U não: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
U não là sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong não hoặc hộp sọ. U não có thể lành tính hoặc ác tính. Việc điều trị u não tùy vào bản chất khối u, vị trí khối u, kích thước, cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh. Bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Bùi Trọng Tín sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về u não. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Tổng quan về u não
U não là sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong não hoặc hộp sọ. Một số là lành tính, một số khác là ác tính. Khối u có thể phát triển từ chính mô não (u não nguyên phát) hoặc từ nơi khác di căn đến (u não thứ phát).
Việc điều trị u não phụ thuộc vào vị trí u, kích thước u và vấn đề u não gây ra cho người bệnh. Mục tiêu điều trị có thể là chữa khỏi hoàn toàn hoặc chỉ giảm triệu chứng của khối u. Nhiều loại u não có thể điều trị khỏi, tiên lượng tốt. Các phương pháp mới cũng đang được nghiên cứu và áp dụng để đạt được hiệu quả mong muốn.
Định nghĩa
Một cách tổng quát, các tế bào bình thường phát triển theo cách được kiểm soát khi các tế bào mới thay thế các tế bào cũ hoặc bị hư hỏng. Vì những lý do không được hiểu đầy đủ, các tế bào khối u sinh sản không kiểm soát được.
Các dạng u não
U não nguyên phát có thể lành tính hoặc ác tính. Khối u não lành tính phát triển chậm, có ranh giới rõ rệt. Hiếm khi khối u này lan rộng đến các nơi khác trong não. Tuy bản thân các tế bào này không phải ác tính, nhưng nếu khối u lành tính nằm ở khu vực quan trọng trong não cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngược lại, các khối u não ác tính phát triển nhanh chóng. Chúng có ranh giới không đều và lan sang các vùng não gần đó. Mặc dù chúng thường được gọi là ung thư não, nhưng các khối u não ác tính không phù hợp với định nghĩa của ung thư vì chúng không lây lan đến các cơ quan bên ngoài não và cột sống.
U não thứ phát (hay u não di căn) là các khối u được hình thành ở các vị trí khác trong cơ thể (ví dụ trong ung thư phổi, ung thư vú,…) phát tán theo đường máu và gieo rắc vào nhu mô não.
Cho dù một khối u não là lành tính, ác tính hoặc di căn, tất cả đều có khả năng đe dọa tính mạng. Hộp sọ của cơ thể người có cấu trúc kín. Khi có một khối u phát triển sẽ tạo nên một hiệu ứng choán chỗ, đè nén và chiếm lấy không gian của nhu mô não bình thường. Một số u não khác nằm ở vị trí lưu thông của dịch não tủy làm tắc nghẽn dịch não tủy chảy xung quanh não gây nên tình trạng đầu nước (não úng thủy).
Các loại u não thường gặp
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2016, các loại u não gồm có:1
- U biểu mô thần kinh.
- U neuron và hỗn hợp tế bào neuron – thần kinh đệm.
- U vùng tuyến tùng.
- U phôi bào.
- U dây thần kinh sọ và u cạnh sống.
- U màng não.
- U trung mô.
- U tế bào hắc tố.
- U mô bào.
- U lympho.
- U vùng hố yên.
- U di căn.
Một số loại u não thường gặp:2
1. U màng não (Meningiomas)
Đây là u lành tính, u phát sinh từ lớp màng của não. U màng não chiếm khoảng 14,3 – 19% trong số các loại u của não. Bệnh thường gặp nhất ở lứa tuổi 45. Tuổi trung bình khi chẩn đoán là 65, nữ giới thường gặp hơn (nữ/nam – 1,8/1). U ít gặp ở trẻ em, tuy nhiên mức độ ác tính cao hơn người lớn.
2. U tuyến yên (Pituitary tumors)
U lành tính, phát sinh từ thùy trước của tuyến yên, chiếm khoảng 10% trong số các loại u não. Tuyến yên là một cơ quan quan trọng, chi phối hoạt động nội tiết của cơ thể. Do đó các khối u ở vùng này ngoài gây ra triệu chứng đau đầu, còn gây ra các rối loạn về nội tiết nếu u tiết ra nội tiết tố.
Các rối loạn nội tiết có thể gặp gồm: vô kinh ở nữ giới (u tuyến yên tiết prolactin); bệnh to đầu chi (u tiết GH); bệnh Cushing (u tiết ACTH). U vùng này gần cấu trúc dây thần kinh thị giác, dây thần kinh vận nhãn. Do đó, nó có thể gây ra các triệu chứng mờ mắt, sụp mí mắt.
