YouMed

Viêm da dị ứng thời tiết là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

BS Lê Thị Kiều Nhi
Tác giả: Bác sĩ Lê Thị Kiều Nhi
Chuyên khoa: Miễn dịch - Dị ứng

Từ lâu da dẻ đã không còn là mối quan tâm của riêng các chị em phụ nữ tuổi đôi mươi, mà kể cả nam giới, người già, thậm chí cả trẻ em, các vấn đề về da luôn là nỗi lo âu lớn. Cùng với các giai đoạn trong cuộc đời, theo tính chất môi trường, nghề nghiệp và chế độ ăn uống, chúng ta thường mắc phải các bệnh lý da khác nhau. Trong bài viết này, hãy cùng Bác Sĩ Lê Thị Kiều Nhi tìm hiểu về một vấn đề về da rất thường gặp đó là “Viêm da dị ứng theo thời tiết”, cũng như làm thế nào để nhận diện, xử trí và phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Viêm da dị ứng thời tiết là gì?

Viêm da dị ứng hay còn gọi là chàm, một tình trạng khiến da của bạn trở nên khô, đỏ, ngứa và nổi mụn nước. Viêm da dị ứng làm hỏng chức năng hàng rào bảo vệ da (“chất keo” trên da). Việc mất chức năng hàng rào này khiến làn da của bạn trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị nhiễm trùng và khô. Bệnh phổ biến như nhau ở cả nam và nữ. Nhưng xuất hiện nhiều ở người có tiền căn gia đình bị hen suyễn, hoặc có tiền sử dị ứng thức ăn, dị ứng với tác nhân trong môi trường.1

Viêm da dị ứng khiến da khô, đỏ, ngứa và nổi mụn nước
Viêm da dị ứng khiến da khô, đỏ, ngứa và nổi mụn nước

Nguyên nhân gây viêm da dị ứng thời tiết

Chúng ta thường tự đặt câu hỏi, nguyên nhân viêm da dị ứng là gì, tại sao tôi bị còn họ thì không?

Thực tế, viêm da dị ứng là do sự kết hợp của quá trình kích hoạt hệ thống miễn dịch, yếu tố di truyền, các tác nhân môi trường và tình trạng căng thẳng, áp lực.1

1. Hệ thống miễn dịch

Nếu bạn bị viêm da cơ địa, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng quá mức với các chất kích thích hoặc chất gây dị ứng. Kết cục là có thể làm da bạn bị viêm.

Yếu tố di truyền. Khả năng bị chàm cao hơn nếu trong gia đình có tiền sử bị viêm da. Và nguy cơ cao hơn nếu có tiền sử bệnh hen suyễn, dị ứng theo thời tiết hoặc thức ăn. Chất gây dị ứng như phấn hoa, lông vật nuôi hoặc thức ăn gây phản ứng dị ứng. Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy có thể có sự thay đổi trong gen kiểm soát một loại protein giúp da khỏe mạnh. Nếu protein đó không duy trì mức độ bình thường, da sẽ dễ bị viêm.

2. Căng thẳng, áp lực

Căng thẳng có thể là nguyên nhân hoặc làm trầm trọng tình trạng viêm da dị ứng. Có dấu hiệu căng thẳng về tinh thần/cảm xúc và dấu hiệu căng thẳng thể chất. Chúng bao gồm:

Dấu hiệu tinh thần/cảm xúc:

  • Trầm cảm.
  • Khó thư giãn, sử dụng rượu bia, thuốc lá hoặc ma túy bất hợp pháp để thư giãn.
  • Suy nghĩ ​​tiêu cực về bản thân.
  • Lo âu.
  • Cảm thấy choáng ngợp.
  • Khó tập trung.
  • Khó chịu, tâm trạng thất thường hoặc nóng nảy.

