Vitamin A cho bà bầu: Những điều cần lưu ý!
Nội dung bài viết
Bổ sung vitamin A cho bà bầu là một điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn mang thai và cho con bú. Vì vậy, hãy cùng YouMed tìm hiểu để có cách bổ sung cho phù hợp bạn nhé!
1. Bà bầu có nên uống vitamin A
Bổ sung vitamin A cho bà bầu là điều rất cần thiết. Đa số mọi người đều biết Vitamin A giúp tăng cường thị lực và phòng tránh các bệnh về mắt. Tuy nhiên, vitamin A còn nhiều công dụng mà có thể nhiều bà mẹ chưa biết:
- Vitamin A cần thiết cho sự sinh sản của cả nam và nữ. Vì nó có vai trò trong sự phát triển của tinh trùng và trứng.
- Nó cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Người mẹ nếu thiếu vitamin A khi mang thai có thể gây tổn thương giác mạc ở thai nhi, tăng nguy cơ dẫn đến mù vĩnh viễn. Ngược lại, thừa vitamin A cũng gây dị tật bào thai, nhất là 3 tháng đầu sau khi thụ thai.
- Hỗ trợ tăng trưởng tế bào, chức năng miễn dịch.
- Ngoài ra, vitamin A giúp thúc đẩy hình thành và duy trì các mô bề mặt như da, ruột, phổi, bàng quang và tai trong.
2. Lượng vitamin A cần thiết cho bà bầu
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới WHO, phụ nữ mang thai nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tốt nhất thông qua chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Vitamin A có tác dụng gì? Lượng vitamin A hàng ngày bạn cần bổ sung thông qua thực phẩm:
- Phụ nữ có thai: 800 mcg vitamin A/ngày (1 IU = 0.3 mcg).
- Phụ nữ đang cho con bú: 850 mcg vitamin A/ngày.
Tuy nhiên, ở những khu vực như châu Phi và Đông Nam Á – nơi thường xảy ra tình trạng thiếu vitamin A nghiêm trọng, việc bổ sung vitamin A được khuyến khích. Cụ thể, phụ nữ mang thai nên nhận được tối đa 10.000 IU (= 3000 mcg) vitamin A mỗi ngày hoặc lên đến 25.000 IU vitamin A hàng tuần dưới dạng dung dịch uống, chế phẩm từ dầu của retinyl palmitate hoặc retinyl acetate. Nên tiếp tục bổ sung vitamin A cho bà bầu ít nhất 12 tuần trong thời gian mang thai cho đến khi sinh.
Đáng chú ý là WHO đã xác định các nhóm dân số có nguy cơ là những người có tỷ lệ mắc bệnh quáng gà là ≥ 5% ở phụ nữ có thai hoặc ≥ 5% ở trẻ em từ 24 – 59 tháng tuổi.
Một liều bổ sung vitamin A cao hơn 10000 IU hàng ngày (hoặc 25000 IU hàng tuần) không được khuyến cáo vì tính an toàn của nó chưa được chứng minh. Trong khoảng ngày 15 đến ngày 60 kể từ khi thụ thai, nếu bạn bổ sung vitamin A quá nhiều sẽ tăng nguy cơ gây ra quái thai.
Không khuyến cáo bổ sung vitamin A cho phụ nữ sau sinh để dự phòng bệnh và tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
3. Thực phẩm giàu vitamin A cho bà bầu
Trong thực phẩm, vitamin A có hai dạng phổ biến:
- Vitamin A được tạo sẵn – các ester retinol và retinyl – xuất hiện trong các sản phẩm động vật.
- Trong khi các carotenoid provitamin A có nhiều trong thực phẩm thực vật.
Các loại thực phẩm giàu vitamin A nên ăn ở mức vừa phải, đủ lượng vitamin A cần thiết hàng ngày, tránh ăn nhiều quá mức. Đây là cách bổ sung vitamin A tốt dành cho bà bầu.
Cả quá trình chế biến và nấu chín thực phẩm đều giúp cơ thể bạn hấp thụ vitamin A dễ dàng hơn. Bạn cũng sẽ hấp thụ vitamin A nhiều hơn nếu ăn một lượng nhỏ chất béo cùng một lúc.
3.1. Các sản phẩm từ động vật
- Gan bò: 3 ounce (~ 85.02 gram) cung cấp 6,582 mcg vitamin A.
- Dầu gan cá: 15ml dầu chứa 4.080 mcg vitamin A.
- Bơ: 15ml cung cấp 97 mcg vitamin A .
- Sữa không béo: 240 ml cung cấp149 mcg vitamin A.
- Sữa nguyên chất: 240ml cung cấp 110 mcg vitamin A.
- Cá hồi: nửa miếng phi lê cung cấp 229 mcg vitamin A.
- Trứng: 1 quả lớn cung cấp 74 mcg vitamin A.
- Cá ngừ vây xanh: 1 ounce: 214 mcg.
3.2. Các sản phẩm từ thực vật
- Khoai lang: Một củ khoai lang chứa 1.403 mcg vitamin A.
- Cà rốt: một nửa cốc cà rốt sống cung cấp 459 mcg vitamin A.
- Đậu trắng: mỗi cốc đậu luộc cung cấp 66 mcg vitamin A.
- Rau cải bó xôi hoặc rau chân vịt: nửa chén rau luộc có 573 mcg vitamin A.
- Bông cải xanh hoặc trắng: nửa cốc bông cải chứa 60 mcg.
- Ớt chuông đỏ: nửa cốc ớt chuông đỏ sống cung cấp 117 mcg vitamin A.
- Xoài: một trái xoài cung cấp 112 mcg vitamin A.
- Dưa lưới: nửa cốc dưa này chứa 135 mcg vitamin A.
- Cà chua: một phần tư cốc nước ép cà chua chứa 42 mcg vitamin A.
4. Nguy cơ thiếu hụt vitamin A khi mang thai
Thiếu hụt vitamin A là vấn đề mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển. Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, trong thời gian mang thai và cho con bú, nguy cơ thiếu hụt vitamin A tăng cao do nhu cầu bổ sung vitamin này tăng.
Thiếu hụt vitamin A khi mang thai thường xảy ra trong ba tháng cuối của thai kỳ. Do sự gia tăng thể tích máu của người mẹ và sự phát triển của thai nhi vào những tuần cuối trong bụng mẹ.
Việc bổ sung vitamin A trong quá trình này ảnh hưởng rất nhiều đến những đứa trẻ của bạn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến những năm tháng đầu đời của trẻ, mà còn có vai trò trong toàn bộ quá trình phát triển và ngăn ngừa bệnh tật của trẻ.
Ngoài ra, nguy cơ thiếu hụt vitamin A ở phụ nữ mang thai do không bổ sung đủ vitamin A, đái tháo đường hoặc tiểu đường thai kì và gặp tình trạng nhiễm khuẩn.
Vitamin A là chất dinh dưỡng cần thiết cho phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên, việc bổ sung thừa hay thiếu vitamin A cho bà bầu có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ nhỏ. Vì vậy, các mẹ hãy tìm hiểu thật kĩ trước khi bổ sung vitamin cho bản thân nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.