3. U dây thần kinh (Vestibular schwannoma)
Đây là khối u lành tính, phát sinh từ các dây thần kinh trong sọ não. U thường gặp nhất là u dây thần kinh số VIII, phát sinh từ dây thần kinh số VIII, chiếm khoảng 8-10% các u não. Thần kinh số VIII gồm 2 phần: dây ốc tai và dây tiền đình. Dây ốc tai chi phối khả năng nghe. Trong khi đó, dây tiền đình chi phối khả năng giữ thăng bằng. Triệu chứng sớm nhất của u dây VIII là giảm thính lực, ngoài ra còn có thể bị ù tai, chóng mặt, đi đứng loạng choạng.
U não có nguy hiểm không?3
Theo WHO năm 2016, dựa vào 4 tiêu chí sau, u não được chia thành 4 mức độ từ I đến IV:
- Đặc điểm tế bào u;
- Mức độ phân chia tế bào;
- Mức độ phát triển vi mạch máu nuôi u;
- Mức độ hoại tử.
Khối u độ I, II được xem là lành tính. Khối u độ III, IV được xem như ác tính. Ngày nay, cùng với sự phát triển của sinh học phân tử, các khối u được phân chia dựa vào các đột biến gen, các bất thường trên nhiễm sắc thể.
Như vậy, tiên lượng sống của khối u tùy thuộc vào: bản chất lành hay ác tính; vị trí khối u, kích thước khối u.
Nguyên nhân u não
Khoa học hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ra khối u não. Đồng thời, cũng chưa tìm ra cách để ngăn khối u não nguyên phát hình thành phát triển trong não. Tuy nhiên, cũng có nhưng đối tượng đã được chứng minh sẽ tăng nguy cơ hình thành khối u não. Bao gồm:4
- Tuổi tác. Người càng lớn tuổi càng có nguy cơ cao mắc u não. Hầu hết các loại u não xảy ra ở người cao tuổi có độ tuổi từ 85-89 tuổi. Mặc dù, có một số loại u não khác phổ biến ở trẻ em hơn.
- Ung thư từ nơi khác trong cơ thể di căn đến não.5
- Bức xạ. Người đang điều trị bằng phóng xạ bất kỳ vùng nào của cơ thể cũng có nguy cơ phát triển khối u não. Ngoài ra, việc tiếp xúc các vật dụng có tia bức xạ và điện từ trường cao như điện thoại di động, lò vi sóng,… trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ u não.
- Tiếp xúc trong thời gian dài với thuốc trừ sâu, dung môi công nghiệp, các hóa chất.6
- Một số bệnh lý di truyền.
Dấu hiệu u não
Khối u từ khi hình thành đến lúc phát triển to lên, xâm lấn sẽ đè nén các mô não bình thường xung quanh, tăng áp lực nội sọ. Do đó, triệu chứng chung nhất của u não là tăng áp lực nội sọ: đau đầu, buồn nôn. Ngoài ra, tùy vào vị trí khối u mà sẽ gây ra các triệu chứng khác, như:1
- Co giật, động kinh.
- Yếu liệt nửa người đối bên với tổn thương.
- Rối loạn về ngôn ngữ: khó diễn đạt ý, nói khó hiểu.
- U thùy trán có thể làm thay đổi hành vi và cảm xúc. Đồng thời, nó làm suy giảm khả năng phán đoán, động lực hoặc ức chế và suy giảm khứu giác.
- U thùy chẩm có thể gây ra mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt, cắt trường thị giác. Bên cạnh đó, nó còn làm mờ mắt, ảo giác.
- U thùy thái dương có thể gây ra khó nói và khó hiểu ngôn ngữ. Nó cũng có thể gây nên các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, nó còn làm tăng hành vi hung hăng.
- Khối u ở tiểu não có thể gây khó khăn trong giữ thăng bằng, đi đứng loạng choạng
- Các khối u tuyến yên có thể làm tăng tiết hormone (bệnh Cushing, bệnh to cực). Nó còn làm ngừng kinh nguyệt, tiết sữa bất thường và giảm ham muốn tình dục.
Xử trí/Điều trị tại nhà có được không?
Điều trị u não là một quá trình kết hợp đa mô thức, giữa bác sĩ phẫu thuật thần kinh, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ ung bướu, bác sĩ phục hồi chức năng, cũng như gia đình.
