YouMed

Bác sĩ giải đáp: Chỉ số đường huyết lúc đói bình thường là bao nhiêu?

BS Huỳnh Tấn Hùng
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Tấn Hùng
Chuyên khoa: Nội tiết

Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính xu hướng ngày càng gia tăng và được xem như một “đại dịch” trên toàn thế giới. Có nhiều phương pháp giúp tầm soát và chẩn đoán sớm rối loạn đường huyết. Một trong số đó là xét nghiệm đường huyết lúc đói. Vậy chỉ số đường huyết lúc đói bình thường là bao nhiêu? Mời bạn cùng Bác sĩ Huỳnh Tấn Hùng tìm hiểu về đường huyết lúc đói, cũng như cách xét nghiệm đường huyết lúc đói qua bài viết ngay sau đây.

Chỉ số đường huyết lúc đói bình thường là bao nhiêu?

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ và Bộ Y Tế Việt Nam xét nghiệm đường huyết lúc đói, cùng với chỉ số HbA1c và đường huyết tương 2 giờ sau khi uống 75 gram glucose, là các chỉ số giúp chẩn đoán tiền đái tháo đường và đái tháo đường. Đặc biệt ở những bệnh nhân không có triệu chứng tăng đường huyết.1 2

Các xét nghiệm giúp tầm soát và chẩn đoán đái tháo đường
Các xét nghiệm giúp tầm soát và chẩn đoán đái tháo đường.

Tùy vào các đối tượng khác nhau, đường huyết lúc đói, hay nói ngắn gọn là đường huyết đói, có thể thay đổi như sau:

Đối với người bình thường

Ở người bình thường, chỉ số đường huyết lúc đói nằm trong khoảng từ 70 đến dưới 100 mg/dL (từ 3.9 đến dưới 5.6 mmol/L).3

Đối với người mắc đái tháo đường

Ở người mắc tiểu đường, mục tiêu đường huyết lúc đói có khác biệt so với người bình thường, cụ thể:1 2

Đối tượng Mục tiêu chỉ số đường huyết lúc đói
Người lớn (nam giới và phụ nữ không mang thai) Duy trì trong giới hạn từ 80 đến 130 mg/dL (4.4 – 7.2 mmol/L)
Phụ nữ có đái tháo đường thai kỳ Trong giới hạn từ 70 đến dưới 95 mg/dL (3.9 – 5.3 mmol/L)
Người cao tuổi (≥ 60 ở Việt Nam) khoẻ mạnh, ít bệnh mạn tính kèm theo, khả năng nhận thức tốt Mục tiêu đường huyết đói trong khoảng từ 80 đến 130 mg/dL (4.4 – 7.2 mmol/L)
Người cao tuổi có nhiều bệnh mạn tính kèm theo, hoặc có suy giảm nhận thức, có nguy cơ té ngã hoặc nguy cơ bị hạ đường huyết Mục tiêu đường huyết đói từ 90 đến 150 mg/dL (5.0 – 8.3 mmol/L)
Người cao tuổi có sức khoẻ yếu, nhiều bệnh mạn tính giai đoạn cuối, khả năng nhận thức suy kém, thời gian sống còn lại ngắn Mục tiêu đường huyết đói không cần quá chặt chẽ từ 100 đến 180 mg/dL (5.6 – 10.0 mmol/L)

Chỉ số đường huyết đói bất thường cảnh báo bệnh gì?

Bình thường, đường huyết đói được duy trì trong khoảng từ 70 – 100 mg/dL nhờ hoạt động ổn định của gan. Gan sẽ tái tạo đường cho cơ thể sử dụng từ các nguồn dự trữ để đảm bảo không bị hạ đường huyết vào buổi sáng sau một giấc ngủ dài. Quá trình này được kiểm soát bởi hormone insulin và sự nhạy cảm của gan đối với insulin. Khi gan không còn nhạy cảm với insulin nữa (còn gọi là đề kháng insulin), hoạt động tạo đường của gan sẽ không bị ức chế. Hậu quả là đường huyết đói buổi sáng sẽ bị rối loạn.4

Với mức đường huyết đói từ 100 đến 125 mg/dL

Bệnh nhân đang có tình trạng rối loạn đường huyết đói, là một dạng tiền đái tháo đường.

