Da không đều màu: Nguyên nhân và cách điều trị
Nội dung bài viết
Việc có một làn da không đều màu hiện nay là một mối quan tâm của nhiều người. Nó có thể xuất hiện dưới dạng các vùng có màu sắc bất thường ở trên mặt hay các bộ phận khác của cơ thể. Tuy hầu hết các trường hợp da không đều màu không phải là dấu hiệu của vấn đề y tế, nhưng nó lại gây nhiều trở ngại về mặt thẩm mỹ. Hãy cùng Bác sĩ Hoàng Trung Hiếu tìm hiểu về biểu hiện, nguyên nhân và các cách điều trị cho tình trạng da không đều màu nhé.
Thế nào là không đều màu?
Nói chung, da không đều màu là một thuật ngữ dùng chung cho các vấn đề trên da như là kết cấu da, đốm màu bất thường trên da, khuôn mặt đỏ bừng hoặc hiện tượng tăng sắc tố (vết thâm, sạm nâu đen trên da).1
Một số người thường gọi da không đều màu là những rối loạn sắc tố. Có nhiều tình trạng khác nhau có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và hoạt động của các tế bào sắc tố (melanocyte), hiện diện trong cấu trúc da và tạo ra các mảng da đổi màu.1
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng da không đều màu đó là tăng sắc tố da, đây là hiện tượng da của bạn sản xuất quá mức sắc tố gọi là melanin. Tăng sắc tố melanin có thể là do tăng số lượng tế bào tạo sắc tố hay số lượng tế bào tạo sắc tố bình thường nhưng có sự tăng hoạt động của chúng, hoặc là do cả hai.2
Thông thường tăng sắc tố ảnh hưởng nhiều hơn ở những người có làn da sẫm màu hơn so với những người có làn da sáng màu. Người Châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng đa phần được xếp vào tuýp da vàng, nên hay gặp tình trạng da tăng sắc tố hơn nhiều so với người da trắng Châu Âu,…
Tại sao da không đều màu?
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng da không đều màu, trong đó có một số nguyên nhân phổ biến hay gặp ở mọi người là:1
Tổn thương da do ánh sáng mặt trời
Đây là nguyên nguyên phổ biến gây ra vấn đề da không đều màu, khi da bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, trong đó chủ yếu nhắc tới tia UV, bao gồm tia UVA và tia UVB.
Các nghiên cứu vào năm 2009 và 2022 đã chỉ ra các tia UV góp phần làm tăng sắc tố da và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề da khác.3 4
Những tia này khi tác động lên da sẽ khiến ngày càng lão hóa da, chảy xệ, mất tính đàn hồi, da sẽ phản ứng lại bằng cách tăng sản xuất sắc tố melanin mục đích để bảo vệ da khỏi ánh nắng. Điều này là có lợi cho làn da của bạn nhưng cũng làm cho da bạn xuất hiện các đốm da sậm màu và màu da không đồng đều.
Mụn trứng cá và sẹo mụn
Như bạn cũng biết thì mụn trứng cá chủ yếu do 4 cơ chế gây nên là:5
- Tăng sản thượng bì vùng nang lông (sừng hóa nang lông).
- Tăng tiết quá mức bã nhờn.
- Sự hiện diện và hoạt động của vi khuẩn Cutibacterium acnes.
- Hiện tượng viêm.
Mụn trứng cá có thể khiến làn da của bạn trở nên viêm và ửng đỏ, từ đó để lại các vết thâm đen mà thường được gọi là chứng tăng sắc tố sau viêm hay mụn tăng sắc tố.
Thêm vào đó, sẹo mụn trứng cá như là sẹo rỗ hay sẹo lồi, sẹo phì đại sẽ làm bề mặt da không trơn láng mà nhấp nhô, từ đó làm tình trạng da không đều màu của bạn hiện rõ hơn.
Thay đổi nội tiết tố (hormone)
Nám má (hay rám má) là một loại tăng sắc tố đặc biệt, do nhiều cơ chế góp phần nên, trong đó có một phần do sự tăng sản xuất hormone.
Điều này thể hiện rõ nhất đó là nám má thường xảy ra hay nặng hơn ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai, và nó cũng có thể ảnh hưởng đến những phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố.
Tình trạng nám da phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Tuy nhiên, bất kỳ ai tiếp xúc với tia UV nhiều cũng có thể tạo ra nhiều hormone làm tăng sắc tố melanin.6
Lão hóa da
Bạn có thể nhận thấy người lớn tuổi có thể có màu da không đồng nhất, màu sắc da có chỗ đều màu, có chỗ không đều màu hơn so với người trẻ tuổi. Bởi vì nhiều lý do:
- Tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời.
