Viêm màng não ở trẻ em: Có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
Nội dung bài viết
Viêm màng não ở trẻ em và trẻ sơ sinh là một bệnh lý nhiễm khuẩn hệ thần kinh nguy hiểm, có khả năng để lại nhiều di chứng hoặc thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết của Bác sĩ Phan Văn Giáo nhé!
Viêm màng não ở trẻ em là gì?
Viêm màng não là một tình trạng nhiễm khuẩn lớp màng não bảo vệ bao quanh não và tủy sống. Bệnh có thể nghiêm trọng ở trẻ em, với tỷ lệ tử vong lên đến 30%, và ở khoảng 50% số bệnh nhân sống sót mắc các khiếm khuyết về thần kinh.1
Trong một nghiên cứu ở Mỹ giai đoạn 2006 đến 2007, tỷ lệ viêm màng não do vi khuẩn ở người lớn là 5/100.000 dân số, trong khi đó, tỷ lệ này ở trẻ em trên hai tháng tuổi là 13/100.000 và trẻ sơ sinh là 81/100.000, cho thấy trẻ em là đối tượng dễ mắc viêm màng não cần phải quan tâm.2
Trẻ sơ sinh là đối tượng đặc biệt dễ bị viêm màng não cũng như những loại nhiễm trùng khác do hệ miễn dịch còn non nớt. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ mắc bệnh cao, 0,8 đến 6,1 trên 1000 ca sinh sống, với tỷ lệ tử vong lên tới 58%. Khoảng 50% trẻ sơ sinh sống sót sau này sẽ mắc các di chứng thần kinh mãn tính, bao gồm co giật, suy giảm nhận thức, các vấn đề về vận động, khiếm thính và khiếm thị.3
Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ
Nhận biết sớm các dấu hiệu viêm màng não ở trẻ em sẽ giúp điều trị hiệu quả và giảm tử vong và di chứng thần kinh.
- Ở trẻ nhỏ, một số dấu hiệu cần lưu ý sau đây: sốt cao, quấy khóc nhiều (ở trẻ dưới 1 tuổi), đau đầu (trẻ lớn đã biết kêu đau), nôn ói, đặc biệt là ói vọt, thóp phồng ở trẻ nhũ nhi còn thóp hoặc cổ cứng ở trẻ lớn, bên cạnh đó còn có triệu chứng thần kinh nặng nề hơn như: co giật, yếu liệt tay chân, rối loạn tri giác (kích thích, li bì, hôn mê,…).
- Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng mơ hồ. Các dấu hiệu quan trọng cần cảnh báo cho nhân viên y tế: Các dấu hiệu nhiễm trùng huyết (ví dụ: sốt hoặc hạ thân nhiệt dưới 36°C, thở mệt, thở rút lõm lồng ngực, vàng da, ngưng thở,…), ngủ nhiều bất thường, co giật, nôn ói, quấy khóc và cáu kỉnh bất thường,…4
Nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ em
- Do vi khuẩn: nhiều loại vi khuẩn gây những bệnh cảnh nặng nề như Group B streptococcus (GBS), Escherichia coli, Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis… Ở trẻ sơ sinh chủ yếu là GBS, Escherichia coli và Listeria monocytogenes.1
- Do virus: Nhóm Enteroviruses (nhóm Coxsackie hoặc Echovirus) thường gặp nhất, ngoài ra còn có Herpes simplex virus, Varicella-Zoster virus, Cytomegalovirus, Epstein-Barr, virus quai bị,…5
- Do nấm: Trẻ sinh non, nhẹ cân có nguy cơ cao bị nhiễm trùng huyết do Candida, dẫn đến viêm màng não. Các loại nấm khác như Cryptococcus, Histoplasma, Blastomyces, Coccidioides khi trẻ có các yếu tố nguy cơ như suy giảm miễn dịch, dùng corticoid kéo dài.6
- Những nguyên nhân khác: một số hiếm các trường hợp viêm màng não có thể do ký sinh trùng, đơn bào hoặc bệnh không nhiễm như Lupus ban đỏ hệ thống, thuốc, u não.
Viêm màng não ở trẻ em có nguy hiểm không?
Viêm màng não ở trẻ em là một bệnh tình trạng vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30%1, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh còn cao hơn, lên đến 58%, với 50% trẻ sống sót sẽ mắc các di chứng thần kinh như co giật, suy giảm nhận thức, các vấn đề về vận động, trí tuệ, thính giác và thị lực.3
Viêm màng não ở trẻ em có lây không?
Nhiều loại vi khuẩn gây viêm màng não có thể lây lan, như L. monocytogenes có thể lây qua thức ăn, nhưng hầu hết lây từ người sang người. Phụ thuộc vào từng loại vi khuẩn có thể có đường lây khác nhau:
- Streptococcus nhóm B và E. coli: Mẹ có thể truyền những vi khuẩn này sang con trong khi sinh.
- H. influenzae, M. tuberculosis và S. pneumoniae: lây lan qua giọt bắn khi ho.
- N. meningitidis: lây qua các dịch tiết đường hô hấp hoặc hầu họng (nước bọt hoặc đàm).
- E. coli, L. monocytogenes: lây qua ăn thức ăn do không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh hoặc khi chế biến thực phẩm.
Tương tự, một số loại virus cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với giọt bắn đường hô hấp hoặc các chất tiết đường tiêu hóa như nước bọt, phân từ người mang mầm bệnh. Các tác nhân ít gặp như nấm, đơn bào, ký sinh trùng hiếm gặp, có thể xuất hiện ở những trẻ bị suy giảm miễn dịch, và đồng thời cũng dễ mắc bệnh do vi khuẩn và virus hơn.
