Lời giải đáp của nha sĩ về việc điều trị áp xe răng
Nội dung bài viết
Áp xe răng là tình trạng nhiễm trùng xung quang răng. Nhiễm trùng gây đau đớn, mủ hôi khiến người bệnh khó chịu trong ăn uống và sinh hoạt. Bài viết dưới đây của bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc sẽ cung cấp thông tin về điều trị cũng như cách chữa trị áp xe răng.
Tổng quan về áp xe răng
Áp xe răng là gì?
Áp xe răng là một ổ nhiễm trùng xung quanh răng do vi khuẩn gây ra. Răng bị áp xe thường xảy ra do sâu răng không được điều trị, chấn thương răng hoặc thủ thuật làm răng trước đó.
Các nha sĩ sẽ điều trị áp xe răng bằng cách dẫn lưu và loại bỏ nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ điều trị bằng cách chữa tủy. Trong một số trường hợp cần phải nhổ bỏ răng. Nếu áp xe răng không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Xem thêm: Nhiễm trùng da: Những điều bạn cần biết
Triệu chứng áp xe răng là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của áp xe răng đó là:
- Đau răng dữ dội, dai dẳng, đau nhói. Đau có thể lan đến tai, xương hàm, hoặc cổ.
- Răng nhạy cảm (ê buốt) khi sử dụng thức ăn nóng hoặc lạnh.
- Người bệnh có thể sốt, nóng (vì có nhiễm trùng)/
- Đau, sưng hạch bạch huyết dưới hàm hoặc bạch huyết vùng cổ.
- Chảy dịch có mùi hôi và có vị tanh, mặn trong miệng.
Xem thêm: Viêm hạch bạch huyết: Những điều cần hiểu đúng về bệnh
Nguyên nhân nào gây áp xe răng?
Một số tình trạng sau có khả năng gây phát triển ổ áp xe trong răng:
- Vệ sinh răng miệng kém. Các mảng bám sẽ tích tụ trong răng nếu không vệ sinh răng miệng thường xuyên (dùng chỉ nha khoa và đánh răng thường xuyên).
- Người bệnh bị viêm nha chu diễn biến nặng.
- Bệnh nhân bị sâu răng, viêm tủy răng nhưng chủ quan không điều trị, để bệnh kéo dài nghiêm trọng gây nên áp xe răng.
- Người bị chấn thương hoặc phẫu thuật răng trước đó có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào răng hoặc nướu đang bị tổn thương.
- Người có hệ thống miễn dịch suy giảm. Chẳng hạn là người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc người đang điều trị hóa trị liệu hoặc thuốc steroid.
Xem thêm: Nhận biết triệu chứng viêm nha chu và những vấn đề liên quan
Điều trị áp xe răng như thế nào?
Mục tiêu của việc điều trị áp xe răng là loại bỏ nhiễm trùng. Nha sĩ có thể cân nhắc một số lựa chọn điều trị sau:
Rạch và dẫn lưu ổ áp xe
Áp xe thường được điều trị bằng cách rạch và dẫn lưu mủ ra khỏi ổ áp xe. Sau khi mủ chảy hết, vết thương sẽ được rửa sạch bằng nước muối. Rạch áp xe xong sẽ giảm được tình trạng sưng đau của bệnh nhân. Trong khi dẫn lưu mủ, bác sĩ có thể đặt thêm một ống thoát nước bằng cao su nhỏ để giữ sự thông thoáng.
Điều trị áp xe răng bằng cách lấy tủy răng
Lấy tủy răng có thể được cân nhắc để điều trị áp xe răng trong trường hợp nguyên nhân gây nên áp xe răng là viêm tủy răng. Trong quá trình lấy tủy, bác sĩ có thể phải khoan răng và lấy bỏ tủy răng bị nhiễm trùng. Sau đó sẽ khử trùng toàn bộ ống tủy, lấp đầy bên trong răng và bịt lại bằng vật liệu trám. Sau khi thực hiện lấy tủy răng, khả năng cao có thể duy trì nguyên vẹn lâu dài nếu được chăm sóc răng hợp lý và đúng cách.
Xem thêm: Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về điều trị lấy tủy
Nhổ răng bị ảnh hưởng
Đối với các trường hợp không thể lấy tủy răng, bác sĩ có thể chỉ định nhổ răng bị tổn thương để tránh tình trạng lan sang răng khác. Quy trình nhổ răng rất đơn giản, thường chỉ mất vài phút.
Nha sĩ sẽ gây tê và cắt bỏ các mô nướu quanh răng. Sau đó, nha sĩ sẽ dùng kẹp giữ răng và lay qua lại để nới lỏng răng trước khi nhổ ra.
Dùng thuốc
Nếu nhiễm trùng chỉ giới hạn ở vùng ổ áp xe thì có thể không cần sử dụng kháng sinh. Nhưng khi nhiễm trùng lan sang các răng lân cận hoặc các vùng khác, nha sĩ có thể sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh để ngăn lây lan thêm.
Cách giảm bớt các triệu chứng áp xe răng tại nhà
Bệnh nhân có thể làm giảm các cơn đau tại nhà trước khi đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị áp xe răng. Tuy vậy, đây cũng chỉ là những biện pháp tạm thời. Bạn nên đến các cơ sở nha khoa sớm nhất có thể để được điều trị và đạt kết quả tốt nhất.
Dùng thuốc giảm đau
Một số loại thuốc như Acetaminophen, ibuprofen… có thể giúp làm dịu cơn đau tức thời. Tuy nhiên, bạn cần dùng thuốc tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm có thể xảy ra.
Xem thêm: Thuốc hạ sốt, giảm đau Tatanol (acetaminophen): Những lưu ý khi dùng
Dùng nước muối ấm súc miệng
Thức ăn thừa tích tụ có thể tạo thành những mảng bám gây kích ứng đến áp xe răng. Bạn nên súc miệng bằng nước muối ấm, điều này giúp giảm đau tại các vùng bị viêm nhiễm.
Phòng ngừa áp xe răng tại nhà
Để phòng tránh các vấn đề về răng miệng nói chung, bạn cũng nên thực hiện những biện pháp phòng ngừa sau:
- Đánh răng hai lần mỗi ngày và sau các bữa ăn để giữ cho răng miệng luôn sạch sẽ.
- Dùng chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng.
- Dùng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa Fluor giúp ngăn ngừa sự hình thành của áp xe răng.
- Thay bàn chải định kỳ từ 2 đến 3 tháng
- Xây dựng một chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp và lành mạnh.
- Khám răng định kỳ mỗi năm 2 lần để sớm phát hiện và chữa trị kịp thời các vấn đề răng miệng phát sinh nếu có.
Xem thêm: 21 vấn đề về bệnh răng miệng thường gặp
Trên đây là bài viết của bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc về vấn đề điều trị áp xe răng. Bài viết trên chỉ mang tính chất truyền đạt thông tin và không có tác dụng thay thế bất kỳ chỉ định nào của bác sĩ. Do đó, khi có các triệu chứng, bạn cần đến gặp nha sĩ để được tư vấn kỹ hơn về các lựa chọn điều trị.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tooth abscesshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tooth-abscess/symptoms-causes/syc-20350901
Ngày tham khảo: 24/07/2021
-
10 Home Remedies for a Tooth Abscesshttps://www.healthline.com/health/home-remedies-for-abscess-tooth
Ngày tham khảo: 24/07/2021