YouMed

Bệnh viêm niệu đạo nam giới: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Khi nhắc đến bệnh viêm niệu đạo, nhiều người thường nghĩ chúng chỉ xuất hiện ở phụ nữ. Sự thật có phải như vậy không? Có hay không bệnh viêm niệu đạo nam giới? Câu trả lời là dù cho số lượng người bệnh ít hơn rất nhiều nhưng các quý ông hoàn toàn có thể gặp phải tình trạng trên. Vậy viêm niệu đạo ở nam giới có nghiêm trọng không và chúng có gì khác so với nữ giới? Chúng ta hãy tìm hiểu cùng ThS.BS Trần Quốc Phong trong bài viết sau đây.

Viêm niệu đạo ở nam giới là gì?

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang đến phần đầu dương vật qua lỗ sáo. Bên cạnh đó, đây cũng là bộ phận có chức năng dẫn truyền tinh dịch khi nam giới xuất tinh. Viêm niệu đạo là hiện tượng niệu đạo bị viêm và kích ứng, gây khó chịu khi đi tiểu.

Viêm niệu đạo xảy ra khi ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể bị viêm và kích thích, gây cảm giác khó chịu đi tiểu. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này thường là do vi khuẩn.

Đối với nam, viêm niệu đạo thường xảy ra ở độ tuổi từ 20 – 30 tuổi. Đặc biệt với những người có thói quen quan hệ tình dục không an toàn.

Viêm niệu đạo nam thể lây lan sang nhiều bộ phận khác như máu, đường sinh dục, đường tiết niệu,… từ đó gây nhiễm trùng toàn thân. Viêm niệu đạo nếu được thăm khám sớm và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng khỏi bệnh mà không để lại biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh là gì?

Bệnh viêm niệu đạo nam là tình trạng niệu đạo bị viêm nhiễm gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một số nguyên nhân chính gây bệnh viêm niệu đạo nam gồm:

1. Nhiễm khuẩn đường sinh dục

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC),  các vi khuẩn gây viêm niệu đạo bao gồm:

  • Do vi khuẩn lậu (có tên là Neisseria gonorrhoeae). Chúng lây truyền từ người này sang người khác trong khi quan hệ tình dục.
  • Không do vi khuẩn lậu – Chlamydia trachomatis là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra còn có, Mycoplasma genitalium, Trichomonas vaginalis,… Tuy nhiên, trong gần một nửa số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân cụ thể.

Việc mắc các bệnh lây qua đường tình khiến bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm niệu đạo nam.

Cấu tạo chi tiết niệu đạo ở nam giới
Cấu tạo chi tiết niệu đạo ở nam giới

Virus cũng có thể gây ra viêm niệu đạo, có thể kể đến như:

2. Tiếp xúc với hóa chất

Nguyên nhân là khi tắm, phái nam sử dụng loại xà phòng không phù hợp gây kích ứng.

Những tác động của chất diệt tinh trùng ở trong bao cao su gây ra.

3. Tác động cơ học

Một số trường hợp khác gây nên bệnh do tác dụng phụ của các tiểu phẫu thuật như thăm khám bàng quang, nong niệu đạo, đặt ống thông tiểu,…

Sau đặt ống thông tiểu có thể gây viêm niệu đạo nếu thực hiện sai kỹ thuật
Sau đặt ống thông tiểu có thể gây viêm niệu đạo nếu thực hiện sai kỹ thuật

4. Quan hệ tình dục không an toàn

Quan hệ tình dục không an toàn có thể gây viêm niệu đạo nam. Nếu bạn tình bị nhiễm các bệnh liên quan đến phụ khoa như giang mai, lậu thì nguy cơ viêm niệu đạo càng cao.

5. Vệ sinh bộ phận sinh dục không sạch sẽ

So với phụ nữ thì nam giới thường ít chú trọng đến việc vệ sinh cá nhân bộ phận sinh dục. Chính vì những thói quen này khiến khả năng mắc bệnh viêm niệu đạo ở nam tăng cao hơn so với nữ.

6. Nhịn tiểu

Nhịn tiểu rất có hại cho sức khỏe, kể cả nam và nữ. Việc nhịn tiểu sẽ làm cho vi khuẩn tích tụ tại bàng quang và dẫn tới bệnh viêm niệu đạo.

