Những điều cần biết về thuốc kháng Histamin H2
Nội dung bài viết
Thuốc kháng Histamin H2 là một nhóm thuốc có thể được sử dụng để điều trị các tình trạng gây ra bởi sự dư thừa axit trong dạ dày. Các loại thuốc này có sẵn không cần kê đơn hay theo toa. Hãy cùng Dược sĩ Phan Tiểu Long tìm hiểu về mọi khía cạnh của nhóm thuốc này nhé!
Tác dụng và cơ chế hoạt động của thuốc kháng Histamin H2
Một chất hóa học được gọi là histamin kích thích các tế bào trong niêm mạc dạ dày tạo ra axit clohydric. Quá nhiều axit này có thể gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản và các tình trạng khác. Thuốc kháng Histamin H2 liên kết với các thụ thể histamin trong dạ dày, làm giảm lượng axit mà niêm mạc tiết ra.1
Thuốc kháng Histamin H2 dùng trong những trường hợp nào?
Thuốc kháng Histamin H2 có thể điều trị hoặc ngăn ngừa một số vấn đề sức khỏe, bao gồm:1
- Ợ nóng.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Loét tá tràng và dạ dày.
- Chảy máu đường tiêu hóa trên.
- Bệnh tăng tiết dạ dày, chẳng hạn như hội chứng Zollinger-Ellison.
Chống chỉ định và thận trọng của thuốc
Chống chỉ định
Quá mẫn với thuốc hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
Thận trọng
- Trước khi sử dụng thuốc kháng Histamin H2 phải loại trừ khả năng ung thư dạ dày, đặc biệt đối với người từ trung niên trở lên vì thuốc có thể che lấp những triệu chứng, làm chậm chẩn đoán ung thư.
- Có nhạy cảm chéo giữa các thuốc cùng nhóm.
- Dùng thận trọng, giảm liều và/hoặc kéo dài khoảng cách giữa các lần dùng thuốc đối với bệnh nhân suy thận.
- Thận trọng ở bệnh nhân suy gan, phụ nữ có thai và cho con bú (ngưng thuốc hoặc ngưng cho con bú).2
Tác dụng phụ không mong muốn
Hầu hết các tác dụng phụ liên quan đến thuốc kháng Histamin H2 đều nhẹ và thường giảm dần theo thời gian. Chỉ 1,5% số người ngừng dùng thuốc do các tác dụng phụ.3
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc bao gồm:
- Táo bón.
- Tiêu chảy.
- Khó ngủ.
- Khô miệng.
- Da khô.
- Đau đầu.
- Tiếng chuông trong tai.
- Sổ mũi.
- Khó đi tiểu.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Bỏng rát, da phồng rộp hoặc đóng vảy.
- Thay đổi tầm nhìn.
- Lú lẫn.
- Kích động.
- Khó thở.
- Thở khò khè.
- Tức ngực.
- Nhịp tim không đều.
- Ảo giác.
- Ý nghĩ tự sát.
Mặc dù có các tác dụng phụ tiềm ẩn, thuốc kháng Histamin H2 thường là một trong những phương pháp điều trị rất hiệu quả các tình trạng gây dư thừa axit trong dạ dày. Bạn và bác sĩ có thể thảo luận về các rủi ro tiềm ẩn và xác định xem liệu loại thuốc nào là lựa chọn tốt nhất cho tình trạng của bạn. Không bao giờ được tự ý ngừng thuốc mà không nói chuyện với bác sĩ trước.3
Các thuốc thường sử dụng
1. Cimetidin4
Chỉ định
Loét tá tràng và dạ dày lành tính tiến triển, bao gồm cả loét do thuốc chống viêm không steroid và do stress.
Điều trị với liều thấp duy trì loét tá tràng sau khi ổ loét đã lành để giảm tái phát.
Viêm loét thực quản ở bệnh nhân bị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
Zollinger – Ellison, bệnh đa u tuyến nội tiết,…
Cách dùng
Cimetidin có thể dùng đường uống hoặc tiêm. Tổng liều thường không quá 2400 mg/ngày. Giảm liều ở bệnh nhân suy thận, có thể cần giảm liều ở bệnh nhân suy gan.
Tác dụng phụ
- Tiêu chảy, các rối loạn tiêu hóa khác.
- Đau đầu, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, ngủ gà.
- Nổi ban, dát sần, ban dạng trứng cá, mày đay.
- Chứng vú to ở đàn ông khi sử dụng trên 1 tháng hoặc dùng liều cao.
- Chứng bất lực khi dùng kéo dài liều cao.
- Tăng enzym gan tạm thời, tự trở về bình thường khi ngưng thuốc.
- Tăng creatinin máu.
Tương tác thuốc
- Làm giảm hấp thu của itraconazol, ketoconazol. Các thuốc này phải uống cách ít nhất 2 giờ
trước khi uống cimetidin. - Các thuốc chống động kinh như acid valproic, carbamazepin, phenytoin.
- Các thuốc điều trị ung thư như thuốc chống chuyển hóa, thuốc alkyl hóa.
