Xét nghiệm chỉ số HbA1c: Sống vui khoẻ cùng bệnh đái tháo đường
Nội dung bài viết
Đái tháo đường là một bệnh lý phổ biến và có thể đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Để kiểm soát nó, bên cạnh điều trị thuốc, bác sĩ thường dùng HbA1c như một chỉ số đáng tin cậy để theo dõi nồng độ đường huyết trung bình của người bệnh trong một thời gian dài. HbA1c thực sự là gì? Làm thế nào để duy trì HbA1c ở một ngưỡng lành mạnh? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô điểm qua một số thông tin hữu ích về chỉ số xét nghiệm này bạn nhé.
HbA1c là gì?
Thuật ngữ HbA1c dùng để chỉ các huyết sắc tố hemoglobin trong máu được glycate hoá. Hemoglobin là một loại protein trong các tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi Hemoglobin kết hợp với glucose trong máu, trở thành dạng glycate hoá gọi là HbA1c.1 2
HbA1c cũng được gọi là glycohemoglobin, glycated hemoglobin, glycosylated hemoglobin, hemoglobin A1c hoặc đơn giản là A1c.3
Bằng cách đo huyết sắc tố hemoglobin được glycate hoá (HbA1c), các bác sĩ có thể có được một cái nhìn tổng thể về mức độ đường trong máu trung bình của bệnh nhân.2
Bằng cách đo huyết sắc tố hemoglobin được glycate hoá (HbA1c), các bác sĩ có thể có được một cái nhìn tổng thể về mức độ đường trong máu trung bình của bệnh nhân. HbA1c phản ánh mức độ đường trong vòng khoảng 3 tháng trước ngày xét nghiệm.
Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường (hay bệnh tiểu đường), điều này rất quan trọng vì HbA1c càng cao, nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến bệnh càng lớn.
HbA1c cũng được gọi là hemoglobin A1c hoặc đơn giản là A1c.
Xét nghiệm HbA1c là gì?
Định nghĩa
Xét nghiệm HbA1c là xét nghiệm máu cho biết mức đường huyết (glucose) trung bình của bạn trong vòng hai đến ba tháng qua.3
Đây là một trong những xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường. Đồng thời, đây cũng là xét nghiệm chính để giúp người bệnh tiểu đường và bác sĩ điều trị kiểm soát bệnh. Phần trăm HbA1c cao hơn có liên quan đến các biến chứng tiểu đường. Vì vậy, việc đạt được và duy trì mục tiêu A1c của cá nhân người bệnh thực sự quan trọng nếu họ bị bệnh tiểu đường.4
Xét nghiệm đường huyết HbA1c còn được gọi là xét nghiệm A1c, xét nghiệm hemoglobin glycated và xét nghiệm glycohemoglobin.1
Nguyên lý xét nghiệm HbA1c
Glucose là một loại đường trong máu được tạo ra từ thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày. Tế bào trong cơ thể sẽ sử dụng glucose để làm năng lượng. Glucose đi vào tế bào là nhờ một loại hormone insulin. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể sẽ không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể không có khả năng sử dụng insulin một cách hiệu quả. Kết quả là glucose không thể đi vào tế bào, từ đó làm lượng đường trong máu tăng lên.3
Đường (glucose) trong máu dính vào hemoglobin. Khi lượng glucose trong máu của bạn tăng lên, nhiều hemoglobin của bạn sẽ được bao phủ bởi glucose. Xét nghiệm tiểu đường HbA1c sẽ đo tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu có hemoglobin phủ glucose.3
Xét nghiệm HbA1c có thể cho biết mức đường huyết trung bình trong ba tháng vừa qua vì:3
- Glucose sẽ dính vào hemoglobin miễn là các tế bào hồng cầu này còn sống.
- Thời gian sống của tế bào hồng cầu là khoảng 3 tháng.
Mức HbA1c cao là một dấu hiệu của lượng đường huyết cao do bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng; bao gồm bệnh tim, bệnh thận và tổn thương thần kinh. Nhưng với việc điều trị và thay đổi lối sống, bạn có thể kiểm soát mức đường huyết của mình.3
HbA1c phản ánh lượng đường huyết chính xác đến đâu?
