Bệnh sởi: Dấu hiệu, biến chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Sởi là bệnh truyền nhiễm không còn xa lạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ thông tin về bệnh cảnh này. Vậy, bệnh sởi là gì? Bệnh có dấu hiệu như thế nào? Điều trị ra sao? Phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về những vấn đề trên qua bà viết dưới đây của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh nhé!
Bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi là một bệnh nhiễm trùng ở trẻ em với tác nhân là virus. Bệnh lây lan rất nhanh chóng và có thể trở nên nghiêm trọng. Thậm chí gây tử vong cho trẻ em mắc bệnh. Trước đây khi vắc-xin chưa xuất hiện thì số lượng bệnh nhân tử vong là một con số đáng lo ngại.1
Nguyên nhân gây ra bệnh sởi là do một loại virus, chúng sống kí sinh trong mũi và cổ họng của người. Khi người mắc bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện quá gần với người khác, mầm bệnh sẽ lây sang người khỏe mạnh bằng những giọt bắn. Những giọt chất lỏng này có thể tồn tại lơ lửng trong không trung trong khoảng một giờ. Nếu chúng rơi trên các bề mặt khác, chúng có thể tồn tại đến vài giờ.1
Hiện nay, mặc dù đã có vắc-xin phòng ngừa bệnh sởi những tỷ lệ người bệnh tử vong vẫn rất cao, khoảng trên 200.000 người mỗi năm, chủ yếu là trẻ em.1
Dấu hiệu bệnh sởi
Triệu chứng bệnh sởi thường xuất hiện khoảng 10 – 14 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với virus. Những dấu hiệu thường gặp bao gồm:1
- Sốt.
- Ho khan.
- Sổ mũi.
- Đau họng.
- Viêm kết mạc.
- Xuất hiện các đốm trắng nhỏ với lõi màu trắng ngả xanh trên nền đỏ bên trong miệng, xung quanh lớp da phần hai má (còn gọi là đốm Koplik).
- Phát ban da tạo ra các đốm lớn, phẳng và xếp chồng vào nhau.
Quá trình dẫn đến nhiễm trùng thường trải qua nhiều giai đoạn, diễn biến trong vòng 2 – 3 tuần:1
- Giai đoạn lây nhiễm và ủ bệnh: diễn ra trong vòng 10 – 14 ngày đầu. Người bệnh sẽ không có dấu hiệu hay triệu chứng trong giai đoạn này.
- Giai đoạn khởi phát: khi này các dấu hiệu đã bắt đầu thể hiện ra nhưng cũng không đặc hiệu. Bệnh có thể bắt đầu với cơn sốt nhẹ đến trung bình, tường kèm theo ho dai dẳng, sổ mũi, viêm mắt, đau họng. Lúc này bệnh tương đối nhẹ và có thể chỉ kéo dài khoảng 2 – 3 ngày.
- Giai đoạn toàn phát: lúc này người bệnh sẽ xuất hiện các nốt ban, chúng được tạo thành từ các đốm đỏ, một số sẽ nổi cộm lên. Sau đó, các đốm và mụn sẽ mọc thành cụm dày đặc khiến da người bệnh có màu đỏ lốm đốm. Bề mặt sẽ vỡ ra trước. Trong vài ngày tiếp theo, vết ban sẽ lan xuống cánh tay, ngực và lưng, rồi chúng “xâm lấn” đến đùi, cẳng chân và xuống tận bàn chân. Đồng thời lúc này người bệnh sẽ trải qua cơn sốt nặng, nhiệt độ có thể lên chạm 40°C – 41°C.
- Giai đoạn lui bệnh: phát ban do sởi có thể kéo dài khoảng 7 ngày. Các nốt ban nhạt dần ở mặt và dần đến đùi, bàn chân. Đa số các triệu chứng sẽ biến mất trong giai đoạn này trừ ho, da sẫm màu hoặc bong tróc nơi phát ban, chúng có thể kéo dài 10 ngày.
Ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh sởi bao gồm:1
- Người không được tiêm vắc-xin sởi.
- Người đi du lịch đến các quốc gia có tỷ lệ bệnh sởi cao.
- Người bị thiếu hụt vitamin A. Khi đó người bệnh dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng hơn so với người bình thường.
Biến chứng
Biến chứng thường gặp của bệnh bao gồm: viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm thanh khí phế quản, viêm não và tiêu chảy.2 Cụ thể như sau:1
- Tiêu chảy (có thể có cả nôn mửa): chúng có thể khiến cơ thể mất nước.
- Nhiễm trùng tai: dây là một trong những biến chứng phổ biến nhất.
- Viêm phế quản, viêm thanh quản: bệnh sởi lúc này có thể làm kích ứng và sưng tấy (viêm) đường hô hấp (viêm thanh khí phế quản). Đôi khi nó cũng có thể dẫn đến viêm các thành phần bên trong lót đường dẫn khí chính của phổi (viêm phế quản). Bệnh này cũng có thể gây viêm thanh quản.
- Viêm phổi: bệnh sởi còn gây nhiễm trùng phổi. Những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể tiên tiến thành một loại viêm phổi đặc biệt nguy hiểm, đôi khi còn dẫn đến tử vong.
- Viêm não: tỷ lệ dẫn đến biến chứng viêm não rơi vào khoảng 1/1000 trong tổng số người mắc bệnh sởi. Viêm não là tình trạng não bị kích thích và sưng. Nó đặc biệt nguy hiểm với người có hệ miễn dịch kém. Biến chứng này có thể xuất hiện ngay sau khi người bệnh bị sởi hoặc sau vài tháng và có thể gây tổn thương não vĩnh viễn.
