YouMed

Phụ nữ cho con bú có thể mắc ung thư vú không?

Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lương Huy - Chuyên khoa Ung bướu
Tác giả: ThS.BS.CKI Phan Lương Huy
Chuyên khoa: Ung bướu

Ung thư vú là căn bệnh gây nhiều nỗi sợ cho phụ nữ, vì tử vong cao và để lại nhiều biến chứng nặng nề. Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú khi cho con bú không? Cho con bú có mối liên hệ thế nào với tỷ lệ mắc ung thư vú ở nữ giới? Các thắc mắc trên được giải đáp thông qua bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lương Huy.

Mối liên hệ giữa cho con bú và tỷ lệ mắc ung thư vú ở người mẹ

Việc cho con bú có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Cơ thể người mẹ khi cho con bú sẽ tăng hormone trong việc sinh sữa, có vai trò làm chậm quá trình có lại chu kỳ kinh nguyệt sau sinh. Chính điều này làm hạn chế việc tiếp xúc của hormone estrogen và cơ thể – một yếu tố có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.1

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, cứ mỗi 12 tháng cho con bú làm giảm nguy cơ ung thư vú 4,3% và mỗi lần sinh con giảm nguy cơ ung thư vú 7%.2

Ngoài ra, một nghiên cứu khác vào năm 2012 đã chỉ ra rằng việc cho trẻ bú mẹ ít nhất 1 năm có thể làm giảm 32% nguy cơ ung thư vú ở những người mang gen đột biến BRCA1.3

Việc cho trẻ bú mẹ có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú cho mẹ
Việc cho trẻ bú mẹ có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú cho mẹ

Phụ nữ có thể mắc ung thư vú khi đang cho con bú không?

Mặc dù việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, nhưng phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể mắc ung thư vú. Vì vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Nếu họ có càng nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc ung thư vú càng cao.

Một số yếu tố nguy cơ ung thư vú có thể kể đến như:4

  • Tuổi tác. Nguy cơ ung thư vú tăng theo độ tuổi.
  • Đột biến gen.
  • Bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trước 12 tuổi và bắt đầu mãn kinh sau 55 tuổi.
  • Ngực đầy đặn.
  • Tiền sử bị ung thư vú hoặc một số bệnh về vú khác.
  • Tiền sử gia đình mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.
  • Từng thực hiện điều trị bằng xạ trị ở ngực hoặc vú.
  • Tiếp xúc với thuốc diethylstilbestrol (DES). Đây là loại thuốc dùng để ngăn ngừa sảy thai. Phụ nữ dùng DES, hoặc có mẹ dùng DES khi đang mang thai sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
  • Người không hoạt động thể chất.
  • Nữ giới thừa cân hoặc béo phì sau khi mãn kinh.
  • Dùng một số hình thức trị liệu thay thế hormone (bao gồm cả estrogen và progesterone) trong thời kỳ mãn kinh, hoặc một số loại thuốc tránh thai.
  • Mang thai lần đầu sau 30 tuổi, không cho con bú và sinh non có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Uống rượu.

Dấu hiệu ung thư vú ở phụ nữ đang cho con bú

Triệu chứng ung thư vú ở phụ nữ đang cho con bú cũng tương tự như những phụ nữ khác. Cụ thể như sau:5

  • Nổi u ở vú hoặc nách.
  • Vú sưng và dày lên.
  • Da vùng cú bị kích ứng hoặc lõm.
  • Da vùng vú, vùng núm vú có thể bị đỏ hoặc bong tróc.
  • Núm vú bị đau hoặc thụt vào trong.
  • Núm vú tiết dịch lạ, có thể lẫn máu.
  • Vú thay đổi hình dạng và kích thước.
  • Bị đau ở bất kỳ vị trí nào của vú.

Việc phát hiện sớm ung thư vú là không dễ dàng. Đối với các khối u nhỏ, không gây ra bất cứ triệu chứng nào chỉ có thể được phát hiện thông qua việc tầm soát ung thư vú định kỳ bằng khám, nhũ ảnh hay siêu âm tuyến vú.

