YouMed

Tiểu đường 7.2 có nguy hiểm không?

BS Đỗ Trúc Anh
Tác giả: Bác sĩ Đỗ Trúc Anh
Chuyên khoa: Nội tiết

Chỉ số đường huyết (GI) là một chỉ số từ 0 đến 100 được gán cho thực phẩm, đại diện cho mức tăng tương đối đường huyết sau 2 giờ tiêu hóa loại thức ăn đó. Đường huyết (glucose máu) là giá trị chỉ nồng độ glucose có trong máu thường được đo bằng đơn vị là mmol/L hoặc mg/dL. Vậy giá trị 7.2 mmol/L có nguy hiểm không? Bài viết sau của Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết Đỗ Trúc Anh sẽ giải đáp thắc mắc trên nhé.

Tiểu đường 7.2 có nguy hiểm không?

1. Đối với người bình thường không mắc đái tháo đường

Nếu giá trị 7.2 mmol/L là đường huyết đói thì đối tượng có khả năng bị đái tháo đường vì đã đạt ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định cần làm thêm một mẫu đường huyết đói, hoặc HbA1c, hoặc OGTT (xét nghiệm dung nạp glucose) để chẩn đoán xác định.

Nếu 7.2 mmol/L là mức đường huyết được đo sau ăn thì đây là giá trị bình thường.

2. Đối với người mắc đái tháo đường

Trong trường hợp này thì mức đường huyết 7.2 mmol/L, kể cả là đường huyết đói hay đường huyết sau ăn, đều nằm trong giá trị chấp nhận được.

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dựa trên 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:1

  • Nồng độ glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L).
  • Nồng độ glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75 gram (OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L). Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của WHO – Tổ chức Y tế Thế giới, người bệnh cần nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp. Dùng một lượng glucose tương đương với 75 gram glucose, hòa tan trong 250 – 300 ml nước, uống trong 5 phút. Trong 3 ngày trước đó bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150 – 200 gram carbohydrate mỗi ngày.
  • HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm này phải được thực hiện ở trong phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
  • Ở những người mắc bệnh đái tháo đường có triệu chứng điển hình của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

Đường huyết lúc đói từ 100 đến 125 mg/dL là dấu hiệu của tiền đái tháo đường. Đây là tình trạng lượng đường trong máu trên mức “bình thường”, nhưng không đủ cao để được coi là bệnh đái tháo đường. Tiền đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch và đột quỵ. Nó được quản lý bằng cách thay đổi lối sống và trong một số trường hợp có thể cần đến thuốc.

Trong những trường hợp không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose trong máu bao gồm: tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân thì những xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường ở trên cần được thực hiện lặp lại 2 lần để chẩn đoán xác định. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần đầu tiên có thể từ 1 đến 7 ngày.1

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị tầm soát bệnh đái tháo đường típ 2 định kỳ bắt đầu từ tuổi 35.1 Nếu kết quả bình thường vẫn nên kiểm tra lại ba năm một lần. Nếu kết quả cho thấy tiền đái tháo đường, HbA1C nên được kiểm tra một đến hai năm một lần.

Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, phương pháp thường được các bác sĩ sử dụng để chẩn đoán tiểu đường là định lượng glucose huyết tương khi đói 2 lần ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Đây được xem là một phương pháp đơn giản và hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu HbA1c được đo tại phòng xét nghiệm được chuẩn hóa quốc tế, có thể đo HbA1c 2 lần để chẩn đoán đái tháo đường.

Mục tiêu kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường?

Đối với người lớn mắc đái tháo đường không mang thai, ADA khuyến nghị các mục tiêu đường huyết như sau:2

  • Đường huyết lúc đói là 80 đến 130 mg/dL (4.4 – 7.2 mmol/L).
  • Đường huyết 1 đến 2 giờ sau ăn dưới 180 mg/dL (11 mmol/L).
  • HbA1c dưới 7%.

Các mục tiêu này có thể được cá nhân hóa cho một số bệnh nhân, dựa trên các yếu tố như: thời gian mắc bệnh đái tháo đường, tuổi tác hay kì vọng sống, tình trạng nhận thức, các tình trạng bệnh đi kèm, bệnh lý tim mạch đã biết, hay có các biến chứng mạch máu nhỏ tiến triển, tình trạng không nhận biết được hạ đường huyết

Làm thế nào để kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu?

Một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả, duy trì cân nặng hợp lý, và hoạt động thể chất thường xuyên đều hữu ích. Các phương pháp bao gồm:

1. Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp

  1. Ăn đúng bữa và không bỏ bữa.
  2. Kiểm soát khẩu phần ăn. Ví dụ, người bệnh có thể áp dụng phương pháp cái đĩa: một nửa đĩa là rau củ không chứa tinh bột, một phần tư là protein nạc, và một phần tư là carbohydrat.
  3. Giảm lượng tinh bột nhập vào.
  4. Uống nhiều nước lọc thay vì nước trái cây, hoặc nước ngọt có đường.
  5. Hạn chế đồ uống có cồn.
  6. Ăn nhiều chất xơ.
  7. Hạn chế chọn lựa thực phẩm có GI cao.

2. Thực hiện lối sống sinh hoạt hợp lí

  1. Theo dõi đường huyết thường xuyên. Nhằm nhận biết các yếu tố làm tăng hoặc giảm đường huyết.
  2. Tập luyện thể lực thường xuyên.
  3. Duy trì cân nặng hợp lý.
  4. Ngủ đủ giấc.
  5. Hạn chế stress.

Hi vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc về mức đường huyết 7.2 mmol/L của bạn đọc, cũng như giúp mọi người hiểu thêm về các chỉ số liên quan đến đường huyết. Từ đó nhận biết các giá trị bất thường và các biện pháp để giữ đường huyết trong mục tiêu.

Câu hỏi thường gặp

Giá trị đường huyết đói ở người bình thường không mắc đái tháo đường là bao nhiêu?

Đường huyết lúc đói bình thường đối với người không mắc đái tháo đường dao động từ 70 đến 99 mg/dL (3.9 – 5.5 mmol/L).

Thế nào là đường huyết sau ăn bình thường?

Lượng đường trong máu sau ăn bình thường thấp hơn 140 mg/dL (7.8 mmol/L). Mức đường huyết từ 140 đến 199 mg/dL (7.8 – 11 mmol/L) được coi là tiền đái tháo đường. Và lượng đường trong máu từ 200 mg/dL (11.1 mmoL) trở lên có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.

Thế nào là giá trị HbA1c bình thường ở người không mắc đái tháo đường?

Ở những người không mắc bệnh đái tháo đường, mức HbA1C bình thường là dưới 5,7%. HbA1C từ 5,7% – 6,4% là dấu hiệu của tiền đái tháo đường.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. 2. Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Medical Care in Diabetes—2022https://diabetesjournals.org/care/article/45/Supplement_1/S17/138925/2-Classification-and-Diagnosis-of-Diabetes

    Ngày tham khảo: 21/08/2022

  2. 6. Glycemic Targets: Standards of Medical Care in Diabetes—2022 https://diabetesjournals.org/care/article/45/Supplement_1/S83/138927/6-Glycemic-Targets-Standards-of-Medical-Care-in

    Ngày tham khảo: 21/08/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người