YouMed

Thuốc cảm cúm: Các loại thuốc phổ biến hiện nay và lưu ý khi sử dụng 

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Cảm cúm là bệnh thường gặp mọi đối tượng. Đặc biệt là những đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai, hay người lớn tuổi. Dẫu vậy, cảm cúm đa số không gây nguy hiểm cho người bệnh nếu biết điều trị đúng cách, và thường tự khỏi sau 5-7 ngày. Việc sử dụng các loại thuốc để điều trị cúm là một phương pháp được sử dụng phổ biến. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo sẽ giúp cho bạn có thêm thông tin về một số thuốc cảm cúm. Nào chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Khi nào cần dùng thuốc trị cảm cúm?

Cảm cúm là một bệnh đường hô hấp do bạn bị nhiễm virus cúm gây ra, thường gặp nhất vào mùa đông hay lúc giao mùa, ẩm ướt kéo dài làm cho số người mắc bệnh tăng cao.

Cúm và cảm lạnh có các biểu hiện khá giống nhau, cùng xảy ra đa số vào mùa đông. Tuy nhiên, cúm thường dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn. Đa số khi mắc cảm cúm, người bệnh có thể tự khỏi trong vòng 5 – 7 ngày nếu có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý mà không cần thuốc điều trị đặc hiệu. Song, nếu các triệu chứng ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống người bệnh thì có thể điều trị bằng thuốc cảm cúm tại nhà hoặc các cơ sở khám chữa bệnh.1

Cảm cúm thường gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh
Cảm cúm thường gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh

Các loại thuốc cảm cúm phổ biến

Thực tế hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho cảm cúm, các loại thuốc đang sử dụng để điều trị triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn và phục hồi nhanh hơn Các nhóm thuốc điều trị cảm cúm phổ biến hiện nay bao gồm:

1. Thuốc giảm đau, hạ sốt2

Công dụng

  • Giúp giảm đau, hạ sốt với 2 nhóm thuốc phổ biến và thông dụng nhất là Acetaminophen (Paracetamol) và NSAIDs (thuốc giảm đau kháng viêm không steroid).

Cơ chế hoạt động

  • Acetaminophen (Paracetamol): Đây là thành phần chính trong Tylenol và nhiều loại thuốc kê đơn hay không kê đơn, hoạt động dựa trên việc não bộ nhận biết cơn đau và kiểm soát nhiệt độ cơ thể.
  • NSAIDs: Hoạt động dựa trên việc ức chế các chất gây ra cảm giác đau trong cơ thể, đồng thời hỗ trợ kiểm soát nhiệt độ cơ thể.

Một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt

  • Acetaminophen (Paracetamol): Paracetamol 500mg, Paracetamol 325mg, Paracetamol 300mg, Paracetamol 250mg, v.v. dưới nhiều dạng bào chế khác nhau như viên nén, viên sủi, bột uống, viên đặt…
  • NSAID: Gồm các thuốc chứa thành phần như Ibuprofen (hoạt chất trong Advil và Motrin), Aspirin, Naproxen natri, v.v.

Lưu ý khi dùng

  • Không sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi sử dụng các loại thuốc không kê đơn cho trẻ em.
  • Người dùng nên chú ý lượng thuốc dùng và thời gian dùng thuốc, không sử dụng quá lượng quy định trong 1 ngày.
  • Việc dùng quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ, đặc biệt là tổn thương gan.
  • Khi cần dùng warfarin, cần có sự tư vấn từ chuyên gia y tế.
  • Không dùng aspirin cho người dưới 19 tuổi vì dễ gây ra hội chứng Reye – bệnh lý não gan hiếm gặp thường xuất hiện do dùng aspirin cho người dưới độ tuổi quy định.

2. Thuốc trị ho, long đờm3

Công dụng

  • Ngăn chặn phản xạ ho, làm sạch các chất cặn bã trong đường thở của người bệnh.

Một số loại thuốc trị ho

  • Một số ví dụ điển hình của loại thuốc này là thuốc dextromethorphan (robitussin) dưới dạng viên nén hay siro với liều lượng đa dạng từ 5 mg – 60 mg tuỳ dạng bào chế và đối tượng sử dụng.
  • Thuốc chứa guaifenesin giúp long đờm.
  • Các thuốc khác có chứa các hoạt chất thiên nhiên như long não, tinh dầu bạc hà, tinh dầu khuynh diệp.
  • Một số thuốc kết hợp chứa nhiều hoạt chất để làm giảm các triệu chứng khác: dextromethophan giúp giảm ho; thuốc kháng histamine giúp giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi; thuốc giảm đau;…

Lưu ý khi sử dụng

  • Không nên dùng thuốc quá 7 ngày vì thuốc cũng chỉ điều trị triệu chứng, giúp bạn giảm ho nhưng không điều trị triệt để nguyên nhân gây ra cơn ho. Nên dừng thuốc nếu không có sự thuyên giảm sau 1 tuần và liên hệ chuyên gia y tế can thiệp kịp thời.
  • Không sử dụng thuốc cho trẻ dưới 4 tuổi, trẻ từ 4-6 tuổi cần có sự tham vấn bác sĩ trước khi dùng.
  • Không lạm dụng thuốc vì sẽ khiến các triệu chứng trở nên nặng hơn, chỉ uống đủ liều và nghỉ ngơi thường xuyên.
  • Việc quá liều có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như tổn thương não, co giật, hay tử vong.
  • Lưu ý khi dùng các loại thuốc có chứa nhiều thành phần. Các thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ, mất tập trung. Vì thế sau khi uống thuốc không nên lái xe hay vận hành máy móc.

