Siêu âm ổ bụng là gì? Quy trình và chi phí thực hiện
Nội dung bài viết
Siêu âm ổ bụng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được chỉ định rất phổ biến hiện nay, cả trong chẩn đoán bệnh và trong tầm soát sức khỏe định kỳ. Vậy siêu âm ổ bụng là gì, tại sao phải siêu âm ổ bụng, nó có những ưu nhược điểm và nguy cơ gì với sức khỏe không? Tất cả sẽ được giải đáp cùng Bác sĩ Phạm Thị Hoài Thương trong bài viết dưới đây.
Siêu âm ổ bụng là gì?
Ổ bụng là một khoang bên trong cơ thể, có giới hạn bên ngoài gồm: phía trên là cung xương sườn, phía dưới là khớp mu. Ổ bụng bao gồm các cơ quan:
- Hệ tiêu hóa (gồm dạ dày, ruột non, ruột già, gan, mật, tụy).
- Hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang).
- Hệ sinh dục (buồng trứng, tử cung ở nữ).
- Lách.
- Một số cấu trúc khác (ví dụ như động mạch chủ bụng, tĩnh mạch chủ dưới – các mạch máu lớn nhất của cơ thể).
Siêu âm ổ bụng là một phương pháp dùng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh các cơ quan và cấu trúc trong ổ bụng.
Nguyên lý của máy siêu âm
Dùng đầu dò siêu âm để phát ra một chùm tia siêu âm (một loại âm thanh có tần số rất cao mà tai người không thể nghe được). Khi đặt đầu dò lên ổ bụng, sóng siêu âm sẽ đi từng lớp qua da, cơ thành bụng và tới các cơ quan trong ổ bụng. Khi đi qua mỗi cấu trúc, sóng âm sẽ được dội ngược trở lại, tạo thành hồi âm (hay echo, từ mà bạn có thể thấy trong các kết quả siêu âm). Đầu dò nhận bắt các tín hiệu này và chuyển thành dạng hình ảnh trắng đen mà bác sĩ quan sát trên màn hình vi tính. Mỗi loại mô khác nhau trong cơ thể sẽ phản hồi sóng âm với mức độ khác nhau, từ đó tạo ra sự khác biệt giữa các cấu trúc trong ổ bụng và bác sĩ siêu âm có thể quan sát gián tiếp được các cơ quan này.1 2
Có nhiều loại máy siêu âm khác nhau, từ phức tạp, lớn như các máy siêu âm bạn thấy trong bệnh viện, đến các loại đơn giản, cầm tay để sử dụng linh động.
Ngoài loại siêu âm với đầu dò đặt ngoài da, để đánh giá các cấu trúc trong ổ bụng trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể chỉ định bạn siêu âm với đầu dò đặt trong âm đạo, trực tràng hoặc siêu âm qua đường nội soi. Chúng ta sẽ bàn về chỉ định, vai trò của các loại siêu âm này trong một bài viết khác.
Ngoài ra, một loại siêu âm ổ bụng khác mà bạn có thể được chỉ định là siêu âm màu Doppler. Loại máy siêu âm này dùng để xác định tốc độ và hướng của dòng chảy các mạch máu trong ổ bụng.
Tại sao phải siêu âm ổ bụng?
Siêu âm ổ bụng có hai mục đích chính: chẩn đoán và tầm soát.
- Siêu âm được dùng với mục đích chẩn đoán khi bạn có một triệu chứng cụ thể như đau bụng, nôn, chướng bụng,…
- Siêu âm tầm soát là siêu âm trên đối tượng không có triệu chứng, thường được dùng trong tầm soát các bệnh lý u ổ bụng, bệnh lý gan, mật, thận,…
Với cả hai mục đích này, siêu âm đều được dùng để xác định kích thước, vị trí, tính chất của các cơ quan và cấu trúc trong ổ bụng nhằm xác định có hay không:3
- Nang.
- U.
- Ổ mủ.
- Tắc nghẽn.
- Tụ dịch.
- Tắc nghẽn mạch máu.
- Nhiễm trùng.
Các bệnh lý thường được phát hiện trên siêu âm ổ bụng như:4
- Gan nhiễm mỡ.
- Sỏi túi mật, sỏi đường mật, polyp túi mật, viêm túi mật.
- Viêm tụy.
- Hẹp môn vị dạ dày, tắc ruột.
- Viêm ruột thừa.
- Sỏi thận, sỏi bàng quang, u thận.
- Phình động mạch chủ bụng.
- Thoát vị thành bụng.
- Các loại u gan, u lách, u dạ dày (lành hoặc ác).
Ngoài ra, siêu âm ổ bụng còn có thể chỉ định với mục đích hướng dẫn vị trí đâm kim để sinh thiết một khối u chưa rõ bản chất trong ổ bụng hoặc dẫn lưu các ổ mủ, ổ tụ dịch. Nó còn là một phương tiện thường quy dùng để đánh giá thai kỳ, lúc này, nó được gọi là siêu âm tiền sản.5
Nói chung, siêu âm ổ bụng là một phương tiện hình ảnh rất cơ bản và thường gặp, với nhiều chỉ định đa dạng.
