong những câu hỏi thường gặp khi nhắc đến biến chứng của bệnh là bị quai bị có bị vô sinh không? Hãy cùng Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh giải đáp vấn đề này qua bài viết sau nhé!
Mắc quai bị có dẫn đến vô sinh không?
Sau khi nhiễm bệnh quai bị, virus có thể xâm nhập vào dịch não tủy, đây là chất lỏng bao quanh bảo vệ não và cột sống. Sau khi xâm nhập vào dịch não tủy, virus có thể lây lan sang các cơ quan khác trên cơ thể, trong đó có cả các cơ quan sinh sản như tinh hoàn và buồng trứng.
Đối với nam giới
Nếu nam giới bị quai bị trước tuổi dậy thì sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nam giới khi mắc quai bị sau tuổi dậy thì có thể bị viêm tinh hoàn, một tình trạng liên quan đến quai bị gây đau và sưng ở một hoặc cả hai tinh hoàn.1
Từ 10% đến 30% trường hợp nam giới bị quai bị sẽ bị viêm tinh hoàn ở cả hai bên. Trong số những trường hợp này, một số ít có thể bị giảm khả năng sinh sản.2
Viêm tinh hoàn do quai bị có khả năng dẫn đến teo tinh hoàn. Đây là mối lo ngại lớn nhất đối với khả năng sinh sản vì gây giảm sản sinh tinh trùng. Ước tính khoảng 30% đến 50% các trường hợp viêm tinh hoàn có liên quan đến quai bị đã dẫn đến tình trạng teo tinh hoàn.2 Điều này ít có khả năng dẫn đến vô sinh, thay vào đó, nó làm giảm số lượng tinh trùng khỏe mạnh. Sự sụt giảm này hiếm khi nghiêm trọng đến mức gây ra bất kỳ vấn đề nào về sinh sản, nếu người bệnh được điều trị từ sớm.
Tóm lại, bệnh quai bị sẽ rất hiếm khi dẫn đến vô sinh ở nam. Tuy nhiên, nó có thể làm giảm khả năng sinh sản trong một số trường hợp, khiến việc thụ thai tự nhiên khó khăn hơn một chút.
Đối với nữ giới
Ở nữ giới, nguy cơ vô sinh do quai bị thấp hơn ở phái nam. Phụ nữ có thể bị viêm buồng trứng hay viêm tuyến vú do quai bị, nhưng điều này không làm tăng nguy cơ vô sinh. Các vấn đề như đau bụng dưới, ốm yếu và sốt cao chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và các triệu chứng sẽ hết khi cơ thể bạn đã chống lại nhiễm trùng, không ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản sau này.1
Vô sinh do quai bị có chữa được không?
Như đã trình bày, quai bị hiếm khi dẫn đến vô sinh nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới trong một số trường hợp. Và hiện nay, vấn đề suy giảm sức khỏe sinh sản có thể được giải quyết bằng một số phương pháp hỗ trợ.
Cụ thể, khi lo lắng sức khỏe sinh sản bị ảnh hưởng bởi quai bị, người bệnh có thể tiến hành xét nghiệm phân tích tinh trùng. Nếu kết quả cho thấy có vấn đề, bệnh nhân có thể lựa chọn một số phương pháp hỗ trợ thụ tinh, như: thực hiện kỹ thuật tiêm tinh trùng trưởng thành vào tế bào chất trong ống nghiệm (IVM-ICSI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và thụ tinh nhân tạo trong tử cung (IUI).
Ngoài ra, việc thay đổi lối sống lành mạnh cũng là một biến pháp hỗ trợ tốt. Chẳng hạn như: hạn chế sử dụng bia rượu, bỏ hút thuốc và duy trì cân nặng ở mức ổn định, khỏe mạnh.
Các biến chứng nguy hiểm khác của bệnh quai bị
Quai bị còn có thể dẫn đến viêm màng não. Biến chứng này xảy ra khi virus quai bị lây lan đến lớp bảo vệ bên ngoài của não (màng não). Viêm màng não do quai bị đặc trưng bởi các triệu chứng: nhạy cảm với ảnh sáng, cứng cổ, đau đầu,…1
Một biến chứng khác có thể kể đến khi mắc quai bị là viêm tụy. Một số ít trường hợp quai bị có thể dẫn đến viêm tụy cấp tính, người bệnh sẽ thấy đau giữa bụng một cách đột ngột. Ngoài ra, viêm tụy cấp còn gây tiêu chảy, sốt, đau bụng, ăn không ngon,…1
Bên cạnh đó, quai bị còn có thể gây viêm não, mất thính giác, hội chứng Guillain Barre, viêm tuyến giáp, viêm đa dây thần kinh, viêm phổi, viêm khớp, viêm tuyến mang tai,…3
Cách phòng ngừa bệnh quai bị
Ai cũng có thể mắc quai bị, bất kể độ tuổi hay giới tính nào. Bệnh quai bị có thể được ngăn ngừa bằng MMR – loại vắc-xin kết hợp bảo vệ chống lại ba bệnh sởi, quai bị và rubella.
CDC khuyến nghị trẻ em nên tiêm hai liều vắc-xin MMR:4
- Liều đầu tiên từ 12 đến 15 tháng tuổi.
- Liều thứ hai lúc 4 đến 6 tuổi.
Thanh thiếu niên và người lớn cũng nên cập nhật thông tin về việc tiêm vắc-xin MMR.
Vắc-xin MMR được xác định là an toàn và hiệu quả. Hầu hết trẻ em không có bất kỳ tác dụng phụ nào từ vắc-xin. Các tác dụng phụ xảy ra thường rất nhẹ, chẳng hạn như sốt hoặc phát ban.4
Theo Centers for Disease Control and Prevention – CDC, một liều vắc-xin MMR có thể giảm 78% nguy cơ mắc quai bị, và hai liều MMR có thể giảm 88% nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm này.4
Qua bài viết, Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh hy vọng đã giúp bạn đọc giải đáp các thắc mắc bị quai bị có vô sinh không. Hãy tìm hiểu thông tin về việc tiêm ngừa và các chủng ngừa để bạn và các thành viên trong gia đình có được bức tường bảo vệ tốt nhất nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Mumpshttps://www.nhs.uk/conditions/mumps/
Ngày tham khảo: 20/02/2023
-
Mumps orchitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1633545/
Ngày tham khảo: 20/02/2023
-
Mumpshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534785/
Ngày tham khảo: 20/02/2023
-
Mumps Vaccinationhttps://www.cdc.gov/mumps/vaccination.html
Ngày tham khảo: 20/02/2023