Các test trầm cảm và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Có khá nhiều loại test trầm cảm được các bác sĩ sử dụng để đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Các test này đôi khi không mang ý nghĩa chẩn đoán và đôi khi có vẻ không liên quan đến căn bệnh. Tuy nhiên, chúng cần thiết cho quá trình sàng lọc và điều trị trầm cảm. Vậy đó là những test nào và chúng có ý nghĩa gì? Bài viết sau của Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương sẽ giải đáp câu hỏi trên. Hãy cùng YouMed theo dõi nhé!
Thông thường, bác sĩ chuyên môn sẽ khám sức khỏe và yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm để chắc chắn rằng các triệu chứng trầm cảm của bạn không liên quan đến các bệnh khác, như bệnh tuyến giáp, thiếu vitamin D,… Mặt khác, nếu các triệu chứng của bạn liên quan đến một bệnh lý khác, việc điều trị bệnh đó cũng có thể giúp giảm bớt trầm cảm.1
Khám sức khỏe
Mục tiêu của việc khám sức khỏe là loại trừ một số nguyên nhân thuộc các bệnh lý khác gây ra bệnh trầm cảm. Khi khám sức khỏe, bác sĩ có thể tập trung chủ yếu vào hệ thần kinh và hệ nội tiết, nhầm xác định bất kỳ mối quan tâm lớn nào về sức khỏe có thể góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm lâm sàng. Ví dụ, suy giáp là bệnh lý phổ biến liên quan đến các triệu chứng trầm cảm. Các rối loạn nội tiết khác liên quan đến trầm cảm bao gồm: cường giáp, bệnh Cushing,…1
Nhiều bệnh lý và chấn thương hệ thần kinh trung ương cũng có thể dẫn đến trầm cảm. Ví dụ: khối u hệ thần kinh trung ương, chấn thương đầu, đa xơ cứng, đột quỵ, bệnh giang mai, các bệnh ung thư (ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú,…).1
Kiểm tra thí nghiệm
Bác sĩ chuyên môn cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện một số kiểm tra thí nghiệm. Phổ biến là xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu máu, kiểm tra tuyến giáp, các loại hormone, mức độ canxi và vitamin D.1
Các phương pháp kiểm tra khác
Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm khác, như xét nghiệm máu để kiểm tra chất điện giải, chức năng gan, kiểm tra chất độc và chức năng thận. Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:1
- Chụp CT hoặc MRI não để loại trừ các bệnh nghiêm trọng như khối u não.
- Điện tâm đồ (ECG) để chẩn đoán một số vấn đề về tim.
- Điện não đồ (EEG) để ghi lại hoạt động điện của não.
Các xét nghiệm sàng lọc trầm cảm
Bác sĩ cũng có thể hỏi bạn những câu hỏi để tầm soát bệnh trầm cảm. Những câu trả lời có thể cung cấp cho bác sĩ cái nhìn sâu sắc hơn về tâm trạng của bạn, từ đó, chẩn đoán chắc chắn hơn.
Khi bạn làm bài kiểm tra này, bạn sẽ được yêu cầu trả lời hai câu hỏi:1
- Trong tháng vừa qua, bạn có cảm thấy chán nản hay tuyệt vọng không?
- Trong tháng vừa qua, bạn có mất hứng thú hoặc không thích làm việc gì không?
Sau đó, bác sĩ có thể đặt thêm cho bạn những câu hỏi khác để giúp xác định chẩn đoán trầm cảm. Hoặc nếu câu trả lời của bạn cho thấy bạn không bị trầm cảm, bác sĩ có thể xem xét lại các triệu chứng để tiếp tục tìm ra nguyên nhân.
Bác sĩ có thể sử dụng các bảng câu hỏi sàng lọc trầm cảm khác để đo lường sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm. Có thể kể đến:
Bảng câu hỏi chăm sóc sức khỏe bệnh nhân PH-92
Đây là công cụ sàng lọc dành cho bệnh trầm cảm phổ biến nhất hiện nay. Chúng có 9 câu hỏi về các lĩnh vực như sự thay đổi cảm giác thèm ăn, sự buồn chán, mệt mỏi hay mất hứng thú với các hoạt động trong cuộc sống.
Thông qua việc trả lời các câu hỏi này, các bác sĩ sẽ đánh giá được liệu một cá nhân có các triệu chứng của trầm cảm hay không. Nếu có, người đó sẽ được hỏi thêm về các dấu hiệu đó một cách rõ ràng nhất. Thậm chí, các bác sĩ có thể đánh giá sức khỏe thể chất của người bệnh. Điều đó giúp loại trừ khả năng các bệnh thể chất gây ra các triệu chứng giống với trầm cảm.
Bảng test trầm cảm Beck2
Thang đo trầm cảm Beck được xây dựng bởi Aaron Beck, một bác sĩ tâm thần. Ông cũng là người đã sáng tạo ra phương pháp trị liệu nhận thức hành vi. Thang đo trầm cảm Beck thích hợp cho những người từ 13 tuổi trở lên. Bảng test này gồm có 21 câu hỏi, được chấm theo thang điểm từ 0-3 điểm. Tổng điểm càng cao thì chúng cho thấy các triệu chứng của trầm cảm càng trầm trọng.