- Biến chứng trên phụ nữ đang mang thai: bệnh có thể gây sinh non, nhẹ cân và sảy thai.
Chẩn đoán bệnh sởi như thế nào?
Chẩn đoán lâm sàng
Bác sĩ chẩn đoán ban đầu thông qua dấu hiệu lâm sàng như: sốt phát ban và các triệu chứng điển hình của bệnh sởi.
Chẩn đoán bằng xét nghiệm2
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh sởi bao gồm: tìm kháng thể IgM đặc hiệu trong huyết thanh và ARN sởi bằng phản ứng chuỗi polymerase thời gian thực (RT-PCR). Đây là phương pháp phổ biến nhất trong chẩn đoán bệnh sởi. Bên cạnh đó, bác sĩ còn có thể dùng phương pháp phân tích phân tử để xác định kiểu gen của virus sởi. Đây là cách để phân biệt giữa virus sởi và phát ban do tiêm vắc-xin sởi.
Điều trị bệnh sởi như thế nào?
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi. Bác sĩ sẽ tiến hành điều trị triệu chứng cũng như giải quyết các biến chứng như nhiễm trùng (do vi khuẩn). Với trường hợp bệnh sởi nặng ở trẻ em, bác sĩ có thể dùng vitamin A để điều trị. Liều khuyến cáo như sau:
- 50.000 IU cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- 100.000 IU cho trẻ 6–11 tháng tuổi.
- 200.000 IU cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.
Phòng ngừa bệnh bằng cách nào
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh sởi là tiêm vắc-xin sởi.
Vắc-xin ở trẻ em1
Lúc này vắc-xin sởi thường được tiêm dưới dạng vắc-xin kết hợp (vắc-xin sởi – quai bị – rubella MMR). Đôi khi vắc-xin này cũng bao gồm cả vắc-xin thủy đậu (trái rạ) (MMRV). Các chuyên gia khuyên rằng trẻ em nên tim vắc-xin MMR từ 12 – 15 tháng tuổi và lặp lại lúc 4 – 6 tuổi.
Hai liều vắc-xin MMR có hiệu quả 97% trong việc ngăn ngừa bệnh sởi và bảo vệ khỏi bệnh suốt đời. Ở một số ít người mắc bệnh sởi sau khi tiêm phòng, các triệu chứng thường nhẹ.
Bố mẹ cần lưu ý rằng:
- Nên tiêm vắc-xin sởi sớm cho bé nếu bạn cho bé đi du lịch nước ngoài. Nhưng trước đó bạn cần tham khảo ý kiến nhân viên y tế.
- Nếu con bạn ở độ tuổi thanh thiếu niên và trước đó không tiêm đủ 2 liều vắc-xin vào đúng thời điểm khuyến cáo thì cần con cần được tiêm 2 liều cách nhau 4 tuần.
Vắc-xin ở người lớn1
Nếu người lớn không có bằng chứng khả năng miễn dịch sởi thì có thể tiêm vắc-xin. Hoặc người lớn có những yếu tố nguy cơ như: Đi học, du lịch, làm việc ở nước ngoài.
Bằng chứng về khả năng miễn dịch bao gồm:
- Tài liệu bằng văn bản về tiêm phòng sởi.
- Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy bằng chứng về khả năng miễn dịch.
- Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy bạn đã từng mắc bệnh sởi.
Khi trong nhà bạn có người mắc bệnh sởi và nó đang trong thời gian bùng phát hoặc nhiễm trùng, hãy thực hiện những điều sau:
- Cách ly: vì bệnh rất dễ lây lan.
- Tiêm phòng cho những ai chưa tiêm hoặc chưa có bằng chứng miễn dịch.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích về bệnh sởi. Bạn hãy chủ động tiêm vắc-xin phòng ngừa sởi cho bản thân và gia đình. Điều này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ gia đình bạn trước mầm bệnh này nhé.
Câu hỏi thường gặp
Bị bệnh sởi bao lâu thì khỏi?
Bệnh sởi thường thuyên giảm trong khoảng một tuần.3
Mắc bệnh sởi rồi có bị lại nữa không?
Khi bạn đã mắc bệnh sởi, cơ thể sẽ tăng cường sức đề kháng đối với virus và rất khó có khả năng mắc lại bệnh này.
Mắc bệnh sởi rồi có mắc bệnh thủy đậu không?
Sởi và thủy đậu là hai bệnh khác nhau. Do đó, dù đã mắc bệnh sởi rồi thì bạn vẫn có khả năng mắc thủy đậu nếu chưa tiêm ngừa phòng bệnh này.
Mẹ bị sởi có cho con bú được không?
Nếu một bà mẹ cho con bú được chẩn đoán mắc bệnh sởi thì nên tạm thời hạn chế tiếp xúc gần gũi với trẻ trong tối đa ba ngày sau khi xuất hiện phát ban, bao gồm cả việc cho con bú.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Measleshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/symptoms-causes/syc-20374857
Ngày tham khảo: 13/04/2023
-
Measles (Rubeola) - For Healthcare Providershttps://www.cdc.gov/measles/hcp/index.html
Ngày tham khảo: 13/04/2023
-
Measleshttps://www.nhs.uk/conditions/measles/
Ngày tham khảo: 13/04/2023