Viêm mũi xoang cấp: định nghĩa, điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Viêm mũi xoang cấp tính là bệnh lý phổ biến. Đây là một trong số các bệnh được kê đơn thuốc kháng sinh nhiều nhất. Viêm mũi xoang cấp có thể tự giới hạn nhưng đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng và thậm chí có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Hãy cùng Bác sĩ Tai Mũi Họng Nguyễn Bảo Sơn tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Viêm mũi xoang cấp tính là gì?
Theo Hiệp hội Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu mặt cổ Hoa Kỳ (AAO – NHS), viêm mũi xoang được định nghĩa là tình trạng viêm có biểu hiện triệu chứng của các xoang cạnh mũi và niêm mạc hốc mũi.1 2
Viêm mũi xoang cấp tính khi thời gian bệnh kéo dài ít hơn 4 tuần. Từ 4 tuần đến 12 tuần được phân loại là viêm mũi xoang bán cấp. Phân loại này có thể khác nhau giữa các hiệp hội. Theo EPOS 2020, thời gian bệnh kéo dài ít hơn 12 tuần được xem là cấp tính.1
Dịch tễ học – Gánh nặng của viêm mũi xoang
Theo một khảo sát sức khỏe ở Mỹ năm 2012, cứ 8 người trưởng thành thì 1 người được chẩn đoán là viêm mũi xoang (tương đương với 12% dân số Mỹ). Ngoài ra, viêm mũi xoang là bệnh lý được kê đơn kháng sinh nhiều nhất đối với bệnh nhân ngoại trú tại Mỹ.2
Một khảo sát năm 2006 – 2010, viêm mũi xoang chiếm 11% các bệnh lý được kê đơn kháng sinh ở lần khám đầu tiên, trong đó viêm mũi xoang cấp chiếm 3,9% và viêm mũi xoang mạn là 7.1%.2
Viêm mũi xoang cấp có thể xảy ra bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng hiếm khi xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi (thường liên quan đến các bất thường cấu trúc bẩm sinh, trẻ có suy giảm miễn dịch, hội chứng bất động lông chuyển, hoặc bệnh xơ nang).3
Tình trạng viêm mũi xoang cấp ở trẻ em
Nhìn chung, viêm mũi xoang cấp ở trẻ em cũng giống với người lớn về biểu hiện bệnh, tác nhân gây bệnh, tiêu chuẩn chẩn đoán, cũng như các quản lý điều trị. Thông thường, trẻ sẽ bị ho, hơi thở hôi, cáu kỉnh, ít năng lượng và sưng quanh mắt, kèm theo chảy nước mũi đặc màu vàng xanh.4
Khác nhau ở chỗ, các xoang ở trẻ thường chưa phát triển hoàn thiện cho đến tuổi trưởng thành. Xoang hàm và xoang sàng là hai xoang xuất hiện từ lúc mới sinh, kích thước nhỏ và thường đạt đến kích thước tối đa khi trẻ ở tuổi vị thành niên khoảng 14 – 15 tuổi. Xoang trán và xoang bướm thường phát triển năm thứ ba sau sinh, đạt kích thước tối đa khoảng 18 tuổi.5
Trẻ em có thể có 6-8 đợt nhiễm trùng hô hấp trên mỗi năm, trong khi người lớn chỉ thường khoảng 2 – 3 lần.3
Cần chẩn đoán phân biệt với viêm mũi họng cấp và viêm mũi xoang cấp ở trẻ em.
Nguyên nhân viêm mũi xoang cấp
Tình trang viêm, phù nề của niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi dẫn đến tắc nghẽn các lỗ thông xoang, làm mất đi chức năng thông khí và dẫn lưu tự nhiên và dẫn đến dịch tiết ứ đọng và có thể dẫn đến nhiễm khuẩn thứ phát.6
Viêm mũi xoang cấp phần lớn là do siêu vi, thường là: rhinovirus, coronavirus, influenzae, virus hợp bào hô hấp (RSV) và parainfluenza.6
Vi khuẩn thường xảy ra thứ phát sau siêu vi hoặc có thể nguyên phát. Các vi khuẩn gây viêm mũi xoang cấp thường là: Streptococcus pneumoniae (20% – 45%), Haemophilus influenzae (20% – 43%), Moraxella catarrhalis (14% – 28%) và Staphylococcus aureus (8% – 11%). Hiện nay, cùng với sự phổ biến của vaccine phế cầu, có sự chuyển dịch sự ưu thế vi khuẩn trong viêm mũi xoang cấp trên kết quả cấy, trong đó H.influenzae trở thành chủng vi khuẩn phổ biến nhất (từ 36% tăng lên 43%), S.pneumoniae giảm xuống từ 46% còn 35%.6
Ngoài ra các nguyên nhân khác bao gồm: dị ứng, vi nấm, các yếu tố kích ứng (ví dụ lông thú, ô nhiễm môi trường, khói thuốc lá, bụi…).
