YouMed

Triệu chứng và cách phòng ngừa viêm bàng quang khi mang thai

Bác sĩ Trần Lê Dung
Tác giả: Bác sĩ Trần Lê Dung
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Viêm bàng quang là một vấn đề thường gặp, nhất là ở nữ giới. Vậy, viêm bàng quang ở phụ nữ mang thai có triệu chứng gì? Có biện pháp nào để phòng ngừa bệnh lý này cho các mẹ bầu không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của Bác sĩ Trần Lê Dung nhé!

Nguyên nhân gây viêm bàng quang khi mang thai

Viêm bàng quang là trạng thái nhiễm khuẩn tại bàng quang, do vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể) gây ra.

Phụ nữ có xu hướng bị viêm bàng quang thường xuyên hơn nam giới vì niệu đạo của phái nữ ngắn và gần với hậu môn hơn.1 Điều đó có nghĩa là vi khuẩn di chuyển lên bàng quang dễ dàng hơn.

Tỷ lệ viêm bàng quang lại phổ biến hơn đối với phụ nữ có thai. Có một số lý do giải thích cho điều này, bao gồm:

  • Hormone thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng của vi khuẩn trong môi trường âm đạo. Như chúng ta đã biết, âm đạo luôn tồn tại một quần thể vi khuẩn có lợi để bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn lạ. Khi mang thai, hormone thay đổi sẽ làm thay đổi môi trường sinh sống của quần thể khuẩn hệ này như độ pH, glucose,… Khi đó vi khuẩn tại đây có thể bị biến đổi làm suy yếu cơ chế bảo vệ dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm khuẩn từ bên ngoài.
  • Thận của phụ nữ mang thai thường sẽ lớn hơn người bình thường do lượng máu phải lọc gia tăng theo tuổi thai, dẫn đến tăng lượng nước tiểu và thường gặp tình trạng thận ứ nước hơn ở người bình thường (thận ứ nước là tình trạng thuận lợi để vi khuẩn phát triển).
  • Hormone thai kỳ làm thư giãn cơ trơn tại bể thận, niệu quản, bàng quang, từ đó làm nước tiểu di chuyển chậm hơn người bình thường, dẫn đến tình trạng ứ đọng nước tiểu vốn dĩ là tình trạng thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
  • Tử cung tăng kích thước theo tuổi thai sẽ đẩy bàng quang lên trên và ra trước. Bàng quang trở nên sung huyết và có thể bị tắc nghẽn khi quan sát bằng máy nội soi. Sự kích thích của estrogen có thể gây dày thành bàng quang, cũng như những thay đổi khác ở niệu đạo tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn bám dính và phát triển.
  • Hơn nữa, nước tiểu của phụ nữ mang thai trở nên cô đặc hơn. Nó chứa một số loại hormone và đường. Những thứ này có thể khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn và làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn “xấu” đang cố xâm nhập.

Triệu chứng viêm bàng quang khi mang thai

Các triệu chứng của viêm bàng quang bao gồm:2

  • Đau, rát hoặc châm chích khi đi tiểu.
  • Đi tiểu thường xuyên và gấp hơn bình thường.
  • Nước tiểu có màu sẫm hoặc có mùi nồng.
  • Nước tiểu có máu.
  • Đau vùng bụng dưới.
  • Nói chung là cảm thấy khó chịu – bao gồm ốm yếu, mệt mỏi và đau nhức.
  • Đôi khi, thai phụ cũng có thể sốt.
Viêm bàng quang khi mang thai có thể làm mẹ bầu đi tiểu nhiều lần, tiểu ra máu, đau bụng dưới,...
Viêm bàng quang khi mang thai có thể làm mẹ bầu đi tiểu nhiều lần, tiểu ra máu, đau bụng dưới,…

Viêm bàng quang khi mang thai có thể dẫn đến biến chứng nào?

Bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào trong thai kỳ đều có thể cực kỳ nguy hiểm cho mẹ và em bé. Đó là bởi vì nhiễm trùng làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm.

Bệnh có thể diễn tiến nặng hơn nếu không được chẩn đoán, chẳng hạn gây viêm thận – bể thận. Viêm thận – bể thận có thể là căn bệnh đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. Các biến chứng nguy hiểm khác có thể kể đến như: thai phụ bị nhiễm khuẩn huyết, suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp, tổn thương thận cấp; thai nhi yếu và dễ bị sinh non.

Khi các mẹ bầu phát hiện ra các triệu chứng bất thường, hãy đến bác sĩ thăm khám kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị viêm bàng quang khi mang thai

Với phụ nữ đang mang thai, việc điều trị bằng kháng sinh thường được chỉ định, cho dù người bệnh có triệu chứng hay không.

Việc điều trị cho mẹ bầu bị viêm bàng quang cấp tính được bắt đầu từ trước khi có kết quả nuôi cấy. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh tương tự việc điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu không triệu chứng. Chủ yếu tập trung điều trị vào các mầm bệnh thông thường. Sau khi có kết quả cấy vi khuẩn, xác định được vi khuẩn và độ nhạy cảm, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh an toàn cho thai kỳ nhưng vẫn hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể.3

Thời gian điều trị viêm bàng quang ở phụ nữ mang thai thường kéo dài hơn so với nữ giới không mang thai. Thông thường, liệu trình điều trị viêm bàng quang ở nữ giới thường kéo dài 3 ngày. Khi mang thai, các mẹ bầu sẽ cần khoảng 7 đến 10 ngày để chữa khỏi viêm bàng quang. Điều trị ngắn ngày ở mẹ bầu có thể gây tái phát cao hoặc dẫn đến biến chứng.3

Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm bàng quang ở các mẹ bầu
Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm bàng quang ở các mẹ bầu

Phòng ngừa chứng viêm bàng quang ở thai phụ

Các mẹ bầu có thể ngăn ngừa viêm bàng quang khi mang thai bằng cách:2

  • Đừng nhịn đi vệ sinh và hãy cố gắng làm trống bàng quang càng nhiều càng tốt.
  • Sau khi đi vệ sinh, hãy lau từ trước ra sau.
  • Giữ vùng kín sạch sẽ! Nhưng tránh tắm lâu, tránh thụt rửa và tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm hoặc sát trùng.
  • Tránh bất kỳ loại xà phòng mạnh hoặc sữa tắm nào ở vùng sinh dục.
  • Uống nhiều nước và ăn thực phẩm ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu: việt quất, măng tây, cần tây, dưa chuột hoặc , táo, chuối,…4
  • Ngoài ra, nữ giới cũng không nên mặc quần bó quá sát.
Thai phụ nên uống nhiều nước, đi tiểu khi có nhu cầu,... để phòng ngừa viêm bàng quang
Thai phụ nên uống nhiều nước, đi tiểu khi có nhu cầu,… để phòng ngừa viêm bàng quang

Thông qua bài viết trên đây, hy vọng bạn đọc biết được các triệu chứng của viêm bàng quang khi mang thai. Đồng thời hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh cũng như cách phòng ngừa hiệu quả. Nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị viêm bàng quang khi mang thai, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị viêm bàng quang càng sớm càng tốt.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Cystitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482435/

    Ngày tham khảo: 14/03/2023

  2. Cystitishttps://www.nhs.uk/conditions/cystitis/

    Ngày tham khảo: 14/03/2023

  3. Urinary Tract Infections During Pregnancyhttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2000/0201/p713.html

    Ngày tham khảo: 14/03/2023

  4. Effect of Diet on Interstitial Cystitishttps://www.urologyhealth.org/healthy-living/urologyhealth-extra/magazine-archives/summer-2016/effect-of-diet-on-interstitial-cystitis

    Ngày tham khảo: 14/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người