Đi tiểu buốt và đau bụng dưới ở nam và nữ là bệnh gì?
Nội dung bài viết
Có thể khó xác định được nguyên nhân gây ra đau bụng. Vì bụng là nơi chứa hầu hết các cơ quan quan trọng. Tiểu buốt thường được chẩn đoán dễ dàng hơn. Vì nguyên nhân thường là bên trong đường tiết niệu. Bài viết dưới đây, ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ đề cập đến chủ đề đi tiểu buốt và đau bụng dưới.
Đi tiểu buốt và đau bụng dưới là gì?
Đi tiểu buốt1
Tiểu buốt hoặc tiểu đau là một thuật ngữ khá rộng mô tả cảm giác khó chịu khi đi tiểu. Cảm giác đau này có thể bắt nguồn từ bàng quang, niệu đạo hoặc sàn chậu.
Niệu đạo một ống dài nối từ bàng quang ra lỗ tiểu (lỗ sáo) để đưa nước tiểu ra bên ngoài.
Ở nam, sàn chậu là vùng giữa bìu và hậu môn. Ở nữ, sàn chậu là vùng ở giữa hậu môn và âm đạo.
Tiểu buốt khá phổ biến, hiện tượng này có thể gợi ý đến một số bệnh lý sẽ được đề cập ở phần sau.
Đau bụng dưới
Phân khu ổ bụng 9 vùng
- Tầng trên cùng, từ phải sang trái có 3 vùng: hạ sườn phải, thượng vị, hạ sườn trái.
- Hạ sườn phải: ruột non, túi mật, gan, thận phải.
- Hạ sườn trái: tụy, ruột kết, lá lách, thận trái.
- Thượng vị: lá lách, tuyến tụy, tá tràng, gan, dạ dày, tuyến thượng thận.
- Tầng giữa, từ trái sang phải: quanh rốn và vùng hông phải, vùng hông trái.
- Hông trái: thận trái, đại tràng xuống.
- Hông phải: đại tràng phải, gan, túi mật.
- Vùng quanh rốn: hồi tràng, hỗng tràng, tá tràng.
- Tầng dưới, từ phải sang trái có: hố chậu phải, hạ vị, hố chậu trái.
- Hố chậu phải: manh tràng, ruột thừa.
- Hố chậu trái: đại tràng sigma, đại tràng xuống.
- Hạ vị: cơ quan sinh sản của nữ, đại tràng sigma, bàng quang.
Phân ổ bụng 4 góc phần tư
- 1/4 bụng trên trái: thận trái, lách, dạ dày, tuyến tụy, gan trái, đại tràng, tuyến thượng thận.
- 1/4 bụng trên phải: phần trên của tuyến tụy, túi mật, gan, ruột già, tá tràng.
- 1/4 bụng dưới trái: đại tràng trái, cơ quan sinh dục nữ.
- 1/4 bụng dưới phải: ruột thừa, túi thừa, phần phụ, manh tràng.
Dựa vào phân khu ổ bụng và vị trí đau bụng, bác sĩ có thể tìm ra các nguyên nhân gây đau bụng.
Đau bụng dưới có thể bao gồm 1/4 bụng dưới trái và phải. Hoặc tầng dưới và tầng giữa theo phân khu ổ bụng 9 vùng.2
Nguyên nhân đi tiểu buốt và đau bụng dưới
Nguyên nhân ở nữ
Nguyên nhân đi tiểu buốt và đau bụng dưới ở phụ nữ có thể bao gồm:
Viêm bàng quang
Phụ nữ bị viêm bàng quang có thể bị đau ở vùng bụng dưới và có cảm giác tiểu buốt.
Xem thêm: Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Một số dấu hiệu khác của tình trạng viêm bàng quang như:
- Thường xuyên mắc tiểu, muốn đi tiểu trong tình trạng rất khẩn cấp.
- Có thể đi tiểu thường xuyên hơn vào ban đêm.
- Nước tiểu có mùi hôi hoặc thậm chí có máu.3
Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ gây kích ứng và viêm bàng quang.