Các yếu tố nguy cơ có thể gây viêm mũi xoang cấp:7
- Nhiễm trùng răng miệng hay các thủ thuật liên quan răng miệng.
- Liên quan đến y tế: tiền căn phẫu thuật mũi xoang, đặt ống thông mũi dạ dày, đặt bấc mũi, thở máy.
- Suy giảm miễn dịch: bẩm sinh hay mắc phải như HIV.
- Giảm hoạt động lông chuyển: hút thuốc lá, bệnh xơ nang, hội chứng Kartagener, hội chứng bất động lông chuyển.
- Tắc nghẽn cơ học: Vẹo vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại cuốn mũi giữa, khối u, chấn thương, dị vật, u hạt Wegener.
- Phù nề niêm mạc: nhiễm trùng đường hô hấp trên trước đó do virus, viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch.
Triệu chứng viêm mũi xoang cấp
Bệnh nhân thường có các triệu chứng sau, bao gồm:6
- Chảy mũi trong, hoặc đục.
- Nghẹt mũi một hoặc hai bên.
- Đau/nặng mặt.
- Đau đầu, quanh ổ mắt.
- Giảm/mất mùi.
- Ho.
Ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, hôi miệng, đau răng, đau/đầy tai.6
Viêm mũi xoang cấp có thể có các biến chứng liên quan đến mắt, nội soi, tai, thanh khí phế quản.6
Các triệu chứng gợi ý viêm xoang cấp có biến chứng:6
- Biến chứng mắt: phù, sưng đỏ đau mi mắt, mờ mắt hoặc mất thị lực, xung huyết kết mạc, lồi mắt, nhìn đôi, đau hốc mắt.
- Biến chứng nội sọ: Đau đầu nhiều, cứng cổ, sốt cao, thay đổi tri giác, dấu thần kinh định vị, có thể co giật.
- Biến chứng tai: Ù tai, đau tai, nghe kém
- Biến chứng thanh khí phế quản: ho kéo dài, khàn tiếng
Chẩn đoán viêm mũi xoang cấp
Viêm mũi xoang cấp thường được chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng và thăm khám lâm sàng, thời gian bệnh, có thể sẽ cần kết hợp với các cận lâm sàng cần thiết như nội soi mũi hay CT scan tùy bệnh cảnh.
Theo EPOS 2020, tiêu chuẩn chẩn đoán viêm mũi xoang cấp gồm:1
- Đối với người lớn: khởi phát đột hai hoặc nhiều hơn các triệu chứng, một trong số đó phải là nghẹt/tắc/sung huyết mũi hoặc chảy mũi (chảy mũi trước/sau):
- +/- đau/nặng mặt.
- +/- giảm hoặc mất mùi.
trong < 12 tuần
- Đối với trẻ em, khởi phát đột ngột hai hoặc nhiều hơn các triệu chứng:
-
- Nghẹt/tắc/sung huyết mũi.
- Dịch tiết mũi đổi màu.
- Ho (ban ngày hoặc ban đêm).
trong < 12 tuần
Nội soi mũi và CT scan, MRI thường chưa cần thiết để chẩn đoán bệnh lúc đầu.
Nội soi mũi
Nội soi mũi thường được đề nghị khi:8
- Thất bại với điều trị theo kinh nghiệm ban đầu.
- Người bệnh chỉ đau một bên.
- Triệu chứng nặng.
- Nghi ngờ có biến chứng.
- Người bệnh đã phẫu thuật mũi xoang.
- Người có suy giảm miễn dịch.