Tiền đái tháo đường được hiểu là khi mức đường huyết cao hơn giá trị bình thường, nhưng vẫn chưa thoả tiêu chí chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Mặc dù vậy, tiền đái tháo đường vẫn làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch. Và đặc biệt là chuyển sang đái tháo đường.

Khoảng 5 – 10% người tiền đái tháo đường sẽ trở thành đái tháo đường hàng năm. Và tổng cộng 70% người tiền đái tháo đường sẽ trở thành đái tháo đường thực sự. Vì thế, việc chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp, bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục, giảm cân, và dùng thuốc khi có chỉ định, sẽ giúp giảm tiến triển tiền đái tháo đường thành đái tháo đường thực sự.5

Thực hiện lối sống lành mạnh giúp kiểm soát nguy cơ tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường
Thực hiện lối sống lành mạnh giúp kiểm soát nguy cơ tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường

Với mức đường huyết đói từ 126 mg/dL trở lên

Đối với mức đường huyết đói này, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một trong ba xét nghiệm sau đây. Điều này nhằm khẳng định người bệnh có bị đái tháo đường thật sự hay không:1 6

  • Xét nghiệm đường huyết đói lần thứ 2 vào ngày khác.
  • Hoặc xét nghiệm thêm chỉ số HbA1c.
  • Hoặc có thể xét nghiệm đường huyết tương 2 giờ sau uống 75 gram glucose. Người bệnh sẽ được cho uống đường sinh học 75 gram và thực hiện đo sau 2 tiếng.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ và Hội Nội Tiết Việt Nam, tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dựa vào một trong những tiêu chí sau đây:1 6

  1. Đường huyết tương lúc đói: ≥ 126 mg/dL (7.0 mmol/L).
  2. Đường huyết tương sau 2 giờ uống 75 gram glucose làm nghiệm pháp dung nạp glucose: ≥ 200 mg/dL (11.1 mmol/L).
  3. Xét nghiệm HbA1C: ≥ 6.5 % (48 mmol/mol). Xét nghiệm phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chứng nhận và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn xét nghiệm đạt yêu cầu.
  4. Trên những bệnh nhân có các triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết hay đường huyết tăng rất cao, đường huyết bất kì: ≥ 200 mg/dL (11.1 mmol/L).

Chẩn đoán xác định nếu có hai kết quả trên ngưỡng chẩn đoán trong cùng 1 mẫu máu xét nghiệm, hoặc ở 2 thời điểm khác nhau đối với tiêu chí 1, 2 hoặc 3; riêng tiêu chí 4, chỉ cần một lần xét nghiệm duy nhất.

Với mức đường huyết đói dưới 70 mg/dL (3.9 mmol/L)

Với mức đường huyết đói này nghĩa là bạn đang có tình trạng hạ đường huyết.

Hạ đường huyết được phân làm nhiều mức độ:1

  • Độ 1: Đường huyết từ 54 đến dưới 70 mg/dL (3.0 đến dưới 3.9 mmol/L).
  • Độ 2: Đường huyết dưới 54 mg/dL (dưới 3.0 mmol/L). Ở ngưỡng này, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như run tay chân, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, đói bụng, cảm giác cồn cào, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu,…
  • Độ 3: Hạ đường huyết nặng thay đổi tri giác, hoặc thay đổi toàn thân cần có người hỗ trợ.

Hạ đường huyết là một trong những biến chứng rất thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Trường hợp này cần phải xử trí ngay bằng ăn hoặc uống đường tác dụng nhanh. Và cần kiểm tra lại đường huyết sau đó.

