YouMed

Vitamin D và những vấn đề liên quan đến sức khỏe của bé

Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Anh
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Anh
Chuyên khoa: Nhi

Một trong những câu hỏi mà các bác sĩ nhi thường gặp phải từ các mẹ là: “Có nên bổ sung thêm Canxi cho bé?”. Canxi giúp chắc khỏe xương thì ai cũng biết. Nhưng không phải ai cũng biết về câu chuyện để hấp thu được canxi thì phải cần một chất rất quan trọng là vitamin D. Vitamin D không chỉ giúp cơ thể hấp thu canxi mà còn có nhiều vai trò khác đối với cơ thể con người nói chung và trẻ em nói riêng. Hãy cùng bác sĩ Phạm Thị Mỹ Anh tìm hiểu vitamin D và những vấn đề liên quan đến sức khỏe của bé qua bài viết sau đây.

Tổng quan về vitamin D và sức khỏe của trẻ em

Vitamin D là gì?

Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo (dầu, mỡ). Nó tồn tại bên ngoài cơ thể với 2 dạng là vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol). Vitamin D2 có nguồn gốc từ men nấm, còn vitamin D3 được tổng hợp từ động vật có vú. Xét theo góc độ dinh dưỡng, 2 loại này có giá trị như nhau. Vitamin D còn đóng vai trò quan trọng trong một số quá trình chuyển hóa và hấp thu chất khoáng của cơ thể; nhất là quá trình hấp thụ và chuyển hóa canxi.1 2

Chúng ta có thể bổ sung vitamin D từ thực phẩm, ánh nắng mặt trời và các loại thực phẩm chức năng. 

Vai trò của vitamin D đối với sự phát triển của trẻ em

Đối với trẻ em, vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình khôn lớn và phát triển. Cụ thể, vitamin D sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển của hệ xương.3

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Việc thiếu hụt Vitamin D sẽ tiềm ẩn những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho bé như:4 5 

  • Ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng, phản ứng miễn dịch, sức khỏe tâm thần của trẻ.6
  • Co giật do lượng canxi thấp.
  • Yếu cơ.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên.

Thiếu vitamin D quá mức có thể dẫn đến còi xương. Đây là một tình trạng về xương có thể gây ra các bất thường về tăng trưởng và biến dạng khớp. Đối tượng dễ mắc phải tình trạng còi xương là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 6–23 tháng và thanh thiếu niên từ 12–15 tuổi.7 8

Không chỉ bệnh còi xương mà ở thanh thiếu niên, tình trạng thiếu hụt vitamin D còn có thể gây nhuyễn xương, khử khoáng xương, gãy xương, co giật hoặc tổn thương tim.3 9 10

Những trẻ nào có nguy cơ cao thiếu vitamin D?

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trong thai kỳ, thai nhi lấy vitamin D từ mẹ thông qua nhau thai. Vì vậy mẹ thiếu vitamin D thì bé sơ sinh cũng có nồng độ vitamin D thấp. Vitamin D được tạo ra ở da trẻ sơ sinh khi tiếp xúc với tia cực tím beta từ ánh sáng mặt trời. Người da sẫm màu có khả năng tạo vitamin D kém hơn.

Tinh trạng thiếu hụt vitamin D phổ biến ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh này ở trẻ sơ sinh là từ 2,7% đến 45%.11

Cụ thể, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc chứng thiếu hụt này cao hơn. Bởi vì chúng ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời; đồng thời nguồn sữa mẹ không đủ cung cấp lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể trẻ.3 12

Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin D
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin D

Trẻ em và thanh thiếu niên

Tỷ lệ thiếu hụt vitamin D ở trẻ em và thanh thiếu niên có sự khác biệt tùy theo khu vực địa lý. Các nghiên cứu ước tính tỷ lệ này ở trẻ từ 1-11 tuổi là khoảng 15% và 14% ở thanh thiếu niên từ 12 đến 19 tuổi. Trong đó, trẻ bị thừa cân, béo phì có nguy cơ thiếu vitamin D cao hơn so với bạn bè cũng trang lứa.13

