YouMed

Thuốc tiêu chảy: Khi nào cần dùng và có thể dùng loại nào?

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Tiêu chảy là tình trạng phổ biến xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Đa số các trường hợp tiêu chảy cấp sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, một vài trường hợp nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vậy khi nào cần sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu qua bài viết sau.

Khi nào cần dùng thuốc tiêu chảy?

Đa số các trường hợp tiêu chảy chỉ cần ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, bù nước và chất điện giải thì tình trạng được cải thiện mà không cần dùng đến thuốc tiêu chảy. Tuy nhiên, một số loại thuốc tiêu chảy sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và giảm số lần đi ngoài.

Thuốc tiêu chảy (hay thuốc cầm tiêu chảy) thường được sử dụng trong trường hợp tiêu chảy cấp tính hay đột ngột như tiêu chảy du lịch, do ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh,…

Các loại thuốc tiêu chảy phổ biến hiện nay

Một số thuốc và nhóm thuốc trị tiêu chảy phổ biến hiện nay như:

  • Thuốc tiêu chảy berberin.
  • Thuốc giảm nhu động ruột: loperamid, diphenoxylate, atropine, paregoric,…
  • Thuốc hấp phụ: kaolin, attapulgite, smectit, than hoạt cholestyramine,…
  • Bismuth subsalicylate.

Dưới đây là thông tin chi tiết của một số thuốc chống tiêu chảy phổ biến hiện nay:

1. Berberin1 2

Thành phần hoạt chất: Berberin chlorid.

Cơ chế tác dụng

  • Berberin là thuốc có hoạt tính kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của Vibrio cholera, Shigella, Escherichia coli và nhiều loại vi khuẩn khác.
  • Ức chế sự chuyển hóa của một số vi sinh vật, ức chế sự hình thành nội độc tố vi khuẩn.
  • Ức chế quá trình tiết dịch ruột và các chất điện giải.
  • Giảm viêm, ức chế nhu động đường tiêu hóa.

Chỉ định

  • Trị các chứng nhiễm khuẩn đường ruột, tiêu chảy và kiết lỵ.

Cách dùng và liều dùng

  • Dùng bằng đường uống.
  • Liều dùng tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Chống chỉ định

  • Đối tượng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Phụ nữ có thai.

Tác dụng không mong muốn

  • Buồn nôn và nôn, kích thích nhu động ruột, khó chịu,… Hiện tại chưa ghi nhận được trường hợp ngộ độc nghiêm trọng trên người.

Phụ nữ có thai và cho con bú

  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai.
  • Chưa có nghiên cứu về sự bài tiết berberin trong sữa mẹ và ảnh hưởng của thuốc trên trẻ sơ sinh. Do đó, không nên sử dụng thuốc với phụ nữ đang cho con bú.

2. Loperamid3

Thành phần hoạt chất: Loperamid hydroclorid.

Cơ chế tác dụng

  • Thuốc giúp làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa và tăng trương lực cơ thắt hậu môn.
  • Kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột. Từ đó giúp làm giảm sự mất nước và điện giải, tăng độ đặc và giảm khối lượng phân.

Chỉ định

  • Điều trị ngắn ngày tiêu chảy cấp không đặc hiệu ở người lớn.
  • Tiêu chảy mạn tính (do viêm đại tràng).

Cách dùng và liều dùng

  • Dùng bằng đường uống.
  • Liều dùng tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Chống chỉ định

  • Mẫn cảm với loperamid hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Viêm đại tràng nặng, viêm đại tràng giả mạc do dùng kháng sinh.
  • Bụng trướng.
  • Đau bụng không do tiêu chảy.
  • Tránh dùng loperamid đầu tiên ở bệnh nhân lỵ cấp, viêm loét đại tràng chảy máu giai đoạn cấp, viêm đại tràng giả mạc, viêm ruột do nhiễm khuẩn.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi.

Tác dụng không mong muốn

Phụ nữ có thai và cho con bú

  • Chưa có đầy đủ các nghiên cứu trên phụ nữ có thai, do đó không nên dùng thuốc ở đối tượng này.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú, thuốc được bài tiết vào sữa mẹ nên phải thận trọng, và chỉ sử dụng loperamid khi thực sự cần thiết.