Ngoài các phương pháp điều trị phẫu thuật, hóa xạ trị cần phải nằm viện để thực hiện, phần lớn thời gian bệnh nhân sẽ được theo dõi và chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân cần được theo dõi các triệu chứng liên quan như đau đầu, buồn nôn, co giật, tri giác. Khi có các bất thường trên cần liên hệ ngay bác sĩ để được thăm khám. Bác sĩ cũng sẽ xem xét chỉ định nhập viện. Ngoài ra, bệnh nhân cần được hỗ trợ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao khi có những di chứng như yếu liệt người.
Đối với những bệnh nhân có di chứng như yếu liệt nửa người, giảm thị lực, thị trường cần sự hỗ trợ, chăm sóc của người nhân.
Ngoài ra, co giật là một triệu chứng hay gặp. Nó có thể kéo dài sau khi đã phẫu thuật lấy u. Đối với những bệnh nhân này, ngoài việc sử dụng thuốc chống động kinh, cần hạn chế điều khiển xe cộ, làm những công việc nguy hiểm. Vì có nguy cơ tai nạn khi lên cơn động kinh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn gặp những triệu chứng như đã mô tả ở trên, nên gặp bác sĩ để được tư vấn, thăm khám cũng như làm các xét nghiệm, hình ảnh học nếu cần thiết để chẩn đoán.
Chẩn đoán u não như thế nào?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám cũng như khai thác bệnh sử một cách đầy đủ. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng của các dây thần kinh sọ não (như thị giác, thính giác, khứu giác, vận động khuôn mặt,…), kiểm tra sức cơ. Các xét nghiệm bổ sung có thể gồm có:2
- Đo thính lực: thường thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ có khối u dây thần kinh số VIII.
- Đánh giá thị lực, thị trường (khoảng nhìn được của mắt).
- Đánh giá chức năng nội tiết: Thường thực hiện khi nghi ngờ khối u tuyến yên.
- Một số trường hợp có thể tiến hành chọc dò tủy sống.
Hình ảnh học cũng là công cụ mạnh mẽ và không thể thiếu trong chẩn đoán u não. Bao gồm:2
- Chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT sọ não). Đây là một công cụ thường được sử dụng và thường là hình ảnh học đầu tay khi nghi ngờ một trường hợp u não. CT giúp đánh giá cấu trúc xương sọ cũng như các cấu trúc bên trong. CT được thực hiện nhanh chóng, rất hữu ích trong các trường hợp cấp tính.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não: sử dụng từ trường để khảo sát các chi tiết về mô mềm của não. MRI có khả năng phát hiện tổn thương tốt hơn CT. Do đó, trừ các tình huống cấp tính, MRI là một hình ảnh học cần phải thực hiện trước khi lên kế hoạch điều trị u não cho bệnh nhân.
- Sinh thiết u. Nếu không thể chẩn đoán rõ khối u dựa trên hình ảnh học, thì sinh thiết có thể tiến hành để giúp chẩn đoán xác định cũng như lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân (hóa xạ trị).
Điều trị u não
Điều trị u não là một quá trình kết hợp đa mô thức, từ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phẫu thuật thần kinh đến các các bác sĩ chuyên ngành ung thư. Các phương pháp điều trị gồm có:2 7
Quan sát
Đối với các khối u lành tính, diễn tiến chậm, việc theo dõi là khả thi. Bệnh nhân sẽ được tái khám để chụp MRI theo dõi khối u, cũng như thăm khám để ghi nhận các dấu hiệu bất thường.
Nội khoa
Việc điều trị nội khoa nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng gây ra bởi khối u.
Thuốc steroid (Như Dexamethasone): được sử dụng để làm giảm mức độ phù xung quanh u. Ngoài việc tự bản thân gây ra hiệu chứng chèn ép, khối u não còn gây ra phù các nhu mô não xung quanh, làm nặng thêm tình trạng tăng áp lực nội sọ. Do đó, steroid là một phương pháp hữu hiệu giảm mức độ phù, giảm áp lực nội sọ. Từ đó, giúp giảm triệu chứng, giảm nguy cơ tụt não cho bệnh nhân trong khi chờ đợi phẫu thuật. Tuy nhiên, steroid cũng gây nên các tác dụng phụ như loét dạ dày. Do đó, cần sử dụng các thuốc giảm sản xuất acid ở dạ dày như PPi để giảm tác dụng phụ này.
