YouMed

Viêm tai giữa: nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

BS Mai Thị Trâm Anh
Tác giả: Bác sĩ Mai Thị Trâm Anh
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Viêm tai giữa là một bệnh lý gặp ở mọi lứa tuổi với các biểu hiện bệnh đa dạng, đặc biệt bệnh này xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Liệu viêm tai giữa có thể gây ra những biến chứng đe dọa tính mạng hay có thể đem lại những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc sống hay không? Làm sao biết được đâu là triệu chứng của bệnh và cần làm gì để phòng ngừa. Bài viết của Bác sĩ Mai Thị Trâm Anh hy vọng cung cấp cho bạn đọc những thông tin căn bản về bệnh lý viêm tai giữa.

Nguyên nhân viêm tai giữa là gì?

Tai người thường được chia thành 3 thành phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài bao gồm vành tai và ống tai ngoài, được ngăn cách với tai giữa bởi màng nhĩ. Tai giữa là cấu trúc nằm sau màng nhĩ và chứa chuỗi xương con. Âm thanh được dẫn truyền từ tai ngoài qua tai giữa đến tai trong, từ đó tạo nên xung thần kinh dẫn truyền đến não bộ. Tai giữa hay hòm nhĩ là một bộ phận quan trọng trong quá trình dẫn truyền và khuếch đại âm thanh.1

Hình cấu trúc của tai
Hình cấu trúc của tai

Viêm tai giữa là một trong những bệnh lí phổ biến thứ hai ở trẻ em, sau nhiễm trùng hô hấp trên. Viêm tai giữa ở trẻ cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cha mẹ phải đưa bé đến gặp bác sĩ.

Hình màng nhĩ bình thường
Hình màng nhĩ bình thường

Nguyên nhân chính gây bệnh2 3 4

Viêm tai giữa là tình trạng viêm trong tai giữa (hay còn gọi là hòm nhĩ). Nó có thể có nhiều phân loại dựa vào các đặc điểm như: nguyên nhân, thời gian bệnh, triệu chứng. Nguyên nhân chính thường được cho là do rối loạn chức năng vòi nhĩ.

Vòi nhĩ là một ống thông từ vòm mũi họng đến tai giữa. Cảm lạnh, các bệnh lý viêm nhiễm hay tình trạng dị ứng vùng mũi họng khiến ống thông này sưng nề và bị rối loạn chức năng, từ đó giảm hoặc mất khả năng dẫn lưu dịch từ tai giữa xuống hầu mũi gây tụ dịch trong tai giữa. Vi khuẩn và virus có thể phát triển ở môi trường dịch ứ đọng trong tai giữa dẫn đến tình trạng viêm của tai giữa.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh

Những yếu tố khiến bạn và người thân dễ mắc viêm tai giữa được phân theo từng nhóm như sau:

Nhóm nguy cơ do bản thân người bệnh1 5

  • Tuổi tác: trẻ em thường bị viêm tai giữa cấp và viêm tai giữa thanh dịch hơn người lớn, gặp nhiều ở lứa tuổi 6 đến 12 tháng hay trẻ từ 4 đến 5 tuổi, thường được lí giải do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, dễ gặp phải tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trên, cũng như cấu trúc vòi nhĩ ở trẻ em làm tăng nguy cơ viêm tai giữa hơn người lớn, và ở những độ tuổi trẻ bắt đầu có những thay đổi môi trường như bắt đầu đi học, kết bạn,…
  • Giới tính: viêm tai ở giới nam có nhiều hơn nhẹ so với giới nữ.
  • Trẻ sinh non.
  • Tình trạng dị ứng.
  • Suy giảm miễn dịch.
  • Yếu tố về gen.
  • Các bất thường sọ mặt bâm sinh như sứt môi, chẻ vòm hay ở trẻ mắc hội chứng Down.
  • Mức độ quá phát và viêm nhiễm của amidan vòm (VA).
  • Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.

Về nhóm nguy cơ do môi trường1 5

  • Một số nghiên cứu nhận thấy tần suất viêm tai giữa thường gia tăng vào mùa đông và thấp nhất vào mùa hè.
  • Môi trường sống của trẻ: gia đình, người chăm sóc, trường học.
  • Tình trạng nhiễm trùng hô hấp trên.
  • Khói thuốc lá.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ là một trong những yếu tố giúp làm giảm viêm tai giữa.
  • Tình trạng kinh tế xã hội. Đối với những người sinh sống trong môi trường ô nhiễm hay vệ sinh kém, tình trạng kinh tế khó khăn có thể làm gia tăng khả năng mắc viêm tai giữa.
  • Núm vú giả gây gia tăng nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ > 11 tháng tuổi.

Ở người lớn, viêm tai giữa thanh dịch một bên có thể là biểu hiện của tình trạng có một khối choán chỗ ở vùng vòm hầu.

