YouMed

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và lời giải đáp từ bác sĩ

Bác sĩ HUỲNH NGUYỄN UYÊN TÂM
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Chuyên khoa: Nhi

“Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?” là câu hỏi mẹ bầu mắc bệnh này rất quan tâm. Bệnh tiểu đường là bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Do đó, việc điều trị và phòng ngừa bệnh chủ yếu là thay đổi chế độ ăn. Bài viết sau đây Bác sĩ Chuyên khoa Nhi Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm sẽ đề cập đến vấn đề mẹ bầu nên ăn uống gì khi bị tiểu đường.

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?

Tất cả các loại thực phẩm có tinh bột đều ảnh hưởng đến mức đường huyết. Chính vì lẽ đó, mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ không nên ăn những nhóm thực phẩm có chứa nhiều tinh bột1. Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm có lợi mà người mắc tiểu đường thai kỳ nên ăn là:

  • Ngũ cốc nguyên hạt.
  • Gạo lứt.
  • Trái cây, hoa quả tươi.
  • Các sản phẩm từ sữa như sữa chua, sữa tươi không đường, ít đường.
  • Chất béo không bão hòa: dầu ô liu, dầu đậu phộng, , các loại hạt.
  • Các loại cá nhiều dầu như cá thu, cá mòi, cá hồi.
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần chú trọng vào những chất dinh dưỡng
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần chú trọng vào những chất dinh dưỡng trong thực phẩm

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân?

1. Thịt bò và thịt lợn

Để con nhanh tăng cân, người mắc tiểu đường thai kỳ nên ăn các loại thịt: thịt bò, thịt lợn. Trong thịt bò, thịt lợn chứa rất nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là sắt và đạm. Các chất này cung cấp dưỡng chất rất tốt cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến đường huyết của mẹ.

Xem thêm: Bạn đã biết về chế độ ăn cho người tiểu đường thai kỳ dưới đây?

2. Sữa tươi

Mẹ bầu bị tiểu đường nhưng muốn con tăng cân thì chỉ nên uống sữa tươi không đường. Vì sữa tươi không đường cung cấp canxi và dưỡng chất cho thai nhi. Nhưng cũng tránh được tình trạng mẹ bầu hấp thu quá nhiều đường.2

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên bổ sung sữa tươi không đường để giúp thai nhi tăng cân, khỏe mạnh
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên bổ sung sữa tươi không đường để giúp thai nhi tăng cân, khỏe mạnh

3. Các loại hạt

Các loại hạt là những thực phẩm mà mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ nên ăn. Các loại hạt như óc chó, mắc ca, hạnh nhân,… đều chứa nguồn dinh dưỡng rất dồi dào . Chúng không chỉ giàu vitamin mà còn có omega – 3, kẽm giúp thai nhi thông minh, phát triển khỏe mạnh.

Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ nên ăn hoa quả gì và câu trả lời từ bác sĩ

4. Cá

Nếu mẹ bầu muốn bé tăng cân nhanh thì đừng bỏ qua các loại cá. Cá chứa nhiều omega – 3 kích thích trí não, hệ thần kinh phát triển toàn diện. Các bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu nên ăn 2 – 5 con cá một tuần để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể lẫn thai nhi.3

Những thắc mắc thường gặp

Tiểu đường thai kỳ ăn khoai lang được không?

Người bị tiểu đường thai kỳ có thể ăn khoai lang. Khoai lang có tác dụng rất tốt đối với đại tràng, nhất là với chị em phụ nữ mang thai bị táo bón. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ nên ăn 1 củ và không quá 3 củ một tuần.

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn khoai lang có chừng mực để mang lại hiệu qua cho sức khỏe
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn khoai lang có chừng mực để mang lại hiệu qua cho sức khỏe

Tiểu đường thai kỳ có nên ăn ngô?

Bắp ngô là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết trong thực phẩm (GI) là 69 – con số này là khá cao. Do vậy phụ nữ mang thai, nhất là người bị tiểu đường thai kỳ không nên ăn ngô thường xuyên.

Tiểu đường thai kỳ ăn trứng vịt lộn được không?

Bà bầu bị tiểu đường khi ăn trứng vịt lộn sẽ làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu do tăng lượng cholesterol. Nhưng trong trường hợp quá thèm ăn, mẹ bầu có thể ăn và lưu ý những điều sau:

  • Ăn có chừng mực: 2 quả/tháng.
  • Trong tam cá nguyệt đầu tiên, không nên ăn trứng vịt lộn kèm rau răm. Vì có thể làm mẹ bầu ra máu, thậm chí tăng nguy cơ bị sảy thai.

Tiểu đường thai kỳ ăn bơ được không?

Ăn trái khi bị tiểu đường thai kỳ có thể không làm tăng mức đường huyết cũng như cholesterol. Bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ vẫn có thể ăn bơ nhưng tốt nhất bạn vẫn nên tiêu thụ trái bơ đúng cách và điều độ.