Thuốc chống co giật: Sử dụng để điều trị cũng như dự phòng các trường hợp co giật do khối u gây ra. Các thuốc thường dùng như phenytoin, valproate, carbamazepine, levetiracetam. Chỉ định khi:
- Bệnh nhân có động kinh.
- Phòng ngừa trước và sau phẫu thuật (chu phẫu) cho các bệnh nhân u não được phẫu thuật mở sọ lấy u. Nếu sau đó không động kinh, bệnh nhân sẽ được giảm liều sau 1 tuần.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là một biện pháp triệt để để giải quyết khối u não, là phương pháp nền tảng. Nhìn chung, chỉ định phẫu thuật trong u não khá rộng rãi. Khối u não cho dù có lành tính, nhưng nếu ở vị trí quan trọng có thể gây nên hiệu ứng chèn ép. Do đó, cần phải loại bỏ.
Nguyên tắc phẫu thuật: lấy u tối đa nhưng phải bảo tồn chức năng thần kinh.
Mục đích phẫu thuật: Lấy u, giải quyết khối choán chỗ trong não, giải ép thần kinh, cung cấp mẫu mô bệnh học để làm các xét nghiệm phục vụ cho điều trị kế tiếp.
Đối với các khối u lành tính, phẫu thuật lấy u hoàn toàn có thể giúp điều trị khỏi bệnh (như u màng não, u tuyến yên,…). Tuy nhiên, đối với các khối u ác tính (u thần kinh đệm lan tỏa, u tế bào mầm,…) cần kết hợp các phương pháp hóa xạ trị sau phẫu thuật.
Phẫu thuật u não bao gồm: Phẫu thuật lấy u (hoàn toàn hoặc không hoàn toàn) hoặc sinh thiết. Lựa chọn tùy theo loại u.
Sinh thiết
Bệnh nhân được mở sọ sinh thiết, hoặc sinh thiết qua hệ thống định vị Navigation. Mục tiêu chỉ lấy 1 phần nhỏ u đủ để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch. Mục đích là xác định bản chất u, xét nghiệm các đột biến phục vụ cho điều trị sau đó. Sinh thiết trong các trường hợp:
- MRI nghi ngờ Lymphoma não (đáp ứng với hóa trị); u tế bào mầm germinoma (đáp ứng xạ trị).
- Nhiều khối u trong não nghi ngờ di căn từ cơ quan khác, tuy nhiên chưa phát hiện được khối u nguyên phát.
- U nằm ở vị trí khó phẫu thuật, nguy cơ cao.
Phẫu thuật lấy u
Gồm có phẫu thuật mở sọ lấy u, hoặc phẫu thuật nội soi qua đường mũi (cho các trường hợp u tuyến yên, u sọ hầu, u màng não vị trí củ yên). Lựa chọn tùy theo vị trí, kích thước u, tính chất, mức độ xâm lấn cũng như kinh nghiệm phẫu thuật viên.
Các phương pháp hỗ trợ để tăng khả năng lấy u, bảo tồn chức năng thần kinh
- Sử dụng kính hiển vi quang học.
- Theo dõi điện sinh lý thần kinh trong lúc mổ.
- MRI trong mổ.
- Phẫu thuật tỉnh.
- Hệ thống định vị không gian 3 chiều không khung.
Điều trị hóa xạ trị phối hợp
Xạ trị
Xạ trị được chỉ định tùy vào chẩn đoán mô học, phân loại nguy cơ, tuổi bệnh nhân. Xạ trị là một phương pháp điều trị u não ác tính có hiệu quả. Tuy nhiên, nó đi kèm với các biến chứng cấp tính (phù não) hoặc mạn tính (suy giảm nhận thức, hoại tử, tổn thương chất trắng, bệnh lý mạch máu não, ung thư thứ phát), đặc biệt trên hệ thần kinh đang phát triển ở trẻ em. Do đó, xạ trị thường không được chỉ định ở trẻ em dưới 3 tuổi. Lý do là vì nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự phát triển của thần kinh.