Như đã trình bày phía trên, sau khi ăn uống, hệ tiêu hoá sẽ biến thức ăn thành các chất dinh dưỡng và năng lượng. Trong số đó, các chất đường bột đa số được chuyển thành dạng đường đơn giản nhất để hấp thu gọi là glucose. Khi cơ thể xử lý lượng đường dư thừa, glucose trong máu sẽ tự nhiên gắn vào huyết sắc tố hemoglobin tạo HbA1c.3
Lượng glucose kết hợp với protein này tỷ lệ thuận với tổng lượng đường có trong máu cơ thể bạn tại thời điểm đó.
Các tế bào hồng cầu trong cơ thể con người tồn tại trong 8-12 tuần sẽ được thay mới. Hơn nữa, sự hình thành HbA1c xảy ra chậm và từ từ. Vì vậy, đo huyết sắc tố HbA1c có thể được sử dụng để phản ánh mức đường huyết trung bình trong thời gian 3 tháng. Đo lường HbA1c là một biện pháp kiểm soát đường huyết dài hạn đáng tin cậy hơn so với đường huyết đói và đường huyết sau ăn.
HbA1c phản ánh lượng đường trung bình trong thời gian dài, chứ không bị ảnh hưởng bởi thức ăn như đường huyết đo tại 1 thời điểm. Nếu lượng đường trong máu của bạn cao trong những tuần gần đây, chỉ số HbA1c cũng sẽ cao hơn.
Khi nào cần xét nghiệm HbA1c? Đối tượng nào cần xét nghiệm HbA1c?
Bạn có thể phải thực hiện xét nghiệm HbA1c khi:5
- Chẩn đoán tiền tiểu đường. Nếu bị tiền tiểu đường, người bệnh có nguy cơ cao mắc đái tháo đường và bệnh tim mạch.
- Chẩn đoán đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2. Để xác định chẩn đoán tiểu đường, bác sĩ có thể xem xét kết quả của hai xét nghiệm máu được đưa ra vào những ngày khác nhau (2 xét nghiệm HbA1c hoặc xét nghiệm đường huyết HbA1c và một xét nghiệm khác, chẳng hạn như xét nghiệm đường huyết lúc đói hoặc đường huyết ngẫu nhiên).
- Theo dõi kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường. Kết quả xét nghiệm HbA1c ban đầu cũng giúp thiết lập mức HbA1c cơ bản. Sau đó, xét nghiệm sẽ được lặp lại thường xuyên để theo dõi kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, CDC khuyến nghị xét nghiệm HbA1c để kiểm tra bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường với các đối tượng sau:3 4
Người trên 45 tuổi.
- Nếu kết quả bình thường, bạn nên làm lại xét nghiệm 3 năm một lần.
- Nếu kết quả của bạn cho thấy bạn bị tiền tiểu đường, bạn thường cần phải kiểm tra sau mỗi 1 đến 2 năm. Hỏi bác sĩ của bạn tần suất đi xét nghiệm và bạn có thể làm gì để giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
- Nếu kết quả cho thấy bạn bị tiểu đường, bạn nên làm xét nghiệm A1C ít nhất hai lần một năm để theo dõi tình trạng bệnh và điều trị.
Người dưới 45 tuổi và có các nguy cơ bị đái tháo đường sau:
- Bị tiền tiểu đường.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Bố mẹ hoặc anh chị em mắc đái tháo đường type 2.
- Huyết áp cao hoặc cholesterol cao.
- Bị bệnh tim hoặc bị đột quỵ.
- Hoạt động thể chất ít hơn 3 lần một tuần.
- Có tiền sử mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc sinh con nặng hơn 9 kg.
- Là người Mỹ gốc Phi, người Tây Ban Nha hoặc người Latinh, người Mỹ da đỏ, hoặc người bản địa Alaska. Một số người dân Đảo Thái Bình Dương và người Mỹ gốc Á cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Bạn cũng có thể cần xét nghiệm A1c nếu có các triệu chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như:
- Cảm thấy rất khát.
- Đi tiểu nhiều.
- Giảm cân mà không cần cố gắng.
- Cảm thấy rất đói.
- Mắt nhìn mờ.
- Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Da khô.
- Vết loét từ từ lành lại.
- Bị nhiễm trùng nhiều hơn bình thường.
Xét nghiệm HbA1c có cần nhịn ăn không?
