YouMed

Viêm mũi dị ứng thời tiết: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

BS Lê Thị Kiều Nhi
Tác giả: Bác sĩ Lê Thị Kiều Nhi
Chuyên khoa: Miễn dịch - Dị ứng

Các triệu chứng đường hô hấp xuất hiện khi thay đổi thời tiết như ho, sổ mũi, hắt hơi, khụt khịt tưởng như không nghiêm trọng nhưng luôn gây nhiều phiền toái và trở thành mối quan tâm của không ít người. Trong đó, viêm mũi dị ứng thời tiết hay còn gọi là viêm mũi dị ứng theo mùa là một tình trạng thường gặp. Câu hỏi đặt ra điều gì đang xảy ra với cơ thể của tôi? Tại sao tôi lại bị viêm mũi dị ứng thời tiết? Có cách nào để điều trị và phòng ngừa bệnh này không? Hãy cùng Bác sĩ Lê Thị Kiều Nhi cập nhật những thông tin về viêm mũi dị ứng do thời tiết.

Thế nào là viêm mũi dị ứng thời tiết?

Trước hết, chúng ta cần hiểu về viêm mũi dị ứng. Đây là tình trạng xảy ra khi tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng như: phấn hoa, mạt bụi nhà, lông chó mèo, nấm mốc, thậm chí cả thức ăn.

Viêm mũi dị ứng gây nên các triệu chứng đặc trưng như: nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi và chảy nước mũi. Khác với viêm mũi không dị ứng thường xảy ra khi cảm lạnh, gặp nhiệt độ quá nóng, quá lạnh hoặc trong môi trường có độ ẩm cao.

Viêm mũi dị ứng thời tiết có các triệu chứng điển hình như nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy mũi, hắt hơi
Viêm mũi dị ứng thời tiết có các triệu chứng điển hình như nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy mũi, hắt hơi

Phân loại

Dựa theo thời gian xuất hiện của các triệu chứng, người ta chia viêm mũi dị ứng thành 2 loại: viêm mũi dị ứng thời tiết hoặc cách gọi khác là viêm mũi dị ứng theo mùa và loại thứ 2 là viêm mũi dị ứng kéo dài.

Thời điểm xảy ra viêm mũi dị ứng thời tiết

Viêm mũi dị ứng theo thời tiết thường xảy ra vào mùa xuân, mùa thu hay khi chuyển mùa. Tình trạng này thường gặp do các chất gây dị ứng ở ngoài trời chẳng hạn như phấn hoa.1

Không giống vậy, viêm mũi dị ứng kéo dài thì có thể xảy ra quanh năm, hoặc bất kỳ lúc nào trong năm khi tiếp xúc với các chất trong nhà như mạt bụi hay lông thú cưng.1

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng thời tiết

Trước khi đi vào các nguyên nhân gây bệnh, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cơ chế dị ứng trong viêm mũi dị ứng. Hiểu một cách nôm na, khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng, hệ miễn dịch sẽ kích hoạt cơ chế giải phóng histamin – một chất hóa học tự nhiên giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân bên ngoài. Chất này chính là nguyên nhân làm xuất hiện các triệu chứng và gây ra viêm mũi dị ứng.

Vậy thời tiết ảnh hưởng ra sao tới tình trạng viêm mũi dị ứng? Thời tiết thay đổi liên quan đến thay đổi nồng độ các loại phấn hoa cùng với đó thời tiết nóng ẩm cũng là môi trường thuận lợi cho bào tử nấm mốc và các loại ký sinh trùng phát triển gây bệnh. Đây chính là lý do khiến viêm mũi dị ứng thường xảy ra.

Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng thời tiết có thể gặp như:1

  • Phấn hoa: dị nguyên thường gặp nhất.
  • Con mạt nhà (loại mạt thuộc họ nhện, có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng ½ – ¼ mm nên khó nhìn thấy được bằng mắt thường. Chúng thường sống trong giường chiếu, chăn nệm, đặc biệt là những nơi vệ sinh kém hoặc ở những nơi sống tập thể).2
  • Da động vật.
  • Nước bọt của chó mèo.
  • Nấm mốc.

Dấu hiệu nhận biết viêm mũi dị ứng thời tiết

Nếu bạn thường xuất hiện các dấu hiệu sau đây, thì có khả năng bạn đang gặp tình trạng viêm mũi dị ứng:1

  • Hắt hơi liên tục.
  • Sổ mũi.
  • Nghẹt mũi.
  • Ngứa mũi.
  • Ho khan.
  • Đau hoặc ngứa cổ họng.
  • Ngứa mắt.
  • Chảy nước mắt.
  • Quầng thâm dưới bọng mắt.
  • Đau đầu thường xuyên.
  • Các triệu chứng dạng chàm, chẳng hạn như da rất khô, ngứa, đôi khi bị phồng rộp và chảy dịch.
  • Sẩn mày đay.
  • Mệt mỏi quá mức.