3. Thuốc thông mũi4 5

Công dụng

  • Giúp giảm các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi do cảm cúm gây ra.

Cơ chế hoạt động

  • Chúng hoạt động bằng cách làm giảm sưng các mạch máu trong mũi, giúp mở đường thở.

Một số loại thuốc thông mũi

  • Một số loại thuốc thông mũi như Phenylephrine và Pseudoephedrine. Tuy nhiên, cần lưu ý thuốc có thể gây mất ngủ và kích động, tăng huyết áp hay nhịp tim.
  • Tình trạng chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt có thể thuyên giảm khi sử dụng thuốc kháng histamine. Tuy nhiên, thuốc có thể gây buồn ngủ, cần thận trọng khi sử dụng thuốc vào ban ngày.
  • Một số loại thuốc kết hợp có nhiều hoạt chất giúp làm giảm các triệu chứng cảm cúm.

Lưu ý khi dùng

  • Không sử dụng với người dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc.
  • Cần tham vấn ý kiến chuyên gia trước khi dùng đối với người mắc những bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cường giáp, phì đại tuyến tiền liệt, tăng nhãn áp, mắc các vấn đề liên quan đến gan, thận, tim mạch và tuần hoàn.
  • Không nên dùng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ từ 6 đến 11 tuổi không dùng liên tục quá 5 ngày, cần hỏi ý kiến chuyên gia đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú.

4. Các dạng thuốc kết hợp5

Việc tự phối hợp các loại thuốc điều trị các triệu chứng khác nhau có thể dễ gây ra tác dụng không mong muốn, đồng thời gây khó khăn cho người sử dụng. Do đó, nhiều người có xu hướng sử dụng một số loại thuốc kết hợp nhiều hoạt chất giúp làm giảm các triệu chứng cùng lúc. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thuốc trị cảm cúm dạng phối hợp như: Delcogen, Tiffy Dey, Ameflu DAYTIME, Rhumenol,…

Làm thế nào để chọn được thuốc cảm cúm phù hợp?

  • Như bài viết đã đề cập ở trên, hiện nay chưa có thuốc cảm cúm đặc hiệu mà đa số các thuốc dùng để điều trị các triệu chứng cảm cúm. Người nhà và người bệnh nên quan sát triệu chứng, tìm hiểu kỹ thành phần, hoạt tính của từng loại thuốc muốn sử dụng, xem qua chỉ định, chống chỉ định để tìm ra loại thuốc phù hợp.
  • Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả và hạn chế rủi ro, tốt nhất bệnh nhân nên đến gặp chuyên gia để được tư vấn, đưa ra lộ trình điều trị và hướng dẫn nghỉ ngơi tối ưu nhất để sớm khỏi bệnh.
Nên tham khảo ý kiến chuyên gia để sử dụng thuốc đúng và an toàn
Nên tham khảo ý kiến chuyên gia để sử dụng thuốc đúng và an toàn

Những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc cảm cúm

Bệnh cảm cúm thường không gây nên các hậu quả nghiêm trọng, đa số sẽ khỏi sau 5 – 7 ngày điều trị tại nhà. Tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề sau đây khi dùng thuốc:6

  • Không sử dụng kháng sinh để chữa cảm cúm, vì cảm cúm là do virus gây ra, còn kháng sinh dùng để tiêu diệt vi khuẩn. Chỉ nên dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian cho phép.
  • Khi dùng nhiều thuốc cùng lúc cần lưu ý tương tác thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn như buồn ngủ, đau đầu, buồn nôn và các biến chứng trầm trọng hơn về sau.
  • Đối với thuốc dạng lỏng cần sử dụng dụng cụ đo lường để tránh quá liều thuốc sẽ gây ngộ độc cơ quan.
  • Khi gặp các triệu chứng đau họng dữ dội, sốt cao không giảm, nhức đầu, phát ban, buồn nôn, nôn mửa cần liên hệ bác sĩ và các cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.
Sử dụng thuốc đúng liều lượng để tránh các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra do quá liều
Sử dụng thuốc đúng liều lượng để tránh các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra do quá liều

Trên đây là một số thông tin về một số loại thuốc cảm cúm phổ biến hiện nay, cũng như những lưu ý khi sử dụng. Hi vọng bài viết đã giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin về các loại thuốc này. Để sử dụng thuốc một cách an toàn và có hiệu quả, người dùng nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. BỆNH CÚM MÙA: NGUYÊN NHÂN, BIỂU HIỆN, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪAhttps://tytphuongphuocbinh.medinet.gov.vn/giao-duc-suc-khoe/benh-cum-mua-cmobile8157-68469.aspx

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

  2. Treating Cold & Flu: Relieving Fever, Aches, and Painshttps://www.webmd.com/cold-and-flu/cold-flu-fever-reducers

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

  3. OTC Medicines for Cough: What You Need to Knowhttps://www.webmd.com/cold-and-flu/otc-meds

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

  4. Decongestantshttps://www.nhs.uk/conditions/decongestants/

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

  5. Treatments to End the Fluhttps://www.healthline.com/health/flu-treatments

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

  6. 9 điều cần ghi nhớ khi uống thuốc cảm cúmhttps://suckhoedoisong.vn/9-dieu-can-ghi-nho-khi-uong-thuoc-cam-cum-169211024164359459.htm

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người