Cách đo chỉ số đường huyết lúc đói

Đối với người chưa bị tiền đái tháo đường hay đái tháo đường

Để tầm soát bệnh, người muốn làm xét nghiệm nên đến các cơ sở y tế, và lưu ý một số thông tin như sau:

  • Trước khi thực hiện xét nghiệm, cần nhịn ăn trong ít nhất 8 giờ trước khi tiến hành xét nghiệm đường huyết đói. Nhịn ăn có nghĩa là không nhập calo vào cơ thể, hay nói cách khác là không ăn hoặc uống gì (trừ nước lọc/nước tinh khiết) trong ít nhất 8 giờ.1 6
  • Xét nghiệm đường huyết đói thường được thực hiện vào buổi sáng, trước khi ăn sáng. Vì khi đó bạn đã có một giấc ngủ dài, đủ thời gian để nhịn ăn.
  • Đường huyết đói trong tình huống này là lấy máu tĩnh mạch. Xét nghiệm này được thực hiện tại các cơ sở y tế. Điều dưỡng hoặc bác sĩ sẽ thực hiện lấy máu tĩnh mạch. Mẫu máu sau đó sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích kết quả.
  • Bệnh nhân nên mặc áo ngắn tay để nhân viên y tế dễ dàng lấy máu tĩnh mạch ở cánh tay.

Về chi phí, xét nghiệm đường huyết đói là một xét nghiệm phổ biến, dễ thực hiện, và giá thành rẻ.

Nhân viên y tế lấy máu làm xét nghiệm đường huyết lúc đói
Nhân viên y tế lấy máu làm xét nghiệm đường huyết lúc đói

Đối với người đã được chẩn đoán tiền đái tháo đường, hay đái tháo đường

Đối với trường hợp này, người bệnh có thể đo đường huyết mao mạch lúc đói; hoặc đường huyết mao mạch trước các bữa ăn (sáng, trưa, chiều), đặc biệt là buổi sáng, để theo dõi đáp ứng với điều trị. Từ đó có cơ sở để bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc thích hợp cho bệnh nhân. 

Các bước đo chỉ số đường huyết lúc đói tại nhà7

  1. Bệnh nhân cần chuẩn bị một máy đo đường huyết, que thử, kim lấy máu.
  2. Sát trùng hoặc rửa sạch đầu ngón tay.
  3. Chuẩn bị kim lấy máu.
  4. Chuẩn bị que thử, gắn que thử vào máy đo đường huyết.
  5. Bấm kim lấy máu vào đầu ngón tay lấy giọt máu, và đưa vào que thử.
  6. Đọc kết quả.

Xem thêm: Bạn đã biết cách thử đường huyết tại nhà chưa?

Lưu ý

Người bệnh nên mua các sản phẩm đo đường huyết tại nhà ở các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, cần chú ý máy đo và que thử phải khớp mã vạch với nhau. Điều này nhằm tránh tình trạng dùng máy đo này, nhưng que thử khác sẽ không thực hiện được việc đo đường huyết. 

Bệnh nhân nên hỏi ý kiến nhân viên y tế để được hướng dẫn cách sử dụng máy đo đường huyết tại nhà một cách chính xác. 

Để giảm đau khi lấy máu, người bệnh nên lấy máu cạnh bên ngón tay vì nhiều mao mạch và ít đầu tận thần kinh. Mỗi lần lấy máu nên lấy ở các đầu ngón tay khác nhau. Không nên bóp nặn đầu ngón tay để lấy máu, mà hạ thấp bàn tay xuống khoảng vài giây để dồn máu xuống.

Chú ý kết quả hiển thị theo đơn vị mg/dL hoặc mmol/L (1 mmol/L = 18 mg/dL) tùy vào loại máy. Và khi ghi chép kết quả bạn ghi cả đơn vị để tránh nhầm lẫn. Mỗi lần đi tái khám, bệnh nhân nên đem theo sổ ghi chép kết quả đường huyết đói, hoặc bất kỳ đường huyết mao mạch mà bạn xét nghiệm tại nhà (nên ghi lại thời điểm xét nghiệm, bữa ăn). Để bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc cho thích hợp.

Người bệnh nên thực hiện đo chỉ số đường huyết đói tại nhà đúng cách
Người bệnh nên thực hiện đo chỉ số đường huyết đói tại nhà đúng cách

Một số lưu ý khi xét nghiệm đường huyết đói

Đối tượng nào cần làm xét nghiệm đường huyết đói?