Dấu hiệu thể chất:

Nguyên nhân gây viêm da dị ứng là sự phối hợp giữa cơ địa, di truyền, yếu tố môi trường.
Nguyên nhân gây viêm da dị ứng là sự phối hợp giữa cơ địa, di truyền, yếu tố môi trường

3. Môi trường sống

Có rất nhiều thứ trong môi trường có thể gây kích ứng da. Điển hình như khói thuốc lá, chất ô nhiễm không khí, xà phòng, len và sản phẩm thuộc da. Độ ẩm thấp (không khí khô) có thể khiến da bị khô và ngứa. Nhiệt độ cao và độ ẩm cao có thể gây đổ mồ hôi. Điều đó có thể làm tình trạng ngứa ngáy tồi tệ hơn.

Triệu chứng viêm da dị ứng thời tiết

Các tác nhân tồn tại trong môi trường và sự thay đổi thời tiết có thể dẫn đến những rối loạn về da. Chúng ta thường nghe cụm từ “Viêm da dị ứng theo thời tiết”.

Biểu hiện phổ biến nhất của viêm da dị ứng thời tiết là ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ. Tiếp theo dần xuất hiện biểu hiện: thô ráp, bong tróc, dễ bị viêm và kích ứng,…

Những dấu hiệu này có thể xuất hiện bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Nhưng thường tập trung ở cánh tay, khuỷu tay, mặt sau đầu gối, vùng má hoặc da đầu.2 Một số người chỉ biểu hiện da đơn giản và thoáng qua như mảng sẩn phù, đỏ ngứa. Chúng xuất hiện và biến mất trong vài tiếng tới 1 ngày. Nhưng một số khác biểu hiện nghiêm trọng hơn. Có thể dẫn tới sốc phản vệ nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Tác nhân gây viêm da dị ứng thời tiết

Các tác nhân gây viêm da dị ứng theo thời tiết có thể gặp như:

  • Phấn hoa: dị nguyên thường gặp nhất.
  • Con mạt nhà (thuộc họ nhện, kích thước rất nhỏ, khoảng 1/2 – 1/4 mm nên khó nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng thường sống trong giường chiếu, chăn nệm. Đặc biệt là những nơi vệ sinh kém hoặc ở những nơi sống tập thể).3
  • Da động vật, đặc biệt là da cũ.
  • Nước bọt của chó mèo.
  • Nấm mốc.
  • Nhiệt độ thay đổi đột ngột, quá khô lạnh, hoặc quá nóng ẩm cũng làm nặng hơn tình trạng viêm da.

Viêm da dị ứng theo thời tiết gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và gây tâm lý tự ti, lo âu. Nên gặp bác sĩ da liễu để điều trị kịp thời nếu xuất hiện các triệu chứng này.

Chẩn đoán viêm da dị ứng theo thời tiết

Không phải là một vấn đề khó khăn để chẩn đoán viêm da dị ứng thời tiết. Bác sĩ dựa trên khai thác bệnh sử, tiền căn, triệu chứng và xem xét vùng da thương tổn để đưa ra chẩn đoán. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm để tìm dị nguyên thực sự. Từ đó đưa ra kế hoạch điều trị và phòng ngừa tốt nhất.

Xét nghiệm dị ứng có thể bao gồm xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu.

Xét nghiệm da

Các xét nghiệm da thường được sử dụng để xác định chất gây dị ứng tiềm ẩn. Bao gồm dị nguyên trong không khí, thức ăn và dị nguyên tiếp xúc. Các hình thức test da thường gặp là test lẫy da, test nội bì và test áp bì.

1. Test lẫy da (Prick test)

Là phương pháp phổ biến nhất tìm ra dị nguyên gây tình trạng viêm da. Xét nghiệm này không gây đau đớn, xâm lấn ít và độ chính xác nhất định. Khi thực hiện sẽ bôi chất gây dị ứng lên vùng da có biểu hiện viêm. Sau đó châm nhẹ vào da để chất gây dị ứng thấm xuống bề mặt da. Cuối cùng là chờ xem cơ thể phản ứng với từng chất như thế nào.