Bơ tốt cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ song mẹ bầu nên ăn có chừng mực
Bơ tốt cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ song mẹ bầu nên ăn có chừng mực
  • Ăn một lượng vừa đủ: 1/5 trái bơ/ngày.
  • Lựa chọn trái bơ chín, vỏ màu nâu, lột dễ dàng, sờ mềm.

Tiểu đường thai kỳ ăn bánh mì được không?

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể ăn được bánh mì. Khi bị tiểu đường, nhất là tiểu đường thai kỳ có thể sẽ bị hạ đường huyết nếu không được điều trị đúng cách. Bánh mì chính là thực phẩm cần thiết để giúp tránh tình trạng này. Nhưng tốt nhất mẹ bầu nên ăn loại bánh mì không trộn cùng phụ gia.

Ngũ cốc cho bà bầu tiểu đường?

Ngũ cốc nguyên hạt được tìm thấy nhiều trong lúa mì, yến mạch, lúa mạch, ngô…

Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ nên ăn gì, có thể ăn ngũ cốc.
Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ nên ăn gì, có thể ăn ngũ cốc

Một số loại ngũ cốc cho người tiểu đường thai kỳ là:

  • Gạo nâu (gạo lứt). Nghiên cứu cho thấy sự dụng 2 phần gạo lứt mỗi tuần có thể giảm 16% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2. Đối với bà bầu bị tiểu đường thai kỳ cũng mang lại kết quả tốt trong điều trị.
  • Lúa mì Bulgur. Đây là nguồn chất xơ tuyệt vời, thích hợp trong chế độ ăn của người tiểu đường.
  • Yến mạch: giàu chất xơ nên kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Kiều mạch. Loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, giúp kiểm soát tốt đường huyết.
  • Quả lúa mì. Thực chất là hạt lúa mì nguyên hạt, chưa qua chế biến. Vì có GI thấp (GI = 11) nên có thể sử dụng cho người tiểu đường.
  • Lúa mạch. Chất xơ là lợi ích chính của lúa mạch đối với những người mắc bệnh tiểu đường.

Tóm lại, bổ sung chất xơ bằng việc lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt cho người bị tiểu đường là điều cần thiết.

Bánh dành cho người tiểu đường thai kỳ

Các loại bánh với hàm lượng đường thấp có thể dùng cho người tiểu đường thai kỳ. Chẳng hạn như:

  • Bánh gạo lứt.
  • Bánh quy không đường.
  • Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt.

Tiểu đường thai kỳ kiêng ăn gì?

Phụ nữ tiểu đường thai kỳ nên kiêng thức ăn có đường càng nhiều càng tốt. Bởi mức đường huyết sẽ tăng lên khi bạn ăn thực phẩm có đường. Nhất là những thực phẩm đã qua quá trình tinh chế hoặc chế biến.4

Những thực phẩm nhiều đường cần tránh bao gồm:

  • Bánh ngọt, kẹo, sô cô la, nước ngọt5, kem.
  • Nước trái cây có bổ sung thêm đường.
  • Bánh mì có tinh bột, cơm, mì ống.
  • Một số loại thực phẩm không phải là nguồn chính cung cấp đường nhưng vẫn có khả năng làm tăng đường huyết như: một số gia vị đóng hộp (nước sốt ướp và nước sốt cà chua), thức ăn nhanh, rượu…
Không chỉ riêng người bị tiểu đường thai kỳ, các mẹ bầu cần chú ý vào chế độ dinh dưỡng của mình
Không chỉ riêng người bị tiểu đường thai kỳ, các mẹ bầu cần chú ý vào chế độ dinh dưỡng của mình

Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ có thể dùng sữa và trái cây ở mức độ vừa phải. Trái cây là một loại thực phẩm lành mạnh, nhưng có thể chứa đường tự nhiên. Nên hạn chế ăn trái cây được đóng hộp ở dạng lỏng (xi-rô, mứt hay nước ép).2

Thức uống tốt cho mẹ bầu bị tiểu đường

Sữa bầu dành cho người tiểu đường thai kỳ

Sữa bầu dành là nguồn cung cấp canxi và các chất dinh dưỡng cần thiết trong quá trình mang thai. Nguồn canxi có trong sữa bầu sẽ giúp bổ sung đầy đủ cho cả thai phụ và thai nhi.

Sữa bầu cũng cung cấp đạm, chất cần thiết đối với sự phát triển tử cung của phụ nữ mang thai. Đồng thời giúp làm tăng kích thước mô tuyến sữa và sự phát triển các cơ quan của thai nhi.

