Vai trò nền tảng của theo dõi đường huyết tại nhà trong chăm sóc bệnh đái tháo đường
Tìm hiểu về Chính sách quảng cáo để hiểu rõ hơn cách chúng tôi duy trì sự phân biệt rõ ràng giữa nội dung được tài trợ, nội dung quảng cáo và nội dung do đội ngũ YouMed biên tập.
Nội dung bài viết
Theo dõi đường huyết tại nhà là bước nền tảng giúp cho việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường được thực hiện tốt. Vậy, người bệnh có thể theo dõi đường huyết tại nhà bằng thiết bị nào? Nếu kết quả theo dõi cho thấy đường huyết tăng/giảm quá mức thì cần phải làm gì? Để giúp người bệnh đái tháo đường hiểu rõ những vấn đề trên, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã kết hợp cùng Roche Diabetes Care Việt Nam thực hiện chuỗi tư vấn trực tuyến Trọn Vui Sống Cùng Đái Tháo Đường, với số phát sóng thứ hai có chủ đề Theo dõi đường huyết tại nhà – Vai trò nền tảng trong chăm sóc bệnh đái tháo đường.
Lợi ích của việc theo dõi đường huyết tại nhà
Việc theo dõi đường huyết tại nhà có thể giúp người bệnh:
- Biết được mối liên quan giữa thuốc điều trị, chế độ ăn uống, luyện tập và sự biến đổi của đường huyết. Từ đó, chủ động điều chỉnh lại chế độ ăn uống, luyện tập để đường huyết ổn định hơn. Bác sĩ cũng dựa vào kết quả theo dõi đường huyết để điều chỉnh liệu trình cho bệnh nhân đái tháo đường. Từ đó nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị.
- Giúp người chăm bệnh phát hiện kịp thời những biến chứng cấp tính trong trường hợp đường huyết tăng cao hoặc hạ thấp.
- Việc biết được kết quả đường huyết cũng tạo động lực cho bệnh nhân trong quá trình điều trị đái tháo đường.
- Ngoài ra, đã có nghiên cứu chứng minh việc theo dõi đường huyết tại nhà giúp bệnh nhân tăng khả năng đạt được mức đường huyết mục tiêu. Cụ thể, theo dõi đường huyết 2 lần/ngày trở lên thì khả năng đạt được mức HbA1c mục tiêu sẽ cao hơn với những người không theo dõi đường huyết.1
Ngược lại, việc kém tuân thủ theo dõi đường huyết tại nhà có thể gây ra:
- Tăng nguy cơ đường huyết biến động quá cao hoặc quá thấp.
- Khó phát hiện các cơn tăng/hạ đường, dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như hôn mê, hay thậm chí tử vong.
- Không thể cung cấp chỉ số đường huyết cụ thể cho bác sĩ. Điều này dẫn đến bác sĩ khó kiểm soát liệu trình điều trị của bệnh nhân.
- Khả năng đạt được mức đường huyết mục tiêu cũng thấp hơn khi không theo dõi đường huyết tại nhà.
Các loại thiết bị theo dõi đường huyết tại nhà
Hiện tại, thị trường Việt Nam phổ biến 2 loại máy theo dõi đường huyết: máy theo dõi đường huyết mao mạch và máy theo dõi đường huyết liên tục.
1. Máy theo dõi đường huyết mao mạch
Máy theo dõi đường huyết mao mạch là một thiết bị giúp đo đường huyết mao mạch tại thời điểm thực hiện đo.
Máy thường gồm các bộ phận sau:
- Thân máy: giúp phân tích kết quả đường huyết.
- Que thử máu: khi sử dụng, que được gắn vào thân máy. Người bệnh sẽ đưa lượng máu được trích vào que, đợi 5 – 10 giây để máy cho ra kết quả. Mỗi lần đo sử dụng 1 que. Lưu ý, trên hộp que thử máu luôn có hạn sử dụng. Khi chọn mua, người bệnh cần xem kỹ hạn sử dụng và chỉ nên mua sản phẩm còn nguyên, chưa mở nắp.