Tình trạng này gặp ở nữ nhiều hơn nam. Chúng làm giảm độ đàn hồi của niêm mạc bàng quang.
Vì vậy, khi bàng quang căng do chứa nhiều nước tiểu, niêm mạc không đàn hồi được gây đau. Triệu chứng thường gặp là đi tiểu buốt và đau bụng dưới.
Nguyên nhân viêm bàng quang kẽ chưa được hiểu rõ. Việc điều trị thường bắt đầu bằng việc kiểm soát các triệu chứng.3
Ung thư nội mạc tử cung
Mặc dù ít phổ biến hơn các nguyên nhân khác, nhưng ung thư nội mạc tử cung có thể dẫn đến đi tiểu buốt và đau bụng dưới.
Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc lót bên trong tử cung. Các tế bào ung thư này có thể gây ra các triệu chứng như đau và viêm.
Điều trị có thể bao gồm xạ trị hoặc hóa trị. Một số trường hợp cần phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung để loại bỏ các mô ung thư.
Nguyên nhân ở nam giới
Nguyên nhân ở nam giới gây đi tiểu buốt và đau bụng dưới là:
Viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt có thể gây tiểu buốt và đau ở vùng bụng dưới. Tình trạng viêm có thể lan đến các khu vực xung quanh và gây ra các triệu chứng khác:
- Đau vùng lưng dưới.
- Sốt.
- Tiểu khó, tiểu lắt nhắt.
Đôi khi, viêm tuyến tiền liệt không cần điều trị và có thể tự khỏi. Trường hợp viêm do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Viêm mào tinh hoàn
Mào tinh hoàn nằm sau tinh hoàn có chức năng dẫn tinh trùng ra niệu đạo. Viêm mào tinh hoàn có thể do các vấn đề như nhiễm trùng hoặc chấn thương.
Các triệu chứng có thể là:
- Tinh hoàn sưng hoặc đau.
- Đau hoặc sưng ở vùng chậu.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Dương vật tiết dịch bất thường.
Việc điều trị thường bao gồm thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau, kháng viêm.3
Nguyên nhân chung ở cả nam và nữ
Nguyên nhân đi tiểu buốt và đau bụng dưới có thể xảy ra ở cả nam và nữ là:
Nhiễm trùng niệu (UTI)
Nhiễm trùng tiểu ảnh hưởng đến nam giới và nữ giới. Nhiễm trùng này thường phát sinh ở bàng quang, nhưng chúng có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiết niệu.
Nữ giới thường bị đau ở vùng chậu. Nam giới thường bị đau ở trực tràng.
Các triệu chứng khác có thể có như cảm giác muốn đi tiểu dữ dội, thay đổi màu sắc, mùi của nước tiểu.3
STIs – Nhiễm trùng lây qua đường tình dục
Quan hệ tình dục không an toàn có thể có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như bệnh lậu và nhiễm Chlamydia.
Triệu chứng thường gặp là đi tiểu buốt và đau bụng dưới. Một số trường hợp có thể có tiết dịch bất thường từ niệu đạo.3
Xem thêm: Những bệnh có thể lây qua đường tình dục
Sỏi thận
Sỏi thận được hình thành từ các khoáng chất tích tụ trong đường niệu.
Chúng có thể gây đau khi cơ thể cố gắng thải chúng ra đường tiết niệu. Cơn đau có thể dữ dội, nhất là khi đi tiểu. Trong một số trường hợp, sỏi có thể làm tắc nghẽn hoàn toàn dòng nước tiểu.
Việc điều trị phụ thuộc vào kích thước và hàm lượng khoáng chất của sỏi.3
Hẹp niệu đạo
Hẹp niệu đạo xảy ra khi lỗ niệu đạo hẹp lại và hạn chế dòng nước tiểu. Nó có thể gây đau bụng dưới và tiểu buốt.
Bác sĩ có thể làm giãn niệu đạo như một phương pháp điều trị ban đầu.3
Ung thư bàng quang
Mặc dù hiếm gặp nhưng ung thư bàng quang cũng có thể dẫn đến đi tiểu buốt và đau bụng dưới.