Các phương pháp xạ trị trong điều trị u não là xạ trị ngoài (external beam radiation). Tia xạ có thể là ánh sáng (photon) như tia X, tia gamma hoặc tia hạt (paricle) như tia proton. Năng lượng tia xạ ion hóa hạt nhân làm tổn thương DNA của tế bào u, kích hoạt quá trình chết theo chương trình (apoptosis). Các phương pháp xạ trị thường dùng hiện nay trong điều trị u não gồm có:
- Xạ trị quy ước. Phương pháp này thường chỉ định cho các khối u ác tính. Đây là một phương pháp điều trị lợi dụng cơ chế sửa chữa vật chất di truyền (ADN trong nhân tế bào). Khi một tế bào khỏe mạnh gặp phải tia xạ, ít nhiều sẽ bị tổn thương ADN. Nếu mức độ tổn thương ít, tế bào sẽ tự phục hồi lại ADN. Khả năng tự sửa chữa của tế bào u kém hơn tế bào khỏe mạnh bình thường. Do đó, bản chất của xạ trị là chiếu 1 chùm tia xạ có cường độ vừa đủ để tế bào khỏe mạnh có thể phục hồi, trong khi tế bào u bị tổn thương đến mức không thể phục hồi và hoại tử. Vị trí xạ phẫu có thể là tại chỗ, toàn hệ thống não thất hoặc toàn trục thần kinh (sọ não và tủy sống).
- Xạ phẫu gamma knife. Phương pháp này thường được chỉ định cho các u não lành tính còn sót lại sau phẫu thuật. Ví dụ: u màng não, u bao sợi thần kinh, u sọ hầu, u tuyến yên. Ngoài ra, phương pháp này còn chỉ định đơn thuần hoặc kết hợp với xạ trị quy ước cho các trường hợp u não di căn (< 4 khối u). Liều xạ được chia thành nhiều chùm nhỏ, được chiếu trong một lần duy nhất. Do đó, xạ phẫu gamma knife ít ảnh hưởng đến mô não bình thường xung quanh.
Hóa trị
Chỉ định tùy vào chẩn đoán mô học, phân loại nguy cơ và tuổi bệnh nhân.
Các phương pháp hóa trị:
- Hóa trị toàn thần.
- Hóa trị kênh tủy.
- Hóa trị trong nang.
Hóa trị được chỉ định trong các trường hợp:
- U thần kinh đệm lan tỏa: phối hợp với xạ trị trong hầu hết các u thần kinh đệm độ II và tất cả các u thần kinh đệm độ III, IV.
- Các u phôi bào ác tính.
Cách phòng ngừa khối u não
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra u não. Như đã đề cập ở trên, các hóa chất trừ sâu, dung môi công nghiệp tăng nguy cơ ung thư não cũng như các ung thư khác trong cơ thể. Do đó, cần tránh hạn chế tiếp xúc các hóa chất này.
Ngoài ra, u não di căn là loại u não thường gặp nhất. Do đó, các bệnh nhân đã được chẩn đoán u não ở nơi khác (như ung thư phổi, ung thư vú,…), khi có triệu chứng nghi ngờ u não cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn tầm soát.
Bệnh u não sống được bao lâu?
Tiên lượng sống tùy vào bản chất u (lành tính hay ác tính, mô học, các xét nghiệm đột biến), vị trí u, kích thước u cũng như các thể trạng bệnh nhân. Đối với u lành tính như u màng não, nếu được điều trị triệt để thì tiên lượng sống của bệnh nhân rất tốt.2
Không phải tất cả các u não đều ác tính. Việc chẩn đoán và điều trị sớm u não sẽ giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi có các vấn đề về sức khỏe liên quan nghĩ đến u não, bạn nên gặp một bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được đánh giá, thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
The 2016 World Health Organization Classification of Tumors of the Central Nervous System: a summaryhttps://link.springer.com/article/10.1007/s00401-016-1545-1
Ngày tham khảo: 14/10/2022
-
Mark S. Greenberg (2020). Handbook of Neurosurgery (9th edition). Thieme. New York.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/10/handbook-of-neurosurgery-9th-edition.pdf
Ngày tham khảo: 14/10/2022
- WHO classification of Tumours of the Central Nervous System, David N. Louis, Hirolo Ohgaki, 2016.
- Brain tumourshttps://www.nhs.uk/conditions/brain-tumours/
-
Metastatic Brain Tumorshttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/metastatic-brain-tumors
Ngày tham khảo: 14/10/2022
-
Brain tumours and exposure to pesticides: a case–control study in southwestern Francehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2078494/
Ngày tham khảo: 14/10/2022
- Phẫu thuật Thần kinh. Đại học Y Dược TP HCM 2022.