Xét nghiệm tiểu đường HbA1c là xét nghiệm máu đơn giản. Do đó, không cần phải nhịn ăn, bạn có thể ăn uống bình thường trước khi thực hiện xét nghiệm.5
Bên cạnh đó, bạn cũng không cần chuẩn bị gì cho bài xét nghiệm Hba1c. Tuy nhiên, hãy hỏi bác sĩ liệu có xét nghiệm nào khác được thực hiện cùng lúc không, và có cần chuẩn bị gì không. Vì một số xét nghiệm khác có thể yêu cầu nhịn ăn hoặc thay đổi chế độ ăn trước đó, hoặc cũng có thể có những lưu ý đặc biệt khác.4 6
Quy trình xét nghiệm HbA1c
1. Quy trình xét nghiệm6
Đối với xét nghiệm đường huyết HbA1c lấy máu đường tĩnh mạch, quy trình thường diễn ra như sau:
- Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ buộc một băng thun vào cánh tay (dưới vai) để tạo áp lực lên tĩnh mạch, làm tăng lưu lượng máu.
- Bác sĩ/kỹ thuật viên làm sạch vùng da xung quanh tĩnh mạch bằng khăn lau vô trùng.
- Máu sẽ được lấy bằng cách đâm một kim nhỏ vào tĩnh mạch ở hố khuỷu tay của bạn. Mẫu máu sẽ được thu thập trong ống gắn liền với kim.
- Bạn có thể nhận thấy hơi khó chịu hoặc châm chích khi kim được chèn hoặc rút ra. Bệnh nhân có thể được băng một miếng băng nhỏ lên vết tiêm để đảm bảo máu ngừng chảy.
Nếu xét nghiệm hemoglobin A1c sử dụng mẫu máu ở ngón tay, quy trình lấy mẫu như sau:
Kỹ thuật viên sẽ sử dụng một cây kim để chích đầu ngón tay đến khi xuất hiện một giọt máu. Quá trình này có thể cảm thấy hơi đau khi ngón tay bị kim châm.
Mẫu máu sẽ được trộn với một chất đặc biệt sau đó được cho vào hộp mực đưa vào máy xét nghiệm.
Ngón tay thường không gây đau hoặc khó chịu kéo dài. Nếu cần, bạn có thể băng vào đầu ngón tay để cầm máu.
Thông thường, quá trình lấy máu sẽ mất năm phút hoặc ít hơn. Sau xét nghiệm có thể trở lại hoạt động bình thường ngay. Nếu lấy máu tĩnh mạch, cánh tay có thể có vết bầm tím nơi kim được đưa vào.6
2. Xét nghiệm HbA1c bao lâu có kết quả?6
Nếu xét nghiệm HbA1c được thực hiện trong phòng thí nghiệm, kết quả sẽ có sau một vài ngày. Ở một vài cơ sở, kết quả có thể được gửi về thông qua đường bưu điện hoặc qua email, hoặc, bạn cũng có thể truy cập trực tuyến để kiểm tra kết quả.
Nếu xét nghiệm HbA1c bằng cách lấy máu đầu ngón tay, kết quả sẽ có sau vài phút.
Cách đọc và ý nghĩa kết quả xét nghiệm HbA1c
Kết quả xét nghiệm HbA1c được báo cáo dưới dạng phần trăm. Phần trăm HbA1c cao hơn tương ứng với mức đường huyết trung bình cao hơn. Kết quả chẩn đoán được diễn giải như sau:4 5
- Dưới 5,7% là bình thường.
- 5,7% đến 6,4% được chẩn đoán là tiền tiểu đường.
- 6,5%, hoặc cao hơn trong hai xét nghiệm riêng biệt cho thấy bệnh tiểu đường.
Mối liên hệ giữa mức độ đường huyết với phần trăm HbA1c như sau:1 5
HbA1c (%) |
Mức đường huyết trung bình (mmol/L) |
Mức đường huyết trung bình (mg/dL) |
14 |
19.7 mmol/L |
355 mg/dL |
13 |
18.1 mmol/L |
326 mg/dL |
12 |
16.5 mmol/L |
298 mg/dL |
11 |
14.9 mmol/L |
269 mg/dL |
10 |
13.4 mmol/L |
240 mg/dL |
9 |
11.8 mmol/L |
212 mg/dL |
8 |
10.2 mmol/L |
183 mg/dL |
7 |
8.6 mmol/L |
154 mg/dL |
6 |
7 mmol/L |
126 mg/dL |
5 |
5.4 mmol/L |
97 mg/dL |
4 |
3.8 mmol/L |
68 mg/dL |
Theo dõi chỉ số HbA1c ở người bệnh tiểu đường như thế nào?