- Dụng cụ lấy máu và kim lấy máu: kim sẽ được gắn vào dụng cụ, dùng để lấy máu, thường là ở phần đầu ngón tay. Người bệnh nên lấy máu ở bên hông, phía đầu ngón tay sẽ giảm cảm giác đau so với lấy máu ở đỉnh đầu ngón tay.
- Bông gạc tẩm cồn (alcohol pad): dùng để khử trùng vị trí lấy máu trước khi đo. Lưu ý, sau khi khử trùng cần chờ vị trí lấy máu khô hẳn mới tiến hành trích máu, để tránh kết quả bị sai lệch.
Máy theo dõi đường huyết mao mạch có những ưu/khuyết điểm sau:
- Ưu điểm: Phản ánh chính xác chỉ số đường huyết hiện tại của bệnh nhân, giá thành rẻ; thao tác đơn giản; cho kết quả nhanh chóng.
- Khuyết điểm: Không phản ánh được bức tranh toàn diện về đường huyết của bệnh nhân; không cảnh báo được xu hướng tăng cao hoặc hạ thấp đường huyết.
2. Máy theo dõi đường huyết liên tục
Đây là thiết bị sử dụng cảm biến (sensor) gắn vào cơ thể người bệnh (thường là ở vai hoặc ở bụng) để đo đường huyết trong dịch mô kẽ.
Khi lưu thông trong cơ thể, máu sẽ từ tĩnh mạch đi qua mao mạch. Sau đó, một phần glucose trong máu sẽ thấm đến dịch mô kẽ. Do đó, nếu sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục thì kết quả người bệnh nhận được sẽ chậm hơn 5 – 15 phút so với đường huyết thật sự, vì glucose cần thời gian để thấm từ mao mạch đến dịch kẽ.
Máy theo dõi đường huyết liên tục có thể cung cấp bức tranh toàn diện về sự dao động đường huyết trong ngày của bệnh nhân. Tuy nhiên, thiết bị này lại có một số khuyết điểm sau:
- Giá thành cao hơn máy theo dõi đường huyết mao mạch.
- Kết quả đo được thường trễ so với đường huyết thật và có thể không chính xác khi đường huyết thay đổi nhanh.
- Thao tác sử dụng phức tạp hơn, bệnh nhân cần thời gian để làm quen với thiết bị.
- Người bệnh và bác sĩ phải tương tác nhiều để đạt được hiệu quả tối ưu.
- Phải thay sensor mỗi 7 – 14 ngày/lần, tùy theo dòng máy.
- Việc gắn thiết bị lên cơ thể có thể khiến bệnh nhân không thoải mái. Trường hợp da người bệnh nhạy cảm thì sẽ dễ gây kích ứng ở vị trí gắn thiết bị.
Lưu ý khi lựa chọn máy đo đường huyết
Người bệnh có thể tham khảo một số tiêu chí sau đây khi lựa chọn máy đo đường huyết:
- Độ chính xác của máy: độ chính xác của máy theo dõi đường huyết mao mạch phải có sai số ±15% theo tiêu chuẩn ISO 15197:2013.2
- Thao tác sử dụng máy có dễ dàng không? Thời gian cho kết quả có nhanh không? Đọc kết quả có dễ không?
- Que thử máu (ở máy đo mao mạch) có dễ lấy máu không? Vì que thử máu chỉ sử dụng 1 lần, nếu que lấy máu khó sử dụng, không lấy được máu sẽ gây lãng phí, làm tăng chi phí cho người sử dụng.
- Thời hạn sử dụng que thử máu. Cần xem kỹ thời hạn sử dụng của que thử máu. Đặc biệt, nếu hộp que đã bị mở thì không nên mua và sử dụng. Vì đa số các dòng máy quy định thời hạn sử dụng que không quá 3 tháng sau khi đã mở hộp, dù vẫn còn hạn dùng.
- Nguồn gốc của thiết bị, chế độ bảo hành, hậu mãi.
- Chăm sóc khách hàng khi có các vấn đề, sửa chữa phát sinh.
