Sùi mào gà ở chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Nội dung bài viết
Sùi mào gà dường như vẫn còn là định nghĩa mới với nhiều người. Bởi vì trong suy nghĩ của nhiều người, bệnh sùi mào gà chỉ có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục (sùi mào gà sinh dục) hoặc miệng (sùi mào gà ở miệng). Tuy nhiên sùi mào gà còn có thể xuất hiện ở những bộ phận khác của cơ thể, ví dụ như ở chân. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị sùi mào gà ở chân như thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết sau đây của ThS.BS Trần Quốc Phong để tìm hiểu về vấn đề này nhé.
Tổng quan về bệnh sùi mào gà
Sùi mào gà là căn bệnh xã hội nguy hiểm có thể xảy ra ở cả nam giới lẫn nữ giới. Biến chứng của căn bệnh này rất nguy hiểm nếu như không được phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Tuy nhiên, hiện tại bệnh sùi mào gà hay dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như mụn rộp sinh dục, chuỗi hạt ngọc dương vật… Điều này làm ảnh hưởng đến việc phát hiện và điều trị bệnh.
Nguyên nhân hình thành bệnh sùi mào gà là do virus HPV (Human papilloma virus) gây ra. Virus này có hơn 120 chủng loại khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số ít trong đó mới gây ra bệnh sùi mào gà. Đặc điểm của virus HPV là có tính lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Chúng thường lây truyền qua đường tình dục không an toàn, tiếp xúc với vết thương hở của người mắc bệnh, hoặc tiếp xúc trung gian qua các vật dụng sinh hoạt cá nhân của người bệnh như quần áo, giày dép…
Dấu hiệu bệnh sùi mào gà ở chân
Cũng như triệu chứng bệnh sùi mào gà ở bộ phận sinh dục hay sùi mào gà ở miệng; thời gian ủ bệnh của sùi mào gà ở chân cũng kéo dài từ 2 đến 9 tháng. Tùy theo sức khỏe và cơ địa của mỗi người mà thời điểm khởi phát bệnh sẽ khác nhau. Người có sức đề kháng thấp thông thường sẽ phát triển bệnh nhanh hơn, chỉ sau từ 1 đến 3 tháng. Còn đối với người có hệ miễn dịch tốt thường phát sẽ phát hiện bệnh chậm hơn, thậm chí có thể sau 1 năm. Ở giai đoạn này, người bệnh thường không có dấu hiệu nào điển hình. Do đó, khó có thể phát hiện bệnh.
Sau khoảng thời gian ủ bệnh, bệnh sùi mào gà ở chân phát triển với các triệu chứng điển hình. Phụ thuộc vào từng giai đoạn mà bệnh sẽ có những dấu hiệu lâm sàng đặc trưng. Cụ thể là:
Dấu hiệu bệnh sùi mào gà ở chân giai đoạn đầu
Ở giai đoạn đầu, trên niêm mạc da ở chân mọc lên những nốt u nhú màu trắng, màu hồng, màu đỏ hoặc màu nâu. Kích thước những nốt mụn này khoảng 1 – 2mm, dạng hình tròn hoặc hình bầu dục đĩa. Bề mặt chúng sần sùi, ẩm ướt, không có cuống, mọc lẻ tẻ. Thường ở giai đoạn này sẽ không gây đau cũng như không gây ngứa. Nhưng chúng sẽ phát triển nhanh chóng lan rộng ra xung quanh.
Xem thêm: Sùi mào gà ở nữ giới và những điều bạn nên biết
Dấu hiệu bệnh sùi mào gà ở chân giai đoạn tiếp theo
Ở giai đoạn tiếp theo, từ những nốt mụn đơn lẻ, chúng sẽ phát triển về kích thước và gia tăng số lượng nhiều hơn. Đồng thời, chúng sẽ liên kết với nhau thành những đám sùi rất to; kích thước có thể lên đến vài cm, có dạng như hoàn mào gà hoặc súp lơ.
Nếu các nốt sùi mào gà ở chân ở trạng thái bình thường sẽ không gây đau, ngứa. Tuy nhiên, khi va chạm hay ma sát thì chúng dễ bị lở loét, chảy mủ, chảy máu. Người bệnh có cảm giác đau rát, ngứa ngáy. Các nốt sùi mào gà thường xuất hiện ở trên ngón chân, kẽ ngón chân, mu bàn chân… Ngoài ra, người mắc bệnh sùi mào gà thường có biểu hiện sốt, mệt mỏi…
Nguyên nhân dẫn đến sùi mào gà ở chân
Sùi mào gà ở chân thực chất cũng như tất cả các bệnh sùi mào gà khác. Nguyên nhân của căn bệnh là do một loại virus xâm nhập vào da qua vết cắn nhỏ, vết xước hoặc tiếp xúc với những chất dịch có chứa mầm bệnh. Điều này có thể không xuất hiện trong vài tuần hoặc vài tháng sau lần tiếp xúc ban đầu.
