Aladka Nasal Spray là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
Thuốc xịt mũi Aladka Nasal Spray có thành phần gì? Thuốc sẽ mang lại công dụng như thế nào? Người dùng cần lưu ý những gì khi sử dụng? Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp qua bài viết sau của Dược sĩ Dương Thị Kim Ngân. Hãy cùng theo dõi nhé!
Hoạt chất: Dexamethasone, Xylometazoline hydrochloride, Neomycin.
Thuốc chứa thành phần tương tự: Dophazolin, Nedelin kid spray, Dexavel, Rhisonex,…
Thuốc xịt mũi Aladka là gì?
Thuốc xịt mũi Aladka Nasal Spray là thuốc dùng để điều trị một số tình trạng về đường hô hấp. Đây là sản phẩm của công ty Cổ Phần Dược Khoa. Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch xịt mũi, mỗi hộp gồm 1 lọ 15 ml.
Thành phần
Mỗi lọ 15 ml thuốc xịt mũi Aladka chứa:1
- Neomycin: 52500 IU.
- Dexamethasone: 15 mg.
- Xylometazoline: 7,5 mg.
- Tá dược khác.
Công dụng của từng thành phần
Xylometazoline hoạt động bằng cách thu hẹp các mạch máu ở vùng mũi, giảm sưng và tắc nghẽn. Xylometazoline thường được sử dụng để giảm nghẹt mũi tạm thời do các tình trạng khác nhau bao gồm cảm lạnh thông thường, viêm xoang, sốt cỏ khô (một dạng viêm mũi dị ứng) và dị ứng.2
Neomycin thuộc nhóm kháng sinh aminoglycoside. Neomycin hoạt động bằng cách ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn, từ đó mang lại tác dụng diệt khuẩn. Neomycin và nhóm kháng sinh aminoglycoside nói chung đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt các vi sinh vật gram âm cho phép bao phủ tốt các vi sinh vật đường ruột.3
Dexamethasone thuộc nhóm corticosteroid, thuốc làm giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch của bạn đối với các bệnh khác nhau để giảm các triệu chứng như sưng tấy và phản ứng dị ứng. Dexamethasone thường được dùng để điều trị các tình trạng như viêm khớp, rối loạn máu/hormone, phản ứng dị ứng, bệnh ngoài da, các vấn đề về mắt, các vấn đề về hô hấp, rối loạn đường ruột, ung thư và rối loạn hệ thống miễn dịch. Nó cũng được sử dụng như một xét nghiệm cho chứng rối loạn tuyến thượng thận (hội chứng Cushing).4
Tác dụng của thuốc xịt mũi Aladka
Thuốc xịt mũi Aladka được chỉ định trong các trường hợp:1
- Viêm mũi.
- Viêm xoang.
- Viêm mũi dị ứng.
- Ngạt mũi và sổ mũi.
Cách dùng và liều dùng
Cách dùng
Khi sử dụng, người dùng chỉ cần thực hiện theo các bước sau:1
- Lắc lọ thuốc vài lần, mở nắp bảo vệ.
- Dùng tay ấn vào nắp lọ, xịt thử trong không khí, sau đó mới xịt vào mũi đồng thời hít nhẹ để thuốc đi sâu vào trong khoang mũi.
- Đậy kín nắp bảo vệ sau mỗi lần dùng.
Liều dùng
Thuốc xịt mũi Aladka được sử dụng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi với liều lượng sau:1
- Xịt 3 – 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 3 – 4 giờ.
- Không sử dụng quá 7 – 10 ngày.
Tác dụng phụ thuốc xịt mũi Aladka
1. Tác dụng phụ thường gặp1
- Về miễn dịch: các phản ứng mẫn cảm như ngứa, viêm da, sốt, phản vệ.
- Về cơ, xương: loãng xương, gãy xương bệnh lý, teo cơ hồi phục, nứt đốt sống, hoại tử xương vô khuẩn.
- Về hệ tiêu hoá: viêm tụy cấp, loét dạ dày tá tràng, loét thủng, loét chảy máu.
- Về da: ban đỏ, teo da, bầm máu, rậm lông.
- Về thần kinh: mất ngủ.
- Rối loạn điện giải: hạ kali huyết, giữ natri và nước gây tăng huyết áp và phù nề.
- Nội tiết và chuyển hoá: Hội chứng dạng Cushing, giảm bài tiết ACTH, teo tuyến thượng thận, giảm dung nạp glucid, rối loạn kinh nguyệt.
