Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi?
Nội dung bài viết
Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh cấp tính phổ biến ở trẻ em. Mặc dù, bệnh thường không quá nghiêm trọng nhưng chính tốc độ lây lan khiến trẻ em dễ bị mắc bệnh và những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cũng khiến các bật phụ huynh lo lắng. Vậy trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi, các giai đoạn của bệnh diễn ra như thế nào, cách chăm sóc trẻ bệnh và những lưu ý gì khi theo dõi trẻ bệnh tay chân miệng? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Tấn Phước Thịnh tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.
Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi?
Tay chân miệng là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính. Bệnh lây truyền từ người sang người do các virus đường ruột gây nên. Tác nhân thường gặp nhất là Coxsackie virus nhóm A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Và đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, dễ lây lan thành dịch.1 2
Bệnh xảy ra quanh năm nhưng nổi trội vào tháng 2 – tháng 4 và tháng 9 – tháng 12 hàng năm. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nguồn lây bệnh có thể từ nước bọt, dịch từ mụn nước và phân của trẻ.1
Trẻ bị tay chân miệng nếu phát hiện sớm, được theo dõi và chăm sóc đúng cách, sẽ khỏi bệnh trong 2 tuần. Và sau khi khỏi bệnh sẽ không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu không nhận biết sớm và theo dõi chăm sóc không đúng cách, một vài trường hợp có thể gây biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng như viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.1 2
Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng và triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh theo từng giai đoạn như sau:1 3
Giai đoạn ủ bệnh: 3 – 7 ngày
Thông thường bệnh tay chân miệng có thời gian ủ bệnh. Tức là kể từ khi nhiễm virus đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên khi virus đạt số lượng nhất định mới thể hiện bệnh. Giai đoạn này khoảng từ 3 – 7 ngày. Có thể bị lây nhiễm từ nước bọt, mụn nước trên da và phân của trẻ khác bị bệnh. Lúc này bệnh thường không có biểu hiện đặc hiệu nên không nhận biết được trẻ đang bị bệnh và có thể lây bệnh ra ngoài.
Sau đó bệnh sẽ tiến triển theo 3 giai đoạn: khởi phát, toàn phát và lui bệnh.
Giai đoạn khởi phát: kéo dài 1 – 2 ngày
Bệnh bắt đầu biểu hiện các triệu chứng do ảnh hưởng của nhiễm virus. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là biểu hiện đặc hiệu của bệnh. Và có thể hiện diện ở các trường hợp nhiễm virus khác gọi là triệu chứng giống cảm cúm, kéo dài 1 – 2 ngày đầu.
- Trẻ bắt đầu sốt tùy mức độ, có thể sốt cao, vừa hoặc nhẹ.
- Biếng ăn.
- Đau họng, nôn ói hoặc tiêu lỏng.
- Cảm thấy không khỏe, trẻ ít chơi đùa và năng động hơn bình thường
Thực tế, phụ huynh không thể nhận biết được trẻ đã bị nhiễm bao lâu. Điều này dẫn đến không nhận biết được dấu hiệu nặng kịp thời và chăm sóc phù hợp. Nếu trẻ sốt cao trên 39 °C và kéo dài hơn 3 ngày. Đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi, có thể là dấu hiệu tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm.
Giai đoạn toàn phát: 3 – 10 ngày
Các triệu chứng đặc hiệu của bệnh bắt đầu xuất hiện rõ. Triệu chứng đặc hiệu là sang thương da và vết loét ở bàn tay, bàn chân và miệng trẻ.
Sang thương da
Các bậc phụ huynh có thể phát hiện các mụn nước nhỏ, hình tròn hoặc bầu dục, dịch trong hoặc hơi đục, thành mỏng, kích thước nhỏ khoảng 1 – 10 mm, được bao quanh bởi vùng da đỏ. Vì vậy các y bác sĩ thường gọi là “mụn nước trên nền hồng ban”. Nó đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Vị trí xuất hiện thường thấy nhất là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc kín đáo hơn là ở mông, đầu gối, khuỷu tay và cùi chỏ.
Mụn nước thường ít khi vỡ, lành tính, không đau, không ngứa, không để lại sẹo khi vỡ, nhiễm trùng da sau vỡ cũng hiếm gặp, thường sẽ lành sau 3 – 4 ngày. Tuy nhiên, chính dịch trong mụn nước thường chứa virus, khi vỡ sẽ dễ lây bệnh. Vì thế cần hạn chế chạm vào tránh làm vỡ mụn nước.
