YouMed

Biểu hiện trẻ bị viêm tai giữa mà cha mẹ cần biết

Bác sĩ HUỲNH NGUYỄN UYÊN TÂM
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Chuyên khoa: Nhi

Nhiễm trùng tai là bệnh lí rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Hai vị trí thường bị viêm ở trẻ em là vùng tai giữa và tai ngoài. Hầu hết viêm tai giữa ở trẻ nhanh chóng thuyên giảm và thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn có một số biểu hiện trẻ bị viêm tai giữa mà cha mẹ không nên chủ quan. Vì nếu không điều trị kịp thời, nó có thể để lại nhiều biến chứng. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm tìm hiểu một số biểu hiện trẻ bị viêm tai giữa, cũng như cách điều trị tình trạng này cho bé nhé.

Viêm tai giữa ở trẻ là gì?

Nhiễm trùng tai xảy ra khi virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tai giữa, không gian phía sau màng nhĩ. Khi trẻ bị nhiễm trùng tai (hay còn gọi là bệnh viêm tai giữa), vùng tai giữa chứa đầy mủ (dịch bị nhiễm trùng). Do đó, mủ tích tụ phía sau màng nhĩ làm các bộ phận của tai giữa bị nhiễm trùng và sưng lên.1 2

Nếu con bạn bị đau họng, sổ mũi giống cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên, vi khuẩn có thể lây lan đến tai giữa thông qua vòi tai (kênh kết nối vùng tai giữa với cổ họng).1 2

Xem thêm: Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ, các mẹ chớ chủ quan

Viêm tai giữa ở trẻ dễ xuất hiện hơn người lớn vì hai lý do:2 3

  • Hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển. Do đó, khả năng chống lại nhiễm trùng còn hạn chế.
  • Vòi tai có chiều dài ngắn hơn và nằm ngang hơn, khiến chất lỏng chảy ra khỏi tai khó khăn hơn.

Những biểu hiện trẻ bị viêm tai giữa

Đau tai là dấu hiệu chính của bệnh viêm tai giữa ở trẻ. Con bạn có thể bị nhiễm trùng tai trước khi trẻ đủ lớn để nói chuyện. Điều đó có nghĩa là các bậc cha mẹ thường không đoán được lý do tại sao con mình có vẻ đau đớn hay khó chịu bất thường. Khi con bạn không thể nói “Tai con đau”, những dấu hiệu sau có thể giúp bạn nhận biết biểu hiện trẻ bị viêm tai giữa:1 2 3

  • Sốt, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
  • Bú hoặc ăn kém, khó ngủ. Động tác nhai, mút, và tư thế nằm có thể gây ra những thay đổi áp lực gây đau tai.
  • Trẻ lớn có thể phàn nàn về đau tai. Nhưng trẻ nhỏ hơn có thể chỉ gãi hay cào tai. Ngoài ra, trẻ có thể quấy khóc nhiều hơn bình thường.
  • Chảy dịch tai (máu hoặc mủ), có thể có mùi hôi.
  • Đối với trẻ lớn có thể gặp khó khăn về thính giác như nghe kém, mất tập trung…
  • Nếu áp lực từ chất lỏng tích tụ đủ cao, nó có thể làm thủng màng nhĩ. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây thủng màng nhĩ ở trẻ em. Nếu bị tình trạng này, trẻ có thể cảm thấy chóng mặt hoặc buồn nôn và ù tai.
Trẻ có thể gãi vì ngứa và khó chịu ở tai do viêm tai giữa
Trẻ có thể gãi vì ngứa và khó chịu ở tai do viêm tai giữa

Khi nào trẻ viêm tai giữa cần gặp bác sĩ?

Rất hiếm khi viêm tai giữa ở trẻ không thể điều trị khỏi hoàn toàn hoặc tái phát nặng để dẫn đến biến chứng. Vì vậy, nếu con bạn bị đau tai, chảy dịch ở tai hoặc có cảm giác ù tai, đặc biệt là khi kèm theo sốt, bé nên được bác sĩ thăm khám khi triệu chứng không thuyên giảm sau một vài ngày.

Những vấn đề khác cũng có thể gây đau tai như mọc răng, dị vật trong tai hoặc ráy tai khô cứng. Bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân khiến trẻ khó chịu và điều trị thích hợp.2 3

Xem thêm: Dị vật trong tai: Khi nào cần đến khám bác sĩ?

Bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu triệu chứng không thuyên giảm sau một vài ngày
Bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu triệu chứng không thuyên giảm sau một vài ngày

Cách điều trị và chăm sóc trẻ viêm tai giữa

Để điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ, bác sĩ cần đánh giá tổng quan nhiều vấn đề sau:1

  • Mức độ nghiêm trọng của viêm tai giữa.
  • Tần suất trẻ bị viêm tai giữa.
  • Tình trạng nhiễm trùng này đã kéo dài bao lâu.
  • Tuổi của đứa trẻ và bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác.
  • Liệu nhiễm trùng có ảnh hưởng đến thính giác không.

Mức độ bệnh viêm tai giữa ở trẻ sẽ ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị. Không phải tất cả các trường hợp đều cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Vì hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai có thể tự khỏi. Vậy nên có thể bác sĩ sẽ cho trẻ theo dõi tại nhà. Trẻ sẽ được dùng thuốc giảm đau mà không cần dùng kháng sinh trong vài ngày để xem tình trạng nhiễm trùng có thuyên giảm hay không.1 2 3

Điều trị nội khoa

Thuốc kháng sinh không được kê đơn thường xuyên vì:2

  • Không giúp cải thiện nếu nhiễm trùng do virus gây ra.
  • Không đưa dịch mủ ra khỏi tai giữa.
  • Có thể gây ra tác dụng phụ.

Ngoài ra, lạm dụng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc, khó điều trị hơn nếu bị tái phát.

Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, liệu trình 10 ngày thường được khuyến nghị. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên không bị nhiễm trùng nặng có thể dùng một đợt điều trị ngắn hạn từ 5 đến 7 ngày.

Dù điều trị bằng thuốc kháng sinh hay không, bạn có thể làm dịu đi sự khó chịu bằng cách cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau và hạ sốt khi cần thiết. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên sử dụng thuốc nhỏ tai giảm đau nếu màng nhĩ không bị thủng.1 2 3

Điều trị ngoại khoa

Một số trẻ em, chẳng hạn như những trường hợp nhiễm trùng tái phát, những trẻ bị mất thính lực kéo dài hoặc chậm nói, có thể cần phẫu thuật ống tai.1 2

Với những trường hợp đặc biệt, trẻ có thể cần phải phẫu thuật ống tai
Với những trường hợp đặc biệt, trẻ có thể cần phải phẫu thuật ống tai

Chăm sóc tại nhà

Một số biện pháp giúp chăm sóc bé bị viêm tai giữa tại nhà bao gồm:1 2 3

  • Nên rửa tay thường xuyên mỗi ngày. Cách tốt nhất để bảo vệ con bạn chống lại cảm lạnh và cảm cúm là giữ cho tay của bạn sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ. Đặc biệt là trong thời gian trẻ bị bệnh.
  • Trẻ em bị nhiễm trùng tai nên tránh đi bơi trong vòng một tuần để vết thương mau lành.
  • Con bạn có thể ngủ ngon hơn vào ban đêm nếu nâng đầu cao lên khi nằm (bằng cách kê thêm gối).
  • Không nên để người khác hút thuốc trong nhà hoặc xung quanh con bạn. Khói thuốc lá đã được chứng minh là có thể ngăn chất lỏng thoát ra khỏi màng nhĩ.
  • Chích ngừa cho con bạn là một trong những cách phòng tránh bệnh viêm tai giữa hiệu quả. Những trẻ được chích vắc xin sẽ ít bị nhiễm trùng tai hơn so với những trẻ chưa được tiêm phòng.

Viêm tai giữa ở trẻ có thể xảy ra nhiều lần trong một năm. Thường là một lần mỗi tháng. Thuốc kháng sinh thường không cần thiết đối với viêm tai giữa. Việc nhận biết những biểu hiện trẻ bị viêm tai giữa sẽ giúp cha mẹ có thể giúp bác sĩ đánh giá và đưa ra điều trị thích hợp, giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Ear Infections in Babies and Toddlershttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/ear-infections-in-babies-and-toddlers

    Ngày tham khảo: 26/07/2022

  2. Middle Ear Infections (Otitis Media)https://kidshealth.org/en/parents/otitis-media.html

    Ngày tham khảo: 26/07/2022

  3. Ear infections and glue earhttps://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Ear_infections_and_Otitis_media/

    Ngày tham khảo: 26/07/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người