Bạn thường sẽ có một hoặc nhiều triệu chứng ngay lập tức sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Riêng một số triệu chứng như đau đầu dai dẳng và mệt mỏi, chỉ có thể xảy ra sau khi tiếp xúc tác nhân dị ứng lâu dài.

Cần lưu ý sốt không phải là triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Do đó, nếu xuất hiện sốt kèm theo thì nên chú ý đến các tình trạng khác như nhiễm siêu vi, nhiễm trùng,…

Tuy nhiên, một số người khác hiếm khi gặp các triệu chứng kể trên. Và thường các triệu chứng chỉ xảy ra khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng với hàm lượng lớn. Nhiều người khác thì chịu đựng triệu chứng hầu như kéo dài cả năm. Do đó, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được tư vấn và điều trị nếu các triệu chứng của bạn kéo dài hơn một vài tuần và dường như không cải thiện với thuốc kháng histamin thông thường.

Những người nào dễ mắc viêm mũi dị ứng thời tiết?

Bất kì ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng dị ứng, nhưng bạn có nhiều nguy cơ bị viêm mũi dị ứng thời tiết hơn nếu người thân trong gia đình bạn có tiền sử bị dị ứng. Ngoài ra, hen suyễn hoặc chàm cũng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm mũi dị ứng thời tiết.

Một số yếu tố bên ngoài có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm mũi, bao gồm:

  • Khói thuốc lá.
  • Hóa chất.
  • Nhiệt độ lạnh.
  • Độ ẩm.
  • Gió.
  • Ô nhiễm, bụi mịn trong không khí.
  • Keo xịt tóc.
  • Nước hoa.

Chẩn đoán viêm mũi dị ứng thời tiết

Việc chẩn đoán viêm mũi dị ứng thời tiết không phải là vấn đề nan giải, bác sĩ sẽ dựa trên khai thác bệnh sử, tiền căn và các triệu chứng của bạn để đưa ra chẩn đoán. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm để có kế hoạch điều trị và phòng ngừa tốt nhất cho bạn.

Test lẩy da

Test lẩy da là một trong những phương pháp phổ biến nhất. Xét nghiệm này không gây đau nhiều, xâm lấn ít và có độ chính xác nhất định. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ bôi một số chất gây dị ứng lên da (thường là cẳng tay hoặc lưng) sau đó kích thích vào da để cho các chất gây dị ứng thấm xuống dưới bề mặt và xem cơ thể bạn phản ứng với từng chất như thế nào.

Nếu bạn bị dị ứng với chất đang test, vùng da đó sẽ đỏ, ngứa và kích ứng sau 15 đến 30 phút. Không những vậy, vùng da có thể xuất hiện các vết hằn nổi lên, giống như tổ ong được gọi là sẩn phù cho thấy phản ứng dị ứng. Test lẩy da là một phương pháp an toàn, hiệu quả để xác định tác nhân nào đang gây ra các triệu chứng của bạn.

Test lẩy da giúp xác định tác nhân gây dị ứng
Test lẩy da giúp xác định tác nhân gây dị ứng

Xét nghiệm IgE

Xét nghiệm máu đo lượng kháng thể immunoglobulin E (IgE) bao gồm IgE toàn phần hoặc IgE đặc hiệu, thậm chỉ xét nghiệm hấp thụ chất phóng xạ (RAST), cũng có thể được thực hiện nhằm tìm ra các tác nhân gây dị ứng cho bạn, kể cả dị ứng thực phẩm.

Các biến chứng của viêm mũi dị ứng thời tiết

Thật không may, chúng ta hầu như không thể ngăn chặn hoàn toàn bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết. Điều trị và quản lý bệnh, tránh những biến chứng có thể xảy ra là chìa khóa để đạt được chất lượng cuộc sống tốt. Một số biến chứng có thể phát sinh do viêm mũi dị ứng thời tiết bao gồm:

  • Mất ngủ do các triệu chứng nghẹt mũi, ho khan, chảy nước mũi xảy ra vào ban đêm.
  • Làm nặng hơn tình trạng hen suyễn đang có.
  • Nhiễm trùng tai tái diễn thường xuyên.
  • Viêm xoang hoặc nhiễm trùng xoang thường xuyên.
  • Đau đầu dai dẳng.
  • Ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc và học tập bị trì trệ.

Các biến chứng cũng có thể phát sinh do tác dụng phụ của thuốc kháng histamin trong điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết. Thường gặp nhất là biểu hiện buồn ngủ, ngoài ra còn bao gồm nhức đầu, lo lắng và mất ngủ. Trong một số trường hợp rất hiếm hoi, thuốc kháng histamin có thể gây ra các tác dụng rối loạn tiêu hóa hay ảnh hưởng lên đường tiểu và hệ tim mạch.

Điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết

Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của bệnh nhân để kê đơn thuốc. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng sử dụng thuốc chủ yếu là điều trị triệu chứng hoặc phòng ngừa nên chỉ có thể khống chế bệnh hoặc giảm các triệu chứng trong một khoảng thời gian ngắn.

Thuốc kháng histamin rất hiệu quả trong điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa
Thuốc kháng histamin rất hiệu quả trong điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa

Các loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm:1

Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin giúp điều trị viêm mũi dị ứng rất hiệu quả. Thuốc hoạt động với cơ chế ngăn cơ thể tạo ra histamin, cũng như giúp ngăn ngừa các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thời tiết.

Một số loại thuốc kháng histamin phổ biến bao gồm: Fexofenadine, Diphenhydramine, Desloratadine, Loratadine, Levocetirizine, Cetirizine.

Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý tránh dùng thuốc kháng histamin khi uống rượu, đặc biệt là khi lái xe vì có thể gây tại nạn đáng tiếc.

Tham khảo lời khuyên của bác sĩ trước khi bắt đầu một loại thuốc mới để yên tâm rằng thuốc dị ứng này sẽ không ảnh hưởng đến các loại thuốc khác đang sử dụng hoặc các bệnh lý đang mắc phải.

Thuốc thông mũi

Bạn có thể sử dụng thuốc thông mũi trong thời gian ngắn, thường không quá ba ngày, để giảm ngạt mũi và áp lực trong xoang. Sử dụng chúng trong thời gian dài hơn có thể gây ra hiệu ứng phục hồi, có nghĩa là một khi bạn ngừng thuốc, các triệu chứng của bạn sẽ thực sự trở nên tồi tệ hơn. Thuốc thông mũi phổ biến bao gồm: Oxymetazoline, Pseudoephedrine, Phenylephrine, Cetirizine và Pseudoephedrine.

Nếu bạn có nhịp tim bất thường, bệnh lý tim mạch, tiền sử đột quỵ, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp hoặc các vấn đề về bàng quang, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc thông mũi.

Thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi

Thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi có thể giúp giảm ngứa và các triệu chứng liên quan đến dị ứng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào sản phẩm, bạn cũng nên hạn chế sử dụng lâu dài.

Tương tự như thuốc thông mũi, lạm dụng một số loại thuốc nhỏ mắt và nhỏ mũi cũng có thể gây ra tác dụng dội ngược.

Corticosteroid có thể giúp giảm viêm và đáp ứng miễn dịch. Những điều này không gây ra hiệu ứng dội ngược. Thuốc xịt mũi chứa steroid thường được khuyên dùng như một cách hữu ích, lâu dài để kiểm soát các triệu chứng dị ứng. Chúng có sẵn cả trong các nhà thuốc tây.

Xin ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu một phác đồ điều trị dị ứng để đảm bảo rằng bạn đang dùng các loại thuốc tốt nhất. Bác sĩ cũng có thể giúp bạn xác định sản phẩm nào được sản xuất để sử dụng ngắn hạn và sản phẩm nào được qui định để quản lý lâu dài.

Liệu pháp miễn dịch đường tiêm

Xem xét liệu pháp miễn dịch đường tiêm nếu có tình trạng dị ứng nghiêm trọng. Chúng ta có thể sử dụng phương pháp điều trị này kết hợp với thuốc uống để kiểm soát các triệu chứng của mình. Liệu pháp này làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các chất gây dị ứng cụ thể theo thời gian. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, cần yêu cầu sự kiên nhẫn và tuân thủ phác đồ lâu dài.

Trong giai đoạn đầu của phác đồ miễn dịch, bạn sẽ đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để tiêm thuốc miễn dịch từ một đến ba lần mỗi tuần trong khoảng ba đến sáu tháng để cơ thể quen dần với chất gây dị ứng trong mũi tiêm.

Đến giai đoạn duy trì, thời gian tiêm thuốc sẽ dãn ra, mỗi hai đến bốn tuần một lần trong thời gian từ ba đến năm năm. Bạn có thể không nhận thấy sự thay đổi cho đến hơn một năm sau đó. Khi bạn hoàn tất giai đoạn này, các triệu chứng dị ứng của bạn sẽ giảm dần hoặc biến mất hoàn toàn.

Một số người có thể bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng với chất gây dị ứng trong mũi tiêm. Do đó, sau khi tiêm, bạn cần theo dõi tại phòng khám từ 30 đến 45 phút để đảm bảo không có phản ứng dữ dội hoặc đe dọa tính mạng.