Sang thương niêm mạc
Sang thương lúc đầu là một dát ban đỏ sau đó tiến triển thành mụn nước trên nền quầng hồng ban mỏng. kích thước nhỏ 1 – 10 mm, nhanh chóng vỡ ra tạo nên vết loét bờ trơn láng, viền đỏ, đáy nông có màu trắng. Vị trí thường xuất hiện là ở niêm mạc 2 bên má, lưỡi, vòm họng.
Chính sự xuất hiện của vết loét khiến trẻ rất khó chịu. Đôi khi là quấy khóc vô cớ, trẻ có thể bỏ ăn, bỏ bú, lười uống nước… Vì vậy, khi phát hiện các vết loét hoặc mụn nước, phụ huynh có thể chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn chăm sóc trẻ kịp thời.
Một số biến chứng có thể xảy ra trong giai đoạn này
Biến chứng thần kinh:
- Viêm màng não vô trùng.
- Viêm thân não.
- Viêm não.
- Rối loạn thần kinh thực vật.
- Liệt mềm cấp.
Biến chứng hô hấp, tim mạch:
- Phù phổi cấp.
- Viêm cơ tim.
- Sốc.
- Suy tim.
Dấu hiệu nhận biết biến chứng
Khi phát hiện trẻ bắt đầu xuất hiện triệu chứng đặc trưng như vết loét trong niêm mạc miệng hay mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Đây cũng là thời điểm các biến chứng ở trẻ bắt đầu xuất hiện. Các bậc phụ huynh cần theo dõi một số dấu hiệu sau:
1. Dấu hiệu ở hệ thần kinh
- Bứt rứt, lừ đừ, chới với, run chi, trợn mắt, đi loạng choạng, giật mình.
- Yếu chi.
- Co giật, hôn mê.
Nên nhớ dấu hiệu trẻ giật mình, chới với là dấu hiệu thần kinh thường gặp nhất. Vì vậy, cần đặc biệt chú ý và theo dõi sát trẻ. Một mẹo để quan sát triệu chứng “giật mình chới với” là để trẻ nằm yên trên giường, không ôm hay giữ tay chân trẻ. Nếu trẻ có cử động đột ngột đồng thời kèm gồng, giật khoảng 1 – 2 giây ở tay hoặc chân. Đây chính là dấu hiệu ảnh hưởng thần kinh của bệnh.
2. Dấu hiệu ở hệ hô hấp
Thở không đều. Thở nhanh, co lõm ngực, sùi bọt hồng.
3. Dấu hiệu ở hệ tuần hoàn
Mạch nhanh, nhịp tim nhanh, da nổi bông, da lạnh.
Triệu chứng giai đoạn lui bệnh: 3 – 5 ngày sau giai đoạn toàn phát
Sau khi trải qua giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ bước qua giai đoạn lui bệnh. Đặc điểm giai đoạn này là dấu hiệu cho thấy trẻ dần hồi phục và khỏi bệnh hoàn toàn. Các bậc phụ huynh sẽ nhận thấy trẻ tươi tỉnh rõ rệt hơn so với các giai đoạn trước đó. Trẻ bắt đầu chơi, hết quấy khóc vô cớ và thèm ăn trở lại. Các sang thương da, vết loét trong miệng dần hồi phục, đóng mày. Nhưng có thể để lại vết thâm da ở những ngày đầu và dần biến mất, không để lại sẹo.
Cần lưu ý, đây chỉ là các giai đoạn điển hình của trẻ bị bệnh tay chân miệng. Trên thực tế không phải trẻ nào cũng trải qua đầy đủ các triệu chứng và 4 giai đoạn trên. 4 giai đoạn trên được gọi là thể cấp tính của bệnh. Ngoài ra còn 2 thể biểu hiện khác của bệnh gồm thể tối cấp và thể không điển hình. Đó là khi bệnh diễn tiến nhanh chỉ trong vòng 24 – 48 giờ đã có biểu hiện biến chứng của tuần hoàn, hô hấp, hôn mê thậm chí tử vong. Hoặc đôi khi xuất hiện rất ít mụn nước hoặc chỉ loét miệng đơn thuần hoặc chỉ thấy dấu hiệu biến chứng. Những dấu hiệu này khiến việc chẩn đoán chính xác rất khó khăn.1
Một số biện pháp điều trị tại nhà khi trẻ chưa có dấu hiệu nặng
Cha mẹ thường đặt câu hỏi “Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi” khi trẻ chẳng may mắc bệnh. Người nhà cần phải hiểu bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus. Vì vậy kháng sinh là không cần thiết và không hiệu quả. Phần lớn sẽ tự khỏi trong 7 – 10 ngày. Ngoại trừ một số trường hợp nặng cần có chỉ định của bác sĩ.4 5 6
Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Vì vậy, việc có thể làm là điều trị triệu chứng, chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt là theo dõi dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế khi cần thiết hoặc khi thấy lo lắng. Sau đây là một cách có thể áp dụng khi chăm sóc tại nhà:4 5 6
- Khi trẻ cảm thấy khó chịu thông thường là do trẻ sốt hoặc cảm thấy đau do vết loét miệng. Có thể thể cho trẻ uống paracetamol 10 – 15 mg/kg khi trẻ sốt từ 38,5°C.
