Nội soi dạ dày có phát hiện ung thư không?
Nội dung bài viết
Ung thư dạ dày là một căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao và lại khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Ung thư dạ dày có nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có phương pháp điều trị và tỷ lệ chữa khỏi khác nhau. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khó điều trị là triệu chứng không rõ ràng dẫn đến phát hiện muộn. Vậy nội soi dạ dày có giúp phát hiện ung thư không? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Nội soi dạ dày có phát hiện ung thư không?
Nội soi dạ dày có thể giúp phát hiện ung thư. Đây là xét nghiệm thường được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh có thể bị ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, cũng có một vài loại ung thư dạ dày khó có thể phát hiện qua việc nội soi. Vì vậy, tùy vào từng tình trạng mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán ung thư.1
Tầm quan trọng của nội soi dạ dày trong việc sàng lọc ung thư
Nội soi dạ dày là một thủ thuật sử dụng một ống soi mỏng có đèn và máy ảnh để quan sát bên trong dạ dày. Từ đó, giúp xác định những tình trạng bất thường trong dạ dày của bạn. Bác sĩ cũng có thể kết hợp nội soi với siêu âm (EUS) để chẩn đoán ung thư đã vào giai đoạn nào của bệnh. Ngoài ra, phương pháp này có ý nghĩa lớn trong việc chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm.
Ung thư dạ dày có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc thực hiện các phương pháp sàng lọc ung thư có thể giúp sớm tìm ra các dấu hiệu của bệnh. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Nội soi dạ dày được xem là tiêu chuẩn vàng trong việc sàng lọc ung thư dạ dày.2 Thông qua việc nội soi, bác sĩ có thể phát hiện những bất thường. Không những thế, khi phát hiện khối u, bác sĩ có thể chỉ định kèm sinh thiết để sàng lọc ung thư kĩ càng hơn giúp điều trị bệnh kịp thời.
Quá trình nội soi có thể mất khoảng 30 phút, người bệnh sẽ được hướng dẫn cho nằm nghiêng và bác sĩ sẽ tiến hành:
- Xịt thuốc tê hay thuốc an thần và đặt dụng cụ bảo vệ hàm của người bệnh. Điều này có thể giúp người bệnh thư giãn trong quá trình nội soi.
- Ống nội soi được đưa vào miệng và xuống thực quản, dạ dày và tá tràng.
- Bơm không khí qua ống nội soi làm phồng đường tiêu hóa. Điều này cho phép ống nội soi di chuyển tự do, dễ dàng hơn.
- Xem hình ảnh từ ống nội soi trên màn hình để tìm kiếm những điểm bất thường.
- Thực hiện sinh thiết hay các phương pháp điều trị khác (nếu cần).
Sau khi quá trình nội soi kết thúc, ống nội soi sẽ được rút từ từ ra khỏi miệng. Sau đó, người bệnh sẽ được đưa đến khu vực phục hồi để ngồi hay nằm nghỉ sau khi nội soi kết thúc.
Nội soi dạ dày có phải là phương pháp duy nhất để xác định ung thư?
Ngoài nội soi dạ dày, còn có nhiều phương pháp khác để có thể sàng lọc hay chẩn đoán ung thư dạ dày như:
1. Sinh thiết
Phương pháp này thường được thực hiện đồng thời trong quá trình nội soi, khi bác sĩ phát hiện những vấn đề bất thường trong niêm mạc dạ dày. Đây là quá trình lấy một mẫu mô tại điểm bất thường ấy và quan sát dưới kính hiển vi để kiểm tra các dấu hiệu ung thư.
2. Chụp X-quang với chất cản quang
Phương pháp này được tiến hành từ việc cho bệnh nhân uống một chất lỏng có chứa bari (một kim loại có màu trắng bạc) để bao phủ thực quản, dạ dày rồi tiến hành chụp X-quang. Vì tia X không thể xuyên qua lớp phủ này, vì vậy thử nghiệm được thực hiện để tìm kiếm các khu vực bất thường bằng hình ảnh X-quang.
3. CT scan
Quy trình sử dụng tia X để tạo ra một loạt hình ảnh chi tiết về các vùng bên trong cơ thể, được chụp từ các góc độ khác nhau. Các chất cản quang cũng có thể được sử dụng để giúp các cơ quan và mô hiển thị rõ hơn. Thử nghiệm này giúp bác sĩ có thể xác định vị trí của ung thư. Đồng thời tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy ung thư dạ dày đã lan rộng.
4. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Cũng giống như chụp CT, chụp cộng hưởng từ có thể hiển thị hình ảnh chi tiết của các mô mềm trong cơ thể. Nhưng MRI sử dụng sóng vô tuyến và nam châm thay vì sử dụng tia X.
Xem thêm: Tầm soát ung thư dạ dày: quy trình, kết quả và lưu ý khi xét nghiệm
Đối tượng nên nội soi dạ dày
Bạn cần nên nội soi dạ dày nếu có các triệu chứng không rõ nguyên nhân như:
- Khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên.
- Chảy máu đường tiêu hóa trên: nôn ra máu, phân có lẫn máu,…
- Ợ nóng liên tục.
- Buồn nôn và nôn.
- Khó nuốt, thức ăn bị kẹt ở trong thực quản.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Thiếu máu do thiếu sắt.
- Phát hiện bất thường hoặc không rõ ràng khi chụp X-quang đường tiêu hóa trên, chụp CT hoặc MRI.
- Kiểm tra hiệu quả trị liệu hoặc sự tiến triển của polyp, khối u hoặc vết loét đã tìm thấy trước đó.
Nội soi dạ dày có thể phát hiện những bệnh lý nào khác?
Nội soi dạ dày còn có thể giúp phát hiện và kiểm một số bệnh lý khác ngoài ung thư như:3
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Chứng ợ nóng .
- Viêm thực quản, viêm dạ dày và viêm tá tràng.
- Rối loạn tiêu hóa, ví dụ như bệnh Celiac và bệnh Crohn.
- Loét dạ dày.
- Rối loạn nuốt.
- Dị vật mắc kẹt trong dạ dày, thực quản.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Nội soi dạ dày có phát hiện ung thư không?”. Cũng như đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về phương pháp nội soi dạ dày. Ung thư dạ dày là một bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy hãy đến cơ sở khám chữa bệnh ngay khi bạn có các dấu hiệu triệu chứng nghi ngờ của bệnh. Đồng thời, hãy áp dụng các biện pháp ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh để hạn chế nguy cơ mắc phải ung thư dạ dày.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tests for Stomach Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/types/stomach-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html
Ngày tham khảo: 10/05/2023
-
Clinicopathological features of gastric cancer detected by endoscopy as part of annual health checkuphttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1440-1746.2008.05346.x
Ngày tham khảo: 10/05/2023
-
Upper Endoscopyhttps://my.clevelandclinic.org/health/treatments/4957-upper-endoscopy-procedure
Ngày tham khảo: 10/05/2023