1. Xét nghiệm HbA1c có lợi ích gì cho người bệnh đái tháo đường?
Khi phần trăm HbA1c tăng lên, nguy cơ tiền tiểu đường trở thành bệnh tiểu đường loại 2 và các biến chứng xảy ra ở những người được chẩn đoán bệnh tiểu đường cũng tăng lên.2
Trong một nghiên cứu lớn năm 2018, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 tăng gấp 4 lần cho mỗi lần tăng HbA1C theo đơn vị phần trăm.7
Xét nghiệm HbA1c giúp kiểm soát lượng đường trong máu, từ đó, ngăn chặn chỉ số đường huyết tăng quá cao. Điều này làm giảm nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến các vi mạch, đặc biệt là mắt, thận và động mạch vành. Điều này có thể giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề có thể xảy ra với bệnh tiểu đường, bao gồm:2
- Mất thị lực.
- Bệnh tim mạch.
- Đột quỵ.
- Bệnh thận.
2. Khi nào người bệnh đái tháo đường nên đi kiểm tra HbA1c?1
Những người bị bệnh tiểu đường nên làm xét nghiệm HbA1c 3 tháng/lần để đảm bảo lượng đường trong máu nằm trong phạm vi mục tiêu. Khi bệnh tình được kiểm soát tốt, thời gian giữa các lần xét nghiệm có thể được kéo dài hơn. Nhưng bệnh nhân vẫn nên kiểm tra HbA1c ít nhất hai lần một năm.
3. Mục tiêu HbA1c ở người bệnh tiểu đường
Mục tiêu HbA1c cho những người mắc bệnh tiểu đường thường dưới 7%. HbA1c càng cao, nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến đái tháo đường càng cao. Những người mắc đái tháo đường không được điều trị trong một thời gian dài có thể có mức HbA1c trên 8%.1
Tuy nhiên, mục tiêu HbA1c cá nhân sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như tuổi tác, điều kiện y tế,… Hãy hỏi thêm tư vấn của bác sĩ để đặt mục tiêu HbA1c cho riêng mình.4
Nếu bệnh nhân đái tháo đường có mức độ HbA1c cao hơn mục tiêu 7%, bác sĩ có thể thay đổi kế hoạch điều trị bệnh để giảm mức độ HbA1c. Ngoài ra, việc kết hợp giữa chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và thuốc có thể làm giảm chỉ số HbA1c.1
So sánh các xét nghiệm glucose và HbA1c
Hiện nay, có nhiều phương pháp xét nghiệm glucose. Có thể kể đến các phương pháp thường được sử dụng như: xét nghiệm glucose khi đói (FPG), nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (OGTT),…
So sánh:8
Tiêu chí |
Xét nghiệm glucose |
Xét nghiệm HbA1c |
|
Xét nghiệm glucose lúc đói (FPG) |
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống |
||
Ưu điểm |
|
|
|
Nhược điểm |
|
|
|
Xét nghiệm HbA1c ở đâu?
Một trong những vấn đề được quan trong khi xét nghiệm HbA1c là nên xét nghiệm HbA1c ở đâu? Điều này là do hiện nay, trên cả nước có rất nhiều cơ sở thực hiện xét nghiệm này. Vì thế, phần lớn mọi người sẽ phân vân không biết nên chọn đơn vị xét nghiệm nào? Đơn vị nào là uy tín? Xét nghiệm HbA1c ở đâu cho kết quả chính xác nhất?
Để dễ dàng hơn trong việc chọn lựa cơ sở xét nghiệm, bạn đọc nên đánh giá đơn vị xét nghiệm để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp cho mình. Việc đánh giá có thể dựa trên các tiêu chí sau:
- Cơ sở được cơ quan y tế cấp giấy phép.
- Công nghệ, kỹ thuật của đơn vị, cơ sở xét nghiệm.
- Đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm.
Bạn đọc có thể xét nghiệm HbA1c tại một số đơn vị xét nghiệm dưới đây.
Đơn vị xét nghiệm tại miền Bắc
1. Bệnh viện Nội tiết Trung ương
- Trụ sở: Đường Nguyễn Bồ (Ngõ 215 Ngọc Hồi), Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
- Cơ sở: Số 80 Ngõ 82 Yên Lãng, quận Đống Đa, Hà Nội.
2. Khoa Nội tiết – Đái tháo đường – Bệnh viện Bạch Mai
- Địa chỉ: 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội.
3. Bệnh viện – Phòng khám Đa khoa Medlatec
- Cơ sở 1: 42 – 44 Nghĩa Dũng, Phúc xá, Ba Đình, Hà Nội.
