Panadol Cảm Cúm là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
Panadol Cảm Cúm là thuốc gì? Thuốc có thành phần, công dụng và cách sử dụng như thế nào? Hãy cùng Dược sĩ Trần Việt Linh tìm hiểu về sản phẩm thông qua bài viết sau nhé!
Hoạt chất: Paracetamol, caffein, phenylephrine hydrochloride.
Thuốc chứa thành phần tương tự: Paracold Flu, Tatanol Flu, …
Panadol Cảm Cúm là thuốc gì?
Panadol Cảm Cúm là thuốc giúp làm giảm các triệu chứng của cảm cúm được sản xuất bởi Sanofi. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, mỗi hộp gồm 15 vỉ x 12 viên.
Thành phần và công dụng của từng thành phần
1. Thành phần
Mỗi viên nén bao phim chứa các thành phần sau:1
- Paracetamol: 500 mg.
- Caffeine: 25 mg.
- Phenylephrine hydrochloride: 5 mg.
- Tá dược vừa đủ.
2. Công dụng của các thành phần
- Paracetamol là thành phần thường gặp, được sử dụng rộng rãi trong thuốc giảm đau và hạ sốt. Nó có tác dụng giảm đau, hạ sốt tương tự aspirin nhưng không có khả năng điều trị viêm.2
- Caffein được cho là có khả năng tăng cường tác dụng của paracetamol. Tuy nhiên hiệu quả của sự kết hợp này không chắc chắn và chưa có bằng chứng về tác dụng khi sử dụng liều lặp lại.3 Theo một nghiên cứu khác, liều caffein bổ sung vào thuốc giảm đau từ 100 mg trở lên mang lại hiệu quả giảm đau có ý nghĩa thống kê nhưng ít quan trọng về mặt lâm sàng.4
- Phenylephrine hydrochloride là một chất có tác dụng giống thần kinh giao cảm, tác động trực tiếp lên thụ thể α1-adrenergic gây co mạch và giúp điều trị sung huyết mũi.5
Tác dụng của Panadol Cảm Cúm
Panadol Cảm Cúm được chỉ định trong làm giảm các triệu chứng của cảm cúm như sốt, đau và sung huyết mũi.
Cách dùng và liều dùng của Panadol Cảm Cúm
1. Cách dùng
Dùng bằng đường uống và nên dùng liều thấp nhất cần thiết để có hiệu quả điều trị.
2. Liều dùng cho từng đối tượng
Người lớn (bao gồm cả người cao tuổi) và trẻ từ 12 tuổi trở lên:
- Nên dùng 1 – 2 viên mỗi lần cách nhau tối thiểu 4 giờ, có thể dùng tới 4 lần/ngày.
- Liều tối đa hàng ngày: 8 viên/24 giờ.
Trẻ em dưới 12 tuổi: Không khuyến nghị sử dụng thuốc này cho trẻ dưới 12 tuổi.
Panadol Cảm Cúm có giá bao nhiêu?
Trên thị trường, Panadol Cảm Cúm có giá khoảng 210.000 VNĐ đối với hộp 180 viên hoặc 13.000 VNĐ đối với vỉ 12 viên. Lưu ý rằng đây chỉ là giá tham khảo, giá cả của sản phẩm còn phụ thuộc vào cơ sở bán và phân phối.
Tác dụng không mong muốn của Panadol Cảm Cúm
Khi sử dụng thuốc, bạn có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn. Cần thông báo với bác sĩ khi gặp phải các tác dụng bất lợi kể sau:
1. Paracetamol1
- Rối loạn máu và hệ bạch huyết: giảm tiểu cầu.
- Rối loạn hệ miễn dịch: phản ứng quá mẫn, ban đỏ, phù mạch, hội chứng Stevens – Johnson.
- Rối loạn hệ hô hấp, ngực, trung thất: co thắt phế quản ở các bệnh nhân nhạy cảm với aspirin và các thuốc NSAIDs khác.
- Rối loạn gan mật: bất thường ở gan.
Tần suất xuất hiện các tác dụng không mong muốn trên của paracetamol là rất hiếm (<1/10000).
2. Caffein1
- Hệ thần kinh trung ương: chóng mặt, bồn chồn.
- Khi dùng liều khuyến nghị của Panadol Cảm Cúm với các thực phẩm khác có chứa caffein sẽ gây ra các dấu hiệu khi quá liều caffein như mất ngủ, lo lắng, hồi hộp, cáu kỉnh, đau đầu, rối loạn tiêu hóa.
Hiện vẫn chưa xác định được tần suất xảy ra của các tác dụng không mong muốn này.
3. Phenylephrine hydrochloride1
- Các phản ứng thường gặp, phổ biến: bồn chồn, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, tăng huyết áp, buồn nôn, nôn.
- Các phản ứng hiếm gặp (<1/1000): giãn đồng tử, glaucoma góc đóng cấp tính, nhịp tim nhanh, hồi hộp, phát ban, mày đay, viêm da dị ứng hoặc tiểu buốt, bí tiểu.
Tương tác thuốc
Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng Panadol Cảm Cúm kết hợp với một trong số các thuốc sau đây:1
- Các thuốc IMAO: Khi dùng chung sẽ gây tăng huyết áp.
- Các amin kích thích thần kinh giao cảm và thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn trên tim mạch.
- Thuốc chẹn và các thuốc hạ huyết áp khác: Phenylephrine làm giảm hiệu quả của các thuốc này.