Thang trầm cảm Hamilton2
Thang đánh giá trầm cảm Hamilton cũng rất phổ biến. Chúng gồm một bảng câu hỏi gồm nhiều mục và được dùng để xác định chứng trầm cảm. Trong nhiều trường hợp, nó cũng được dùng để đánh giá sự phục hồi.
Thang trầm cảm Hamilton được thiết kế cho người lớn. Khi dùng để test trầm cảm, chúng sẽ đánh giá tâm trạng, cảm giác tội lỗi, lo lắng, mất ngủ, ý định tự tử,… của một người.
Bảng test trầm cảm cho trẻ em(CDI)2
Bảng test trầm cảm cho trẻ em được Maria Kovacs xây dựng. Chúng được viết với ngôn ngữ dễ hiểu với trẻ em từ lớp một trở lên. Hiện nay CDI gồm 2 phiên bản. Phiên bản gốc gồm 27 mục và phiên bản rút gọn gồm 10 mục.
Trẻ em chỉ mất từ 5 đến 15 phút để hoàn thành. Ngoài việc dùng để phát hiện các triệu chứng, công cụ này còn được dùng để theo dõi mức thay đổi của các triệu chứng trầm cảm theo thời gian.
Thang đo trầm cảm tự đánh giá Zung2
Đây là bảng test nhằm đánh giá mức độ trầm cảm của một người. Chúng gồm 20 mục để nhằm khám phá các khía cạnh tâm lý, cảm xúc, tình cảm của người bệnh. Công cụ này sử dụng khá đơn giản và nhanh chóng.
Bên cạnh những bài kiểm tra mức độ trên đây, còn có một số công cụ khác cũng được sử dụng khá nhiều. Chúng ta có thể kể đến một số cái tên như thang đo trầm cảm CES-D, thang điểm trầm cảm Plutchik – Van Praag(PVP),…
Mục đích và công dụng của các bảng test trầm cảm2
Các bảng test trầm cảm thường được sử dụng trong những bước đầu tiên của một buổi thăm khám. Các bác sĩ sẽ sử dụng chúng để xác định xem có cần hỏi thêm về sức khỏe tâm thần của bệnh nhân hay không. Cần lưu ý rằng, các bài kiểm tra này không chẩn đoán được trầm cảm. Nó chỉ giúp bác sĩ xác định được bệnh nhân có triệu chứng của trầm cảm hay không. Dựa trên kết quả đó, bác sĩ sẽ có những hướng kiểm tra thêm rồi mới có thể đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Hiện nay, chúng ta có thể tự test trầm cảm online tại nhà thông qua một số trang web. Họ cung cấp các bài kiểm tra sàng lọc miễn phí. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác nhất, bạn bắt buộc phải đến gặp bác sĩ chuyên môn.
Hạn chế của các bảng test trầm cảm2
Mặc dù rất hữu ích nhưng các bài test trầm cảm vẫn có những hạn chế nhất định. Người trả lời câu hỏi của các bài test có thể không trung thực về các triệu chứng của mình. Những người không có khả năng đọc hiểu tốt cũng có khả năng trả lời thiếu chính xác. Ngoài ra, địa điểm thực hiện bài test cũng ảnh hưởng khá lớn đến câu trả lời. Một bệnh nhân làm bài test ở nơi ồn ào có thể sẽ trả lời khác đi khi họ làm bài test một cách riêng tư.
Thêm vào đó, bản thân bệnh trầm cảm cũng tác động đến suy nghĩ của người bệnh. Một người đang cảm thấy chán nản, mệt mỏi có thể sẽ không nói đúng hoàn toàn về các triệu chứng của mình.
Nếu kết quả chẩn đoán xác định bạn bị trầm cảm
Bệnh trầm cảm có thể điều trị được. Việc chẩn đoán trầm cảm chính xác có thể giúp bệnh nhân có liệu trình điều trị phù hợp và có cuộc sống lành mạnh, tích cực hơn.1
Nếu kết quả cho thấy bạn mắc trầm cảm, bạn cần tuân thủ liệu trình điều trị để khỏi bệnh. Người mắc trầm cảm có thể được điều trị bằng thuốc, bằng liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai. Ngoài điều trị chuyên nghiệp, người bệnh cũng nên thay đổi lối sống lành mạnh và thực hiện một số cách hỗ trợ cho việc chữa trầm cảm tại nhà.3
Khi được test trầm cảm và kết quả cho thấy có khả năng bị trầm cảm, bạn cũng đừng quá lo lắng. Hãy bình tĩnh nói chuyện với chuyên gia về sức khỏe tâm thần để được tư vấn và giúp đỡ. Chúng ta cũng cần tiến hành thêm các xét nghiệm khác để có thể đi đến kết luận bạn có bị trầm cảm hay không. Sau đó, tùy thuộc vào loại và mức độ trầm cảm, bạn sẽ được hướng dẫn và điều trị theo liệu pháp riêng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tests Used to Diagnose Depressionhttps://www.webmd.com/depression/guide/depression-tests
Ngày tham khảo: 11/12/2022
-
Screening for Depression: How Depression Tests Workhttps://www.verywellmind.com/depression-tests-mood-disorder-4174922
Ngày tham khảo: 11/12/2022
-
Depression (major depressive disorder)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/symptoms-causes/syc-20356007
Ngày tham khảo: 11/12/2022