Thuốc điều trị huyết áp thấp và những lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
Tuy không phổ biến bằng tăng huyết áp nhưng chứng huyết áp thấp hiện nay cũng rất thường gặp. Huyết áp thấp tăng nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu huyết áp thấp mà chỉ điều trị triệu chứng. Những loại thuốc này nhiều cơ chế, cũng như tác dụng phụ khác nhau. Mời bạn cùng bác sĩ Lương Sỹ Bắc tìm hiểu thuốc điều trị huyết áp thấp qua bài viết sau đây để có thể sử dụng an toàn nhé.
Các loại thuốc điều trị huyết áp thấp hiện nay
Hiện nay, chưa có một loại thuốc nào điều trị đặc hiệu huyết áp thấp, mà chủ yếu là thuốc điều trị triệu chứng. Các thuốc thường dùng bao gồm:1 2 3
Ephedrin
Thành phần: Ephedrine.
Công dụng, cơ chế hoạt động
Đây là thuốc giống thần kinh giao cảm. Nó có tác dụng trực tiếp và gián tiếp lên thụ thể adrenergic. Thuốc tác dụng trên cả thụ thể alpha và beta, chủ yếu nhờ giải phóng noradrenalin thần kinh trung ương. Ephedrin có tác dụng yếu hơn nhưng kéo dài hơn so với adrenalin. Với liều điều trị, ephedrin làm tăng lưu lượng tim và co mạch ngoại vi qua đó làm tăng huyết áp.
Đối tượng sử dụng
Thuốc ephedrine phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Liều thuốc sử dụng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như tình trạng của mỗi bệnh nhân. Thuốc có thể được chỉ định để làm tăng huyết áp tạm thời, chống sung huyết mũi, và phòng các cơn co thắt phế quản của bệnh nhân hen.
Tác dụng phụ
Thường gặp nhất xảy ra là đánh trống ngực, mất ngủ, lo lắng, lú lẫn… Trường hợp tác dụng phụ ít gặp có thể gặp: đau đầu, vã mồ hôi hoặc đau bụng, buồn nôn.
Lưu ý sử dụng
- Không dùng thuốc quá 7 ngày liên tục, không nên dùng ephedrin cho trẻ dưới 3 tuổi.
- Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân suy tim, đau thắt ngực, đái tháo đường, cường giáp và người cao tuổi.
- Ephedrin có thể làm tăng khó tiểu ở người bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
Heptamyl
Thành phần: Heptaminol.
Công dụng, cơ chế hoạt động
Đây là thuốc có tác dụng co mạch và bảo vệ mạch máu kèm theo ức chế tại chỗ đối với vài hóa chất trung gian gây giãn mạch như histamin, serotonin…
Đối tượng sử dụng
Heptamyl được sử dụng điều trị triệu chứng trong hạ huyết áp tư thế. Đặc biệt trong trường hợp do dùng thuốc hướng tâm thần.
Tác dụng phụ
Một số tác dụng không mong muốn có thể bao gồm: buồn nôn, đau dạ dày, tim đập nhanh, đánh trống ngực.
Lưu ý sử dụng
- Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân cao huyết áp mạn, cường giáp.
- Ngoài ra, thuốc có thể gây kết quả dương tính trong các xét nghiệm kiểm tra sử dụng chất kích thích ở vận động viên thể thao.
Caffeine (Cafein)
Thành phần: Caffeine.
Công dụng, cơ chế hoạt động
Thuốc có tác dụng trên nhiều cơ quan trong cơ thể… Tác dụng tăng huyết áp do cơ chế tăng co bóp cơ tim.
Đối tượng sử dụng
Kích thích thần kinh trung ương trên các bệnh nhân mệt mỏi, suy nhược. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng trong bệnh nhân hen phế quản, bệnh Parkinson…
Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ nguy hiểm có thể gặp là: nhịp tim nhanh hoặc đánh trống ngực, tăng huyết áp, đau ngực, khó thở, tức ngực… Ngoài ra còn có thể gặp: mất ngủ, cáu gắt, buồn nôn, đau đầu, hồi hộp hoặc lo lắng.