Chỉ số đường huyết mục tiêu
Mục tiêu đường huyết của mỗi người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Do đó, bác sĩ thường cá thể hóa mục tiêu kiểm soát đường huyết theo độ tuổi, tình trạng mang thai, các bệnh đồng mắc quan trọng, nguy cơ hạ đường huyết, kỳ vọng sống,…
Nhìn chung, mức đường huyết cho những người trưởng thành, không mang thai như sau:3 4
- Chỉ số đường huyết lúc đói (nhịn ăn đủ 8 tiếng và không quá 14 tiếng trước khi đo): mức mục tiêu dao động từ 70 – 130 mg/dL.
- Chỉ số đường huyết sau ăn (từ lúc bắt đầu ăn cho đến lúc thử đường huyết là 2 giờ): đường huyết dưới 180 mg/dL được xem là chỉ số bình thường.
- Chỉ số đường huyết trước khi ngủ: mức mục tiêu dao động từ 90 đến 150 mg/dL.
- Chỉ số đường huyết trước khi vận động, tập luyện: 100 – 250 mg/dL là mức đường huyết mục tiêu trước khi vận động, tập luyện.
Cần lưu ý, trường hợp đường huyết dưới 100 mg/dL trước khi vận động thì người bệnh có thể ăn nhẹ trước tập, để tránh tình trạng tập luyện tiêu hao năng lượng, làm đường huyết hạ thấp. Ngược lại, nếu chỉ số đường huyết trước tập trên 250 mg/dL và có các triệu chứng mất bù (mệt mỏi, uống nước nhiều, tiểu nhiều), thì người bệnh nên trì hoãn việc tập luyện đến khi điều chỉnh đường huyết ổn định.4
Nên theo dõi đường huyết vào thời điểm nào?
Tần suất và thời điểm đo đường huyết phụ thuộc vào nhiều yếu tố:5
- Bệnh nhân đang điều trị với liệu trình nào, thuốc nào?
- Điều kiện, khả năng của bệnh nhân.
- Ý thức, ý muốn theo dõi đường huyết của bệnh nhân.
Với người bệnh điều trị bằng insulin nhiều lần trong ngày (tiêm 2 – 4 lần/ngày) thì việc theo dõi đường huyết cần được theo dõi nghiêm ngặt:6
- Theo dõi đường huyết trước các bữa ăn chính/phụ trong ngày.
- Theo dõi đường huyết 2 giờ sau các bữa ăn chính.
- Theo dõi đường huyết trước và sau khi tập luyện thể thao.
- Theo dõi đường huyết trước khi đi ngủ.
- Theo dõi đường huyết khi nhận thấy các dấu hiệu của tình trạng tăng/hạ đường huyết. Đặc biệt, trường hợp hạ đường huyết thì cần theo dõi cẩn thận trong 2 ngày tiếp theo, để xem tình trạng hạ đường huyết còn diễn ra hay không và đưa ra phương án trị liệu phù hợp.
Với người bệnh điều trị bằng insulin ít lần trong ngày (tiêm insulin 1 lần/ngày, kết hợp với thuốc uống):6
- Theo dõi ít nhất là đường huyết lúc đói để có thể chỉnh liều insulin nền. Đường huyết đói càng cao thì cần tăng liều insulin nền.
- Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì người bệnh vẫn nên theo dõi đường huyết sau ăn.
Với người bệnh vừa thay đổi liệu trình trị liệu, hoặc vừa chỉnh liều thuốc: nên theo dõi đường huyết 1 – 2 ngày/lần. Khi đường huyết đã ổn định, tần suất có thể ít hơn, khoảng 5 – 7 ngày/lần.7
Cần làm gì khi chỉ số đường huyết biến động?
Đường huyết tăng cao hoặc hạ thấp đều là các biến chứng cấp tính của đái tháo đường.
1. Trường hợp đường huyết hạ thấp
Đường huyết dưới 70 mg/dL được xem là thấp. Khi này, người bệnh thường mệt mỏi, hồi hộp, tim đập nhanh, tay chân run, đổ mồ hôi nhiều, nghiêm trọng có thể hôn mê. Khi gặp các triệu chứng trên, bệnh nhân cần bổ sung thực phẩm ngay, nên dùng các thực phẩm ngọt như kẹo, sữa có đường, nước đường,…3
Sau khi triệu chứng giảm, người bệnh vẫn cần tiếp tục theo dõi đường huyết. Từ 1 đến 2 ngày tiếp theo, người bệnh cần ăn nhiều hơn để phòng ngừa trường hợp hạ đường huyết. Đối với bệnh nhân cao tuổi, ngủ 1 mình, người chăm bệnh cũng cần theo dõi bệnh nhân để tránh tình trạng hạ đường huyết trong đêm.