- Lidocain, nifedipin, metronidazol, procainamid, propranolol, quinidin, theophylin.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng như nortriptylin, amitriptylin, imipramin.
- Thuốc giảm đau opioid như morphin, pethidin, methadon.
- Warfarin và những thuốc chống đông máu đường uống khác.
Lưu ý
Trước khi sử dụng cimetidin để điều trị loét dạ dày, cần phải loại trừ khả năng ung thư, vì nếu dùng thuốc có thể che lấp triệu chứng ung thư gây chậm chẩn đoán.
Thận trọng nếu uống rượu hoặc làm những việc đòi hỏi sự tỉnh táo như lái xe hoặc vận hành máy móc khi đang dùng cimetidin.
2. Ranitidin5
Chỉ định
- Loét dạ dày – tá tràng.
- Trào ngược dạ dày – thực quản.
- Hội chứng Zollinger – Ellison.
- Loét đường tiêu hóa trên do stress.
- Đề phòng nguy cơ sặc acid trong khi gây mê.
- Chứng khó tiêu.
Cách dùng
- Loét dạ dày và tá tràng lành tính: Uống một liều duy nhất 300 mg vào buổi tối lúc đi ngủ hoặc 150mg/lần, 2 lần/ngày (sáng và tối) trong ít nhất 4 tuần. Cũng có thể dùng liều 300mg, 2 lần/ngày cho loét tá tràng. Liều duy trì là 150 mg/ngày uống vào buổi tối.
- Trào ngược dạ dày – thực quản: Liều ranitidin uống là 150 mg/lần, 2 lần/ngày hoặc 300 mg/lần vào buổi tối dùng trong 8 tuần hoặc nếu cần tới 12 tuần.
- Khó tiêu mạn tính: có thể cho uống liều 150 mg/lần, 2 lần/ngày trong tới 6 tuần. Để điều trị triệu chứng ngắn hạn, chứng khó tiêu, có thể dùng liều 75 mg, nhắc lại nếu cần tới tối đa 4 liều mỗi ngày. Điều trị giới hạn tới tối đa là 2 tuần dùng liên tục cho một lần.
Tác dụng phụ
- Đau đầu, chóng mặt, yếu mệt.
- Ỉa chảy.
- Ban đỏ.
- Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
- Tăng transaminase.
Tương tác thuốc
Ranitidin có thể làm giảm mức độ hấp thu và tác dụng của các thuốc chống nấm azol (như itraconazol, ketoconazol), atazanavir, cefuroxim, cefpodoxim, fosamprenavir, indinavir, các muối sắt, nelfinavir, mesalamin.
Ranitidin có thể làm tăng hấp thu và tác dụng của saquinavir.
Các thuốc bao tan trong dạ dày – ruột làm giảm hấp thu của ranitidin. Nên uống cách xa nhau ít nhất 2 giờ.
Lưu ý
- Thức ăn không làm ảnh hưởng đến hấp thu của ranitidin.
- Tránh uống rượu vì gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
- Hút thuốc lá ảnh hưởng xấu đến quá trình lành loét tá tràng và cơ thể cũng làm giảm hiệu quả của ranitidin.
3. Famotidin6
Chỉ định
- Loét dạ dày và tá tràng.
- Trào ngược dạ dày – thực quản.
- Đa u tuyến nội tiết, Zollinger – Ellison.
- Giảm các triệu chứng ợ chua, ợ nóng, khó tiêu do tăng acid dạ dày.
Cách dùng
Để điều trị bệnh, mỗi lần uống 10 – 20 mg, ngày 1 hoặc 2 lần. Khi dùng với mục đích phòng ngừa, uống trước khi ăn 10 phút – 1 giờ. Không tự điều trị quá 2 tuần.
Tác dụng phụ
- Đau đầu, chóng mặt.
- Táo bón, tiêu chảy.
- Sốt, mệt mỏi, suy nhược.
- Sốc phản vệ, phù mạch, phù mắt, phù mặt, phát ban, mày đay, sung huyết kết mạc.
- Đau cơ xương bao gồm đau khớp, chuột rút.
Tương tác thuốc
Thức ăn làm tăng nhẹ và thuốc kháng acid làm giảm nhẹ sinh khả dụng của famotidin.
Tránh dùng đồng thời với delavirdin, erlotinib, mesalamin.
Famotidin làm tăng tác dụng và độc tính của saquinavir.
Famotidin có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống nấm (dẫn xuất azol), atazanavir, cefpodoxim, cefuroxim, dasatinib, delavirdin, erlotinib, fosamprenavir, indinavir, các muối sắt, mesalamin, nelfinavir.
Lưu ý
Hạn chế dùng thuốc chung với đồ ăn thức uống chứa nhóm xanthin. Tránh dùng rượu (gây kích ứng niêm mạc dạ dày).
Famotidin qua được nhau thai. Không có các nghiên cứu đầy đủ khi dùng famotidin trong thời kỳ mang thai, vì vậy chỉ được dùng cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết.
4. Nizatidin7
Chỉ định
- Loét dạ dày – tá tràng.
- Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
- Hội chứng Zollinger – Ellison.
- Làm giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa do thừa acid dịch vị (nóng rát, ợ chua, khó tiêu).
Cách dùng
- Loét dạ dày – tá tràng lành tính tiến triển: Uống mỗi ngày một lần 300 mg vào buổi tối hoặc mỗi lần 150 mg, ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, trong 4 – 8 tuần. Liều duy trì để dự phòng loét tá tràng tái phát: Uống mỗi ngày một lần 150 mg vào buổi tối.
- Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản: Mỗi lần uống 150 mg, ngày 2 lần có thể tới 12 tuần với người lớn.
- Làm giảm triệu chứng khó tiêu: Mỗi lần uống 75 mg, có thể uống nhắc lại nếu cần thiết, tối đa 150 mg/ngày, trong 14 ngày.
- Phòng các triệu chứng nóng ngực, ợ chua, khó tiêu: Người bệnh ≥ 12 tuổi, uống 75 mg từ 30 – 60 phút trước khi ăn hoặc uống mỗi ngày một hoặc hai lần (không được quá 150 mg/24 giờ), dùng không quá 2 tuần trừ khi có chỉ dẫn của bác sĩ.
Tác dụng phụ
- Ngứa, phát ban, viêm da tróc vảy.
- Ho, chảy nước mũi, viêm xoang, viêm họng.
- Đau ngực, đau lưng.
- Mày đay.
- Đau bụng, táo bón, tiêu chảy, khô miệng, nôn.
- Nhiễm khuẩn, sốt.
- Tăng acid uric máu.
Tương tác thuốc
Dùng đồng thời thuốc kháng acid với thuốc kháng thụ thể H2 có thể làm giảm hấp thu thuốc kháng thụ thể H2.
Cyclophosphamid, cloramphenicol… sử dụng cùng thuốc kháng H2 có thể làm tăng hiện tượng giảm bạch cầu trung tính hoặc rối loạn tạo máu khác.
Nizatidin có thể làm tăng nồng độ salicylat huyết thanh khi sử dụng đồng thời với acid acetylsalicylic liều cao.
Sucrafat làm giảm hấp thu của các thuốc kháng H2, phải uống hai thuốc cách nhau ít nhất là 2 giờ.
Lưu ý
- Tác dụng ức chế tiết acid dịch vị vào ban đêm của các thuốc kháng H2 có thể bị giảm do thuốc lá.
- Tránh dùng đồ uống có cồn khi đang sử dụng thuốc.
- Độ hiệu quả và an toàn của nizatidin đối với trẻ dưới 12 tuổi chưa được chứng minh.
Thuốc kháng histamin H2 so với thuốc ức chế bơm proton PPI
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là một loại thuốc khác được sử dụng để giảm axit dạ dày và điều trị trào ngược axit hoặc trào ngược dạ dày thực quản.
Cả hai loại thuốc đều hoạt động bằng cách ngăn chặn và giảm tiết axit dạ dày. Nhưng thuốc ức chế bơm proton được coi là mạnh hơn và nhanh hơn trong việc giảm axit dạ dày. Tuy nhiên, thuốc kháng Histamin H2 đặc biệt làm giảm lượng axit tiết ra vào buổi tối, là nguyên nhân phổ biến gây loét dạ dày tá tràng. Đây là lý do tại sao thuốc kháng Histamin H2 được chỉ định đặc biệt cho những người bị loét hoặc những người có nguy cơ. Thuốc ức chế bơm proton thường được kê đơn cho những người bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc trào ngược axit.
Các bác sĩ thường không khuyên bạn nên dùng cả hai loại thuốc cùng một lúc. Thuốc kháng Histamin H2 có thể cản trở hiệu quả của thuốc ức chế bơm proton. Nếu các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản của bạn không cải thiện khi sử dụng thuốc ức chế bơm proton, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc kháng Histamin H2 để thay thế.3
Hãy tìm hiểu thật kỹ và đọc hướng dẫn sử dụng trước khi bắt đầu dùng thuốc kháng Histamin H2. Không tự ý sử dụng hoặc ngưng sử dụng khi chưa có sự tư vấn từ dược sĩ hoặc bác sĩ. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu như gặp phải một bất thường nào trong quá trình sử dụng thuốc nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What to know about H2 blockershttps://www.medicalnewstoday.com/articles/h2-blockers#overview
Ngày tham khảo: 19/06/2022
-
Tác dụng bất lợi của thuốc kháng histaminhttps://suckhoedoisong.vn/tac-dung-bat-loi-cua-thuoc-khang-histamin-16913961.htm
Ngày tham khảo: 19/06/2022
-
H2 Receptor Blockershttps://www.healthline.com/health/gerd/h2-blockers
Ngày tham khảo: 19/06/2022
-
Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, trang 389https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=389
Ngày tham khảo: 19/06/2022
-
Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, trang 1232https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=1232
Ngày tham khảo: 19/06/2022
-
Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, trang 648https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=648
Ngày tham khảo: 19/06/2022
-
Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, trang 1063https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=1063
Ngày tham khảo: 19/06/2022