Ung thư bàng quang có thể phát triển ở nam và nữ. Nhưng thường phổ biến hơn ở nam giới.
Các phương pháp điều trị thường bao gồm việc loại bỏ các tế bào ung thư và kiểm soát các triệu chứng.3
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Tiểu buốt và đau bụng dưới có thể là triệu chứng đáng báo động. Nhưng nếu triệu chứng nhẹ, bệnh nhân thường đợi một vài ngày sau mới đi khám.
Tuy nhiên, phụ nữ có thai hoặc người rối loạn miễn dịch nên đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện cơn đau bụng dưới.
Nhất là khi có thêm các dấu hiệu sau đi kèm:
- Đau ở hai bên lưng hoặc phía sau lưng gần thận.
- Sốt, ớn lạnh.
- Rối loạn hệ miễn dịch.
- Đang sử dụng các thiết bị hỗ trợ ở đường tiết niệu, chẳng hạn như ống thông tiểu.
Ngoài ra, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu đau bụng và đi tiểu buốt kèm theo:
- Nôn ói không kiểm soát được.
- Tiêu phân có máu hoặc tiểu máu.
- Khó thở đột ngột.
Bận cần đến khám với bác sĩ ngay nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Đau bụng kéo dài trên 24 giờ.
- Chán ăn kéo dài.
- Sốt cao.
- Tiết dịch bất thường từ dương vật hoặc âm đạo.
- Nước tiểu có mùi hôi bất thường.3
Những phương pháp điều trị đi tiểu buốt và đau bụng dưới
Nguyên nhân do nhiễm trùng thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Các tình trạng hiếm gặp và nghiêm trọng hơn sẽ được điều trị bằng các phác đồ cụ thể khác.
Một số phương pháp điều trị hỗ trợ tại nhà như:
- Đánh giá lượng nước bạn uống hàng ngày để xác định lượng nước tiểu của bạn có phù hợp không.
- Triệu chứng gợi ý nguyên nhân là nhiễm trùng tiểu, uống nhiều nước hơn có thể hữu ích.
Nói chuyện với bác sĩ của bạn về cách tốt nhất để điều trị các tình trạng khác tại nhà.4
Phòng ngừa chứng đi tiểu buốt và đau bụng dưới
Đôi khi không thể ngăn ngừa hoàn toàn chứng đi tiểu buốt và đau bụng. Nhưng có một số biện làm giảm nguy cơ đau bụng dưới và tiểu buốt bao gồm:
- Uống đủ nước. Việc cung cấp cho cơ thể đủ nước giúp cơ thể làm sạch đường tiết niệu và thải độc tố ra khỏi cơ thể.
- Rửa tay trước khi chạm vào bộ phận sinh dục.
- Thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục bằng xà phòng nhẹ.
- Nữ giới nên vệ sinh vùng sinh dục từ trước ra sau để ngăn vi khuẩn lây lan.
- Hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại gần niệu đạo hoặc cơ quan sinh dục.
- Chỉ quan hệ tình dục khi đã biết rõ bạn tình không mắc các bệnh STIs. Ngoài ra, sử dụng các biện pháp bảo vệ khi giao hợp có thể giúp ngăn ngừa STIs.4
Trên đây là bài viết của ThS.BS Trần Quốc Phong về chủ đề đi tiểu buốt và đau bụng dưới. Hy vọng qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về các bệnh lý có thể gây ra triệu chứng này. Khi có dấu hiệu đáng lo ngại, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Painful urination (dysuria)https://www.mayoclinic.org/symptoms/painful-urination/basics/causes/sym-20050772
Ngày tham khảo: 08/12/2021
-
Bộ môn Giải Phẫu Học (2004). Bài Giảng Giải phẫu học Tập 2 NXB Y học. Tr 293
Ngày tham khảo: 08/12/2021
-
Abdominal pain and painful urination causeshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/324081
Ngày tham khảo: 08/12/2021
-
What’s Causing My Abdominal Pain and Frequent Urination?https://www.healthline.com/health/abdominal-pain-and-frequent-urination#causes
Ngày tham khảo: 08/12/2021