2. Tác dụng phụ ít gặp1
- Tăng enzym gan và bilirubin.
- Khi dùng thuốc thường xuyên có thể gây hắt hơi, sung huyết tái phát với biểu hiện đỏ, sưng và viêm mũi.
- Thiếu máu tán huyết, loạn tạo máu, tăng bạch cầu, huyết khối tắc mạch.
- Rung giật nhãn cầu.
- Viêm miệng, tăng tiết nước bọt, tăng cân, buồn nôn.
- Điếc.
- Chóng mặt, mất phương hướng, dị cảm, lú lẫn.
- Áp xe vô khuẩn.
3. Tác dụng phụ hiếm gặp1
Mạch chậm, loạn nhịp, đánh trống ngực.
4. Triệu chứng và dấu hiệu khi ngừng thuốc1
Sau quá trình điều trị kéo dài, nếu giảm quá nhanh liều thuốc có thể gây tụt huyết áp, suy thượng thận cấp hoặc thậm chí tử vong. Ngoài ra, việc ngừng thuốc đôi khi sẽ gây ra các triệu chứng như tái phát bệnh.
5. Hướng dẫn cách xử trí khi gặp tác dụng phụ1
- Các triệu chứng nhẹ thường chỉ cần theo dõi và tự hết.
- Điều trị triệu chứng và bổ trợ khi xảy ra phản ứng hấp thụ toàn thân.
- Tiêm tĩnh mạch phentolamine có thể có hiệu quả trong điều trị tác dụng bất lợi nặng của thuốc.
Tương tác thuốc của thuốc xịt mũi Aladka
Theo thông tin từ nhà sản xuất, một số thành phần trong thuốc xịt mũi Aladka có thể có các tương tác thuốc dưới đây.
Xylometazoline: Không nên phối hợp với các thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) vì có thể gây cơn tăng huyết áp. Do MAOI có tác dụng kéo dài nên tương tác này vẫn có thể xảy ra sau khi ngừng dùng MAOI đến 15 ngày.1
Neomycin:1
- Neomycin có thể làm giảm khả năng hấp thu các thuốc khác, như phenoxymethylpenicillin, digoxin.
- Có thể giảm hiệu quả của thuốc uống tránh thai.
- Bằng cách dự trữ vitamin K, neomycin có thể làm tăng tác dụng chống đông của coumarin.
- Dùng chung neomycin với tác nhân ức chế thần kinh – cơ có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh – cơ và dẫn đến liệt hô hấp. Do đó, tránh dùng neomycin cho người mắc bệnh nhược cơ hay người bệnh đang dùng các thuốc này.
- Dùng đồng thời với các thuốc lợi tiểu mạnh như acid ethacrynic, furosemide có thể tăng khả năng gây độc với thận và thính giác.
- Liều cao neomycin có thể gây hội chứng giảm hấp thu với nhiều chất, như: chất béo, nitrogen, cholesterol, carotene, glucose, xylose, lactose, natri, calci, cyanocobalamine và sắt.
Dexamethasone:1
- Tương tác với barbiturate, phenytoin, rifampicin, rifabutin, carbamazepine, ephedrine, aminoglutethimide có thể làm tăng thanh thải corticosteroid và làm giảm tác dụng điều trị.
- Dùng đồng thời với corticosteroid có thể tăng sự thanh thải salicylate. Vì vậy khi ngừng thuốc dễ bị ngộ độc salicylate.
- Các thuốc lợi tiểu làm giảm kali huyết (ví dụ: thiazide, furosemide) và amphotericin B có thể làm tăng tác dụng giảm kali huyết của glucocorticoid.
- Corticosteroid đối kháng tác dụng với các tác nhân gây hạ đường huyết (kể cả insulin), thuốc hạ huyết áp và thuốc lợi tiểu. Corticosteroid làm tăng tác dụng hạ kali huyết của acetazolamide, các thiazide, thuốc lợi tiểu quai, carbenoxolone.
- Kiểm tra chặt chẽ thời gian prothrombin để tránh chảy máu tự phát. Vì hiệu lực của các dẫn chất coumarin chống đông máu có thể tăng khi dùng đồng thời với corticosteroid.
Đối tượng chống chỉ định dùng thuốc xịt mũi Aladka
Chống chỉ định
Không dùng thuốc xịt mũi Aladka với các đối tượng sau đây:1
- Mẫn cảm/dị ứng với bất kỳ thành phần nào cũng thuốc.