Nội soi mũi có vai trò quan trọng trong đánh giá và đưa ra quyết định điều trị cho bệnh nhân viêm mũi xoang cấp tái phát hoặc viêm mũi xoang mạn tính.8
Một số hình ảnh có thể ghi nhận trên nội soi mũi như dịch nhầy đục chảy ra từ các khe mũi giữa, trên; phù nề xung huyết niêm mạc mũi làm tắc nghẽn phức hợp lỗ thông khe, polyp mũi; bất thường cấu trúc như vẹo/gai/mào vách ngăn…8
CT Scan
CT scan thường chỉ định trong trường hợp nghi ngờ/loại trừ các biến chứng của viêm mũi xoang cấp hoặc để loại trừ các nguyên nhân khác ngoài viêm mũi xoang gây nên triệu chứng của người bệnh hoặc khảo sát khối u. Những bệnh nhân có nhiều bệnh đồng mắc, hoặc các bệnh lý suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tiền căn chấn thương vùng mặt hay phẫu thuật có thể cần chụp CT scan để có được quyết định điều trị toàn diện hơn. Một số hình ảnh nghi ngờ viêm mũi xoang cấp trên CT scan như “dày niêm mạc, mờ các xoang, mức khí dịch trong lòng xoang”.8
MRI
MRI cũng được sử dụng khi nghi ngờ có biến chứng như mắt hay nội sọ, đặc biệt khảo sát sự lan rộng của bệnh vào mô mềm xung quanh tốt hơn CT scan. MRI là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán biến chứng nội sọ.8
Bác sĩ lâm sàng cần phân biệt các nguyên nhân gây viêm mũi xoang cấp, thường nên nghĩ đến tác nhân vi khuẩn khi có một trong 3 tình huống sau:9
- Triệu chứng viêm mũi xoang cấp kéo dài > 10 ngày không có dấu hiệu cải thiện.
- Khởi phát triệu chứng nặng: Sốt ≥ 39 °C và chảy mũi đục hoặc đau mặt; kéo dài ít nhất 3 – 4 ngày từ lúc khởi bệnh.
- Triệu chứng viêm mũi xoang cấp kéo dài ít nhất 5-6 ngày, đang có dấu hiệu cải thiện, đột nhiên sốt, đau đầu hoặc tăng lượng dịch tiết mũi.
Ngoài ra, các triệu chứng gợi ý biến chứng cũng phải được để ý nhằm có chỉ định điều trị kịp thời.
Điều trị viêm mũi xoang cấp
Điều trị bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa tùy theo chỉ định
Điều trị nội khoa2 6 9
Đa số viêm mũi xoang cấp là do virus nên thường bệnh sẽ tự giới hạn mà không cần điều trị hoặc chỉ cần điều trị triệu chứng.
Mục tiêu điều trị
Mục tiêu điều trị bao gồm:
- Loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây bệnh trong các xoang.
- Giảm thời gian biểu hiện triệu chứng.
- Ngăn ngừa biến chứng và tiến triển thành viêm mũi xoang mạn.
- Phục hồi chức năng xoang bình thường.
Chỉ định kháng sinh khi nghi ngờ có nhiễm trùng
Bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh phù hợp để điều trị viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn tùy vào độ nặng, tác nhân gây bệnh, khả năng đề kháng kháng sinh hay đã có sử dụng kháng sinh gần đây chưa. Theo IDSA 2012, kháng sinh được khuyến cáo đầu tay theo kinh nghiệm hiện nay là Amoxicillin – clavulanate cho cả trẻ em và người lớn.
Doxycycline là giải pháp thay thế cho Amoxicillin-clavulanate. Đối với bệnh nhân có dị ứng với penicillin, có thể sử dụng kháng sinh thay thế như doxycycline, hoặc kết hợp cephalosporin thế hệ 3 (Cefixime hoặc cefpodoxime) với clindamycin, hoặc nhóm fluoroquinolone hô hấp (levofloxacin hoặc moxifloxacin). Thời gian điều trị kháng sinh thường là 5-7 ngày ở người lớn, 10-14 ngày ở trẻ em đối với viêm mũi xoang cấp không biến chứng.
Các điều trị bổ trợ nhằm giảm triệu chứng
- Giảm đau, hạ sốt với paracetamol hoặc NSAIDs như ibuprofen. Lựa chọn tùy thuộc vào mức độ đau của người bệnh, có thể cân nhắc kết hợp với nhóm opioid.
- Corticoid xịt mũi: có thể sử dụng cùng với kháng sinh ở người bệnh có viêm mũi dị ứng từ trước.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: có thể dùng nước muối ưu trương hoặc đẳng trương. Tác dụng làm loãng dịch tiết và cải thiện chức năng lông chuyển.
- Thuốc giảm sung huyết mũi: có thể sử dụng trong thời gian ngắn để làm giảm triệu chứng nghẹt mũi, góp phần dẫn lưu dịch tốt hơn. Không nên lạm dụng thuốc vì nguy cơ gây viêm mũi do thuốc nếu sử dụng kéo dài.
Điều trị ngoại khoa10
- Nghĩ đến điều trị ngoại khoa khi điều trị nội khoa không đáp ứng. Thường đối với các trường hợp viêm mũi xoang mạn tính (có hoặc không có polyp). Hoặc viêm mũi xoang cấp tái phát nhiều lần (≥ 4 đợt/năm).
- Viêm mũi xoang cấp có biến chứng.