Lưu ý sử dụng
- Cần điều chỉnh, giảm lượng thực phẩm có chứa caffeine nếu đang dùng thuốc caffeine.
- Sử dụng caffein có thể ảnh hưởng lượng đường trong máu. Bệnh nhân đái tháo đường nên theo dõi mức đường huyết chặt chẽ khi dùng cafein.
- Không sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Một số cách điều trị huyết áp thấp tại nhà
Kiểm soát huyết áp tại nhà cũng quan trọng không kém thuốc điều trị huyết áp thấp. Một số biện pháp sau có thể áp dụng:1 2
- Bổ sung nước cho cơ thể. Nên uống đủ nước, trung bình từ 2 – 2,5 lít mỗi ngày. Uống cà phê vừa phải cũng góp phần tăng huyết áp ở bệnh nhân huyết áp thấp.
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh. Cần bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ, thịt gà và cá. Một số loại thực phẩm có thể hỗ trợ ổn định huyết áp thấp nhanh hơn là nho khô, sữa, quả hạnh nhân. Cũng có thể tăng lượng muối vừa phải trong chế độ ăn để tăng huyết áp.
- Hạn chế uống rượu bia. Uống nhiều rượu bia có thể làm cơ thể mất nước gây tụt huyết áp.
- Nên sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức hay thay đổi tư thế đột ngột. Nằm ngủ nên kê đầu thấp, chân cao.
- Mang vớ áp lực y khoa. Các loại vớ áp lực thường được sử dụng để giảm đau và viêm do giãn tĩnh mạch. Chúng có thể giúp giảm lượng máu ứ đọng ở chân của bệnh nhân suy tĩnh mạch.
Xem thêm: Có thể bạn chưa biết huyết áp thấp nên ăn gì là tốt nhất?
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Trong một số trường hợp tụt huyết áp nặng, bệnh nhân cần nhập viện để được chăm sóc. Tại đây các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc điều trị huyết áp thấp chuyên sâu hơn. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây các biến chứng nghiêm trọng. Một số biểu hiện cần lưu ý phải đến gặp bác sĩ là:4
- Ngất. Ngất là triệu chứng gợi ý nhiều nguyên nhân nguy hiểm. Có thể là bệnh mạch máu não hoặc bệnh tim mạch.
- Đau ngực, khó thở. Các triệu chứng này có thể do suy tim, nhồi máu cơ tim…
- Lơ mơ, lú lẫn.
- Hồi hộp, tim đập nhanh.
Nếu người bệnh bị huyết áp thấp lâu ngày, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống thì cũng nên đến gặp bác sĩ để có cách xử trí phù hợp.2
Xem thêm: Hạ huyết áp: Vấn đề thường gặp và cách xử trí
Tóm lại, thuốc điều trị huyết áp thấp hiện nay chưa phổ biến nhưng cũng đóng vai trò quan trọng. Sử dụng thuốc cần phải có chỉ định của bác sĩ, nhất là ở nhóm bệnh nhân nguy cơ cao. Nên đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất nếu có dấu hiệu tụt huyết áp nghiêm trọng, nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Low blood pressure (hypotension)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/low-blood-pressure/diagnosis-treatment/drc-20355470
Ngày tham khảo: 21/06/2022
-
Understanding Low Blood Pressure -- Diagnosis and Treatmenthttps://www.webmd.com/heart/understanding-low-blood-pressure-treatment
Ngày tham khảo: 21/06/2022
-
Thuốc trị huyết áp thấphttps://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-huyet-ap-thap-169129756.htm
Ngày tham khảo: 21/06/2022
-
Low Blood Pressure: When to Seek Emergency Carehttps://my.clevelandclinic.org/health/articles/21464-low-blood-pressure-when-to-seek-emergency-care
Ngày tham khảo: 21/06/2022