Liệu pháp miễn dịch ngậm dưới lưỡi (SLIT)

Liệu pháp này sử dụng một viên thuốc có chứa hỗn hợp một số chất gây dị ứng và đặt dưới lưỡi của bạn. Nó hoạt động tương tự như liệu pháp miễn dịch đường tiêm. Hiện nay, liệu pháp này hiệu quả trong điều trị viêm mũi, hen dị ứng do cỏ, phấn hoa, lông mèo, mạt bụi. Bạn có thể thực hiện phương pháp điều trị SLIT tại nhà, chẳng hạn như Oralair cho một số trường hợp dị ứng cỏ sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ. Liều SLIT đầu tiên sẽ được thực hiện tại phòng khám. Tương tự như liệu pháp miễn dịch đường tiêm, thuốc ngậm dưới lưỡi được dùng đều đặn trong những khoảng thời gian do bác sĩ quy định.

Tác dụng phụ của liệu pháp ngậm dưới lưỡi có thể xảy ra bao gồm ngứa miệng hoặc kích ứng tai và cổ họng. Trong một số trường hợp hiếm hoi, phương pháp SLIT có thể gây ra sốc phản vệ. Tham khảo ý kiến bác sĩ về SLIT để xem xét khả năng đáp ứng của bạn với phương pháp điều trị này.

Nhìn chung, kết quả điều trị viêm mũi dị ứng theo thời tiết phụ thuộc vào tình trạng, triệu chứng và diễn tiến bệnh. Bệnh thường không nghiêm trọng và bạn có thể kiểm soát tốt với thuốc. Tuy nhiên, số ít còn lại biểu hiện triệu chứng nặng thì cần quan tâm chặt chẽ và có thể sẽ phải điều trị lâu dài.

Phòng ngừa viêm mũi dị ứng thời tiết

Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn viêm mũi dị ứng theo thời tiết, như thay đổi lối sống có thể giúp bạn dễ dàng sống chung với nó. Bạn có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách tránh các chất kích thích càng nhiều càng tốt. Dưới đây chúng tôi thông tin một số mẹo nhỏ để bạn tham khảo:

Hạn chế chạm vào mặt, dụi mắt, mũi

Bạn nên rửa tay sạch trước khi đưa tay lên vùng mặt, bao gồm dụi mắt, mũi.

Đối với tình trạng viêm mũi dị ứng do phấn hoa theo mùa

Nếu có tình trạng dị ứng phấn hoa ngoài trời, khuyến cáo nên bắt đầu dùng thuốc trước khi bị dị ứng theo thời tiết. Ví dụ: nếu bạn nhạy cảm với phấn hoa vào mùa xuân, bạn có thể bắt đầu dùng thuốc kháng histamin trước khi phản ứng dị ứng xảy ra. Ở trong nhà vào những giờ cao điểm có phấn hoa, đóng cửa sổ vào mùa số lượng phấn hoa nhiều hơn. Ngoài ra, đội mũ và đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi phấn hoa khi ra ngoài và chú ý thay đổi quần áo ngay khi vào nhà.1

Vệ sinh không gian sống

Bọc kín gối, nệm và lò xo hộp trong tấm phủ mạt bụi, thường xuyên giặt giũ với nước nóng, mang phơi nắng chăn, ra, chiếu, gối hay sử dụng.1

Sử dụng máy hút bụi và máy lọc không khí để giảm chất gây dị ứng trong không khí.

Tuy rằng viêm mũi dị ứng theo thời tiết không gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ để loại trừ các bệnh lý khác, chẳng hạn như hen suyễn. Bên cạnh đó, các triệu chứng của bệnh có thể cản trở cuộc sống hàng ngày hoặc khiến bạn khó ngủ. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định các chất gây dị ứng và đề xuất các phương pháp điều trị để giúp bạn cảm thấy tốt hơn.3

Nói tóm lại, các triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động mà bạn yêu thích, tuy nhiên vẫn có các phương pháp điều trị và kiểm soát bệnh hiệu quả. Bằng chứng là hàng triệu người lớn và trẻ em trên thế giới đã và đang kiểm soát bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết với thuốc và thay đổi lối sống tích cực.3

Trên đây, Bác sĩ Lê Thị Kiều Nhi vừa cung cấp các thông tin hữu ích về viêm mũi dị ứng thời tiết. Nếu có các vấn đề liên quan và thắc mắc về tình trạng của mình, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được tư vấn và điều trị cụ thể.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Allergic rhinitishttps://www.healthline.com/health/allergic-rhinitis

    Ngày tham khảo: 02/10/2022

  2. Dust mite allergyhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dust-mites/symptoms-causes/syc-20352173

    Ngày tham khảo: 02/10/2022

  3. Allergic Rhinitis (Hay Fever)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8622-allergic-rhinitis-hay-fever

    Ngày tham khảo: 02/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người