Biểu hiện thiếu vitamin D ở trẻ nhỏ sẽ rõ ràng và dễ nhận biết hơn ở trẻ đã lớn. Bởi lẽ, những triệu chứng ở thanh thiếu niên có thể dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu đau nhức do hoạt động thể thao hoặc sinh hoạt thường nhật. Chính vì vậy, phụ huynh cần chú ý đến những vấn đề thường gặp ở con trẻ để sớm phát hiện và chữa trị kịp thời những bệnh lý nguy hiểm.3 

Xem thêm: Bổ sung vitamin D cho trẻ theo tuổi

Lượng vitamin D cần thiết cho trẻ 

Tất cả trẻ em đều cần vitamin D ngay sau khi sinh:14

  • Trẻ em dưới 12 tháng tuổi cần 400 IU vitamin D mỗi ngày.
  • Trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi cần 600 IU vitamin D mỗi ngày.

(IU là đơn vị đo lường quốc tế, viết tắt của International unit)

Tuy nhiên, liều lượng này còn tuy thuộc vào nguồn sữa của trẻ. Cụ thể như sau: 

1. Trẻ chỉ bú sữa mẹ15

  • Trẻ cần 400 IU vitamin D lỏng mỗi ngày – bắt đầu ngay sau khi sinh.
  • Tiếp tục cho trẻ uống vitamin D cho đến khi bạn cai sữa cho trẻ.
  • Sau 12 tháng tuổi, cho trẻ 32 ounce (khoảng 1 lít) sữa công thức tăng cường vitamin D hoặc sữa bò nguyên kem mỗi ngày.

2. Trẻ bú sữa mẹ và sữa công thức15

  • Đối với trẻ sơ sinh chỉ uống ít hơn 32 ounce (khoảng 1 lít) sữa công thức mỗi ngày, hãy cho trẻ bổ sung 400 IU vitamin D dạng lỏng mỗi ngày – bắt đầu trong vài ngày sau khi sinh.
  • Tiếp tục cho trẻ uống vitamin D cho đến khi trẻ uống ít nhất 32 ounce (khoảng 1 lít) mỗi ngày.

Xem thêm: So sánh sữa mẹ và sữa công thức cùng lựa chọn từ chuyên gia

3. Trẻ chỉ bú sữa công thức14

Trường hợp này không cần bổ sung vitamin D. Bởi thành phần trong phần lớn sữa công thứ cho trẻ sơ sinh đều có chứa vitamin D. 

Lượng vitamin D cần bổ sung sẽ phụ thuộc vào loại sữa mà bé bú kể từ khi chào đời
Lượng vitamin D cần bổ sung sẽ phụ thuộc vào loại sữa mà bé bú kể từ khi chào đời

Nguồn vitamin D cung cấp cho cơ thể là từ đâu?

Việc bổ sung vitamin D dạng lỏng cho trẻ cần được chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Bạn cần đảm bảo rằng trẻ không hấp thụ vitamin D vượt quá lượng khuyến nghị; đồng thời bổ sung cho trẻ đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Nguồn vitamin D tự nhiên từ thực phẩm

Đối với những trẻ đã ăn dặm hoặc những trẻ lớn hơn, bạn có thể bổ sung vitamin D cho con thông qua các loại thực phẩm sau:1 16

  • Các loại cá: cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá trích 
  • Sữa chua.
  • Sữa (sữa nguyên kem, ít béo hoặc tách béo). 
  • Nước cam
  • Ngũ cốc cho trẻ
  • Lòng đỏ trứng gà
  • Bơ thực vật. 
  • Pho mát (tùy loại). 