- Polyp Killian (polyp trong xuất phát từ lòng xoang hàm và phát triển ra phía cửa mũi sau).
- Viêm xoang do nấm: xâm lấn hoặc không xâm lấn.
- Mucoceles (U nhầy mũi xoang).
- Các bất thường giải phẫu có thể cần phải giải quyết bằng phẫu thuật: Vẹo vách ngăn, gai vách ngăn, bóng khi cuốn mũi (concha bullosa), phì đại cuốn mũi, polyp mũi,…
Điều trị/Xử lý tại nhà có được không?
Có thể xử trí ban đầu tại nhà khi triệu chứng nhẹ kéo dài ít hơn 7 – 10 ngày và chưa có các dấu hiệu gợi ý biến chứng. Mục đích chính là giảm nhẹ triệu chứng và giảm thời gian hồi phục.11 12
Một số cách có thể áp dụng tại nhà như:11 12
- Dùng khăn ẩm, ấm lau mặt nhiều lần một ngày có làm giảm cảm giác căng tức ở mặt.
- Uống nhiều nước.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý nhiều lần một ngày. Đây là sản phẩm không kê toa, giúp làm loãng bớt dịch tiết mũi và dịch dễ được dẫn lưu hơn.
- Xông hơi mũi cũng giúp làm loãng bớt dịch tiết mũi.
- Có thể sử dụng máy tạo ẩm để làm không khí trong phòng duy trì độ ẩm nhất định.
- Không nên bay khi đang nghẹt mũi hoặc thay đổi đột ngột nhiệt độ, từ lạnh sang nóng hay ngược lại.
- Bệnh nhân có viêm mũi dị ứng nên tránh tiếp xúc với dị nguyên. Điều có thể làm nặng thêm tình trạng viêm mũi dị ứng hiện có và nguy cơ dẫn đến viêm xoang. Một số cách có thể làm như thường xuyên vệ sinh nhà để hạn chế bụi bặm, nấm mốc; tránh tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa hay lông động vật.
- Tránh hút thuốc lá chủ động và thụ động.
- Sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng, ngủ đủ.
- Bổ sung thêm các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh cần gặp bác sĩ để tham vấn và điều trị bệnh ngay khi:11
- Triệu chứng kéo dài trên 10 ngày hoặc triệu chứng nặng ngay từ lúc khởi bệnh.
- Đau đầu/mặt không giảm với thuốc giảm đau thông thường.
- Sốt ≥ 39 °C.
- Mệt mỏi, khó tập trung và giảm hiệu quả làm việc.
- Triệu chứng nghi ngờ có biến chứng như nhìn mờ, nhìn đôi, sưng đỏ một hoặc hai mắt, cứng cổ, đau đầu nhiều.
- Thay đổi trạng thái tinh thần: lơ mơ, lú lẫn.
Phòng ngừa viêm mũi xoang cấp
Có nhiều cách đề phòng ngừa viêm mũi xoang cấp:12 13
- Rửa tay thường xuyên.
- Rửa mũi thường xuyên.
- Chích vaccine ngừa cúm và phế cầu.
- Tránh tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Không hút thuốc lá cả chủ động và thụ động.
- Tránh môi trường không khí khô bằng cách sử dụng máy lọc, làm ẩm không khí trong nhà hoặc nơi làm việc.
Viêm mũi xoang cấp là bệnh lý thường gặp. Có nhiều nguyên nhân nhưng thường là do virus và có thể tự khỏi. Thông thường, các trường hợp nhiễm khuẩn sẽ đáp ứng với điều trị nội khoa thích hợp. Biến chứng hiếm khi xảy ra. Nhưng nếu có đòi hỏi can thiệp điều trị tích cực hơn, tiên lượng sẽ tùy theo mỗi người bệnh. Phòng ngừa là quan trọng để hạn chế bệnh tái phát.
Câu hỏi thường gặp
Viêm mũi xoang cấp có nguy hiểm không?
Viêm mũi xoang cấp đa phần do virus gây nên đa phần có thể tự khỏi mà không cần điều trị hoặc chỉ cần điều trị triệu chứng. Viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn, có thể mắc ngay từ đầu hoặc thứ phát sau đợt nhiễm virus, đa phần cũng sẽ đáp ứng với điều trị nội khoa hợp lý. Nhưng trong một số tình huống, bệnh có khả năng diễn tiến và gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời như biến chứng lên mắt hay não, và thậm chí có thể gây tử vong. Khả năng gây biến chứng tùy phụ thuộc vào mỗi người bệnh – tức bệnh lý nền, thể trạng, các bất thường cấu trúc hay cơ địa suy giảm miễn dịch; độc lực vi khuẩn, thời gian bệnh hay sự tiếp cận kịp thời với các điều trị y tế.