Nước lọc

Nước không chỉ quan trọng đối sức khỏe của người bình thường nói chung. Các nghiên cứu cho thấy mẹ bầu uống nước đủ giúp tăng lượng nước ối quanh bào thai. Điều này cũng giúp mẹ đi tiểu đều, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Đồng thời đảm bảo nhu cầu máu trong cơ thể mẹ và tránh mất nước đổ mồ hôi. Mẹ bầu bị tiểu đường thường có cảm giác khô miệng, khát nhiều. Do đó, việc bổ sung nước thường xuyên là điều vô cùng cần thiết.4

Nước lọc rất tốt cho sức khỏe của mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ
Nước lọc rất tốt cho sức khỏe của mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ

Các loại trà thảo mộc

Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có thể uống các loại trà thảo mộc. Bởi chúng có khả năng làm giảm nguy cơ hạ huyết áp. Điển hình trong nhóm này là trà xanh. Trong thành phần trà xanh có chứa ít carbohydrate và calo. Hơn nữa, chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp trung hòa các phản ứng viêm.6

Tiểu đường thai kỳ uống nước dừa được không?

Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể uống được nước dừa. Nguyên nhân là vì nước dừa tự nhiên rất tốt cho mẹ và bé. Nước dừa có rất nhiều lợi ích: lợi tiểu, đào thải các chất độc trong cơ thể, tránh sỏi thận… Ngoài ra, uống nước dừa cũng có thể giúp thai phụ tránh tình trạng chuột rút, tránh táo bón và tăng đề kháng.

Tiểu đường thai kỳ có được uống nước cam?

Người bị tiểu đường thai kỳ vẫn có thể uống nước cam nhưng với liều lượng nhất định. Vì cam cũng có lượng đường khá cao. Mẹ bầu chỉ nên uống 1 – 2 ly nước cam mỗi ngày mà không nên cho đường thêm. Tốt nhất là mẹ bầu nên ăn cả quả cam để tăng cường chất xơ. Không nên uống nước cam được chế biến sẵn dạng đóng hộp.5

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên uống nước cam với liều lượng nhất định

Tiểu đường thai kỳ uống nước đậu đen được không?

Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ có thể uống nước đậu đen. Đậu đen là thực phẩm đã được Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) chứng minh là tốt đối với người tiểu đường. Trong đậu đen có chứa hàm lượng đường và tinh bột thấp. Vì vậy chúng có thể kiểm soát được đường huyết tốt hơn các thực phẩm cung cấp tinh bột khác.

Tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không?

Tùy giai đoạn và liều lượng thích hợp, mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ vẫn có thể uống được nước mía. Tuy nhiên, mía cũng như các loại trái cây khác có hàm lượng đường tự nhiên nên mẹ bầu cần cân nhắc.

  • Trong 3 tháng đầu, mẹ bầu có thể uống khoảng 150ml nước mía. Nên chia nhỏ thành 2 – 3 lần một ngày. Có thể pha thêm 5ml nước cốt gừng vào nước mía để tăng sức đề kháng.
  • 3 tháng giữa: 2 – 3 lần/ tuần. Nhưng không nên uống nước mía gần bữa ăn chính.
  • 3 tháng cuối:  ngày/1 cốc, mỗi cốc khoảng 200ml. Vì giai đoạn này nhu cầu dinh dưỡng của mẹ và thai nhi tăng cao. Do thai nhi phát triển mạnh mẽ về cân nặng ở giai đoạn này.
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có nên uống nước mía
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên cân nhắc kỹ khi uống nước mía

Tiểu đường thai kỳ uống hạt chia được không?

Mẹ bầu tiểu đường hoàn toàn có thể uống hạt chia. Hạt chia có chứa chất kiểm soát được mức độ đường huyết. Trong đó phải kể đến là: kẽm, omega 3, omega 6, chất xơ. Khi hạt chia được hòa tan trong nước sẽ nở ra tạo thành 1 lớp gel mềm. Nhờ đó, đường trong hạt chia thấm chậm và đều hơn. Hạt chia được xếp vào thực phẩm có GI thấp.

Trên đây là bài viết của Bác sĩ chuyên khoa Nhi Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm về chủ đề tiểu đường thai kỳ nên ăn gì. Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp mẹ bầu có thể xây dựng cho mình được một chế độ ăn hợp lý. Để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu nên đi khám sức khỏe định kỳ. Nhằm phát hiện những bất thường sớm nếu có và điều chỉnh kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What is the best diet for gestational diabetes?https://www.medicalnewstoday.com/articles/319716#what-is-gestational-diabetes?

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

  2. Dietary Recommendations for Gestational Diabeteshttps://www.ucsfhealth.org/education/dietary-recommendations-for-gestational-diabetes

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

  3. What can i eat with gestational diabetes?https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/enjoy-food/eating-with-diabetes/i-have-gestational-diabetes

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

  4. Gestational diabeteshttps://www.webmd.com/diabetes/gestational-diabetes#2-8

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

  5. Drinks and gestational diabetes

    https://www.gestationaldiabetes.co.uk/drinks/

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

  6. What Should You Drink During Pregnancy?

    https://wfmchealth.org/maternity-health-care/what-should-you-drink-during-pregnancy/

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người