Hôn mê tiểu đường
Nội dung bài viết
Hôn mê tiểu đường là một dạng hôn mê có thể hồi phục được ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế. Nó là một biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng liên quan đến bệnh tiểu đường. Nó có thể xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc 2.
Tình trạng này xảy ra khi lượng đường trong máu quá thấp hoặc quá cao. Các tế bào trong cơ thể bạn cần glucose để hoạt động. Lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) có thể khiến bạn cảm thấy choáng váng và mất ý thức. Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) cũng có thể khiến bạn hôn mê. Sau đây, bác sĩ Youmed sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Ba loại hôn mê tiểu đường khác nhau được xác định:
- Hôn mê hạ đường huyết
- Nhiễm toan ceton do tiểu đường (thường là type 1) tiến triển đến mức dẫn đến hôn mê do lượng đường trong máu tăng nghiêm trọng, mất nước, sốc, và kiệt sức.
- Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu (thường là loại 2), trong đó lượng đường trong máu quá cao và chỉ mất nước là đủ để gây ra hôn mê.
1. Hôn mê hạ đường huyết
Ước tính có khoảng 2-15% người mắc bệnh tiểu đường sẽ bị ít nhất một đợt hôn mê tiểu đường trong đời do hạ đường huyết nghiêm trọng.
Hạ đường huyết xảy ra khi bạn không có đủ glucose hoặc đường trong máu. Mức đường thấp có thể xảy ra với bất kỳ ai trong mọi thời điểm. Nếu bạn điều trị tình trạng hạ đường huyết từ nhẹ đến trung bình ngay lập tức, nó thường tự khỏi mà không tiến triển thành hạ đường huyết nghiêm trọng.
Những người sử dụng insulin có nguy cơ hạ đường huyết cao nhất. Sử dụng thuốc điều trị tiểu đường bằng đường uống làm cho người mắc bệnh cũng có nguy cơ mắc phải vì thuốc sẽ làm tăng mức insulin trong cơ thể. Lượng đường trong máu thấp không được điều trị hoặc không được đáp ứng có thể dẫn đến hạ đường huyết nghiêm trọng.
Những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 phải dùng insulin với liều lượng thay thế hoàn toàn dễ bị các đợt hạ đường huyết nhất. Nó thường đủ nhẹ để đảo ngược bằng cách ăn hoặc uống carbohydrate, nhưng đường huyết đôi khi có thể giảm đủ nhanh và đủ thấp để gây bất tỉnh trước khi tình trạng hạ đường huyết có thể được nhận ra và đảo ngược.
Hạ đường huyết có thể nghiêm trọng đến mức gây bất tỉnh khi ngủ. Các yếu tố gây ảnh hưởng có thể bao gồm ăn ít hơn bình thường hoặc tập thể dục kéo dài với cường độ cao trong ngày. Một số người mắc bệnh tiểu đường có thể mất khả năng nhận biết các triệu chứng của hạ đường huyết sớm.
Hôn mê tiểu đường có thể xảy ra trong vòng 20 phút đến một giờ sau khi có các triệu chứng ban đầu và thường không có trước các bệnh hoặc triệu chứng khác. Có thể xảy ra co giật. Một người bất tỉnh do hạ đường huyết thường xanh xao, tim đập nhanh và ướt đẫm mồ hôi – tất cả các dấu hiệu của phản ứng catecholamin đối với hạ đường huyết. Cá nhân thường không bị mất nước, thở bình thường hoặc nông.
Hôn mê do hạ đường huyết được điều trị bằng cách nâng cao đường huyết bằng truyền đường vào tĩnh mạch hoặc tiêm glucagon.
2. Nhiễm toan ceton do đái tháo đường
Nhiễm toan ceton do tiểu đường xảy ra khi cơ thể bạn thiếu insulin và sử dụng chất béo thay vì glucose để tạo năng lượng. Điều này khiến ceton tích tụ trong máu. Tình trạng này xảy ra ở cả hai dạng tiểu đường, nhưng phổ biến hơn ở type 1.
Nhiễm toan ceton do tiểu đường, nếu nó tiến triển và xấu đi mà không được điều trị, cuối cùng có thể dẫn đến hôn mê, do sự kết hợp của lượng đường trong máu rất cao, mất nước, sốc, và kiệt sức. Hôn mê chỉ xảy ra ở giai đoạn nặng, thường sau 36 giờ hoặc hơn khi nôn và giảm thông khí nặng hơn.