- Sử dụng các loại thuốc thoa và thuốc uống có thể làm tăng sắc tố da.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, các vấn đề về tăng sắc tố da, bao gồm tăng sắc tố sau viêm và nám má có thể xảy ra trên tất cả các loại da bị lão hóa.7
Da bị tổn thương
Vết cắn, bỏng da và các chấn thương da khác như cọ xát, ma sát lâu ngày cũng có thể góp phần gây tăng sắc tố da sau viêm.
Ngoài ra còn do các tình trạng da bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh trứng cá đỏ hay viêm da cơ địa,… có thể gây đỏ bừng và làm cho da không đều màu.
Cách khắc phục da không đều màu tại nhà
Một số cách sau có thể hỗ trợ bạn khắc phục tình trạng da không đều màu:1
Phương pháp “wait- and – see” (chờ đợi và quan sát)
Đôi khi, điều trị là không cần thiết vì màu da bất thường sẽ mất dần và tự cải thiện sau một thời gian. Trường hợp này thường xảy ra với chứng tăng sắc tố da trong thời kỳ mang thai (nám má trong thay kỳ), đa phần sẽ tự khỏi mà không cần điều trị cụ thể gì trong vòng 12 tháng.8
Tương tự vậy, tình trạng tăng sắc tố sau viêm (thường do mụn trứng cá, chấn thương da,…) thường sẽ tự hết theo thời gian.
Ưu điểm
Phương pháp này không tốn chi phí.
Nhược điểm
Vấn đề da không đều màu tự hết chỉ xảy ra ở một vài trường hợp đặc biệt. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, bạn nên chủ động tìm đến bác sĩ thay vì chờ đợi những thay đổi từ da.
Loại bỏ tác nhân làm da không đều màu
Nếu bạn nghi ngờ và xác định được một sản phẩm chăm sóc da mới sử dụng gần đây hoặc viên uống ngừa thai gây ra tình trạng tăng sắc tố da, việc ngừng sử dụng chúng có thể giải quyết vấn đề da trong vòng từ 6 – 12 tháng. Tuy nhiên, một số đốm hay mảng da sẫm màu nghiêm trọng có thể thể cần nhiều thời gian hơn đề có thể tự mờ đi.
Điều trị các bệnh lý da liễu bạn đang mắc phải
Nếu bạn đang có bệnh mụn trứng cá, trứng cá đỏ, vảy nến, viêm da cơ địa,… thì bạn nên được điều trị thích hợp và kiểm soát ổn định các tình trạng này. Có như vậy thì bạn mới ngăn ngừa được sự hình thành các vùng tăng sắc tố mới. Điều này cũng góp phần làm cho các đốm tăng sắc tố hiện có mờ đi theo thời gian.
Sử dụng kem chống nắng thường xuyên và đúng cách
Hiện nay các bác sĩ da liễu đa khuyến cáo tất cả mọi người – bất kể màu da hay tuýp da của họ – nên được sử dụng kem chống nắng có phổ rộng, tốt nhất là có tính kháng nước cao, với chỉ số chống nắng SPF từ 30 trở lên mỗi ngày, bôi lặp lại từ 2 đến 4 giờ hay sau khi ra nắng và chảy mồ hôi nhiều, hạn chế ra đường từ 9 giờ đến 15 giờ hàng ngày nếu có thể.
Việc bảo vệ làn da của bạn trước tia UV của ánh nắng mặt trời sẽ giúp ngăn chặn sự kích hoạt sản xuất sắc tố melanin dư thừa, từ đó giúp ngăn ngừa sự hình thành các đốm tăng sắc tố mới, đồng thời cũng góp phần làm cho các vùng da không đều màu hiện có mờ đi.
Lựa chọn sản phẩm chăm sóc da có thành phần phù hợp
Sử dụng các sản phẩm thoa lên da không cần kê đơn, chúng thường chứa ít nhất một trong các thành phần phần dưới đây:2
1. Vitamin C9
Hiện nay trên thị trường có vô vàn các sản phẩm chứa những chất chống oxy hóa và chống lão hóa da, trong đó phải kể đến vitamin C. Đây là một chất chống các gốc oxy hóa mạnh mẽ, có tác dụng bảo vệ làn da của bạn dưới tác động có hại của ánh nắng mặt trời và cũng có thể làm giảm sự hình thành sắc tố melanin.
2. Axit glycolic10
Chất này khá nổi tiếng trong tác động có lợi dành cho da bị mụn trứng cá. Nó hoạt động như một chất thay da sinh học để loại bỏ các tế bào da chết, các chất bụi bẩn để lộ ra làn da khỏe mạnh bên dưới. Một số nghiên cứu cũng cho thấy axit glycolic có thể làm giảm hình thành mụn trứng cá, giúp điều trị sẹo rỗ, góp phần cải thiện nám má, tăng sắc tố sau viêm và ngăn ngừa, phục hồi hiện tượng lão hóa da do ánh nắng mặt trời.