Xem thêm: Mối nguy hại từ thói quen nhịn tiểu khi trời lạnh

Triệu chứng viêm niệu đạo ở nam giới là gì?

Các biểu hiện chung

Bệnh viêm niệu đạo nam thường khó phát hiện sớm vì ở giai đoạn đầu các triệu chứng thường không rõ ràng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác tương tự. Sau đây là những dấu hiệu viêm niệu đạo ở nam giới:

  • Cảm giác đau hay nóng rát khi đi tiểu.
  • Ngứa dương vật, lỗ sáo và bao quy đầu. Dương vật có thể căng tức, đau ở bìu, sưng đỏ ở đầu niệu đạo,…
  • Rối loạn liên quan đến đi tiểu – tiểu lắt nhắt, tiểu gấp (cảm giác mắc tiểu không kềm chế được đến khi vào đến nhà vệ sinh).
  • Có máu trong nước tiểu hoặc trong tinh dịch.
  • Tiết dịch từ niệu đạo – có thể suốt cả ngày hoặc đôi khi chỉ xuất hiện vào buổi sáng. Chất dịch nhầy có màu trắng, hơi vàng và xanh.
  • Đau khi quan hệ tình dục. Bệnh nhân có cảm giác đau buốt trong và sau khi quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, không phải tất cả nam giới bị viêm niệu đạo đều có đầy đủ các triệu chứng.

Tăng tiết dịch ở “cậu nhỏ” là một trong số những triệu chứng của bệnh viêm niệu đạo
Tăng tiết dịch ở “cậu nhỏ” là một trong số những triệu chứng của bệnh viêm niệu đạo

Viêm niệu đạo thường không gây sốt hay các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khi bệnh lây lan sang các bộ phận khác ở đường tiết niệu, đường sinh dục hoặc vào máu, có thể gây ra các biểu hiện như:

  • Nam giới có thể cảm thấy đau âm ỉ vùng bụng dưới thắt lưng và xương mu.
  • Một số trường hợp khác có thể buồn nôn, sưng khớp, nổi hạch, nóng ran ở trong vùng niệu đạo, sốt từ nhẹ tới cao,…

Chẩn đoán viêm niệu đạo ở nam giới

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành các bước để chẩn đoán viêm niệu đạo bao gồm:

Tiền sử bệnh

Bác sĩ có thể hỏi bạn đã từng bị nhiễm trùng đường tiểu hay chưa, tiền sử gia đình và các triệu chứng đang mắc phải.

Kiểm tra thể chất

Kiểm tra thể chất sẽ bao gồm:

  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát hiện tại.
  • Kiểm tra bụng, vùng bàng quang, hai bên hông và lưng.
  • Kiểm tra dương vật và tinh hoàn là vô cùng cần thiết để tìm kiếm các biểu hiện bất thường như tiết dịch, lở loét,…
Khám khoa nam giúp đưa ra được những chẩn đoán chính xác nhất
Khám khoa nam giúp đưa ra được những chẩn đoán chính xác nhất

Xét nghiệm chẩn đoán

Xét nghiệm cũng đóng một vai trò không thể thiếu.

Bác sĩ có thể chỉ định một số loại xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Xét nghiệm dịch tiết niệu đạo.
  • Nội soi bàng quang để kiểm tra các vấn đề đường tiết niệu.

Ngoài ra, nếu bác sĩ nghi ngờ một tác nhân cụ thể nào đó, một số xét nghiệm chuyên biệt có thể được chỉ định (chẳng hạn như HIV và giang mai,…).

Kết quả này không chỉ hữu ích trong chẩn đoán, nó còn giúp bác sĩ điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp hơn trong trường hợp các triệu chứng không cải thiện. Hơn nữa, kết quả cho biết rằng liệu đối tác của bạn có cần phải được kiểm tra và điều trị hay không.

Điều trị viêm niệu đạo ở nam giới

Điều trị bằng thuốc

Sau khi xác định là viêm niệu đạo, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị. Tùy vào từng trường hợp của người bệnh mà sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp các loại thuốc giảm đau và hạ sốt (nếu có). Lưu ý không tự ý mua thuốc điều trị viêm khi không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

  • Thuốc kháng sinh như nitrofurantoin, fosfomycin, aminoglycoside, fluoroquinolones,…
  • Thuốc hạ sốt như paracetamol,…
  • Thuốc giảm đau tiết niệu như phenazopyridine.

