YouMed

Những cách điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ em

Được tài trợ!
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam
Tác giả: TS.BS Nguyễn Xuân Nam
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Viêm tai giữa cấp tính là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, độ tuổi thường gặp nhất là từ 6 tháng đến 3 tuổi. Đây là bệnh tiến triển nhanh, nếu không theo dõi và điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ. Bài viết sau đây của Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam sẽ cung cấp các cách xử trí, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm tai giữa

1. Viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa cấp ở trẻ em là tình trạng viêm diễn biến cấp tính ở tai giữa trong vòng 3 tuần.1 Bệnh chủ yếu khu trú ở tai giữa, sào đạo (ống thông hang), sào bào (hang chũm), chưa gây tổn thương xương.2

Viêm tai giữa cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu phải sử dụng kháng sinh ở trẻ em dưới 5 tuổi.1 Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ < 3 tuổi.3

2. Nguyên nhân

Vì sao viêm tai giữa lại hay gặp ở trẻ em hơn người lớn?

Viêm tai giữa cấp thường xảy ra ở trẻ em hơn người lớn là vì cấu tạo của vòi nhĩ ở trẻ (phần nối thông giữa tai và mũi họng) có cấu tạo khác với ở người lớn.

Vòi nhĩ ở trẻ em có 3 đặc điểm khác biệt với người lớn:3

  • Nằm ngang hơn.
  • Ngắn hơn.
  • Chức năng chưa hoàn thiện (lỗ vòi nhĩ hay bị mở ra).

Chính vì ba đặc điểm này mà dịch mủ ở vùng mũi rất dễ trào lên tai, vi khuẩn ở vùng mũi họng dễ lan lên tai, gây viêm nhiễm ở tai.

Hình ảnh viêm mũi với nhiều mủ ở vùng vòm mũi họng
Hình ảnh viêm mũi với nhiều mủ ở vùng vòm mũi họng

Một nguyên nhân khác khiến trẻ em dễ mắc viêm tai giữa là do trẻ rất hay bị viêm VA – một bệnh về tai mũi họng thường gặp. Những trẻ có VA quá to, quá phát hay viêm là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra viêm tai.3

Hình ảnh VA quá phát ở trẻ nhỏ hay gây viêm tai
Hình ảnh VA quá phát ở trẻ nhỏ hay gây viêm tai

Ngoài ra, một số trẻ có hệ miễn dịch yếu, hay có cấu tạo bất thường như trẻ có khe hở môi, vòm miệng dễ mắc viêm tai hơn.3

Căn nguyên gây viêm tai giữa cấp3

Nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp ở trẻ thường do vi khuẩn gây ra. Một số loại vi khuẩn thường gặp như:

  • S. pneumoniae (hay được gọi là phế cầu).
  • H. influenzae (hay gọi tắt là H.I).
  • M. catarrhalis.
  • Ngoài ra có thể gặp liên cầu, tụ cầu.

3. Triệu chứng của viêm tai giữa cấp3 4

Bệnh thường trải qua ba giai đoạn chính: giai đoạn xung huyết (màng nhĩ), giai đoạn ứ mủ trong tai và cuối cùng là giai đoạn vỡ mủ.

Giai đoạn xung huyết, ứ mủ

Ở giai đoạn này, đau tai là triệu chứng dễ gợi ý nhất. Với trẻ nhỏ chưa biết nói, đôi khi trẻ chỉ biết quấy khóc và có phản ứng mạnh khi bị chạm vào tai.

Ngoài ra, có khoảng 2/3 trường hợp viêm tai giữa có sốt từ nhẹ đến cao.2

Nội soi tai là phương pháp quan trọng để chẩn đoán viêm tai giữa. Ở trẻ được chẩn đoán viêm tai giữa, nội soi tai có thể thấy:

  • Màng nhĩ xung huyết nề đỏ (xung huyết là tình trạng ứ máu một cách bất thường ở một vùng nào đó của cơ thể);
  • Có thể thấy màng nhĩ phồng ra ngoài, ứ mủ, màng nhĩ căng phồng như hình ảnh “vú bò”;
  • Mất các mốc giải phẫu (tam giác sáng, cán búa).
Hình ảnh màng nhĩ viêm nề, ứ mủ trong tai giữa
Hình ảnh màng nhĩ viêm nề, ứ mủ trong tai giữa

Giai đoạn vỡ mủ

Nếu không được điều trị hoặc điều trị kháng sinh không hiệu quả trẻ sẽ chuyển sang giai đoạn vỡ mủ. Màng nhĩ bị thủng, mủ chảy từ tai giữa ra ống tai ngoài. Khi mủ chảy ra thì các triệu chứng lại giảm đi: trẻ đỡ sốt, đỡ đau tai.

Lúc này, bác sĩ có thể khám thấy mủ đọng ở ống tai ngoài và hòm nhĩ, màng nhĩ thủng.

Lưu ý: Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, đau tai dữ dội, có dịch chảy ra từ tai của bé, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ

Việc điều trị thường kết hợp giữa điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ.

