Vắc-xin có thể gây hại cho thai nhi không?
Nội dung bài viết
Tiêm phòng đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và con trước, trong và sau thai kỳ. Phụ nữ cần theo dõi lịch tiêm và tiêm phòng đầy đủ để đạt hiệu quả tốt nhất. Vậy vắc-xin có thể gây hại cho thai nhi không? Hãy cùng tìm câu trả lời qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam.
Vắc-xin có thể gây hại cho thai nhi không?
Một số loại vắc xin an toàn và được khuyến cáo cho phụ nữ trước, trong và sau khi mang thai để bảo vệ mẹ và bé. Các chuyên gia đã xem xét cẩn thận các dữ liệu an toàn sẵn có trước khi đề xuất những vắc-xin này trong thai kỳ. Các kháng thể mà người mẹ phát triển để đáp ứng với các loại vắc-xin này có thể truyền qua nhau thai và giúp bảo vệ trẻ trong giai đoạn đầu đời. Tiêm phòng trong thời kỳ mang thai cũng giúp bảo vệ mẹ khỏi các bệnh nguy hiểm, không truyền bệnh cho con.1 2
Câu trả lời cho việc vắc-xin có thể gây hại cho thai nhi không? sẽ là không nếu là vắc-xin được khuyến cáo. Tuy nhiên, vắc-xin cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào, có thể có tác dụng phụ. CDC liên tục theo dõi tính an toàn của vắc-xin. Các tác dụng phụ phổ biến nhất thường nhẹ (đỏ, sưng, đau tại vị trí tiêm vắc-xin). Lợi ích của vắc-xin được chứng minh là cao hơn nhiều so với nguy cơ khi mẹ mắc những bệnh này trong thai kỳ gây ra. Một số loại vắc-xin, đặc biệt là vắc-xin sống, không nên tiêm cho phụ nữ mang thai vì chúng có thể gây hại cho em bé.1
Để bảo vệ thai nhi cần tiêm vắc-xin gì trước khi mang thai?
Vắc-xin ngừa sởi – quai bị – rubella (MMR)
Sởi: lây lan do vi-rút trong dịch nhầy mũi họng. Bệnh sởi có các dấu hiệu và triệu chứng như: sốt, ho khan, sổ mũi, đau họng, chảy máu cam,… Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não và viêm màng não, viêm niêm mạc miệng, tiêu chảy,…3
Bệnh quai bị: lây lan bởi vi-rút qua đường hô hấp. Bệnh bắt đầu với sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn; sưng tuyến nước bọt, sưng má và hàm. Đôi khi có biến chứng như điếc; viêm màng não, phù não, sưng tinh hoàn, buồng trứng, vú.4
Bệnh rubella: truyền nhiễm do vi-rút. Bệnh gây phát ban, sốt, mệt mỏi, đau khớp,… Rubella có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai nhi nếu mẹ nhiễm bệnh khi đang mang thai.5
Trước khi mang thai, bạn nên kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể. Nếu chưa có miễn dịch, hãy hoàn thành việc tiêm phòng trước khi có thai 3 tháng. Đây là những vắc-xin sống giảm độc lực, không tiêm trong thời kỳ mang thai.6
Vắc-xin ngừa thủy đậu
Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan, gây hại cho cả mẹ và thai nhi. Cần đánh giá khả năng miễn dịch của mẹ trước khi mang thai.
Phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm 2 mũi vắc-xin phòng thủy đậu, có thể sử dụng:7
- Vắc-xin Varivax với 2 liều cách nhau ít nhất 1 tháng.
- Vắc-xin Varilrix với 2 liều cách nhau ít nhất 1 tháng.
Phụ nữ sau khi tiêm vắc-xin phòng thủy đậu cần tránh thai tốt nhất là 3 tháng để không gây hại cho thai nhi. Và không được tiêm vắc-xin khi đã có thai.6
Vắc-xin có tác dụng phòng bệnh trung bình 15 năm. Sau thời gian này, có thể đi tiêm phòng mũi tăng cường để phòng bệnh hiệu quả.6
Vắc xin ngừa HPV8
Vắc-xin ngừa vi-rút u nhú HPV giúp ngăn ngừa hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung cũng như các ung thư liên quan và mụn cóc sinh dục.
Vắc-xin ngừa HPV là một phần của lịch tiêm chủng được khuyến nghị cho nữ giới từ 9-26 tuổi. Không tiêm trong thời kỳ mang thai.
Vắc-xin ngừa viêm gan B9
Viêm gan B do vi-rút viêm gan B (HBV) gây ra, có thể gây bệnh gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan. Thai nhi bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ, có 50% số trẻ bị viêm gan mãn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.
