Bệnh quai bị có lây không? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Quai bị là bệnh lý thường biểu hiện với triệu chứng đau đầu, sốt, mệt mỏi, chán ăn, khó chịu và viêm tuyến mang tai. Với biện pháp tiêm vắc-xin phòng bệnh một cách rộng rãi, tỷ lệ mắc bệnh quai bị trên thế giới đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, người bệnh thường thắc mắc quai bị có lây không? Bệnh quai bị lây qua đường nào? Tất cả sẽ được trả lời trong bài viết sau của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh.
Tổng quan về bệnh quai bị
Quai bị do virus Paramyxovirus – một loại virus có cấu tạo RNA sợi đơn gây ra. Quai bị là loại virus ổn định, việc thay đổi cấu trúc kháng nguyên khó xảy ra.
Triệu chứng bệnh quai bị
Những triệu chứng tiền triệu của virus quai bị bao gồm các triệu chứng không đặc hiệu như sốt, khó chịu, nhức đầu, đau cơ và chán ăn. Trong những ngày sau đó, bệnh nhân xuất hiện biểu hiện của viêm tuyến mang tai. Bình thường, sưng mang tai thường là hai bên, nhưng cũng có thể sưng một bên.1
Biến chứng bệnh quai bị
Những biến chứng của bệnh quai bị bao gồm:1
- Ở phụ nữ mang thai: sinh non, sinh con nhẹ cân hay dị tật thai nhi.
- Ở nam giới: viêm tinh hoàn thường là cả hai bên, teo tinh hoàn, vô sinh và hiếm muộn sau khi nhiễm quai bị (khoảng dưới 15% trường hợp).
- Ở nữ giới: viêm buồng trứng, dưới 5% bị vô sinh hoặc tiền mãn kinh.
- Các biểu hiện biến chứng thần kinh bao gồm viêm màng não, viêm não, viêm tủy ngang, hội chứng Guillain-Barre, mất điều hòa tiểu não, liệt mặt và não úng thủy.
- Các biến chứng toàn thân hiếm gặp khác bao gồm viêm tụy, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm thận, bệnh gan, viêm khớp, viêm giác mạc và ban xuất huyết giảm tiểu cầu.
Để hiểu thêm về bệnh quai bị, bạn đọc có thể tham khảo bài viết Quai bị: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa nhé!
Bệnh quai bị có lây không?
Con người là vật chủ duy nhất của virus quai bị. Virus Paramyxovirus có khả năng lây lan cao. Do đó, bệnh quai bị là bệnh lý có thể lây truyền cho người khác. Một số trường hợp quai bị không có triệu chứng vẫn có thể lây lan.1
Quai bị lây qua đường nào?
Quai bị lây qua khi người lành tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc dịch tiết đường hô hấp của người bệnh từ miệng, mũi hoặc cổ họng. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua việc chạm vào một vật dính dịch tiết đường hô hấp, nước bọt của người bệnh. Một người bị nhiễm bệnh có thể lây lan virus trong những tình huống sau:2
- Người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện khi tiếp xúc gần với người lành.
- Người lành dùng chung các vật dụng có thể dính nước bọt của người bị quai bị, chẳng hạn như chai nước hoặc cốc.
- Người bệnh tham gia các hoạt động tiếp xúc gần với người lành, chẳng hạn như chơi thể thao, khiêu vũ hoặc hôn.
Thời gian nào dễ lây truyền bệnh quai bị nhất?
Virus có thời gian ủ bệnh thay đổi từ 7 đến 21 ngày. Người bị nhiễm bệnh có thể lây bệnh quai bị từ vài ngày trước khi tuyến nước bọt bắt đầu sưng lên cho đến 5 ngày sau khi bắt đầu sưng. Thông thường, bệnh dễ lây nhất từ 1 đến 2 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng. Người bị quai bị nên hạn chế tiếp xúc với người khác trong thời gian này.1 2
Do đó, một người được chẩn đoán mắc bệnh quai bị nên nghỉ làm hoặc đi học ở nhà và tránh tiếp xúc gần với người khác cho đến ít nhất 5 ngày sau khi bắt đầu sưng tấy.3
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh quai bị cao
Những đối tượng có nguy cơ mắc cao:1 3
- Virus quai bị có khả năng lây lan nhiều nhất ở những nơi đông người, ví dụ như trong trường học và nhà trẻ.
- Nguy cơ mắc bệnh quai bị tăng lên khi tiếp xúc nhiều hơn với bệnh nhân như các chuyên gia y tế.
- Người bị suy giảm miễn dịch.
- Người chưa từng được tiêm phòng trước đây.
Cách phòng ngừa quai bị
Hiện nay, giải pháp phòng ngừa quai bị hữu hiệu nhất là vắc-xin. Vắc-xin sởi, quai bị và rubella MMR không chỉ giúp phòng ngừa bệnh quai bị mà còn giúp phòng ngừa bệnh sởi và rubella. Trước khi vắc-xin quai bị được chế tạo, có ít nhất 186.000 trường hợp mắc bệnh mỗi năm. Nhưng nhờ vào vắc-xin, số ca mắc bệnh đã giảm một cách đáng kể.4
Vắc-xin không ngăn ngừa tất cả các trường hợp quai bị. Hai liều MMR có hiệu quả 88% và một liều có hiệu quả 78%. CDC khuyến nghị dùng hai liều MMR, cách nhau ít nhất 28 ngày cho tất cả trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên, người lớn và thanh thiếu niên chưa được miễn dịch.5
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho độc giả những thông tin hữu ích về vấn đề quai bị có lây không. Quai bị có khả năng lây truyền giữa người lành và người bệnh. Đường lây truyền chủ yếu là lây qua đường hô hấp, hoặc có thể tiếp xúc gián tiếp thông qua các vật dụng có dịch tiết của người bệnh. Do vậy, người bệnh cần cách ly trong khoảng thời gian bị bệnh. Cách phòng ngừa quai bị hiệu quả nhất hiện nay là bằng vắc-xin sởi, quai bị và rubella (MMR).
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Mumpshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534785/
Ngày tham khảo: 20/02/2023
-
Transmission of Mumpshttps://www.cdc.gov/mumps/about/transmission.html
Ngày tham khảo: 20/02/2023
-
What to know about mumpshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/224382
Ngày tham khảo: 20/02/2023
-
Mumpshttps://www.uptodate.com/contents/mumps
Ngày tham khảo: 20/02/2023
-
Mumps Vaccinationhttps://www.cdc.gov/mumps/vaccination.html
Ngày tham khảo: 20/02/2023