Chẩn đoán viêm màng não ở trẻ em
Để chẩn đoán viêm màng não, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá và thực hiện một số xét nghiệm. Một số dấu hiệu trên lâm sàng có thể gợi ý như: bé không khỏe, sốt cao, lạnh run, đau đầu, nôn vọt, thóp phồng, cổ cứng,… Ở trẻ sơ sinh còn có các dấu hiệu như vàng da, sốt cao, hạ thân nhiệt, ngưng thở, tiêu chảy, thở mệt,… và cần đánh giá thêm tiền căn thai sản như thời gian mẹ vỡ ối, mẹ sốt khi sinh và dùng kháng sinh khi sinh, cân nặng lúc sinh, tuổi thai,…3
Để xác nhận chẩn đoán và theo dõi đáp ứng điều trị của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định chọc dò tủy sống và xét nghiệm dịch não tủy, là một thủ thuật chọc một kim nhỏ vào lưng dưới để lấy chất dịch bao bọc tủy sống và não bộ để xét nghiệm. Ngoài ra còn có một số xét nghiệm khác như xét nghiệm tế bào máu, cấy vi khuẩn trong máu, chụp CT scan sọ não, các xét nghiệm sinh hóa và xét nghiệm đặc hiệu khác.
Điều trị viêm màng não ở trẻ
Các trường hợp viêm màng não do tác nhân khác nhau sẽ có điều trị khác nhau.
- Viêm màng não do vi khuẩn: điều trị kháng sinh là quan trọng nhất, đồng thời là chăm sóc hỗ trợ như bảo vệ đường thở, duy trì oxy, cung cấp đủ dịch truyền tĩnh mạch…
- Viêm màng não do virus: không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu sẽ là đảm bảo nước và điện giải cần thiết, kiểm soát đau, theo dõi các biến chứng thần kinh và thần kinh nội tiết, bao gồm co giật, phù não và SIADH.5
- Viêm màng não do các tác nhân khác: điều trị tùy vào tác nhân đặc hiệu như thuốc kháng nấm, thuốc diệt ký sinh trùng, đơn bào,…
Phòng ngừa viêm màng não ở trẻ em
Có thể giúp bảo vệ bản thân và những trẻ nhỏ khỏi viêm màng não bằng cách duy trì các thói quen lành mạnh như không hút thuốc và tránh khói thuốc càng nhiều càng tốt, tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
Vắc-xin là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa một số loại viêm màng não do vi khuẩn. Vắc xin Haemophilus influenzae type b (Hib) là loại vắc xin đầu tiên, hiệu quả đạt 98%, làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh do Hib, bao gồm cả viêm màng não. Sự ra đời của vắc-xin Streptococcus pneumoniae và Neisseria meningitidis cộng hợp ở Mỹ đã làm giảm gần 60% tỷ lệ nhiễm trùng ở trẻ em dưới 5 tuổi.7 Ngoài ra, một số vắc-xin lao và virus khác cũng góp phần làm giảm tỷ lệ viêm màng não ở trẻ em trong nhiều năm qua.
Lịch tiêm một số vắc-xin có thể phòng ngừa viêm màng não ở Việt Nam như sau:
- Não mô cầu N. Meningitidis: khi trẻ được 6 đến 9 tháng tuổi.
- Phế cầu S. Pneumoniae: mũi 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, mũi 2 và mũi 3 cách nhau 1 tháng sau đó.
- Haemophilus influenzae serotype b (Hib): mũi 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, mũi 2 và mũi 3 cách nhau 1 tháng sau đó.
- BCG (lao): tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng sau sinh.
- Sởi và quai bị (trong vắc-xin sởi-quai bị-rubella): mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 sau 1 tháng và mũi 3 ở lúc 18 tháng tuổi.
- Thủy đậu: tiêm ở 9 tháng tuổi trở lên, mũi 2 ít nhất sau 3 tháng.
- Cúm: từ 6 tháng tuổi, trẻ tiêm lần đầu tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng, tiêm nhắc hàng năm.
Nếu bạn vẫn đang thắc mắc về việc tiêm chủng cho con mình đã hợp lý chưa, tốt nhất nên gặp và được tư vấn bởi bác sĩ để có được liệu trình tiêm chủng phù hợp và hiệu quả nhất.
Viêm màng não ở trẻ em và trẻ sơ sinh là một bệnh lý nguy hiểm, có thể để lại nhiều di chứng và gây tử vong. Tuy nhiên, bệnh có thể được phát hiện sớm và phòng ngừa hiệu quả bằng tiêm chủng. Qua bài viết này hy vọng mọi người có thể hiểu rõ hơn về viêm màng não và có biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả cho con em mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bacterial Meningitis in Children: Neurological Complications, Associated Risk Factors, and Preventionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8001510/
Ngày tham khảo: 19/03/2023
-
Bacterial Meningitis in the United States, 1998–2007https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1005384
Ngày tham khảo: 19/03/2023
-
Neonatal Meningitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532264/
Ngày tham khảo: 19/03/2023
-
Bacterial Meningitis in Newbornshttps://www.msdmanuals.com/home/children-s-health-issues/infections-in-newborns/bacterial-meningitis-in-newborns
Ngày tham khảo: 19/03/2023
-
Viral Meningitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK545217/
Ngày tham khảo: 19/03/2023
-
Fungal Meningitishttps://www.cdc.gov/meningitis/fungal.html
Ngày tham khảo: 19/03/2023
-
Bacterial Meningitishttps://link.springer.com/article/10.2165/00023210-200721050-00001
Ngày tham khảo: 19/03/2023