Trong giai đoạn đầu đến giữa của nhiễm toan ceton, bệnh nhân thường đỏ bừng mặt, thở nhanh sâu, có thể nhìn thấy dấu mất nước, xanh xao do giảm tưới máu, thở nông hơn và nhịp tim nhanh thường xuất hiện khi hôn mê. Tuy nhiên, các đặc điểm này có thể thay đổi và không phải lúc nào cũng như mô tả.
Nếu bệnh nhân được biết là mắc bệnh tiểu đường type 1, việc chẩn đoán nhiễm toan ceton do tiểu đường thường được nghi ngờ ngay từ khi xuất hiện với tiền sử nôn từ 1–2 ngày. Chẩn đoán được xác nhận khi xét nghiệm lượng đường trong máu tại khoa cấp cứu cho thấy lượng đường cao và nhiễm toan chuyển hóa nghiêm trọng.
Điều trị nhiễm toan ceton do đái tháo đường bao gồm truyền dịch đẳng trương để nhanh chóng ổn định tuần hoàn với kali và các chất điện giải khác để thay thế sự thiếu hụt, insulin để đảo ngược tình trạng nhiễm toan ceton, và theo dõi cẩn thận các biến chứng.
3. Hôn mê tiểu đường do tăng áp lực thẩm thấu
Tình trạng này thường xảy ra ở bệnh tiểu đường type 2, thường phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Nó này xảy ra khi lượng đường trong máu của bạn quá cao, có thể dẫn đến mất nước.
Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu thường tiển triển âm thầm hơn nhiễm toan ceton do đái tháo đường vì triệu chứng chính là hôn mê, thay vì nôn mửa với bệnh cảnh rõ ràng. Lượng đường trong máu quá cao đi kèm với tình trạng mất nước do không đủ chất lỏng. Hôn mê xảy ra thường xuyên nhất ở những bệnh nhân bị tiểu đường type 2 và bị suy giảm khả năng nhận biết khát và uống. Đây là một tình trạng thường xảy ra trong nhà dưỡng lão nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Chẩn đoán tình trạng này khi xét nghiệm lượng đường trong máu quá cao và mất nước. Việc điều trị bao gồm insulin và bù nước dần dần bằng dịch truyền tĩnh mạch. Nếu mức natri, kali hoặc photphat của bạn thấp, bạn có thể nhận được chất bổ sung để giúp đưa chúng lên mức bình thường.
4. Quá trình hồi phục
Khi lượng đường trong máu của bạn ở trong mức bình thường, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn gần như ngay lập tức nếu bạn được điều trị kịp thời.
Sẽ không có bất kỳ tác dụng lâu dài nào nếu bạn được điều trị ngay sau khi các triệu chứng xuất hiện. Nếu các triệu chứng xảy ra một thời gian trước khi điều trị hoặc nếu bạn đã hôn mê trong vài giờ hoặc lâu hơn, bạn có thể bị tổn thương não. Hôn mê do tiểu đường không được điều trị cũng có thể dẫn đến tử vong.
5. Phòng ngừa
Nếu bạn bị tiểu đường, điều quan trọng là phải chú ý đến mức đường huyết và chế độ ăn uống của bạn mỗi ngày. Chìa khóa để ngăn ngừa hôn mê tiểu đường là quản lý đường huyết thích hợp. Biết phạm vi đường huyết mục tiêu của bạn và phải làm gì nếu kết quả đó quá cao hoặc quá thấp. Biết chỉnh liều dùng insulin và kiểm tra lượng đường trong máu và ceton theo khuyến cáo của bác sĩ.
Bạn cũng nên chú ý đến lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn của mình. Điều này đúng đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc 2. Cân nhắc làm việc với chuyên gia dinh dưỡng. Họ có thể giúp bạn lập một kế hoạch bữa ăn cho bệnh tiểu đường.
Bạn nên biết phải làm gì nếu bạn bỏ lỡ một liều insulin hoặc quên uống thuốc tiểu đường. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về điều đó, cũng như những gì cần làm nếu bạn bắt đầu cảm thấy các triệu chứng của tình trạng tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết.
Tóm lại, hôn mê tiểu đường là tình trạng y tế khẩn cấp, nguy hiểm và khá phổ biến ở người bệnh tiểu đường. Nếu bạn bị tiểu đường, điều quan trọng là phải tìm hiểu về hôn mê do tiểu đường, bao gồm cả nguyên nhân và triệu chứng của nó. Làm như vậy sẽ giúp ngăn ngừa được biến chứng nguy hiểm này và giúp bạn có ngay phương pháp điều trị kịp thời.
Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.