3. Diosmectit4

Thành phần hoạt chất: Diosmectit.

Thuốc trị tiêu chảy smecta chứa hoạt chất chính diosmectit
Thuốc trị tiêu chảy smecta chứa hoạt chất chính diosmectit

Cơ chế tác dụng

  • Diosmectit là một silicat tự nhiên của nhôm và magie, có khả năng bám và hấp phụ cao giúp bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Diosmectit tương tác với glycoprotein nên giúp tăng khả năng bảo vệ của lớp niêm mạc đường tiêu hóa khỏi các tác nhân lạ xâm hại.
  • Thuốc có khả năng gắn với độc tố vi khuẩn ở ruột.

Chỉ định

  • Triệu chứng đau do viêm thực quản – dạ dày – tá tràng và đại tràng.
  • Tiêu chảy cấp và mạn tính sau khi đã bù nước và điện giải nhưng triệu chứng còn kéo dài.

Cách dùng và liều dùng

  • Dùng bằng đường uống.
  • Liều lượng lượng tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc sự chỉ định của bác sĩ.

Chống chỉ định

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân không dung nạp fructose.
  • Tiêu chảy cấp mất nước và chất điện giải nặng ở trẻ em khi chưa bù đủ nước và chất điện giải.
  • Tác dụng không mong muốn
  • Táo bón, đầy hơi, nôn.

Phụ nữ có thai và cho con bú

  • Hiện không có ghi nhận quái thai khi sử dụng thuốc ở động vật và thuốc không chống chỉ định đối với phụ nữ đang cho con bú. Do đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú.

4. Bismuth subsalicylate5

Thành phần hoạt chất: Bismuth subsalicylate.

Thuốc tiêu chảy pepto bismol có chứa hoạt chất bismuth subsalicylate
Thuốc tiêu chảy pepto bismol có chứa hoạt chất bismuth subsalicylate

Cơ chế tác dụng

  • Ức chế cyclooxygenase, do đó ức chế tổng hợp prostaglandin, một chất gây viêm và tăng trương lực ruột.
  • Kích thích sự tái hấp thu chất lỏng và các chất điện giải.
  • Ức chế sự tiết dịch ruột.

Chỉ định

  • Giảm chứng tiêu chảy, ợ chua, khó tiêu, buồn nôn và đau dạ dày.
  • Tiêu chảy ở khách du lịch.

Cách dùng và liều dùng

  • Dùng bằng đường uống.
  • Liều dùng tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo sự chỉ định của bác sĩ.

Chống chỉ định

  • Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc dị ứng với aspirin.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Loét đường tiêu hóa hoặc máu khó đông.
  • Phân đen hoặc có máu.
  • Bệnh nhân có vấn đề về cầm máu.

Tác dụng không mong muốn

  • Buồn nôn, phân đen, lưỡi đen, mất thính lực, ù tai,…

Phụ nữ có thai và cho con bú

  • Không nên sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc tiêu chảy

  • Hầu hết các thuốc chống tiêu chảy hiện nay chỉ giúp kiểm soát được triệu chứng của tiêu chảy chứ không điều trị được nguyên nhân của bệnh.
  • Đa số thuốc trị tiêu chảy không có hiệu quả khi điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em; thậm chí một số thuốc có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
  • Không nên sử dụng thuốc cầm tiêu chảy nếu có dấu hiệu nhiễm trùng như: sốt hoặc lẫn máu trong phân.
  • Không nên sử dụng đồng thời các loại thuốc tiêu chảy khác nhau.
  • Thuốc có thể gây tương tác với những thuốc khác bạn đang dùng. Nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc tiêu chảy khi bạn đang dùng các thuốc khác.
  • Không dùng thuốc quá liều lượng ghi trên bao bì. Điều này sẽ không giúp tình trạng của bạn cải thiện hơn mà có thể làm tăng nguy cơ các tác dụng không mong muốn.
  • Không nên sử dụng các thuốc trị tiêu chảy OTC (thuốc không kê đơn) này quá hai ngày. Nếu tình trạng không được cải thiện, nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và hỗ trợ kịp thời.