- Cần chú ý đảm bảo nước cho trẻ khi trẻ lười uống nước. Có thể đút từng muỗng chậm, kiên nhẫn để tránh nôn ói. Uống nhiều nước cũng góp phần giúp trẻ mau hạ sốt.
- Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng. Chia nhỏ bữa ăn có thể giúp ích. Cần tránh các loại thức ăn nóng, nước ngọt có thể khiến trẻ thấy đau hơn.
- Để bóng nước lành khô tự nhiên. Hạn chế chạm vào hay làm vỡ bóng nước vì có thể tăng nguy cơ lây lan bệnh.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ tay chân miệng
Khi chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng, điều quan trọng nhất là phải theo dõi sát nhằm phát hiện dấu hiệu nặng để đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Thông thường nếu chỉ đơn thuần loét miệng hoặc sốt dưới 39°C, có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nên tái khám mỗi 1 – 2 ngày trong 7 ngày đầu nếu chỉ có loét miệng thông thường. Nếu trẻ có sốt dù sốt nhẹ cũng nên tái khám cho đến khi không còn sốt trong 48 giờ. Vì ở trẻ nhỏ sốt có thể là triệu chứng của nhiều bệnh chứ không chỉ tay chân miệng.1 4
Khi chăm sóc trẻ ở nhà, sau đây là những dấu hiệu cần lưu ý đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. Đồng nghĩa với việc các dấu hiệu có thể dẫn đến biến chứng của bệnh:1 4
- Trẻ bỏ ăn, bỏ bú hoặc nôn tất cả mọi thứ.
- Trẻ thở nhanh, khó thở.
- Trẻ sốt cao trên 39 độ hoặc sốt liên tục 3 ngày.
- Giật mình chới với, run chi, bứt rứt, khó ngủ.
- Đi loạng choạng.
- Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
- Co giật, hôn mê.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến ở trẻ em. Đặc biệt là ở trẻ dưới 3 tuổi, có thể diễn tiến nhanh gây biến chứng và tử vong. Tuy nhiên nếu chăm sóc và theo dõi tốt bệnh sẽ khỏi trong vòng 2 tuần và không để lại di chứng. Hy vọng với những thông tin trên có thể trả lời câu hỏi “Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi“. Và phần nào giúp phụ huynh hiểu thêm thời gian diễn tiến các giai đoạn bệnh. Từ đó hỗ trợ theo dõi các bé tốt hơn để có biện pháp chăm sóc phù hợp với từng triệu chứng bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Quyết định số 2554/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay - chân - miệnghttps://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-2554-QD-BYT-huong-dan-chan-doan-dieu-tri-benh-tay-chan-mien-126821.aspx
-
A Guide to Clinical Management and Public Health Response for Hand, Foot and Mouth Disease (HFMD)https://www.moh.gov.bt/wp-content/uploads/moh-files/2014/11/GuidancefortheclinicalmanagementofHFMD.pdf
Ngày tham khảo: 19/10/2022
- TS.BS Nguyễn An Nghĩa (2020). Giáo trình Nhi khoa trường Đại học Y dược. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trang 306 – 319.
- ThS.BS Dư Tuấn Quy, BS. Trương Hữu Khanh (2020). “Bệnh tay chân miệng”, Phác đồ điều trị Nhi Khoa – Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Cuốn 2). NXB Y học. Trang 224-234.
-
Hand, Foot and Mouth diseasehttps://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/about/treatment.html
Ngày tham khảo: 19/10/2022
-
Bệnh Tay chân miệng: nhận diện và chăm sóc trẻ bệnhhttps://hcdc.vn/hoidap/index/chitiet/edd2ebc62f097fe36b70b74542262784
Ngày tham khảo: 19/10/2022