Khi đường huyết đã ổn định, cần tìm ra nguyên nhân khiến đường huyết bị hạ thấp (do sử dụng sai liều thuốc, ăn uống kém,…) và liên hệ bác sĩ để được tư vấn.
Hạ đường huyết là tình trạng nguy hiểm. Trong vòng vài phút, nếu không cấp cứu kịp, người bệnh có thể bị tổn thương não, dẫn đến sống thực vật sau đó hoặc thậm chí tử vong.3
2. Tình trạng đường huyết tăng cao
Chỉ số đường huyết trên 250 mg/dL, đặc biệt trên 500 mg/dL được xem là đường huyết tăng cao. Mệt mỏi, khát nước nhiều, uống nước nhiều, tiểu nhiều,… là những triệu chứng thường gặp khi đường cao.8
Khi gặp các dấu hiệu này, người bệnh cần uống nhiều nước.8 Đặc biệt, khi bệnh nhân có trạng thái lơ mơ, rối loạn tri giác thì cần được đưa đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu ngay. Cũng lưu ý rằng, khi rối loạn tri giác thì không nên cho bệnh nhân ăn, có thể gây tử vong do sặc.
Sau khi chỉ số đường huyết đã trở về mức ổn định, người bệnh cần xem lại chế độ trị liệu để tìm ra nguyên nhân gây tăng đường huyết.
Trên đây là những thông tin đã được bác sĩ chuyên khoa chia sẻ trong buổi tư vấn trực tuyến chủ đề Theo dõi đường huyết tại nhà – Vai trò nền tảng trong chăm sóc bệnh đái tháo đường. Bạn đọc và gia đình có thể xem lại chương trình tại đây để cùng nghe tư vấn cụ thể từ bác sĩ nhé!
Việc theo dõi đường huyết tại nhà và ghi chú lại kết quả giúp bệnh nhân nhận biết mối quan hệ giữa chế độ ăn uống, tập luyện và sự biến đổi của đường huyết. Kết quả theo dõi đường huyết tại nhà cũng hỗ trợ bác sĩ đưa ra trị liệu phù hợp cho người bệnh, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Từ đó, phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Impact of initial active engagement in self-monitoring with a telemonitoring device on glycemic control among patients with type 2 diabeteshttps://www.nature.com/articles/s41598-017-03842-2
Ngày tham khảo: 27/07/2023
-
ISO Standards for Blood Glucose Metershttps://www.diabetes.co.uk/blood-glucose-meters/iso-accuracy-standards.html
Ngày tham khảo: 27/07/2023
-
Glycemic Targets: Standards of Medical Care in Diabetes—2022https://diabetesjournals.org/care/article/45/Supplement_1/S83/138927/6-Glycemic-Targets-Standards-of-Medical-Care-in
Ngày tham khảo: 27/07/2023
-
Diabetes and exercise: When to monitor your blood sugarhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-and-exercise/art-20045697
Ngày tham khảo: 27/07/2023
-
Self-Monitoring of Blood Glucose: The Basicshttps://diabetesjournals.org/clinical/article/20/1/45/746/Self-Monitoring-of-Blood-Glucose-The-Basics
Ngày tham khảo: 27/07/2023
-
Diabetes Technology: Standards of Care in Diabetes—2023https://diabetesjournals.org/care/article/46/Supplement_1/S111/148041/7-Diabetes-Technology-Standards-of-Care-in
Ngày tham khảo: 27/07/2023
-
Self-Monitoring of Blood Glucose (SMBG)https://guidelines.diabetes.ca/docs/resources/self-monitoring-blood-glucose-recommendation-tool.pdf
Ngày tham khảo: 27/07/2023
-
Diabetic Ketoacidosishttps://www.cdc.gov/diabetes/basics/diabetic-ketoacidosis.html
Ngày tham khảo: 27/07/2023