Lưu ý: Người bệnh đang điều trị kháng sinh không nên quan hệ tình dục cho đến khi hoàn thành quá trình điều trị. Người này nên thông báo đến tất cả bạn tình của mình để họ được xét nghiệm và điều trị.

Thay đổi lối sống, sinh hoạt

Bên cạnh đó, người bệnh cần kết hợp điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị bằng cách:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày để loại bỏ vi khuẩn ra ngoài theo đường tiểu.
  • Uống nước ép nam việt quất. Chưa có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh nước ép nam việt quất có thể chống lại nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhưng nước ép này có chứa các chất giúp loại bỏ vi khuẩn sống ở vùng này.
  • Quan hệ tình dục an toàn.
  • Hạn chế nhịn tiểu.

Những lưu ý gì trong quá trình điều trị?

Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể gặp phải một trong các tình huống nêu ra sau đây:

  • Các triệu chứng có thể cải thiện nhanh chóng chỉ một vài ngày sau khi bắt đầu điều trị. Người bệnh vẫn nên hoàn thành đơn thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng nhiễm trùng quay trở lại và trở nên kháng thuốc.
  • Nếu các triệu chứng tái phát và dai dẳng, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được đánh giá lại khả năng tái nhiễm, đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Một số chú ý thêm:

  • Để giảm nguy cơ lây truyền, người bệnh nên hạn chế hoạt động tình dục trong ít nhất bảy ngày sau khi bắt đầu điều trị và cho đến khi các triệu chứng của họ mất đi.
  • Những người bệnh nhiễm vi trùng lậu hoặc nhiễm Chlamydia nên được xét nghiệm lặp lại vào thời điểm ba tháng sau khi điều trị để loại trừ khả năng tái nhiễm.

Các biến chứng có thể gặp phải là gì?

Nếu nhiễm trùng không được điều trị, nó có thể trở nên khá nghiêm trọng. Các hậu quả xấu sẽ xảy ra bao gồm:

  • Nhiễm trùng lan sang các phần khác của đường tiết niệu gồm: bàng quang, niệu quản, thận và tuyến tiền liệt.
  • Lan vào máu và dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí có thể gây tử vong.
  • Trong trường hợp bệnh tái đi tái lại nhiều lần có thể gây hẹp một phần của niệu đạo do sẹo xơ ở bên trong hoặc xung quanh niệu đạo. Dẫn đến cảm giác khó chịu khi đi tiểu.

Do đó, nam giới đừng nên chủ quan với các biểu hiện của bệnh. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của viêm niệu đạo.

Phòng ngừa viêm niệu đạo

Nhiều tác nhân gây viêm niệu đạo có thể truyền từ người sang người thông qua quan hệ tình dục. Quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân gây viêm niệu đạo cao nhất.

Do vậy, tình dục an toàn là một biện pháp phòng ngừa quan trọng, chẳng hạn như:

  • Hạn chế giao hợp với nhiều đối tác (bạn tình).
  • Sử dụng các biện pháp bảo vệ mỗi khi có quan hệ tình dục.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
  • Bảo vệ người khác bằng cách thông báo cho những người khác tình trạng của mình (nếu có).
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục hàng ngày đúng cách. Đặc biệt là vệ sinh khu vực dưới bao quy đầu.

Hiện nay, bệnh viêm niệu đạo ở cả nam lẫn nữ đang càng ngày càng gia tăng. Các biểu hiện thường chỉ xuất hiện tại chỗ với rối loạn đi tiểu, tiết dịch,…

Bệnh viêm niệu đạo nam nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Bên cạnh đó, còn dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Vì vậy, khi xuất hiện một trong những triệu chứng bất thường ở bộ phận sinh dục bạn nên gặp bác sĩ để đưa ra phương án chữa trị phù hợp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Urethritis in adult menhttps://www.uptodate.com/contents/urethritis-in-adult-men

    Ngày tham khảo: 28/06/2020

  2. Urethritishttps://www.healthline.com/health/urethritis

    Ngày tham khảo: 28/06/2020

  3. Urethritishttps://www.health.harvard.edu/a_to_z/urethritis-a-to-z

    Ngày tham khảo: 28/06/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người