Phơi nắng

Cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng vào một số thời điểm trong ngày cũng giúp trẻ duy trì mức vitamin D ổn định.3 Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng nguồn vitamin D mà cơ thể hấp thu từ việc phơi nắng chỉ mang tính tương đối. Lượng vitamin D này không thể thay thế nguồn vitamin từ sữa công thức hoặc các loại thực phẩm.17 

Đối với làn da của trẻ nhỏ, việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời còn có thể gây ra những vấn đề sau: 

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi phơi nắng, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

  • Lựa chọn thời điểm phơi nắng phù hợp. Ba mẹ nên tránh cho trẻ ra ngoài hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng vào những khung giờ cao điểm có cường độ UV cao. 
  • Sử dụng kem chống nắng phù hợp. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng kem chống nắng cho trẻ em trong những tháng mùa hè cho phép da tiếp nhận đủ ánh sáng mặt trời để duy trì nồng độ vitamin D cần thiết mà vẫn hạn chế nguy cơ cháy nắng.21
  • Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi phải tránh tia UV ở mức tối đa.19
  • Trang bị cho trẻ đầy đủ các vật dụng bảo vệ da; chẳng hạn như kính che nắng, mũ, quần áo dài tay khi tiếp xúc với ánh nắng.
Nguồn vitamin D từ việc phơi nắng không thể thay thế nguồn vitamin D từ thực phẩm
Nguồn vitamin D từ việc phơi nắng không thể thay thế nguồn vitamin D từ thực phẩm

Việc bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong từng giai đoạn phát triển là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, ba mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ về cách thức và liều lượng thích hợp để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho bé. 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Vitamin Dhttps://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminD-HealthProfessional/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  2. Vitamin D Supplementation in Infants, Children, and Adolescentshttps://www.aafp.org/afp/2010/0315/p745.html

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  3. Vitamin D Deficiency in Kids: Signs, Symptoms, and Morehttps://www.healthline.com/nutrition/vitamin-d-deficiency-in-kids-and-teens

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  4. Vitamin D deficiency in breastfed infants & the need for routine vitamin D supplementationhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3103147/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  5. The importance of vitamin D in maternal and child health: a global perspectivehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5809824/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  6. Optimal Vitamin D Supplementation Doses that Minimize the Risk for Both Low and High Serum 25-Hydroxyvitamin D Concentrations in the General Populationhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29397388/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  7. Nutritional rickets: a review of disease burden, causes, diagnosis, prevention and treatmenthttps://www.who.int/publications/i/item/9789241516587

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  8. An Overview of Rickets in Childrenhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7335963/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  9. The juvenile fibromyalgia syndrome (JFMS): a poorly defined disorderhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6502146/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  10. Vitamin D deficiency in adolescentshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4266875/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  11. Do all infants need vitamin D supplementation?https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5896946/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  12. Vitamin Dhttps://www.cdc.gov/breastfeeding/breastfeeding-special-circumstances/diet-and-micronutrients/vitamin-d.html

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  13. Vitamin D deficiency in children and adolescents with obesity: a meta-analysishttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33022267/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  14. Vitamin Dhttps://www.cdc.gov/nutrition/infantandtoddlernutrition/vitamins-minerals/vitamin-d.html

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  15. Does my baby need a vitamin D supplement?https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/expert-answers/vitamin-d-for-babies/faq-20058161

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  16. Vitamin D in your child's diethttps://www.babycenter.com/toddler/feeding/vitamin-d-in-your-childs-diet_10324696

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  17. Sun Exposure in Children: Balancing the Benefits and Harmshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7001416/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  18. Childhood sun exposure as a risk factor for melanoma: a systematic review of epidemiologic studieshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11227927/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  19. Ultraviolet radiation: a hazard to children and adolescentshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21357345/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  20. Sun exposure as a risk factor for nuclear cataracthttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/14569187/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

  21. Vitamin D Status in Children in Greece and Its Relationship with Sunscreen Applicationhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7914486/

    Ngày tham khảo: 22/04/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người