Ung thư vòm họng giai đoạn cuối: điều trị và cách chăm sóc người bệnh
Nội dung bài viết
Ung thư vòm họng là một trong các bệnh lý ung thư vùng đầu cổ thường gặp. Bệnh thường khó được phát hiện ở giai đoạn sớm vì các dấu hiệu không rõ nét, mơ hồ. Một khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, thậm chí là giai đoạn cuối và có tiên lượng khá xấu. Vậy những triệu chứng của ung thư vòm họng giai đoạn cuối là gì, các phương pháp điều trị ra sao và cách chăm sóc người bệnh như thế nào, hãy cùng xem bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Kiến Thái để trang bị thêm cho bản thân các kiến thức về căn bệnh này nhé!
Những giai đoạn phát triển của ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng (hay ung thư vòm hầu) là một bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô vùng vòm họng. Vùng này là vị trí nằm phía sau mũi và phía trên cổ họng. Bệnh thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm vì các triệu chứng không rõ nét, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường vùng tai mũi họng. Một khi phát hiện, bệnh thường đã ở giai đoạn muộn và có tiên lượng xấu.
Diễn tiến tự nhiên
Tế bào ung thư khác với các tế bào lành tính bình thường ở chỗ chúng có khả năng xâm lấn và di căn. Đây là hai đặc tính rất đặc trưng và quan trọng của tế bào ung thư. Tế bào bướu tăng sinh thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể nhưng chỉ trở thành ung thư khi có khả năng xâm lấn mô xung quanh và/ hoặc di căn đến cơ quan khác. Xâm lấn và di căn làm cho ung thư trở nên nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng người bệnh.1
Giống như đa số các bệnh lý ung thư khác, ung thư vòm họng thường sẽ diễn tiến theo các giai đoạn từ sớm đến muộn, từ khu trú đến lan tràn. Đầu tiên, các tế bào ung thư sẽ phát triển tại chỗ, xâm lấn và phá hủy các cơ quan xung quanh (giai đoạn xâm lấn tại chỗ). Sau đó chúng sẽ di chuyển vào hệ thống bạch huyết tại vùng mà cụ thể là hạch vùng sau hầu và hệ thống hạch vùng cổ (giai đoạn di căn hạch vùng).
Các tế bào ung thư khi đã vào hệ thống hạch bạch huyết, chúng hoàn toàn có khả năng đi vào hệ thống mạch máu, sau đó theo dòng máu đi vào khắp các cơ quan trong cơ thể (giai đoạn di căn xa).
1. Giai đoạn xâm lấn tại chỗ
Khối u vòm họng không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ phát triển tự nhiên theo các hướng liên quan với vị trí giải phẫu của vòm hầu.
- Khối u phát triển ra phía trước: xâm lấn vào hốc mũi và các xoang cạnh mũi.
- Khối u phát triển ra phía sau: xâm lấn vào các đốt sống cổ.
- Khối u phát triển xuống phía dưới: lan về phía họng miệng.
- Khối u phát triển lên trên: xâm lấn và phá hủy xương vùng sàn sọ, xâm nhập vào nhu mô não. Bên cạnh đó, khối u có thể xâm lấn vào hệ thống các dây thần kinh sọ.
- Khối u phát triển ra phía ngoài: xâm lấn các khoang cơ vùng mặt, thậm chí có thể lan ra đến tai.
2. Giai đoạn di căn hạch vùng
Có đến 90% các trường hợp ung thư vòm họng có di căn hạch vùng tại thời điểm chẩn đoán, trong đó có một nửa các trường hợp di căn hạch cổ ở cả hai bên. Hạch cổ vùng góc hàm và hạch sau hầu là các chặng hạch di căn đầu tiên.
3. Giai đoạn di căn xa
Chỉ có khoảng dưới 10% các trường hợp có di căn xa tại thời điểm chẩn đoán ban đầu. Các vị trí di căn xa thường gặp nhất là di căn đến xương, phổi và gan.2
Các giai đoạn bệnh
Ung thư vòm họng được phân chia như sau:3
- Giai đoạn 0: Giai đoạn này được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
- Giai đoạn I: Ở ung thư vòm họng giai đoạn đầu, lúc này, tế bào ung thư còn khu trú tại vòm họng và chưa di căn đến các cơ quan xa hoặc hạch bạch huyết của cơ thể.