- Viêm mũi có nguồn gốc do virus, do nấm.
- Trẻ em dưới 2 tuổi.
Thuốc xịt mũi Aladka có dùng được cho bà bầu và phụ nữ đang cho con bú không?
Theo nhà sản xuất, mẹ bầu không nên sử dụng thuốc xịt mũi Aladka và cần cẩn trọng khi dùng thuốc này với phụ nữ đang cho con bú.1
Tốt nhất nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
Thận trọng
Khi sử dụng thuốc xịt mũi Aladka, cần thận trọng:1
- Với các bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh cường tuyến giáp, bệnh tim.
- Không sử dụng thuốc quá liều và kéo dài. Trường hợp muốn sử dụng lâu dài cần có sự tư vấn của bác sĩ. Tuy nhiên, sử dụng kéo dài có thể gây bội nhiễm và nghiện thuốc.
- Trường hợp điều trị ở người lớn trong thời gian dài hoặc với liều cao hơn liều khuyến cáo thì khả năng lái xe và vận hành máy móc có thể bị suy giảm.
Xử lý khi quá liều
Xylometazoline: Chưa ghi nhận trường hợp quá liều ở người lớn. Với trẻ em, sử dụng quá liều có thể do vô ý và dẫn đến các triệu chứng như: mạch đập nhanh và không đều, tăng huyết áp, rối loạn nhận thức. Có thể xử lý quá liều dưới sự theo dõi y khoa.1
Dexamethasone: tình trạng ngộ độc và tử vong do quá liều glucocorticoid là rất hiếm. Hiện nay, chưa có thuốc giải độc đặc hiệu và không có chỉ định cho việc điều trị ngộ độc mạn, trừ trường hợp người bệnh quá nhạy cảm với corticosteroid, gây bệnh lý. Choáng phản vệ hoặc phản ứng quá mẫn có thể điều trị bằng epinephrine, hô hấp nhân tạo và aminophylline. Cần giữ ấm và yên tĩnh cho người bệnh.1
Neomycin: Ngừng thuốc ngay khi có triệu chứng độc với thận hoặc thính giác. Tiếp tục theo dõi chức năng của thận, thính giác và cần thẩm tách máu nếu chức năng này suy giảm. Cần thiết có thể cho hô hấp hỗ trợ kéo dài.1
Xử lý khi quên liều
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp. Không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Lưu ý gì khi sử dụng?
Để quá trình sử dụng thuốc xịt mũi Aladka diễn ra an toàn và đạt hiệu quả, người dùng cần lưu ý:
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và xem kỹ hạn sử dụng của thuốc.
- Tuân thủ theo hướng dẫn từ nhà sản xuất hoặc chỉ định của bác sĩ.
- Liên hệ cơ sở y tế ngay khi có các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
Cách bảo quản
- Đậy kín nắp bảo vệ lọ thuốc sau mỗi lần sử dụng xong.
- Bảo quản thuốc trong lọ kín, ở nơi thoáng mát, có nhiệt độ phòng không quá 30°C
- Giữ xa tầm tay trẻ em để tránh các bé sử dụng quá liều hoặc sai cách.
Thuốc xịt mũi Aladka giá bao nhiêu?
Trên thị trường, Aladka Nasal Spray có giá khoảng 15.000 – 30.000 VNĐ/lọ 15 ml. Tuy nhiên, giá của sản phẩm còn phụ thuộc vào cơ sở bán và phân phối thuốc hoặc tùy vào biến động thị trường và nhu cầu của người tiêu.
Qua bài viết trên, Dược sĩ Dương Thị Kim Ngân hy vọng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin về thuốc xịt mũi Aladka. Hãy tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất hoặc sự tư vấn của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc xịt mũi Aladka Nasal Sprayhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/05/to-huong-dan-su-dung-thuoc-aladka-nasal-spray.pdf
Ngày tham khảo: 11/05/2023
-
Xylometazoline Spray, Non-Aerosol - Uses, Side Effects, and Morehttps://www.webmd.com/drugs/2/drug-6311-9214/xylometazoline-nasal/decongestant-spray-nasal/details
Ngày tham khảo: 11/05/2023
-
Neomycinhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560603/
Ngày tham khảo: 11/05/2023
-
Dexamethasone - Uses, Side Effects, and Morehttps://www.webmd.com/drugs/2/drug-1027-5021/dexamethasone-oral/dexamethasone-oral/details
Ngày tham khảo: 11/05/2023