Viêm mũi xoang cấp có chữa được không?
Viêm mũi xoang cấp có thể chữa khỏi hoàn toàn. Đa phần là do virus và có thể tự khỏi. Nếu cần phải can thiệp điều trị, điều trị nội khoa hợp lý và sự tuân thủ điều trị của người bệnh sẽ giúp người bệnh phục hồi hoàn toàn. Nếu chữa trị không thường xuyên, người bệnh không tuân thủ điều trị, triệu chứng viêm mũi xoang vẫn còn và kéo dài dai dẳng thì có nguy cơ sẽ diễn tiến thành viêm mũi xoang mạn. Lúc này việc điều trị sẽ khó khăn và kéo dài hơn, đôi khi không thể phục hồi lại hoàn toàn chức năng của các xoang và các lông chuyển.
Viêm mũi xoang cấp cần ăn uống như thế nào?
Người bệnh có viêm mũi xoang nên ăn nhiều rau xanh, các thực phẩm giàu vitamin C như cam, nho, bưởi… giúp tăng cường sức đề kháng . Các loại quả như cà chua, táo, lê giàu quercetin – một chất kháng histamin tự nhiên – giúp giảm các triệu chứng như chảy mũi, hắt hơi,… Các loại thực phẩm như gừng, húng quế, ớt giúp làm loãng dịch nhầy, tăng khả năng thanh thải dịch tiết trong các xoang. Một số loại thực phẩm giàu omega 3 như cá nục, cá hồi, cá mòi… cũng có tác dụng tốt giúp cải thiện triệu chứng.14
Ngoài ra, người bệnh nên tránh thức ăn có nhiều đường như các loại nước ngọt, bánh kẹo…; thực phẩm giàu chất béo như các đồ chiên xào, pizza, phô mai, pasta,… Một số nghiên cứu cho rằng nên hạn chế sữa và các chế phẩm từ sữa động vật vì cho rằng nó có thể làm đặc chất nhầy trong mũi, tăng nặng tình trạng viêm xoang.14
Người bệnh có tiền căn dị ứng thức ăn thì nên tránh các loại thực phẩm gây dị ứng này, thường là tôm, cua, các loại hải sản, đậu nành, đậu phộng…14
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- European Position Paper on Rhinosinusitis and Nasal Polyps 2020https://www.rhinologyjournal.com/Documents/Supplements/supplement_29.pdf
- Clinical Practice Guideline (Update): Adult Sinusitishttps://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/0194599815572097
- Clinical Practice Guideline for the Diagnosis and Management of Acute Bacterial Sinusitis in Children Aged 1 to 18 Yearshttps://publications.aap.org/pediatrics/article/132/1/e262/31288/Clinical-Practice-Guideline-for-the-Diagnosis
- Pediatric sinusitishttps://www.enthealth.org/conditions/pediatric-sinusitis/
- Phạm Kiên Hữu, Võ Ngọc Hoàn. Viêm mũi xoang cấp - mạn. Giáo trình giảng dạy đại học Tai Mũi Họng. Nhà xuất bản Y học, trang 100 - 112.
- Michael S. Benninger et al (2021). Acute Rhinosinusitis: Pathogenesis, Treatment, and Complications. Cummings Otolaryngology - Head and Neck Surgery, 7th ed. Chapter 40, p.643-648.e2.
- Current Concepts in Adult Acute Rhinosinusitishttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2016/0715/p97.html
- Elizabeth K. Hoddeson Sarah K. Wise. Acute Rhinosinusitis. Bailey’s Head and Neck Surgery. Chapter 33, p.509- 524.
- IDSA Clinical Practice Guideline for Acute Bacterial Rhinosinusitis in Children and Adultshttps://academic.oup.com/cid/article/54/8/e72/367144?login=false
- Devyani Lal, James A. Stankiewicz (2021). Primary Sinus Surgery. Cummings Otolaryngology - Head and Neck Surgery, 7th ed. Chapter 44, p.677-710.e4.
- Sinusitis in adults - aftercarehttps://www.mountsinai.org/health-library/selfcare-instructions/sinusitis-in-adults-aftercare#
- Sinus Infection (Sinusitis)https://www.cdc.gov/antibiotic-use/sinus-infection.html
- What to do about sinusitishttps://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/what_to_do_about_sinusitis
- Improve your sinuses today. What to eat to avoid inflammation.https://www.pacificcollege.edu/news/blog/2015/03/24/improve-your-sinuses-today-what-to-eat-to-avoid-inflammation