- Giai đoạn II: Ở ung thư vòm họng giai đoạn 2, tế bào ung thư lúc này có thể đã lan đến các mô và hạch bạch huyết lân cận. Tuy nhiên ở giai đoạn này, tế bào ung thư chưa lan đến các cơ quan xa.
- Giai đoạn III và IV: Ung thư vòm họng giai đoạn 3 và 4 là giai đoạn tiến triển của kích thước khối u, mức độ lan rộng đến các mô lân cận, các hạch bạch huyết và/hoặc các cơ quan xa của cơ thể.
- Giai đoạn IV: Giai đoạn cuối, giai đoạn này được chia thành hai giai đoạn nhỏ hơn là IVA và IVB.4
Giai đoạn ung thư vòm họng giai đoạn cuối
- Giai đoạn IVA (chưa di căn xa)
Các tế bào ung thư xâm nhập vào nhu mô não, các dây thần kinh sọ, hạ họng, tuyến nước bọt ở phía trước tai, xương quanh mắt và/hoặc các mô mềm ở vùng hàm mặt. Ung thư cũng có thể đã lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở một hoặc cả hai bên cổ và/hoặc phía sau cổ họng. Các hạch bạch huyết bị di căn có kích thước 6 cm hoặc nhỏ hơn.
Trường hợp khác, thư đã lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở một hoặc cả hai bên cổ. Các hạch bạch huyết bị di căn có kích thước lớn hơn 6 cm và/hoặc được tìm thấy ở phần thấp nhất của cổ.
- Giai đoạn IVB (di căn xa)
Ung thư đã lan ra ngoài các hạch bạch huyết ở cổ đến các hạch bạch huyết ở xa, chẳng hạn như các hạch bạch huyết giữa phổi, dưới xương đòn, hoặc ở nách hoặc bẹn, hoặc đến các cơ quan khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi, xương, hoặc gan.
Triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn cuối
Khi bệnh mới khởi phát, các triệu chứng thường khá ít, khó nhận biết. Ngay cả khi đến khám ở cơ sở y tế tuyến cơ sở ít có kinh nghiệm cũng bị nhầm lẫn và bị bỏ qua. Bởi vì các triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn sớm dễ nhầm nhất với các bệnh lý thông thường vùng tai mũi họng như viêm mũi, viêm xoang hay viêm tai giữa.2
Các dấu hiệu sớm thường là đau đầu thoáng qua, ngạt mũi thoáng qua, có thể có chảy máu mũi (khi có thường ở một bên mũi), và thường kèm theo ù tai. Các hạch vùng cổ có thể xuất hiện ngay từ đầu, thường ở góc hàm, hạch nhỏ, không đau và không ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt bình thường.2
Các triệu chứng ở giai đoạn muộn, thường xảy ra vài tháng sau kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, do khối u phát triển tại chỗ và xâm lấn lan rộng vào các cơ quan xung quanh gây ra. Cụ thể các triệu chứng:2
1. Triệu chứng về hạch cổ
Hạch lúc này thường có kích thước lớn, sờ thấy sượng cứng, không gây đau, thường là nhóm hạch cổ cao, có thể xuất hiện ở một bên hoặc hai bên cổ. Hơn một nửa các trường hợp khi đến khám bệnh có thể phát hiện hạch cổ trước cả khi phát hiện ra tổn thương nguyên phát ở vòm họng.
2. Triệu chứng về mũi
Người bệnh có thể bị nghẹt tắc mũi, chảy máu mũi do u lớn gây bít tắc hoặc do loét hoại tử khối u.
3. Triệu chứng về tai
Phổ biến nhất là giảm hoặc mất thính lực một bên tai. Người bệnh sẽ có cảm giác ù tai hoặc các triệu chứng của viêm tai giữa.
4. Triệu chứng về mắt
Giai đoạn muộn khi u xâm lấn rộng sẽ gây chèn ép, tổn thương dây thần kinh chi phối vận động mắt làm bệnh nhân lác (lé), nhìn đôi, sụp mí, giảm hoặc mất thị lực hoặc mắt bị đẩy lồi ra trước.
5. Triệu chứng thần kinh sọ não
Bệnh nhân sẽ xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng thần kinh do liệt các dây thần kinh sọ, có thể đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều dây đồng thời khi u ở giai đoạn lan tràn.