Một số cách điều trị tiêu chảy tại nhà không dùng thuốc

Khi bị tiêu chảy sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, chất điện giải và có nguy cơ gây tử vong. Vì vậy, điều quan trọng là phải bổ sung nước cho cơ thể và có chế độ ăn uống hợp lý. Bạn có thể thực hiện các cách điều trị tiêu chảy tại nhà sau đây mà không cần dùng thuốc, chỉ áp dụng với trường hợp tiêu chảy nhẹ:

  • Bổ sung nước, sử dụng nước uống thể thao, nước trái cây,… Ở trẻ còn bú mẹ có thể cho trẻ bú nhiều lần hơn để bù lượng nước đã mất do tiêu chảy.
  • Thực hiện ăn kiêng theo chế độ BRAT (chuối, cơm, táo, bánh mì). Các thực phẩm trong BRAT ít chất đạm, chất béo và chất xơ nên dễ tiêu hóa và giảm tình trạng trạng tiêu chảy. Với người bị đau dạ dày, không có nhiều nghiên cứu cho thấy việc thực hiện chế độ ăn BRAT tốt hơn chế độ ăn kiêng thông thường. Nhưng nếu dùng trong thời gian ngắn, chế độ ăn này cũng không gây hại cho sức khỏe.6
  • Đối với trẻ em bị tiêu chảy, không nên sử dụng chế độ BRAT vì các thực phẩm này ít chất dinh dưỡng và calo, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng. Từ lâu, chế độ ăn này đã không còn được khuyến nghị áp dụng cho trẻ.7
  • Sử dụng probiotic và các thực phẩm giàu probiotic. Các chủng lợi khuẩn có thể giảm tình trạng tiêu chảy như Lactobacillus reuteri, Lactobacillus GG, Saccharomyces boulardii.
  • Không sử dụng các loại thức uống làm trầm trọng thêm triệu chứng của tiêu chảy như đồ uống chứa cồn, caffein, thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo hoặc chế biến sẵn, thức ăn cay, một số loại rau và đậu.
  • Hạn chế sử dụng sữa và các sản phẩm được làm từ sữa vì tiêu chảy có thể gây ra tình trạng không dung nạp lactose tạm thời.

Nếu điều trị tại nhà nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng tiêu chảy thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

Trên đây là một vài thông tin về tình trạng tiêu chảy và các thuốc tiêu chảy phổ biến hiện nay. Hi vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết. Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, để biết thêm thông tin bạn có thể liên hệ với bác sĩ để tư vấn và giải đáp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Berberin https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/02/to-huong-dan-su-dung-thuoc-berberin.pdf

    Ngày tham khảo: 23/02/2023

  2. Berberine for diarrhea in children and adults: a systematic review and meta-analysishttps://journals.sagepub.com/doi/10.1177/1756284820961299

    Ngày tham khảo: 23/02/2023

  3. Bộ Y Tế (2018). Dược thư Quốc gia Việt Nam. NXB Y Học Hà Nội. Trang 918 - 919.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=918

    Ngày tham khảo: 23/02/2023

  4. Bộ Y Tế (2018). Dược thư Quốc gia Việt Nam. NXB Y Học Hà Nội. Trang 541 - 542.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=541

    Ngày tham khảo: 23/02/2023

  5. Bismuth Subsalicylatehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560697/

    Ngày tham khảo: 23/02/2023

  6. Diarrhea in infantshttps://medlineplus.gov/ency/article/002118.htm#:~:text=The%20BRAT%20diet%20was%20recommended%20by%20some%20health%20care%20providers%20in%20the%20past.%20There%20is%20not%20a%20lot%20of%20evidence%20that%20it%20is%20better%20than%20a%20standard%20diet%20for%20upset%20stomach%2C%20but%20it%20probably%20can%27t%20hurt.

    Ngày tham khảo: 23/02/2023

  7. Practice Parameter: The Management of Acute Gastroenteritis in Young Children https://med.virginia.edu/ginutrition/wp-content/uploads/sites/199/2015/11/DuroArticle-June-07.pdf

    Ngày tham khảo: 23/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người