Nếu chưa từng tiêm vắc-xin hoặc không chắc chắn, cả hai vợ chồng cần đi xét nghiệm. Nếu có nguy cơ cao bị phơi nhiễm, bạn nên tiêm ngừa 3 mũi viêm gan B trước khi mang thai. Nếu không kịp chủng ngừa đủ 3 mũi hoặc chưa được tiêm vắc xin ngừa viêm gan B trước khi mang thai, phụ nữ vẫn có thể tiêm phòng trong khi mang thai.
Vắc xin ngừa cúm
Phụ nữ mang thai dễ bị cúm nặng và biến chứng do cúm. Cúm là nguy cơ khiến em bé dễ sinh nhẹ cân, sinh non, thai chết lưu, nhất là khi mắc cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ.10
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm khi mang thai là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và em bé trong vài tháng sau khi sinh khỏi các biến chứng liên quan đến bệnh cúm.2
Phụ nữ có thể tiêm ngừa cúm trước khi mang thai, vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, để miễn dịch kéo dài suốt thai kỳ cho mẹ và bé, nên tiêm vắc-xin cúm trước khi có thai 1 tháng.6 10
Mặc dù các mùa cúm khác nhau về thời gian, CDC khuyến cáo nên tiêm phòng vào cuối tháng 10, nếu có thể. Tuy nhiên, việc chủng ngừa muộn hơn trong mùa cúm vẫn có thể có lợi.2
Trong quá trình mang thai nên tiêm vắc-xin gì?
Vắc-xin ngừa uốn ván – bạch hầu – ho gà (Tdap)
Uốn ván: do vi khuẩn xâm nhập qua vết thương. Độc tố vi khuẩn gây co giật, cứng cơ kèm theo đau. Bệnh có thể gây tử vong, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.11
Bạch hầu: là bệnh do vi khuẩn lây lan qua ho, hắt hơi. Bệnh có thể gây khó thở, suy tim, tê liệt, thậm chí tử vong.12
Ho gà: là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan. Bệnh nguy hiểm do các biến chứng nặng của viêm phổi và viêm não; có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ sơ sinh.13
Tiêm vắc-xin ngừa uốn ván, bạch hầu và ho gà cho mẹ bầu sẽ bảo vệ bé theo 2 cách. Thứ nhất, cơ thể mẹ tạo kháng thể chống lại ho gà và truyền kháng thể bảo vệ ngắn hạn cho trẻ. Thứ hai, mẹ được bảo vệ sẽ không lây bệnh sang con.
Một số vắc-xin cần cân nhắc
Một số bệnh có thể cần được chủng ngừa theo chỉ định nếu bạn có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh (như viêm gan A; haemophilus influenzae tuýp B; viêm não mô cầu B, phế cầu khuẩn…).
Thời gian tiêm phòng thích hợp nhất
Lịch tiêm trước khi mang thai
Bện cạnh vấn đề vắc-xin có thể gây hại cho thai nhi không? Bạn cần biết lịch tiêm đúng để đảm bảo tác dụng và an toàn của vắc-xin. Nữ giới cần được xét nghiệm kiểm tra miễn dịch. Nếu chưa có kháng thể, cần tiêm phòng đủ các vắc-xin trước mang thai tốt nhất là 3 tháng và ít nhất 1 tháng, bao gồm:6 8
- Mũi tiêm sởi – quai bị – rubella: tốt nhất nên tiêm 1 mũi trước khi có thai 3 tháng. Không tiêm khi biết có thai.
- Tiêm thủy đậu: tiêm 2 mũi trước mang thai ít nhất tháng nếu chưa có miễn dịch. Không tiêm khi biết có thai.
- Tiêm phòng HPV: tốt nhất trước 26 tuổi với 3 mũi. Mũi 2 cách mũi đầu 2 tháng, mũi 3 cách mũi đầu 6 tháng.
- Tiêm phòng viêm gan B: có thể tiêm trước hoặc trong thai kỳ, tốt nhất là trước khi có thai. Tiêm 3 mũi, mũi 2 cách mũi đầu 1 tháng, mũi 3 cách mũi đầu 6 tháng.
- Cúm: tiêm 1 mũi vắc-xin mỗi năm/lần. Đây là vắc-xin tiêm bất kỳ thời điểm, nhưng tốt nhất tránh 3 tháng đầu thai kỳ.
Lịch tiêm trong khi mang thai
Mũi tiêm uốn ván – bạch hầu – ho gà:6
- Tiêm 1 mũi Adacel hoặc Boostrix.
- Nên tiêm nhắc lại sau 10 năm.
