YouMed

Thuốc diệt tinh trùng: Những điều bạn cần biết

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Tránh thai bằng thuốc diệt tinh trùng là biện pháp được nhiều nam giới quan tâm. Song, cần lưu ý đây không phải là biện pháp tránh thai tuyệt đối. Khoảng 28 trong số 100 phụ nữ chỉ sử dụng chất diệt tinh trùng đơn độc sẽ mang thai trong năm đầu tiên khi sử dụng biện pháp này. Tuy nhiên, thuốc này có thể bôi trơn và không làm gián đoạn quá trình quan hệ tình dục. Vì vậy, một số nam giới muốn tìm hiểu cũng như áp dụng biện pháp này. Bài viết dưới đây của ThS.BS Trần Quốc Phong về chủ đề thuốc diệt tinh trùng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thuốc này. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Thuốc diệt tinh trùng là gì?

Thuốc diệt tinh trùng là một biện pháp tránh thai bằng cách giết chết tinh trùng hoặc ngăn không cho chúng di chuyển. Do đó, tinh trùng không thể gặp và thụ tinh cho trứng. Sử dụng bằng cách đưa chất này vào âm đạo trước khi quan hệ tình dục. Monoxytol-9 là một loại hoá chất có trong loại thuốc này. Nó có tác dụng ngăn cản tinh trùng xâm nhập vào tử cung.

Thuốc có nhiều dạng như kem, gel, bọt, màng phim,… Khi sử dụng màng phim, cần đặt nó sâu trong âm đạo và gần cổ tử cung, và màng phim sẽ nhanh chóng tan ra. Chất diệt tinh trùng có tác dụng từ 1 đến 3 giờ. Để đạt hiệu quả tốt, hãy quan hệ trong vòng 30 – 60 phút sau khi đặt chất diệt tinh trùng.

Đây không phải là một phương pháp ngừa thai hiệu quả khi được sử dụng một mình. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng chất diệt tinh trùng kết hợp với một biện pháp khác, chẳng hạn như bao cao su để tăng cường hiệu quả tránh thai.

Cần lưu ý rằng chất diệt tinh trùng không bảo vệ nam giới khỏi các bệnh lây qua đường tình dục.

Một số dạng thường gặp của thuốc diệt tinh trùng
Một số dạng thường gặp của thuốc diệt tinh trùng

Những lợi ích của thuốc diệt tinh trùng

Khác với những phương pháp truyền thống khác; thuốc diệt tinh trùng có một số ưu điểm trong việc tránh thai như sau:

  • Nam giới chủ động kiểm soát sinh sản mà không phụ thuộc vào đối tác quan hệ tình dục.
  • Không yêu cầu kê đơn khi sử dụng.
  • Chất diệt tinh trùng không chứa hormone. Vì thế không có tác dụng phụ như các phương pháp tránh thai khẩn cấp.
  • Tăng khả năng bôi trơn khi quan hệ tình dục.
  • Không làm gián đoạn cuộc yêu của bạn. Bạn không cần phải dừng lại để đeo bao cao su. Bạn chỉ cần đặt chất diệt tinh trùng vào âm đạo của đối tác trước khi quan hệ.

Xem thêm: Phương pháp tránh thai nào hiệu quả nhất? (Phần 1)

Những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thuốc diệt tinh trùng

Hiệu quả tránh thai kém hơn các biện pháp khác

Khoảng 28 trong số 100 phụ nữ chỉ sử dụng chất diệt tinh trùng sẽ mang thai trong năm đầu tiên sử dụng thông thường. Bạn cần thận trọng khi sử dụng thuốc diệt tinh trùng để tránh thai. Cần kết hợp phương pháp này với các biện pháp khác để kiểm soát việc có thai.

Màng phim diệt tinh trùng không có tác dụng tránh thai hoàn toàn
Màng phim diệt tinh trùng không có tác dụng tránh thai hoàn toàn

Không thể ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Thuốc diệt tinh trùng không có tác dụng ngăn ngừa lây truyền các bệnh lây truyền qua đường tình dục, như bệnh lậu và chlamydia,… Một điều thú vị là bao cao su chứa chất diệt tinh trùng không có hiệu quả tốt hơn bao cao su thường, trong việc phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục.

Thậm chí Monoxytol-9 có thể làm tăng khả năng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (kể cả HIV). Bạn không nên sử dụng phương pháp này nếu bạn hoặc bạn tình nhiễm HIV/AIDS. Thuốc diệt tinh trùng cũng không có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh lây qua đường tình dục khi quan hệ qua đường hậu môn. Để ngăn ngừa các bệnh này, hiệu quả nhất là sử dụng đúng cách bao cao su thông thường.

Xem thêm: Phương pháp tránh thai nào hiệu quả nhất? (Phần 2)

Sử dụng bao cao su khi quan hệ để tránh các bệnh lây qua đường tình dục
Sử dụng bao cao su khi quan hệ để tránh các bệnh lây qua đường tình dục

Có thể gây kích ứng

Chất diệt tinh trùng cũng có thể gây kích ứng bộ phận sinh dục của bạn. Kích ứng âm đạo, chẳng hạn như bỏng rát hoặc ngứa hoặc phát ban; là tác dụng phụ phổ biến nhất của chất diệt tinh trùng. Chất diệt tinh trùng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng. Chất diệt tinh trùng có thể gây kích ứng dương vật của nam giới hoặc tiểu rát. Nếu dương vật hoặc âm đạo bị kích ứng, hãy ngưng thuốc ngay và đến gặp bác sĩ.

Chất diệt tinh trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) ở một số phụ nữ. Vì vậy, nếu bạn hoặc bạn tình bị nhiễm trùng tiểu thường xuyên, không nên sử dụng loại thuốc này.

Hãy thận trọng sau khi quan hệ tình dục. Để đạt hiệu quả tối đa, hãy đảm bảo chất diệt tinh trùng vẫn còn trong âm đạo ít nhất sáu giờ sau khi quan hệ tình dục. Sau sáu giờ, không cần làm sạch và rửa trôi chất diệt tinh trùng trong âm đạo. Thụt rửa sau khi quan hệ không được khuyến khích nếu dùng thuốc diệt tinh trùng. Nhưng nếu bạn muốn thụt rửa âm đạo, hãy đợi ít nhất sáu giờ sau khi kết thúc.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thuốc diệt tinh trùng. Có thể thấy, loại thuốc này có thể khiến nam giới cảm thấy thoải mái hơn khi quan hệ và chủ động kiểm soát sinh sản. Tuy nhiên, loại thuốc này không có tác dụng tránh thai tuyệt đối, cũng như không thể bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây qua đường tình dục. Vì vậy, bạn nên kết hợp sử dụng bao cao su thông thường để đảm bảo an toàn khi quan hệ nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Spermicidehttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/spermicide/about/pac-20384550

    Ngày tham khảo: 28/08/2021

  2. Guide to Spermicidehttps://www.webmd.com/sex/birth-control/birth-control-spermicides

    Ngày tham khảo: 28/08/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người