Các dấu hiệu viêm tai giữa

Nhìn chung người bệnh viêm tai giữa thường có các dấu hiệu dễ nhận biết như:2 4 6

Các biểu hiện ở tai:

Có thể có các triệu chứng toàn thân như: sốt, đau bụng, tiêu chảy,…

Các triệu chứng của viêm nhiễm đường hô hấp trên trước đó: chảy mũi, nghẹt mũi, đau nặng mặt, ho, hắt xì, chảy nước mắt, đỏ mắt…

Các triệu chứng của viêm tai giữa
Các triệu chứng của viêm tai giữa

Tùy vào tuổi người bệnh, thể trạng, thời gian bị bệnh cũng như thể bệnh mà người bệnh biểu hiện ra các triệu chứng với mức độ khác nhau khác nhau . Các thể bệnh thường gặp của viêm tai giữa là:5

  • Viêm tai giữa cấp.
  • Viêm tai giữa thanh dịch.
  • Viêm tai giữa mạn tính.

Dấu hiệu viêm tai giữa cấp

Đây là một tình trạng viêm cấp tính của tai giữa, thường kéo dài dưới 3 tuần, thường gặp ở trẻ em hơn người lớn, có thể liên quan đến chảy mủ tai và thủng màng nhĩ và thường đáp ứng với điều trị bằng thuốc, không để lại di chứng nếu được điều trị kịp thời. Viêm tai giữa cấp thường xảy ra sau khi trẻ bị cảm lạnh hay viêm nhiễm đường hô hấp trên.2

Dấu hiệu viêm tai giữa cấp ở trẻ lớn

Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ lớn có thể là: đau tai, chảy tai, nghe kém. Triệu chứng sốt gặp ở 2/3 trẻ bị viêm tai giữa, tuy nhiên bé ít khi sốt hơn 40°C.2

Màng nhĩ bị viêm sung huyết, phồng, hình ảnh tai giữa ứ dịch mủ
Màng nhĩ bị viêm sung huyết, phồng, hình ảnh tai giữa ứ dịch mủ

Dấu hiệu viêm tai giữa cấp ở trẻ nhũ nhi

Đối với trẻ nhỏ hay trẻ nhũ nhi triệu chứng thường khó nhận biết hơn. Thông thường bé có thể có các biểu hiện như sốt, quấy khóc nhiều hơn hoặc kém linh hoạt hơn thường ngày, trẻ ăn hay bú kém hơn, thậm chí là nôn ói hay tiêu chảy. Vì chưa biết nói hay chưa biết cách chỉ chỗ bị đau cho cha mẹ và người chăm sóc, bé có thể xoa tai hay thường đưa tay lên bên tai bị đau.2

Bé thường đưa tay lên day tai do đau tai mà không thể báo cho cha mẹ
Bé thường đưa tay lên day tai do đau tai mà không thể báo cho cha mẹ

Dấu hiệu viêm tai giữa cấp ở người lớn

Cũng như ở trẻ em, ở người lớn viêm nhiễm hô hấp trên hay đợt bùng phát của viêm mũi dị ứng có thể xảy ra trước viêm tai giữa cấp. Ở người lớn, viêm tai giữa cấp điển hình thường gặp một bên với triệu chứng là đau tai và nghe kém. Mức độ đau tai có thể nhẹ, vừa đến nặng. Nếu màng nhĩ bị thủng, người bệnh sẽ cảm thấy đột ngột giảm đau hẳn và bắt đầu chảy dịch tai. Khi bác sĩ nội soi tai sẽ thấy màng nhĩ sung huyết đỏ, căng phồng, trong trường hợp màng nhĩ thủng có thể thấy đọng dịch trong hòm nhĩ cũng như ống tai ngoài.3 7

Triệu chứng viêm tai giữa thanh dịch

Là tình trạng có tồn tại dịch viêm trong tai giữa mà thường không có các dấu hiệu của một tình trạng viêm cấp tính. Viêm tai giữa thanh dịch thường xảy ra tiếp theo sau viêm tai giữa cấp không được điều trị triệt để, nhưng đôi khi nó cũng có thể xảy ra do rối loạn chức năng vòi nhĩ mà không ghi nhận một đợt viêm tai giữa cấp nào trước đó.2 7

nghe kém ở trẻ em
Tình trạng nghe kém ở trẻ em

Như đã trình bày ở trên viêm tai giữa thanh dịch không ghi nhận các dấu hiệu của tình trạng viêm cấp tính như sốt, đau tai. Trong phần lớn các trường hợp, viêm tai giữa thanh dịch thường là thoáng qua và hầu như không cần phải chăm sóc y tế đặc biệt. Triệu chứng thường gặp nhất của viêm tai giữa thanh dịch là nghe kém. Viêm tai giữa thanh dịch thường được chẩn đoán ở những trẻ em trong độ tuổi sắp vào lớp 1, thường ở trẻ có những dấu hiệu của kém chú ý với âm thanh hay chậm phát triển về khả năng nói hoặc ngôn ngữ.2

Thông thường, trẻ quá nhỏ sẽ không thể báo cho cha mẹ hay người chăm sóc rằng mình nghe kém.  Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết được vấn đề này thông qua những biểu hiện gián tiếp. Tùy theo những độ tuổi khác nhau của trẻ mà có những dấu hiệu giúp ta xem xét về sự vấn đề nghe kém của trẻ.