Giống như các bệnh truyền nhiễm do virus khác, sùi mào gà ở chân cũng dễ lây nhiễm. Nó thường lây lan trong các khu vực hồ bơi, tắm chung hoặc thậm chí là phòng tắm ở nhà bạn. Đôi khi nó cũng có thể xảy ra trong các phòng tập thể dục hoặc các cơ sở thể thao; hoặc những người tham gia các hoạt động nhóm, sử dụng vật dụng của người bệnh, những nơi tiếp xúc nhiều bằng chân trần ví dụ như yoga, võ thuật…
Hầu như con người phát triển khả năng miễn dịch với virus theo độ tuổi. Vì vậy, sùi mào gà ở chân thường xảy ra phổ biến ở trẻ hơn so với ở người lớn. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu. Ví dụ như những người mắc HIV/AIDS và dùng Corticosteroid hay thuốc điều trị miễn dịch.
Phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà ở chân
Thuốc
Phương pháp điều trị này thường áp dụng với những trường hợp bệnh còn ở giai đoạn đầu chưa hình thành những đám sùi to.
Có các dạng thuốc như thuốc uống hoặc thuốc tiêm kết hợp với thuốc bôi để tăng cường hiệu quả điều trị bệnh.
Điều cần lưu ý là việc điều trị bệnh bằng thuốc chỉ đạt hiệu quả khi người bệnh tuân thủ chính xác theo những chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc quá liều so với đơn thuốc được kê. Càng không được bỏ uống thuốc giữa chừng khi các triệu chứng của bệnh có dấu hiệu ổn hơn.
Đốt laser
Những bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn 2 sẽ được chỉ định điều trị bằng các phương pháp laser.
Ưu điểm của phương pháp đốt laser đó là loại bỏ các nốt mụn sùi mào gà rất nhanh chóng. Người bệnh chỉ cần thực hiện từ 2 đến 3 lần đốt là có thể loại bỏ hoàn toàn các nốt mụn sùi. Tuy nhiên người bệnh thường phải chịu đau đớn nhiều khi đốt, thời gian hồi phục sau đốt khá lâu và có nguy cơ để lại sẹo xấu cao.
Phương pháp ALA – PDT
Phương pháp ALA – PDT được áp dụng với mọi giai đoạn của bệnh. Phương pháp điều trị sùi mào gà ở chân này là phương pháp sử dụng bức xạ nhiệt kết hợp với tia huỳnh quang để tạo ra oxy singlet. Từ đó có thể tiêu diệt được những mụn sùi gà triệt để. Bên cạnh đó, oxy singlet còn có thể cải thiện lại hoạt động của những tế bào bị tổn thương. Do vậy có thể ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát trở lại.
Phương pháp này được các chuyên gia nhận định sẽ tạo bước tiến quan trọng trong việc điều trị bệnh sùi mào gà. Trên thế giới đã có nhiều cơ sở y tế thực hiện thành công phương pháp này. Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam thì công nghệ này vẫn chưa được nhiều cơ sở y tế áp dụng thành công.
Xem thêm: Các bệnh dễ nhầm lẫn với sùi mào gà bạn nên biết
Biện pháp phòng ngừa sùi mào gà ở chân
Để phòng ngừa và bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh này, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau đây:
- Tiêm phòng vắc xin HPV. Vắc xin HPV sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà. Hơn thế nữa, vắc xin này còn phòng ngừa được các bệnh khác do HPV gây ra.
- Không dùng chung đồ các vật dụng các nhân như quần áo, khăn tắm…
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, giàu kẽm và vitamin.
- Tăng cường luyện tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.
- Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh.
- Rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi chạm vào mụn cóc. Đồng thời, mụn cóc thường phát triển nhanh hơn trong môi trường độ ẩm. Vì vậy hãy giữ bàn tay luôn khô ráo.
- Mang giày tắm, dép hoặc giày bơi cao su khi bạn tắm ở hồ bơi công cộng, phòng thay đồ hoặc sử dụng vòi sen mà nhiều người cùng sử dụng.
- Rửa chân kỹ bằng xà phòng sau khi bạn ở một khu vực mà nguy cơ virus lây lan cao.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh sùi mào gà ở chân. Ngày nay, số người mắc bệnh sùi mào gà rất cao vì nó là căn bệnh truyền nhiễm xã hội nhanh chóng. Vì vậy, bạn hãy nâng cao ý thức phòng ngừa cũng như nhận biết các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, phát hiện và chữa trị kịp thời tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
HPV and Foot Warts: What's the Connection?
https://www.neufoot.com/blog/hpv-and-foot-warts-whats-the-connection
Ngày tham khảo: 28/08/2021