Với ung thư vú ở giai đoạn muộn, khi u phát triển to lên có thể độn phần da lên, co kéo da, núm vú bị lún, tiết dịch đầu vú. Cũng có thể phát hiện hạch nách, hạch trên xương đòn ở giai đoạn này. Ung thư vú có thể di căn đến phổi, xương, não, gan gây các triệu chứng như khó thở, đau đầu, báng bụng,…

Đau ở bất kỳ vị trí nào vùng vú cũng là một dấu hiệu sớm của ung thư vú
Đau ở bất kỳ vị trí nào vùng vú cũng là một dấu hiệu sớm của ung thư vú

Khi nào mẹ nên đi gặp bác sĩ?

Dù là mẹ bỉm đang cho con bú hay bất kỳ phụ nữ nào khác, khi phát hiện bất cứ thay đổi bất thường nào ở vùng vú đều cần liên hệ bác sĩ để được thăm khám kịp thời.6

Ngoài ra, các mẹ ở nhà có thể tự khám vú cho bản thân hàng ngày, tự nhìn và sờ mô vú 2 bên. Tập làm quen với mô vú bình thường sẽ giúp cảm nhận sự thay đổi nếu có bất thường xảy ra như có khối ở vú, đau, thay đổi kích thước, chảy dịch,…6

Các bà mẹ có thể tự kiểm tra vú tại nhà
Các bà mẹ có thể tự kiểm tra vú tại nhà

Cách phòng ngừa ung thư vú cho những bà mẹ đang cho con bú

Như đã đề cập, phụ nữ đang cho con bú làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Để đạt được hiệu quả này cần đảm bảo cho con bú hoàn toàn, không xen kẽ với bú bình, bú cả ban đêm kéo dài ít nhất trong 6 tháng đầu đời của bé. Việc này vừa giúp giảm nguy cơ ung thư vú, vừa phù hợp với khuyến cáo dinh dưỡng 6 tháng đầu cho bé chủ yếu là sữa mẹ.

Ngoài ra, còn có các yếu tố khác góp phần phòng ngừa mắc ung thư vú cho mẹ trong giai đoạn cho con bú như:7

  • Tập luyện thể dục, góp phần giảm nguy cơ ung thư vú cũng như các loại ung thư khác. Thời gian khoảng 150 đến 300 phút tuần cường độ trung bình.8
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối.
  • Kiểm soát cân nặng, thừa cân cũng là yếu tố nguy cơ ung thư vú.
  • Giảm/ngưng dùng rượu bia, thuốc lá.

Thông qua bài viết trên đây, hy vọng bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích về vấn đề phụ nữ có thể mắc ung thư vú khi cho con bú hay không. Đồng thời, hiểu được vai trò quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, vừa có tác dụng bảo vệ mẹ khỏi nguy cơ mắc ung thư vú, vừa có nhiều lợi ích cho sức khỏe con.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Breastfeeding for Cancer Preventionhttps://blogs.cdc.gov/cancer/2019/08/01/breastfeeding-for-cancer-prevention/

    Ngày tham khảo: 02/03/2023

  2. Breast cancer and breastfeeding: collaborative reanalysis of individual data from 47 epidemiological studies in 30 countries, including 50 302 women with breast cancer and 96 973 women without the diseasehttps://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(02)09454-0/fulltext

    Ngày tham khảo: 02/03/2023

  3. Breastfeeding and the risk of breast cancer in BRCA1 and BRCA2 mutation carriershttps://breast-cancer-research.biomedcentral.com/articles/10.1186/bcr3138

    Ngày tham khảo: 02/03/2023

  4. What Are the Risk Factors for Breast Cancer?https://www.cdc.gov/cancer/breast/basic_info/risk_factors.htm

    Ngày tham khảo: 02/03/2023

  5. What Are the Symptoms of Breast Cancer?https://www.cdc.gov/cancer/breast/basic_info/symptoms.htm

    Ngày tham khảo: 02/03/2023

  6. What Is Breast Cancer Screening?https://www.cdc.gov/cancer/breast/basic_info/screening.htm

    Ngày tham khảo: 02/03/2023

  7. Does Breastfeeding Prevent Breast Cancer?https://www.healthline.com/health/breast-cancer/does-breastfeeding-prevent-breast-cancer

    Ngày tham khảo: 02/03/2023

  8. Physical Activity Guidelines for Americans 2nd editionhttps://health.gov/sites/default/files/2019-09/Physical_Activity_Guidelines_2nd_edition.pdf

    Ngày tham khảo: 02/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người