Dấu hiệu nghe kém ở trẻ nhũ nhi

Ở trẻ nhũ nhi, cần nghi ngờ trẻ có nghe kém khi trẻ không có những phản ứng với âm thanh, ví dụ trẻ hiếm khi cười, ít chú ý đến âm thanh xung quanh khi thức, chậm phát triển khả năng nói, không giật mình thức giấc khi đột ngột có tiếng ồn,…2

Dấu hiệu nghe kém ở trẻ lớn

Ở trẻ lớn hơn, biểu hiện nghe kém hơn bình thường có thể là thường xuyên phải hỏi lại khi giao tiếp, yêu cầu người khác lặp lại câu nói, khó khăn trong việc lắng nghe môi trường nhiều tiếng ồn, nghe sai thông tin khi trẻ không tập trung vào người nói, phải tăng âm lượng của các thiết bị như tivi, máy tính, thậm chí đôi khi trẻ nghe kém sẽ có những biểu hiện của các vấn đề tâm lý như ngại giao tiếp xã hội, tăng động giảm chú ý,…

Dấu hiệu nghe kém ở người lớn

Trẻ lớn hơn nữa và người lớn có thể nhận biết được tình trạng nghe kém của mình tốt hơn. Đôi khi viêm tai giữa thanh dịch là một biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm khác như u vòm, đặc biệt là những trường hợp viêm tai giữa thanh dịch một bên ở người lớn.5

Những triệu chứng khác cũng được ghi nhận trong viêm tai giữa thanh dịch như cảm giác đầy tai, ù tai hay các vấn đề về thăng bằng như loạng choạng, không vững, dễ té ngã.2

Biểu hiện viêm tai giữa mạn tính

Là tình trạng viêm tái phát của tai giữa và/hoặc xương chũm với sự hiện diện của thủng màng nhĩ. Triệu chứng của viêm tai giữa mạn tính bao gồm giảm khả năng nghe, chảy tai, cảm giác đầy tai, ù tai, đau tai và chóng mặt.2 6

Viêm tai giữa có thể dẫn đến những tình trạng nguy hiểm nào?

Ngoài những biểu hiện đã kể trên, nếu tình trạng viêm tai giữa cấp không được điều trị kịp thời hay tình trạng viêm tai giữa thanh dịch, viêm tai giữa mạn tính kéo dài có thể đưa đến những ảnh hưởng nghiêm trọng lên mọi mặt của đời sống bao gồm chất lượng cuộc sống, học tập và công việc.

Những trường hợp nặng có thể gây ra các tình trạng đe dọa tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề cho người bệnh như: nghe kém, chóng mặt và mất thăng bằng, thủng màng nhĩ, xơ hóa màng nhĩ, viêm tai giữa chảy mủ mãn tính, viêm xương chũm, viêm tiền đình, liệt mặt,…

Ngoài ra, viêm tai giữa còn có thể đưa đến những tình trạng đe dọa tính mạng hoặc có thể để lại di chứng nặng nề cho người bệnh như: viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, áp xe não, huyết khối các xoang tĩnh mạch trong não, huyết khối động mạch cảnh,…2 5

Bạn cần phải làm gì nếu có các triệu chứng của viêm tai giữa?

Viêm tai giữa thường gặp ở trẻ con và người lớn cũng có thể mắc bệnh này. Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa không quá nghiêm trọng và có thể điều trị khỏi bệnh mà không để lại di chứng gì.

Khi bạn hay trẻ có bất kì triệu chứng gì gợi ý tình trạng viêm tai như: sốt, đau tai, chảy dịch tai, nghe kém, đầy tai, ù tai, chóng mặt… ở trẻ nhỏ hơn có thể biểu hiện tiêu lỏng, ăn uống kém,.. hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, đánh giá và can thiệp kịp thời.

Viêm tai giữa được điều trị như thế nào?

Dựa vào thể bệnh, tuổi người bệnh và các yếu tố liên quan khác, mà bác sĩ có thể đưa ra những hướng điều trị khác nhau cho người bệnh.