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 2 của Bộ Y tế 2020 dành cho người Việt Nam, các đối tượng sau nên tầm soát phát hiện tiền đái tháo đường, hoặc đái tháo đường:1

Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:

  • Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị đái tháo đường.
  • Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
  • Tăng huyết áp (huyết áp ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị tăng huyết áp).
  • HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/L) và/hoặc triglyceride > 250mg/dL (2,8mmol/L).
  • Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Ít hoạt động thể lực.
  • Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với đề kháng insulin (ví dụ: dấu gai đen,…).

Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi lâu dài. Xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm một lần.

Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên.

Thực hiện bao lâu một lần?

Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1 – 3 năm sau; hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.1

Các đối tượng này có thể xét nghiệm đường huyết đói, hoặc chỉ số HbA1c, hoặc đo đường huyết tương 2 giờ sau uống 75 gram glucose. Tuy nhiên đường huyết đói là xét nghiệm đơn giản, phổ biến và thường có giá thành rẻ hơn các xét nghiệm trên.

Một số rủi ro có thể xảy ra

Xét nghiệm đường huyết đói khá an toàn đối với bệnh nhân. Tuy nhiên vẫn có một số rủi ro chung khi lấy máu tĩnh mạch:

  • Bầm tím hoặc tụ máu dưới da.
  • Nhiễm trùng tại nơi lấy máu nếu kĩ thuật viên không đảm bảo vô khuẩn.
  • Buồn nôn, chóng mặt, choáng váng do nhịn ăn thời gian dài trước khi làm xét nghiệm.

Lưu ý một số dấu hiệu bất thường

Người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, khi có những dấu hiệu bất thường sau đây:

  • Đi tiểu nhiều hơn, với số lần đi tiểu tăng và tiểu lắt nhắt.
  • Khát nước thường xuyên.
  • Uống nước nhiều hơn, uống háo hức và vượt lượng nước uống bình thường.
  • Nước tiểu có dấu hiệu bị kiến bu.

Trên đây là những thông tin về chỉ số đường huyết lúc đói và những vấn đề liên quan. Chỉ số đường huyết phản ánh sự chuyển hóa của cơ thể. Nó phải được duy trì trong ngưỡng bình thường, theo từng đối tượng khác nhau. Nếu có những dấu hiệu bất thường của cơ thể, hoặc là đối tượng có nguy cơ tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường, người bệnh nên đến cơ sở y tế để xét nghiệm tầm soát và có hướng xử trí phù hợp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Quyết định 5481/QĐ-BYT Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2Quyết định 5481/QĐ-BYT Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2https://luatvietnam.vn/y-te/quyet-dinh-5481-qd-byt-huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-dai-thao-duong-tip-2-196326-d1.html

    Ngày tham khảo: 22/08/2022

  2. 15. Management of Diabetes in Pregnancy: Standards of Medical Care in Diabetes—2022https://diabetesjournals.org/care/article/45/Supplement_1/S232/138916/15-Management-of-Diabetes-in-Pregnancy-Standards

    Ngày tham khảo: 22/08/2022

  3. Mean fasting blood glucosehttps://www.who.int/data/gho/indicator-metadata-registry/imr-details/2380

    Ngày tham khảo: 22/08/2022

  4. Role of Liver in Glucose Homeostasis https://diabetesjournals.org/care/article/3/2/261/21592/Role-of-Liver-in-Glucose-Homeostasis

    Ngày tham khảo: 22/08/2022

  5. Quyết định số 3087/QĐ-BYT ngày 16 tháng 7 năm 2020 Về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường”https://kcb.vn/van-ban/quyet-dinh-so-3087-qd-byt-ngay-16-thang-7-nam-2020-ve-viec-ban-hanh-tai-lieu-chuyen-mon-huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-.html

    Ngày tham khảo: 22/08/2022

  6. 2. Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Medical Care in Diabetes—2022https://diabetesjournals.org/care/article/45/Supplement_1/S17/138925/2-Classification-and-Diagnosis-of-Diabetes

    Ngày tham khảo: 22/08/2022

  7. The Big Picture: Checking Your Blood Glucosehttps://diabetes.org/healthy-living/medication-treatments/blood-glucose-testing-and-control/checking-your-blood-sugar

    Ngày tham khảo: 22/08/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người