Ưu – nhược điểm của siêu âm ổ bụng
Ưu điểm1
- Hầu hết siêu âm là không xâm lấn (không đâm kim, không chảy máu, không đưa vật lạ vào bên trong cơ thể, không gây nguy cơ nhiễm trùng).
- Không gây đau.
- Siêu âm phổ biến, dễ thực hiện và giá thành rẻ.
- Siêu âm rất an toàn, không phơi nhiễm tia X như X quang, CT scan.
- Siêu âm cho hình ảnh mô mềm, các cơ quan trong ổ bụng mà không thể thấy trên phim X quang.
- Hình ảnh động, quan sát trực tiếp chuyển động của các cơ quan, dòng máu.
Nhược điểm
Tuy có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cao cấp khác, nhưng siêu âm ổ bụng cũng tồn tại một số mặt hạn chế.
Tính chủ quan của kết quả siêu âm
Siêu âm ổ bụng phụ thuộc vào khả năng đặt đầu dò và quan sát của bác sĩ siêu âm tại thời điểm cụ thể. Nói đơn giản, bạn có thể nhận một kết quả siêu âm mô tả có tồn tại một cấu trúc nhỏ, lành tính trong gan (ví dụ: u mạch máu gan) vào tháng trước nhưng lại không thấy mô tả trong kết quả siêu âm một tháng sau đó. Điều này không có nghĩa u mạch máu đó biến mất trong vòng một tháng, mà có thể do bác sĩ siêu âm lần thứ hai đã bỏ sót cấu trúc nhỏ lành tính này. Điều này rất thường gặp. Trong đa số trường hợp, nó không ảnh hưởng quá nhiều đến việc theo dõi sức khỏe của bạn.
Do đó, siêu âm thường được dùng như phương tiện tầm soát ban đầu. Khi có các bất thường, các phương tiện hình ảnh cao cấp hơn như chụp cắt lớp vi tính (CT scan) bụng hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) bụng sẽ có thể được bác sĩ chỉ định để xác định hoặc loại trừ chẩn đoán.
Hình ảnh trên siêu âm
Hình ảnh trên siêu âm có thể bị nhiễu trong một số trường hợp: béo phì, nhiều hơi trong đường ruột, dạ dày nhiều thức ăn.5
Cần chuẩn bị gì trước khi siêu âm ổ bụng?
Đối với các trường hợp cấp cứu như chấn thương (té xe, tai nạn lao động,…), đau bụng cấp tính, nôn ói nhiều cần phải chẩn đoán và can thiệp sớm, siêu âm ổ bụng có thể thực hiện ngay lập tức mà không cần chuẩn bị gì.
Đối với các trường hợp được sắp xếp trước, một số lưu ý sau trong quá trình chuẩn bị có thể giúp bác sĩ siêu âm thực hiện dễ dàng và chính xác hơn:1 6
- Nếu siêu âm vào buổi sáng, tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ vào tối ngày hôm trước, đồng thời không nên ăn gì trong khoảng 8 đến 12 tiếng trước siêu âm. Nếu siêu âm vào buổi chiều tối, không nên ăn gì sau bữa sáng. Điều này sẽ giúp dạ dày và đường ruột không có quá nhiều thức ăn và hơi – những thứ được gọi là ‘’kẻ thù của siêu âm’’, sẽ làm bác sĩ khó quan sát các cơ quan ổ bụng.
- Với bệnh nhân siêu âm túi mật, cũng nên hạn chế ăn thức ăn dầu mỡ trước khi siêu âm, vì ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ kích thích túi mật tiết nhiều dịch mật để tiêu hóa, dẫn đến xẹp túi mật, khó quan sát sỏi và các cấu trúc bất thường khác bên trong túi mật.
- Nên nhịn tiểu và uống nhiều nước (khuyến cáo khoảng 6 ly nước) trong vòng một giờ trước siêu âm để giúp giữ bàng quang căng và bác sĩ dễ quan sát các cấu trúc trong ổ bụng hơn, đặc biệt là tử cung, tuyến tiền liệt, các cơ quan khác trong vùng chậu.
- Đối với các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng, bạn không cần phải nhưng trước khi siêu âm.
Quy trình siêu âm ổ bụng
Siêu âm ổ bụng thông thường sẽ diễn ra tại phòng siêu âm của khoa Chẩn đoán hình ảnh bởi các bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh. Đôi khi nó có thể được thực hiện bởi bất kì bác sĩ nào ngay tại giường trong các trường hợp cấp cứu, hoặc bệnh nhân nặng, khó di chuyển phải nằm bất động tại giường.
Quy trình siêu âm ổ bụng cơ bản gồm các bước sau:6
- Nộp giấy chỉ định cho bác sĩ hoặc thư ký phòng siêu âm để lấy số thứ tự và ngồi chờ gọi tên.
- Khi vào phòng siêu âm, tùy theo yêu cầu của bác sĩ, bạn có thể cần phải tháo bỏ một số phụ kiện, áo khoác ngoài. Sau đó hãy kéo áo cao lên tới ngực và kéo quần thấp xuống ngang xương mu để bộc lộ toàn bộ vùng bụng trước.