6. Những triệu chứng đau khác
Các triệu chứng đau đầu, chóng mặt có thể xuất hiện nếu khối u xâm lấn phá hủy xương sàn sọ vào nhu mô não, cứng cổ hoặc giới hạn vận động cổ nếu khối u xâm lấn vào các đốt sống cổ phía sau.
Các triệu chứng đau nhức xương hoặc gãy xương bệnh lý có thể gợi ý đến tình trạng ung thư di căn xương.
Ngoài ra, người bệnh có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng không đặc hiệu như cảm giác mệt mỏi, chán ăn, sụt cân,…
Những cách chẩn đoán bệnh
Đầu tiên, để chẩn đoán xác định một người có mắc ung thư vòm họng hay không, cần phải tiến hành thăm khám và thực hiện các quy trình chẩn đoán, bao gồm:5
1. Thăm khám
Chẩn đoán ung thư biểu mô vòm họng thường bắt đầu bằng khám tổng quát. Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng của người bệnh, khám và kiểm tra vùng tai mũi họng, khám các triệu chứng về thần kinh, đồng thời khám vùng cổ để tìm xem có hạch bạch huyết hay không.
2. Nội soi tai mũi họng
Nội soi tai mũi họng là xét nghiệm không thể thiếu trong chẩn đoán ung thư vùng đầu cổ nói chung và ung thư vòm họng nói riêng. Nội soi tai mũi họng vừa có vai trò chẩn đoán vị trí tổn thương, vừa có vai trò hướng dẫn sinh thiết khối u nghi ngờ.
3. Sinh thiết một mẫu tế bào nghi ngờ
Trong quá trình nội soi tai mũi họng nếu nghi ngờ có tổn thương, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện sinh thiết một mẫu mô nhỏ. Mục đích là để xét nghiệm chắc người bệnh có mắc ung thư hay không.
Sau chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc ung thư biểu mô vòm họng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm khác để xác định giai đoạn hoặc mức độ của ung thư. Một số xét nghiệm có thể kể đến:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): chẩn đoán ung thư vòm hầu, đánh giá tương đối chính xác tính chất của khối u, mức độ xâm lấn các cấu trúc xung quanh như khẩu hầu, khoang mũi, khoang cạnh hầu, nền sọ,… Mục đích giúp bác sĩ chẩn đoán giai đoạn bệnh và lên kế hoạch xạ trị.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): xác định giới hạn u và đánh giá xâm lấn tổ chức phần mềm lân cận tốt hơn chụp cắt lớp vi tính, nhất là trường hợp xâm lấn nhu mô não.
- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET).
Các xét nghiệm hình ảnh học khác cũng sẽ được bác sĩ đề nghị để khảo sát tình trạng di căn xa. Siêu âm bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính vùng bụng có thể giúp chẩn đoán tình trạng di căn đến gan. X-quang ngực thẳng hoặc chụp cắt lớp vi tính vùng ngực để khảo sát tình trạng di căn phổi. Chụp xạ hình xương để khảo sát tình trạng di căn xương.
Một số các xét nghiệm khác như kiểm tra thính lực, các xét nghiệm tình trạng nhiễm virus Epstein-Barr,… cũng được chỉ định.
Điều trị ung thư vòm họng giai đoạn cuối
Như đã đề cập ở trên, ung thư vòm họng giai đoạn cuối bao gồm hai giai đoạn là IVA và IVB. Hai giai đoạn này sẽ có phương thức điều trị khác nhau vì giai đoạn IVA là giai đoạn chưa di căn xa trong khi đối với giai đoạn IVB, bệnh đã di căn xa đến các cơ quan khác của cơ thể.
1. Điều trị bệnh ở giai đoạn IVA
Ở giai đoạn này, hai phương pháp điều trị chính đối với ung thư vòm họng là xạ trị và hóa trị:5 6
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia X giết chết các tế bào ung thư, ngăn cản chúng tăng sinh và phát triển. Trong thời gian xạ trị, người bệnh nằm yên và được cố định trên bàn xạ, máy xạ sẽ chuyển động xung quanh và phát ra các chùm tia có mức năng lượng cao vào những vị trí được bác sĩ xạ trị lập kế hoạch điều trị. Với những tiến bộ về khoa học kĩ thuật, phương pháp xạ trị ngoài được sử dụng phổ biến hiện nay là xạ trị điều biến cường độ (IMRT). Kĩ thuật này có ưu điểm hơn so với các kĩ thuật xạ trị cổ điển vì nó tập trung tối đa các chùm tia vào các tổn thương đích cần điều trị, các cơ quan bình thường khác quanh tổn thương sẽ nhận được liều xạ không cao. Chính vì vậy người bệnh sẽ ít gặp các tác dụng phụ do xạ trị hơn.