Trong trị viêm tai giữa cấp chưa có biến chứng thông thường điều trị kháng sinh và giảm các triệu chứng khó chịu là đủ. Một số ít trường hợp bác sĩ đánh giá là người bệnh về tuổi, tình trạng các bệnh lý kèm theo ít nguy cơ diễn tiến nặng, và có khả năng theo dõi của người chăm sóc có thể theo dõi sát mà chưa cần dùng kháng sinh ngay lập tức. Đối với điều trị triệu chứng đi kèm có thể bao gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc nhỏ tai,…2 3 6

Ống thông nhĩ giúp tái tạo tình trạng bình thường cho hòm nhĩ
Ống thông nhĩ giúp tái tạo tình trạng bình thường cho hòm nhĩ

1. Điều trị viêm tai giữa thanh dịch

Đối với viêm tai giữa thanh dịch, mục tiêu chủ yếu là khôi phục lại tình trạng bình thường của tai giữa cũng như cải thiện triệu chứng cho người bệnh.

Bác sĩ sẽ dựa vào các tiêu chí về mức độ nghe kém, sự ảnh hưởng của nghe kém lên các mặt đời sống của người bệnh, đặc biệt ở trẻ em lên khả năng nói, ngôn ngữ hay các vấn đề về học tập khác để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Đối với trẻ được đánh giá là ít có nguy cơ ảnh hưởng lên sự phát triển về ngôn ngữ, lời nói và tâm sinh lý của trẻ, theo dõi trong vòng ba tháng là một trong những lựa chọn được ưu tiên. Thời gian này đủ để tai giữa có khả năng tự phục hồi, viêm tai giữa thanh dịch tự thoái lui trong nhiều trường hợp.2 7

Ở những trường hợp nghe kém nặng hơn, hay kéo dài thường là hơn 3 tháng, lúc này bác sĩ có thể cân nhắc việc đặt ống thông nhĩ cho người bệnh. Ống thông nhĩ là một ống thông thường được làm bằng nhựa hoặc kim loại, được bác sĩ tai mũi họng đặt lên màng nhĩ nhằm mục đích dẫn lưu dịch trong tai giữa ra ngoài và khôi phục là tình trạng bình thường cho tai giữa. Những can thiệp khác có thể thực hiện như là nong vòi nhĩ, nạo VA (amidan vòm) hay sử dụng máy trợ thính.2 7

2. Điều trị viêm tai giữa mạn tính

Mục tiêu điều trị viêm tai giữa mạn tính thường là chấm dứt tình trạng chảy tai kéo dài của người bệnh, làm lành màng nhĩ bị tổn thương, ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ tái phát của bệnh. Hai nhóm phương pháp trong điều trị viêm tai giữa mạn tính là điều trị dùng thuốc và điều trị bằng phẫu thuật.

Thuốc thường sử dụng như các loại kháng sinh nhỏ tai dùng tại chỗ, kháng sinh toàn thân, vệ sinh tai. Điều trị bằng phẫu thuật thường được chỉ định đối với những trường hợp xuất hiện các biến chứng của bệnh, không đáp ứng điều trị nội khoa.

Cách phòng ngừa

  • Không hút thuốc là và ở trong không gian có người đang hút thuốc lá (hút thuốc lá thụ động).
  • Kiểm soát tình trạng dị ứng.
  • Ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trên.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất trong 6 đến 12 tháng đầu đời.
  • Nếu cho trẻ bú bình thì phải cho trẻ bú ở tư thế đầu cao hơn bụng.
  • Hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân đầy đủ.
  • Cho trẻ đi học ở những nhóm trẻ nhỏ.
  • Chích ngừa cúm và phế cầu đúng và đủ lịch.

Trên đây là những thông tin về dấu hiệu viêm tai giữa. Tùy theo từng loại bệnh mà triệu chứng có thể khác nhau. Khi nhận thấy bản thân hoặc trẻ nhỏ có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám ngay để được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Ear Infection (Otitis Media)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8613-ear-infection-otitis-media

    Ngày tham khảo: 16/09/2022

  2. Otitis Mediahttps://emedicine.medscape.com/article/994656-overview#a1

    Ngày tham khảo: 16/09/2022

  3. Ear Infection (Otitis Media)https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/otitis-media

    Ngày tham khảo: 16/09/2022

  4. Otitis Media (Middle Ear Infection)https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=otitis-media-middle-ear-infection-90-P02057

    Ngày tham khảo: 16/09/2022

  5. Natural history, definitions, risk factors and burden of otitis mediahttps://www.mja.com.au/journal/2009/191/9/natural-history-definitions-risk-factors-and-burden-otitis-media

    Ngày tham khảo: 16/09/2022

  6. Otitis Media: Diagnosis and Treatmenthttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2013/1001/p435.html

    Ngày tham khảo: 16/09/2022

  7. Otitis Media (Middle Ear Infection) in Adultshttps://www.entcolumbia.org/health-library/otitis-media-middle-ear-infection-adults

    Ngày tham khảo: 16/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người