- Bạn sẽ ở tư thế nằm ngửa và được yêu cầu đưa hai tay lên cao để quá trình siêu âm bắt đầu.
- Một loại gel trơn sẽ được bôi lên bụng nhằm giảm độ ma sát và loại bỏ lớp khí giữa mặt da và đầu dò để đảm bảo sự truyền liên tục của sóng siêu âm. Loại gel này trong suốt, không mùi và dễ dàng lau sạch bằng khăn giấy sau khi việc siêu âm kết thúc. Nó cũng không gây bay màu hoặc hư hỏng quần áo. Tuy nhiên, với một số bệnh nhân có da nhạy cảm, gel có thể gây cảm giác lạnh và khó chịu đôi chút.
- Quá trình siêu âm có thể diễn ra trong vòng 15 – 45 phút. Một đầu dò nhỏ được đặt lên da và di chuyển lần lượt qua các phần trên bụng. Trong khi siêu âm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn hít sâu, phình bụng và nín thở trong vòng 10 giây. Mục đích của việc này là để đẩy gan, lách (các tạng nằm phía trên ổ bụng) xuống phía dưới, vượt qua khỏi khung xương sườn để bác sĩ dễ quan sát các tổn thương.
- Bác sĩ cùng có thể yêu cầu bạn thay đổi tư thế nằm nghiêng trái, nghiêng phải để quan sát rõ hơn các cấu trúc, cơ quan nằm sâu trong ổ bụng.
Sau khi siêu âm
Sau khi quá trình siêu âm kết thúc, bạn sẽ được cung cấp khăn giấy để lau sạch gel, chỉnh trang quần áo và tiếp tục thực hiện các xét nghiệm khác như yêu cầu, sau đó quay lại gặp bác sĩ chỉ định ban đầu. Bạn có thể quay lại sinh hoạt như bình thường ngay lập tức sau khi kết thúc siêu âm ổ bụng.
Những rủi ro của siêu âm bụng là gì?
Không giống như một số phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác (X quang, chụp cắt lớp vi tính), với siêu âm ổ bụng, không có chất hoặc tia phóng xạ nào được sử dụng và gần như không gây cảm giác đau hay khó chịu nào đối với bệnh nhân. Sóng siêu âm phát ra từ đầu dò là loại sóng âm năng lượng thấp, không gây phá hủy hay tổn thương mô với cường độ được sử dụng trong máy nên siêu âm thông thường với đầu dò đặt ngoài da gần như không có bất kỳ nguy cơ bất lợi nào với cơ thể. Siêu âm trong thai kỳ chưa được chứng minh có thể gây ra biến cố bất lợi nào cho mẹ và bé. Vì thế siêu âm ổ bụng, tùy mục đích, có thể chỉ định cho mọi lứa tuổi và đối tượng.7
Siêu âm ổ bụng giá bao nhiêu?
Như đã đề cập ở trên, siêu âm ổ bụng (với đầu dò qua da) là phương tiện hình ảnh đơn giản, rẻ tiền, dễ thực hiện. Hầu hết các bệnh viện và phòng khám có trang bị máy siêu âm đều có thể thực hiện tốt phương pháp này. Giá siêu âm ổ bụng (có kèm Doppler) có thể dao động trong khoảng 80.000 – 400.000 VNĐ (chưa trừ bảo hiểm y tế), tùy vào cơ sở y tế, loại máy siêu âm, bác sĩ siêu âm. Một số ví dụ:
- Bệnh viện Đại học Y Dược: mức thu 150.000 VNĐ – mức bảo hiểm y tế 43.900 VNĐ.
- Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM: mức thu 222.000 VNĐ.
- Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo: mức thu 250.000 VNĐ.
(Giá được tra cứu trong Bảng giá dịch vụ – kỹ thuật y tế đăng trên trang web của các bệnh viện trên).
Nói chung, siêu âm ổ bụng là phương tiện hình ảnh đánh giá ban đầu đơn giản, chi phí rẻ nhưng rất có giá trị, nhanh chóng và hầu như không có nguy cơ bất lợi nào với cơ thể. Bạn hãy yên tâm thực hiện siêu âm theo đúng chỉ định của bác sĩ để có được chẩn đoán và điều trị thích hợp cho tình trạng bệnh lý của mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Abdominal Ultrasoundhttps://www.radiologyinfo.org/en/info/abdominus
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Abdominal ultrasoundhttps://ufhealth.org/abdominal-ultrasound
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Abdominal Ultrasoundhttps://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/abdominal-ultrasound
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Abdominal Ultrasoundhttps://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/4994-abdominal-ultrasound
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Abdominal Ultrasoundhttps://www.healthline.com/health/abdominal-ultrasound
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Ultrasound scanhttps://www.nhs.uk/conditions/ultrasound-scan/
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Safety of ultrasonography in pregnancy: WHO systematic review of the literature and meta-analysishttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19291813/
Ngày tham khảo: 05/09/2022