Xạ trị được thực hiện mỗi ngày một lần vào các ngày trong tuần. Hai ngày cuối tuần sẽ là thời gian không xạ trị để cho cơ thể nghỉ ngơi. Đối với ung thư vòm họng, thời gian xạ trị tối đa là 7 tuần. Người bệnh chỉ điều trị trong ngày mà không phải nằm lại bệnh viện.
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị bằng thuốc sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được dùng ở dạng viên, tiêm truyền qua tĩnh mạch hoặc cả hai. Ở giai đoạn chưa di căn xa, hóa trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô vòm họng theo ba cách:
- Hóa trị cùng lúc với xạ trị: Khi hai phương pháp điều trị này được kết hợp, hóa trị sẽ nâng cao hiệu quả của xạ trị. Phương pháp điều trị kết hợp này được gọi là liệu pháp hóa xạ trị đồng thời. Tuy nhiên, các tác dụng phụ của hóa trị được cộng thêm với các tác dụng phụ của xạ trị sẽ khiến việc điều trị trở nên khó dung nạp hơn đối với người bệnh.
- Hóa trị trước khi xạ trị: Hóa trị được sử dụng nhằm mục đích tấn công bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại trong cơ thể bạn, bao gồm cả những tế bào có thể đã vỡ ra khỏi khối u ban đầu và lan sang nơi khác. Một số tranh cãi vẫn tồn tại đến nay về việc liệu hóa trị bổ sung có thực sự cải thiện khả năng sống sót ở những người bị ung thư biểu mô vòm họng hay không. Nhiều người trải qua hóa trị sau khi điều trị hóa xạ trị đồng thời không thể chịu đựng được các tác dụng phụ và phải ngừng điều trị.
- Hóa trị sau khi xạ trị: Còn gọi là hóa trị tân hỗ trợ hay hóa trị dẫn đầu. Đây là phương pháp điều trị hóa trị trước khi xạ trị đơn thuần hoặc trước khi điều trị hóa xạ trị đồng thời. Cần nghiên cứu thêm để xác định liệu hóa trị tân hỗ trợ có thể cải thiện tỷ lệ sống sót ở những người bị ung thư biểu mô vòm họng hay không.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ khối u có vai trò khá hạn chế trong điều trị ung thư vòm họng vì vị trí giải phẫu vùng vòm họng nằm sâu nên rất khó để các bác sĩ ngoại khoa có thể can thiệp phẫu thuật. Phẫu thuật thường được chỉ định để xử trí hạch cổ, trong trường hợp hạch cổ vẫn còn tồn tại sau khi xạ trị hoặc trong tình huống ung thư vòm họng tái phát trở lại chỉ tại vị trí hạch cổ sau khi đã điều trị.5 6
2. Điều trị bệnh ở giai đoạn IVB
Đây là giai đoạn các tế bào ung thư đã lan ra ngoài các hạch bạch huyết ở vùng cổ đến các hạch bạch huyết ở xa hơn, chẳng hạn như các hạch bạch huyết giữa phổi, dưới xương đòn, hoặc ở nách hoặc bẹn, hoặc đến các cơ quan khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi, xương, hoặc gan.4
Vì vậy trong giai đoạn này, không còn vai trò của liệu pháp điều trị tại chỗ là xạ trị nữa. Khi đó, phương pháp điều trị chủ yếu là hóa trị. Thuốc hóa trị có thể được dùng ở dạng viên, tiêm truyền qua tĩnh mạch hoặc cả hai. Loại thuốc hóa trị nào, số chu kỳ hóa trị và tần suất thực hiện hóa trị sẽ do bác sĩ xác định. Các tác dụng phụ có thể gặp phải sẽ phụ thuộc vào loại thuốc mà người bệnh điều trị.5
Nếu người bệnh có thể trạng kém, không phù hợp để thực hiện hóa trị, hoặc có các bệnh lý đi kèm là chống chỉ định đối với hóa trị, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chăm sóc giảm nhẹ và điều trị triệu chứng cho người bệnh.