Nếu dị ứng với chất đang thử nghiệm, vùng da đó sẽ xuất hiện đỏ, ngứa và kích ứng sau 15 – 30 phút. Không những vậy, da có thể xuất hiện các vết hằn đỏ nổi lên. Hiện tượng này được gọi là sẩn phù cho thấy phản ứng dị ứng đang xảy ra. Test lẫy da là phương pháp an toàn, hiệu quả để xác định tác nhân đang gây ra triệu chứng.4

2. Test nội bì (Intradermal skin test)

Nếu test lẫy da không cho ra kết luận, có thể thực hiện tiếp test nội bì (test trong da). Xét nghiệm này yêu cầu tiêm một lượng nhỏ dị nguyên vào lớp hạ bì của da. Sau đó theo dõi phản ứng trên da của bạn.

3. Test áp bì (Path test)

Một hình thức kiểm tra da khác là test áp bì. Sử dụng các miếng dán có chứa chất nghi ngờ gây dị ứng. Sau đó dán các miếng dán lên da. Việc làm này nhằm đánh giá trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc viêm da cơ địa.

Test áp bì thường được dùng để xác định các tình trạng dị ứng khởi phát muộn. Điều mà test lẫy da hoặc xét nghiệm máu không phát hiện được. Quan sát vùng da sau 48 giờ và một lần nữa vào 72 – 96 giờ sau khi dán.4

Test áp bì hay còn gọi là patch test để tìm các dị nguyên nghi ngờ
Test áp bì hay còn gọi là patch test để tìm các dị nguyên nghi ngờ

Xét nghiệm máu

Trường hợp bị dị ứng nghiêm trọng khi test da hoặc không thể làm test da, xét nghiệm máu là điều cần thiết.

Xét nghiệm máu giúp tìm ra kháng thể chống lại chất gây dị ứng cụ thể. Được gọi là ImmunoCAP. Đặc biệt là phát hiện kháng thể IgE đối với chất gây dị ứng chính. Xét nghiệm IgE trong máu nhằm đo lượng kháng thể immunoglobulin E (IgE). Bao gồm IgE toàn phần hoặc IgE đặc hiệu. Hoặc có thể thực hiện nhằm tìm ra nhiều tác nhân gây dị ứng, kể cả dị ứng thực phẩm.4

Trong một số trường hợp, xét nghiệm máu là cần thiết
Trong một số trường hợp, xét nghiệm máu là cần thiết

Cách chữa viêm da dị ứng thời tiết

Việc chữa khỏi hoàn toàn viêm da dị ứng theo thời tiết là vấn đề nan giải. Cũng như tình trạng dị ứng khác, giảm thiểu triệu chứng và phòng ngừa biến chứng chỉ là điều trị tạm thời. Phương pháp điều trị triệt để nhất là tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và tránh xa nó.

Khi có phản ứng dị ứng da, hãy cố gắng giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa vùng da đó bị nhiễm trùng. Một điều cần lưu ý là cần hạn chế gãi, mặc dù đó là một cảm giác thôi thúc khó cưỡng lại. Các phương pháp điều trị có thể giúp giảm ngứa và hết sưng như:

  • Kem hydrocortisone: giảm phản ứng viêm tại da.
  • Thuốc mỡ: ngăn ngừa nhiễm trùng da.
  • Thuốc kháng histamine: giảm triệu chứng ngứa.
  • Dưỡng ẩm tốt vùng da đang khô, bong tróc.

Bên cạnh đó, điều cần thiết là liên hệ với với bác sĩ để được tư vấn về điều trị cụ thể tình trạng dị ứng da theo thời tiết.4

Một số lưu ý khi điều trị viêm da dị ứng thời tiết

Phát ban thường sẽ hết trong vài ngày đến vài tuần. Nhưng các triệu chứng dị ứng, mẩn đỏ và ngứa có thể quay trở lại nếu da bạn tiếp tục tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

Hầu hết các trường hợp dị ứng da không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, một phản ứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ có thể nhanh chóng lan ra khắp cơ thể và khiến bạn khó thở. Gọi cấp cứu nếu môi của bạn bắt đầu sưng, ngứa, kèm tình trạng khó thở.

Thuốc dạng kem hoặc thuốc mỡ corticosteroid thường được kê toa dùng kèm theo sau bước dưỡng ẩm để giúp giảm ngứa và phục hồi vùng da bị dị ứng làm giảm ngứa và đóng vảy. Vấn đề là không nên lạm dụng thuốc để tránh nguy cơ xảy ra phản ứng phụ.