Nếu mẹ bầu chưa hoàn thành lịch tiêm ngừa cúm, viêm gan B trước mang thai: có thể tiêm bổ sung trong khi mang thai (loại vắc-xin cúm bất hoạt).14
Riêng HPV, nếu có thai thì phải dừng tiêm và tiếp tục tiêm sau sinh.8
Khi mang thai lần thứ 2, mẹ bầu cần lưu ý tiêm nhắc một số loại vắc-xin chỉ có hiệu lực trong vòng vài năm.15
Một số lưu ý khi tiêm phòng
Với các mũi tiêm phòng đặc biệt là tiêm phòng uốn ván, có thể gặp các triệu chứng sốt nhẹ sau tiêm và sưng đau vị trí tiêm. Vắc-xin phòng cúm có thể gây đau, đỏ, sưng tại chỗ tiêm, đau đầu, sốt, mệt mỏi,… Những hiện tượng đa phần là bình thường và sẽ giảm sau vài ngày.16
Bạn có thể tham khảo một vài cách hạ sốt sau:
- Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và sưng. Tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm.
- Bổ sung trái cây, rau xanh giàu vitamin.
- Không tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định bác sĩ.
- Nếu bị sốt cao, kéo dài trên 3-4 ngày, mệt mỏi, ngủ li bì, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý để giảm sự khó chịu do các triệu chứng giả cúm gây hắt hơi, chảy mũi.
Sức khỏe và sự an toàn của mẹ bầu và thai nhi rất cần được quan tâm. Tiêm phòng là biện pháp hiệu quả giúp bảo vệ mẹ và bé. Trên đây là những thông tin tham khảo cho câu hỏi vắc-xin có thể gây hại cho thai nhi không? Bạn hãy lựa chọn dịch vụ tiêm chủng tại các bệnh viện và trung tâm tiêm ngừa uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vaccines and Pregnancy: 8 Things You Need to Knowhttps://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/pregnant-women/need-to-know.html
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Vaccines During Pregnancy FAQshttps://www.cdc.gov/vaccinesafety/concerns/vaccines-during-pregnancy.html
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
BỆNH SỞI NGUY HIỂM ĐẾN THẾ NÀO?https://vnvc.vn/benh-soi-nguy-hiem-den-nao/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
BỆNH QUAI BỊ: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪAhttps://vnvc.vn/benh-quai-bi-nguyen-nhan-trieu-chung-dieu-tri-va-cach-phong-ngua/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
RUBELLA (SỞI ĐỨC): NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪAhttps://vnvc.vn/rubella-soi-duc-nguyen-nhan-trieu-chung-bien-chung-va-cach-phong-ngua/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
VẮC XIN CẦN TIÊM PHÒNG TRƯỚC KHI MANG THAI: NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶPhttps://vnvc.vn/vac-xin-can-tiem-phong-truoc-khi-mang-thai-nhung-thac-mac-thuong-gap/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
BỊ THỦY ĐẬU KHI MANG THAI NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?https://vnvc.vn/phu-nu-mang-thai-ma-bi-thuy-dau-la-mot-tham-hoa/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
TIÊM PHÒNG UNG THƯ CỔ TỬ CUNG (HPV) GIÁ BAO NHIÊU VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾThttps://vnvc.vn/tiem-phong-ung-thu-co-tu-cung-hpv-nhung-dieu-can-biet/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
CÓ TIÊM PHÒNG VIÊM GAN B KHI MANG THAI ĐƯỢC KHÔNG?https://vnvc.vn/co-tiem-phong-viem-gan-b-khi-mang-thai-duoc-khong/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
TIÊM PHÒNG CÚM TRƯỚC KHI MANG THAI BAO LÂU? Ở ĐÂU, GIÁ BAO NHIÊU?https://vnvc.vn/tiem-phong-cum-truoc-khi-mang-thai/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, GIÁ TIÊM PHÒNG UỐN VÁN CHO BÀ BẦUhttps://vnvc.vn/thoi-gian-dia-diem-gia-tiem-phong-uon-van-cho-ba-bau/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Diphtheriahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diphtheria/symptoms-causes/syc-20351897
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Whooping coughhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/whooping-cough/symptoms-causes/syc-20378973
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
4 LÝ DO NÊN TIÊM PHÒNG TRƯỚC KHI MANG THAIhttps://vnvc.vn/4-ly-nen-tiem-phong-truoc-khi-mang-thai/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
LỊCH TIÊM PHÒNG CHO BÀ BẦU MANG THAI LẦN ĐẦU VÀ LẦN 2 CÓ KHÁC NHAU?https://vnvc.vn/lich-tiem-phong-cho-ba-bau-mang-thai-lan-dau-va-lan-2-co-khac-nhau/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT SAU KHI TIÊM CHỦNGhttps://vnvc.vn/nhung-dieu-can-biet-sau-khi-tiem-chung/
Ngày tham khảo: 15/10/2022