- Cơ sở 2: Số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội.
- Cơ sở 3: Số 3 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.
Đơn vị xét nghiệm tại miền Trung
1. Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông
Địa chỉ: 143 Nguyễn Phong Sắc, Hưng Dũng, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
2. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Địa chỉ: Đường 30 Tháng 4, Khu dân cư số 4 Nguyễn Tri Phương, P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng.
3. Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 12-14 Phạm Ngũ Lão, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Đơn vị xét nghiệm tại miền Nam
1. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
- Cơ sở 1: 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP. HCM.
- Cơ sở 2: 201 Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP. HCM.
- Cơ sở 3: 221B Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP. HCM.
2. Bệnh viện Chợ rẫy
Địa chỉ: 01B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP.HCM.
3. Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Địa chỉ: 120 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP.HCM.
4. Bệnh viện Nhân dân 115
Địa chỉ: 527 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP.HCM.
Xét nghiệm chỉ số HbA1c bao nhiêu tiền?
Giá xét nghiệm HbA1c là bao nhiêu? cũng là một trong những câu hỏi được đặt ra khi thực hiện xét nghiệm này.
YouMed đã thống kê bảng chi phí xét nghiệm HbA1c tại một số cơ sở trên cả nước. Xét nghiệm HbA1c là loại xét nghiệm có thể sử dụng bảo hiểm y tế. Cần lưu ý rằng, bảng giá này chỉ mang tính chất tham khảo, giá thực tế có thể thay đổi tùy theo thời điểm và chi phí các dịch vụ đi kèm.
Tên cơ sở |
Giá tham khảo |
Bệnh viện Nội tiết Trung ương |
100.000 VNĐ |
Bệnh viện Bạch Mai |
101.000 VNĐ |
Bệnh viện – Phòng khám Đa khoa Medlatec |
Giá dịch vụ: 149.000 VNĐ Giá BHYT: 101.000 VNĐ |
Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông |
101.000 VNĐ |
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM |
Giá dịch vụ: 188.000 VNĐ Giá BHYT: 101.000 VNĐ |
Bệnh viện Chợ Rẫy |
101.000 VNĐ |
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch |
101.000 VNĐ |
Bệnh viện Nhân dân 115 |
101.000 VNĐ |
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về xét nghiệm HbA1c. Đây là loại xét nghiệm cần thiết trong việc chẩn đoán và tầm soát bệnh đái tháo đường. Bên cạnh đó, chỉ số HbA1c là một phương tiện hữu ích để theo dõi khả năng kiểm soát bệnh lý đái tháo đường. Việc duy trì chỉ số này ở các ngưỡng phù hợp giúp giảm các biến chứng lâu dài của bệnh. Phối hợp HbA1c cùng chỉ số đường huyết, bác sĩ có thể lên kế hoạch về chế độ ăn uống, luyện tập và các thuốc điều trị một cách hiệu quả hơn. Để đảm bảo độ chính xác của kết quả cũng như chất lượng dịch vụ, bạn đọc nên lựa chọn những đơn vị xét nghiệm uy tín nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hemoglobin A1c (HbA1c) Test for Diabeteshttps://www.webmd.com/diabetes/guide/glycated-hemoglobin-test-hba1c
Ngày tham khảo: 06/11/2022
-
Everything you need to know about the A1C testhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/265443
Ngày tham khảo: 06/11/2022
-
Hemoglobin A1C (HbA1c) Testhttps://medlineplus.gov/lab-tests/hemoglobin-a1c-hba1c-test/
Ngày tham khảo: 06/11/2022
-
All About Your A1Chttps://www.cdc.gov/diabetes/managing/managing-blood-sugar/a1c.html
Ngày tham khảo: 06/11/2022
-
A1C testhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/a1c-test/about/pac-20384643
Ngày tham khảo: 06/11/2022
-
Hemoglobin A1chttps://www.testing.com/tests/hemoglobin-a1c/
Ngày tham khảo: 06/11/2022
-
Prediction of Type 2 Diabetes by Hemoglobin A1c in Two Community-Based Cohortshttps://diabetesjournals.org/care/article/41/1/60/36699/Prediction-of-Type-2-Diabetes-by-Hemoglobin-A1c-in
Ngày tham khảo: 06/11/2022
-
A1C Versus Glucose Testing: A Comparisonhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3024379/
Ngày tham khảo: 06/11/2022