Một số loại kem bôi khác có chứa thành phần là chất ức chế calcineurin cũng có thể được sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn nhằm tác động tới hệ thống miễn dịch, ngăn hệ miễn dịch phản ứng quá mức – từ đó giảm bớt tần suất dị ứng của da.

Nếu da có vết loét hoặc xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, bạn có thể cần dùng thêm thuốc kháng sinh dạng uống hoặc thoa để giảm bớt tình trạng viêm.5

Phòng ngừa viêm da dị ứng theo thời tiết

Tránh xa tác nhân gây dị ứng

Nhìn chung, tránh xa các tác nhân gây dị ứng và che chắn da thật kĩ lưỡng có thể hữu ích trong mùa dị ứng. Điều này đặc biệt hiệu quả khi bạn phải dành cả ngày ở ngoài trời. Còn nếu bạn bị dị ứng với các tác nhân trong nhà, hãy nhớ dọn dẹp nhà cửa thường xuyên để loại bỏ bụi, nấm mốc, phấn hoa và lông thú cưng bám trên các bề mặt.

Ghi chép chi tiết các đợt bùng phát

Trường hợp tác nhân dị ứng theo thời tiết gây chàm da, việc ghi lại nhật ký chi tiết các đợt bùng phát có thể mang tới nhiều lợi ích. Điều này giúp bác sĩ thu hẹp nguyên nhân bùng phát và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Đồng thời giúp loại trừ các chất gây kích ứng tiềm ẩn khác như bột giặt, vải và các vật dụng gia đình khác. Bên cạnh đó, bạn nên đến một chuyên gia dị ứng để được điều trị cụ thể.

Mẹo phòng ngừa viêm da dị ứng

Một số mẹo phòng ngừa viêm da dị ứng hiệu quả, đơn giản có thể dễ dàng thực hiện tại nhà như:

  • Dưỡng ẩm: khâu quan trọng đối với viêm da dị ứng do hàng rào da bị tổn thương, da khô và dễ mất nước. Cần chú ý bổ sung dưỡng ẩm ít nhất 2 lần mỗi ngày. Đặc biệt là vào lúc thời tiết hanh khô. Thông qua các sản phẩm kem dưỡng ẩm, thuốc mỡ hoặc xịt khoáng. Ngoài ra đừng quên uống nước (khoảng 2 lít nước mỗi ngày). Uống đủ nước cũng hỗ trợ giữ ẩm cho da.
  • Giữ gìn môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát. Các dị nguyên gây viêm da dị ứng theo thời tiết luôn tiềm ẩn trong không khí và môi trường. Cần vệ sinh, lau dọn để giảm bụi bẩn, lông thú, phấn hoa giúp bảo vệ da nhạy cảm tốt hơn.
  • Chọn sản phẩm dịu nhẹ, không chứa hương liệu hoặc phẩm màu để hạn chế nguy cơ kích ứng da. Mặc quần áo trơn mát hạn chế tình trạng đổ mồ hôi và ma sát da.
  • Giải tỏa căng thẳng: Rối loạn cảm xúc có thể khiến viêm da dị ứng thêm nghiêm trọng. Thư giãn, giải tỏa áp lực là một trong những cách ngăn ngừa viêm da tái phát.
Chú ý dưỡng ẩm da để cải thiện triệu chứng viêm da dị ứng
Chú ý dưỡng ẩm da để cải thiện triệu chứng viêm da dị ứng

Nói tóm lại, phát hiện và tìm ra nguyên nhân viêm da dị ứng thời tiết là rất quan trọng. Nhờ đó, bạn có thể có sự chuẩn bị và biện pháp phòng ngừa hiệu quả, mang lại chất lượng cuộc sống hoàn hảo hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Eczemahttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9998-eczema
  2. Actopic Dermatitishttps://emedicine.medscape.com/article/1049085-overview
  3. Dust mite allergyhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dust-mites/symptoms-causes/syc-20352173
  4. Allergy testshttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/allergy-tests/about/pac-20392895
  5. Skin allergyhttps://www.webmd.com/allergies/skin-allergies

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người