- Digoxin và các glycoside tim: tăng nguy cơ nhịp tim bất thường hoặc đột quỵ.
- Warfarin và các coumarin khác: Nếu sử dụng hàng với paracetamol sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu, tuy nhiên nếu dùng thuốc không thường xuyên thì sẽ không có ảnh hưởng đáng kể.
Đối tượng chống chỉ định dùng Panadol Cảm Cúm
Tuyệt đối không sử dụng thuốc đối với các đối tượng sau:1
- Dị ứng với hoạt chất hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
- Bệnh nhân đang hoặc đã sử dụng 2 tuần gần đây thuốc IMAO.
- Bệnh nhân đang sử dụng các thuốc kích thích giao cảm khác.
- Bệnh nhân glaucom góc đóng, u phaeochromocytoma, suy gan, suy thận nặng, bệnh tim, đái tháo đường, cường giáp.
Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có dùng được Panadol Cảm Cúm?
Phụ nữ có thai: Không khuyến nghị dùng thuốc này cho phụ nữ đang mang thai.
Phụ nữ cho con bú: Không nên dùng thuốc này trong thời gian đang cho con bú nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Đối tượng thận trọng khi dùng Panadol Cảm Cúm
Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc cho các đối tượng sau:1
- Cao huyết áp.
- Bệnh tim mạch.
- Đái tháo đường.
- Cường giáp.
- Glaucoma góc đóng.
- Bướu Phaeochromocytoma.
- Phì đại tuyến tiền liệt.
- Bệnh mạch tắc nghẽn (như Hội chứng Raynauds).
- Suy giảm chức năng gan hoặc thận.
- Đối tượng ở trạng thái thiếu hụt glutathione như nhiễm trùng máu.
- Bệnh nhân đang dùng thuốc chẹn beta và các thuốc hạ huyết áp khác, thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
Xử lý khi quá liều Panadol Cảm Cúm
1. Paracetamol1
Triệu chứng: Quá liều paracetamol có thể gây suy gan. Trong 24 giờ đầu tiên các triệu chứng của quá liều có thể xuất hiện như xanh xao, buồn nôn, nôn, chán ăn và đau bụng. Triệu chứng của tổn thương gan có thể rõ ràng hơn sau khi uống 12 – 48 giờ. Trường hợp ngộ độc nặng thì sẽ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Điều trị: Đến ngay cơ sở y tế để nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời.
2. Caffein1
Triệu chứng: Đau thượng vị, tăng bài niệu, nôn, nhịp tim nhanh, kích thích thần kinh trung ương (mất ngủ, thao thức, kích động, bối rối, hoảng sợ, run, co giật).
Điều trị: Dùng các biện pháp điều trị hỗ trợ.
3. Phenylephrine hydrochloride1
Triệu chứng: Tương tự các dấu hiệu đã được đề cập ở phần tác dụng không mong muốn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng như cáu kỉnh, thao thức, tăng huyết áp, chậm nhịp tim do phản xạ.
Điều trị: Tùy theo triệu chứng lâm sàng. Với trường hợp cao huyết áp nặng nên được điều trị với thuốc chẹn alpha như phentolamine.
Trường hợp quên liều Panadol Cảm Cúm
- Uống ngay liều bị quên ngay sau khi nhớ ra.
- Nếu liều đã quên gần với liều kế tiếp, bỏ qua liều bị quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.
- Không được gấp đôi liều để bù cho liều bị quên.
Lưu ý gì khi sử dụng
- Bác sĩ cần phải cảnh báo cho bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng nghiêm trọng trên da như: Hội chứng Stevens-Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN), hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).
- Không sử dụng Panadol Cảm Cúm với các loại thuốc khác chứa thành phần paracetamol, thuốc chống xung huyết hoặc các thuốc chống cảm cúm khác.
- Tránh dùng quá nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê) khi đang dùng thuốc này.
- Thuốc có chứa Eurocol Sunset Yellow (E110) nên có thể gây phản ứng dị ứng.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu các triệu chứng còn dai dẳng.
- Lưu ý hạn dùng của thuốc, không sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng.
Cách bảo quản
- Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30°C.
- Tránh xa tầm tay của trẻ em.
Hy vọng bài viết trên đây của Dược sĩ Trần Việt Linh đã giúp bạn giải đáp các thắc mắc về sản phẩm Panadol Cảm Cúm. Nếu cần biết thêm thông tin về sản phẩm, bạn có thể liên hệ bác sĩ để được giải đáp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Panadol Cảm Cúm https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/02/Panadol-Cam-Cum.pdf
Ngày tham khảo: 03/02/2023
-
Bộ Y Tế (2018). Dược thư quốc gia Việt Nam. NXB Y Học Hà Nội. Trang 1118.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=1118
Ngày tham khảo: 03/02/2023
-
Paracetamol with caffeine (Panadol Extra) available over the counter from pharmacieshttps://www.nps.org.au/radar/articles/paracetamol-with-caffeine-panadol-extra-available-over-the-counter-from-pharmacies
Ngày tham khảo: 03/02/2023
-
Caffeine as an analgesic adjuvant for acute pain in adultshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25502052/
Ngày tham khảo: 03/02/2023
-
Bộ Y Tế (2018). Dược thư quốc gia Việt Nam. NXB Y Học Hà Nội. Trang 1142.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=1142
Ngày tham khảo: 03/02/2023