1. Kháng sinh3 5

Có thể lựa chọn: Amoxicillin – acid clavulanic liều 50-90 mg/kg ngày (tính theo liều Amoxicillin) chia làm 2 lần. Cần lưu ý rằng việc sử dụng kháng sinh luôn theo chỉ định của bác sĩ.

Các lựa chọn khác bao gồm:

  • Cefuroxim liều 20-30 mg/kg ngày.
  • Macrolide: Clarithromycin liều 15 mg/kg ngày chia làm 2 lần. Azithromycin liều 10 mg/kg, ngày 1 lần.

Nếu không cải thiện, có thể phải dùng kháng sinh đường tiêm: Ceftriaxone.

Một số trường hợp có thể phải cấy mủ làm kháng sinh đồ và điều trị theo kháng sinh đồ (lấy mủ tai hoặc dịch tỵ hầu), một số trường hợp cấy được phế cầu kháng thuốc, H. influenza kháng thuốc hoặc tụ cầu vàng. Các trường hợp này phải dùng kháng sinh mạnh, tiêm máy.

Thời gian điều trị kháng sinh: 7-10 ngày.

2. Điều trị tại chỗ

Làm thuốc tai

Làm thuốc tai là thủ thuật rửa, nhỏ hoặc phun thuốc vào vị trí tổn thương trong tai giúp làm sạch và để thuốc thấm sâu trong tai, hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở tai.

Mục đích của việc làm thuốc tai:

  • Thoát dịch và làm sạch mủ;
  • Giúp thuốc ngấm vào trong tai, giúp làm ngừng chảy mủ tai;
  • Việc làm thuốc tai sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.

Các thuốc nhỏ tai6 7

Một số loại thuốc nhỏ tai chỉ dùng được trong trường hợp màng nhĩ không thủng, viêm ống tai ngoài hoặc viêm tai giữa nhưng chưa vỡ mủ.

Các thuốc có thể nhỏ tai để điều trị viêm tai giữa trong trường hợp vỡ mủ là:

  • Illeffexin (Ofloxaxin) hoặc Otofa (rifampicin).
  • Thuốc nhỏ tai Otofa, Illeffexin hiệu quả trong trường hợp viêm tai chảy mủ.6 7 8

Lưu ý: Các thuốc giảm đau thường dùng như thuốc uống, thuốc giảm đau nhỏ tai tại chỗ thường không nhỏ được trong trường hợp màng nhĩ thủng.

Chích rạch màng nhĩ5

Khi màng nhĩ căng phồng, điều trị nội khoa không có hiệu quả, đe doạ biến chứng. Lúc này, các bác sĩ có thể chỉ định phương pháp chích rạch màng nhĩ để giúp dẫn lưu mủ ra khỏi tai giữa, làm giảm áp lực trong hõm tai. Từ đó giảm các triệu chứng xấu toàn thân, phòng tránh các biến chứng như viêm xương chũm, giảm thính lực…

Phòng bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ

Để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ viêm tai giữa cấp ở trẻ em, phụ huynh cần lưu ý:

  • Nếu trẻ mắc các bệnh viêm nhiễm vùng mũi họng thì cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám sớm và điều trị dứt điểm.
  • Thực hiện nạo VA nếu trẻ có VA quá phát, hay bị viêm. Điều này giúp giảm nguy cơ bị viêm tai giữa.
  • Nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất từ các loại trái cây và rau củ.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ đến khi trẻ được 6 tháng tuổi.
  • Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về việc điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ. Từ đó giúp bạn có thêm kiến thức và cách xử trí phù hợp khi gặp phải tình trạng này.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Acute Otitis Mediahttps://emedicine.medscape.com/article/859316-overview?form=fpf

    Ngày tham khảo: 18/03/2024

  2. Acute Otitis Mediahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470332/

    Ngày tham khảo: 18/03/2024

  3. Magaretha (2015), "Acute otitis media and otitis media with effusion", Cumming Pediatric Otolaryngology, p 209-227.

  4. Unit Four: Middle Ear Disease Diagnosishttps://app1.unmc.edu/medicine/heywood/otology/unit4-middle-ear-disease-diagnosis.cfm

    Ngày tham khảo: 18/03/2024

  5. Acute otitis media in children: Treatmenthttps://www.uptodate.com/contents/acute-otitis-media-in-children-treatment?search=ACUTE%20OTITIS%20MEDIA%20AND%20OTITIS%20MEDIA%20WITH%20EFFUSION&topicRef=1204&source=related_link

    Ngày tham khảo: 18/03/2024

  6. Book Review: Pocket Guide to Antimicrobial Therapy in Otolaryngologyhttps://journals.sagepub.com/doi/10.1177/000348948209100519

    Ngày tham khảo: 18/03/2024

  7. A systematic review of the effectiveness of ofloxaxin otic solution for the treatment of suppurative otitis mediahttps://karger.com/orl/article-abstract/65/2/106/260786/A-Systematic-Review-of-the-Effectiveness-of?redirectedFrom=fulltext

    Ngày tham khảo: 18/03/2024

  8. Thông tin kê toa sản phẩm Otofa, Illeffexin.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người