3. Axit salicylic11
Tương tự như axit glycolic thì axit salicylic hoạt động như một chất thay da sinh học, đặc biệt do có tính ưa dầu nên nó có thể thấm sâu và các lỗ chân lông ở các tuyến bã nhờn trên da để loại bỏ và giúp cải thiện vấn đề da. Axit salicylic đặc biệt có lợi cho chứng tăng sắc tố sau viêm, vì nó có hiệu quả chống viêm mạnh.
4. Retinol12
Retinol có cơ chế là làm tăng tốc độ chuyển hóa và bong ra của các tế bào sừng trên da, từ đó tạo ra làn da mới, khỏe khoắn hơn. Nếu được sử dụng đúng cách, nó có thể làm cải thiện làn da không đều màu và giảm các tác động bất lợi của ánh nắng mặt trời. Ngoài việc cải thiện các rối loạn sắc tố, retinol còn có thể giúp chống tình trạng lão hóa da.
5. Niacinamide13
Là một dạng của vitamin B3, chất này có tác dụng làm giảm hiện tượng viêm liên quan đến mụn trứng cá và các bệnh lý da liễu khác. Niacinamide cũng giúp điều trị chứng tăng sắc tố và lão hóa da.
Sử dụng một số các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên
Gel nha đam/ lô hội, trà xanh, chanh, tinh dầu tràm (tràm trà), nghệ,… Nhiều người tin rằng chúng có thể làm giảm tăng sắc tố da, giúp đều màu da, tuy nhiên hiện có rất ít hoặc không có bằng chứng để chứng tỏ rằng những sản phẩm này cải thiện các vấn đề trên. Thêm vào đó, khi thoa trực tiếp trên da, một số chúng có thể gây kích ứng cho da, làm khô da hay viêm đỏ. Do đó bạn nên cân nhắc và lưu ý khi muốn dùng các thành phần tự nhiên này nhé.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ da liễu?
Bạn cần đến bác sĩ da liễu để được tư vấn về những biện pháp điều trị tăng sắc tố da tại nhà. Bác sĩ da liễu cũng sẽ đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp với tình trạng hiện tại của bạn. Đó có thể là kê đơn thuốc, sử dụng các biện pháp y tế.
Việc đi khám cũng giúp bạn xác định nguyên nhân khiến da không đều màu.
Liệu pháp y tế điều trị da không đều màu
Nếu các phương pháp điều trị tại nhà không đem lại hiệu quả mong muốn, bạn đừng ngần ngại đến khám bác sĩ da liễu. Họ sẽ thảo luận với bạn về các phương thức trị liệu hiện đại và mới nhất, được chứng minh là có hiệu quả như là:1
1. Liệu pháp laser/ ánh sáng
Sử dụng một chùm tia ánh sáng có kiểm soát để loại bỏ và làm mờ các đốm hay mảng tăng sắc tố, chúng đem lại hiệu quả nhanh chóng và lâu dài. Số lần điều trị với tia laser sẽ được các bác sĩ cân nhắc và thông báo với bạn tùy vào tình trạng và vấn đề da hiện tại của bạn.14
2. Mài da vi điểm (microdermabrasion)
Liệu pháp chăm sóc da này mới được sử dụng gần đây, nó sử dụng các hạt nhỏ để loại bỏ tế bào da chết trên da bạn, phù hợp với những người có màu da không đều mức độ nhẹ.15
3. Lột da bằng hóa chất (thay da sinh học)
Đây là phương pháp làm tẩy sạch tế bào chết, bụi bẩn trên da nhưng đi sâu hơn so với mài da vi điểm.
Sử dụng các chất lột da nồng độ trung bình và cao cần được quan sát và thực hiện chặt chẽ bởi các bác sĩ da liễu có chuyên môn vì mặc dù mang lại hiệu quả cao nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đáng tiếc, có thể kể đến như gây bỏng da, từ đó hình thành sẹo xấu. Nếu bạn sử dụng lột da bằng hóa chất tại nhà thì chỉ được dùng nồng độ thấp, và phải tìm hiểu thật kỹ trước khi tự áp dụng.16
Phòng ngừa da không đều màu
Mọi người có thể thực hiện các bước dưới đây để giúp ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ có một làn da không đều màu:1
Bảo vệ da dưới tác hại của ánh nắng mặt trời
- Sử dụng kem chống có chỉ số SPF từ 30 trở lên đều đặn, thường xuyên, mỗi ngày. Lưu ý là bạn cần thoa đúng cách, đủ số lượng và thoa lặp lại khi cần.
- Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời trực tiếp khi cường độ mạnh nhất (thông thường từ 9h đến 15h).
Vệ sinh da đúng cách
- Có chế độ chăm sóc da hợp lý bao gồm việc làm sạch cơ bản và dưỡng ẩm hàng ngày.
- Tránh sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết mạnh hay tự ý sử dụng khi chưa thực sự hiểu rõ về công dụng và cách dùng các sản phẩm này, vì có thể gây kích ứng da, gây bỏng da và để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Điều trị các vấn đề da liễu đang gặp phải
- Nếu bạn đang mắc các bệnh lý da liễu như mụn trứng cá, bệnh vảy nến, bệnh trứng cá đỏ hay các tình trạng da khác, bạn nên điều trị ổn định và kiểm soát chúng.
- Giảm nguy cơ chất thương, ma sát hay nhiễm trùng da bằng cách tránh cạo hay triệt lông khi chưa làm ẩm da và tránh không chạm vào mặt thường xuyên.
- Nếu chứng tăng sắc tố da do viên uống tránh thai nội tiết tố hay các thuốc khác, bạn nên thảo luận với các bác sĩ để được hỗ trợ tốt nhất.
Uống đủ nước
Để cung cấp nước từ bên trong, giúp da không bị khô và viêm đỏ, bạn cũng có thể cấp nước trực tiếp cho da bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm thích hợp với tuýp da của mình.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Tránh một số loại thực phẩm và đồ uống có thể khiến cho da bạn bị tình trạng khô nhão, nhăn nheo như là rượu bia, sản phẩm giàu bơ sữa, giàu đường tinh luyện, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, các thực phẩm chế biến sẵn.
Ăn uống cân bằng và đủ chất dinh dưỡng, có chứa nhiều trái cây và các loại rau củ quả giàu chất chống oxy hóa. Ví dụ như vitamin C có nhiều trong ớt chuông, trái kiwi, cam, quýt, dâu tây,… Vitamin E có nhiều trong các loại hạt và đậu khác nhau, cũng như trong dầu mầm lúa mạch và dầu hướng dương.
Tập thể dục điều độ
Bạn cũng nên tập thể dục thường xuyên để có một làn da khỏe khoắn nhé.
Như vậy bạn đã cùng Bác sĩ Hoàng Trung Hiếu tìm hiểu về vấn đề da không đều màu, đây là tình trạng da có màu sắc không đồng đều, khiến nhiều người tự ti hay hạn chế về mặt thẩm mỹ. Hiện có rất nhiều sản phẩm thoa không cần kê toa và những phương pháp điều trị dễ áp dụng tại nhà. Nếu các phương pháp sẵn có tại nhà không đem lại hiệu quả mong muốn, bạn có thể đến tư vấn các bác sĩ da liễu để được hỗ trợ tốt nhất nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What can people do to even their skin tone? https://www.medicalnewstoday.com/articles/how-to-even-skin-tone
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Skin pigmentation problems. Dermnet. https://dermnetnz.org/topics/skin-pigmentation-problems
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Pigmentation effects of solar simulated radiation as compared with UVA and UVB radiationhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2593890/
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
The Damaging Effects of Long UVA (UVA1) Rays: A Major Challenge to Preserve Skin Health and Integrityhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9368482/
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Linda K Oge, Alan Broussard, Marilyn D Marshall (2019). Acne Vulgaris: Diagnosis and Treatment. American family physician. Page 475-484.
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Melasmahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459271/
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Hyperpigmentation in Aging Skinhttps://link.springer.com/referenceworkentry/10.1007/978-3-642-27814-3_51-3
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Extensive hyperpigmentation during pregnancy: a case reporthttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3183040/
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Topical Vitamin C and the Skin: Mechanisms of Action and Clinical Applicationshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5605218/
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Glycolic acid peel therapy – a current reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3875240/
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Comparative Study of 35% Glycolic Acid, 20% Salicylic–10% Mandelic Acid, and Phytic Acid Combination Peels in the Treatment of Active Acne and Postacne Pigmentationhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6785964/
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
A Clinical Anti-Ageing Comparative Study of 0.3 and 0.5% Retinol Serums: A Clinically Controlled Trialhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32428912/
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Nicotinic acid/niacinamide and the skinhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17147561/
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Hyperpigmentation Therapy: A Reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4142815/
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Microdermabrasionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK535383/
Ngày tham khảo: 21/10/2022
-
Postinflammatory Hyperpigmentationhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559150/
Ngày tham khảo: 21/10/2022