Một phương pháp điều trị mới gần đây đang được áp dụng trong điều trị ung thư giai đoạn cuối là liệu pháp miễn dịch ung thư. Đây là phương pháp sử dụng các thuốc ức chế các chốt kiểm soát miễn dịch, thúc đẩy hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể tiêu diệt tế bào bướu. Đây không phải là các thuốc độc tế bào như hóa trị nên sẽ ít độc tính hơn và các tác dụng phụ nếu có cũng sẽ dễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên, chi phí điều trị hiện nay của liệu pháp miễn dịch ung thư vẫn còn khá đắt đỏ, đặc biệt là đối với người bệnh ở các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta.2
Đối với ung thư vòm họng giai đoạn cuối, các tế bào ung thư đã di căn nhiều cơ quan trong cơ thể nên tiên lượng sống còn khá xấu và tỉ lệ điều trị khỏi là không cao. Một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ điều trị khỏi bệnh 5 năm đối với người bệnh ung thư vòm họng giai đoạn IV chỉ khoảng 68% (tức là trong 100 người bệnh chỉ có khoảng 32 người bệnh sẽ bị tái phát sau 5 năm điều trị).7
Người bệnh ung thư vòm họng sống được bao lâu? Tỉ lệ sống còn của bệnh là bao nhiêu? Mời bạn tìm hiểu thông tin về vấn đề này qua bài viết Ung thư vòm họng sống được bao lâu? của YouMed nhé!
Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn cuối
Đối với ung thư vòm họng giai đoạn cuối, khả năng điều trị khỏi bệnh là không cao. Do đó, mục tiêu chủ yếu của điều trị giai đoạn này là chăm sóc giảm nhẹ, điều trị các triệu chứng làm người bệnh khó chịu, giúp họ kéo dài thời gian sống thêm càng lâu càng tốt. Hãy quan tâm đến sở thích và nguyện vọng của người bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Người bệnh cần thay đổi lối sống tích cực như ngừng hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, tăng cường tập thể dục, vận động phù hợp với thể trạng của bản thân.
Những tác dụng phụ của các phương pháp điều trị như hóa xạ hoặc xạ trị thường là tạm thời và sẽ hồi phục sau một thời gian ngưng điều trị. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị khi gặp những tác dụng phụ này để được tư vấn và can thiệp điều trị sớm.4 5
Người bệnh nên ăn gì để hạn chế các triệu chứng khó chịu do việc điều trị ung thư vòm họng gây ra? Mời bạn đọc tham khảo bài viết Ung thư vòm họng nên ăn gì? Câu trả lời từ chuyên gia của YouMed để có thêm nhiều thông tin nhé!
Tóm lại, ung thư vòm họng giai đoạn cuối thường sẽ biểu hiện những triệu chứng nặng nề do khối u xâm lấn các cơ quan xung quanh gây nên và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Do tiên lượng sống còn và khả năng chữa khỏi đối với ung thư vòm họng giai đoạn cuối không cao. Hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp điều trị chủ yếu đối với giai đoạn này nhằm kéo dài thời gian sống thêm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Wiley-Blackwell. (2010). “Tumor formation, growth, and metastasis” in Cancer: basic science and clinical aspects; pp. 94-114.
- P. Bossi, A. T. Chan, L. Licitra et al. "Nasopharyngeal carcinoma: ESMO-EURACAN Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-up(†)". Ann Oncol. 2021; 32(4), 452-465.
-
Nasopharyngeal cancerhttps://www.webmd.com/cancer/nasopharyngeal-cancer
Ngày tham khảo: 26/08/2022
-
Nasopharyngeal cancer treatment - Patient versionhttps://www.cancer.gov/types/head-and-neck/patient/adult/nasopharyngeal-treatment-pdq
Ngày tham khảo: 26/08/2022
-
Nasopharyngeal carcinomahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nasopharyngeal-carcinoma/diagnosis-treatment/drc-20375535
Ngày tham khảo: 26/08/2022
-
Nasopharyngeal cancerhttps://www.nhs.uk/conditions/nasopharyngeal-cancer/
Ngày tham khảo: 26/08/2022
- Min Kang, Pingting Zhou, Guisheng Li et al. "Validation of the 8th edition of the UICC/AJCC staging system for nasopharyngeal carcinoma treated with intensity-modulated radiotherapy". Oncotarget. 2017; 8.