YouMed

Xét nghiệm AST đánh giá chức năng gan là gì?

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Xét nghiệm AST dùng để đánh giá chức năng gan. Bác sĩ dựa vào đó và một số thí nghiệm khác để đưa ra kết luận về hoạt động của gan. Hiện nay, ngày càng nhiều người mắc các vấn đề về gan, đặc biệt là những người đã từng mắc COVID-19. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô (chuyên khoa: Tim – Thận – Khớp – Nội tiết) sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về xét nghiệm AST.

Xét nghiệm AST là gì?

Xét nghiệm AST là một thí nghiệm phân tích dựa trên mẫu máu để kiểm tra các tổn thương gan. Kết quả của xét nghiệm này sẽ cho biết gan bạn có tổn thương hay không hoặc theo dõi quá trình điều trị bệnh gan. Đây là một xét nghiệm quan trọng và không thể thiếu để chúng ta theo dõi “quả gan” của chính mình.

Gan là một cơ quan chủ chốt với nhiều công dụng, nhờ nó mà cơ thể phát triển và khỏe mạnh. Gan tạo ra mật để tiêu hóa thức ăn. Từ đó cơ thể sẽ hấp thu được chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Bên cạnh đó, nó cũng đào thải các chất cặn bã và chất độc ra khỏi máu. Gan sản sinh ra protein và các chất đông máu.

xét nghiệm AST
Gan khỏe mạnh bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật

AST – viết tắt của Aspartate Aminotransferase – là một lại enzym do gan, tim, thận, não và cơ bắp tạo ra. Nhưng gan là nơi chứa hàm lượng chất này cao nhất. Bình thường, nồng độ AST trong máu thấp và nó tăng lên khi gan có vấn đề. Đây chính là lý do các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm AST cùng những xét nghiệm men gan khác để đánh giá chức năng gan, điển hình là ALT (Alanine Aminotransferase).

Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm AST

Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm AST để kiểm tra tình trạng gan của bạn. Khi bạn có những biểu hiện sau, bạn nên đến bệnh viện để xét nghiệm chức năng gan, bao gồm: mệt mỏi, yếu đuối, không muốn ăn uống, buồn nôn, nôn, bụng sưng bất thường, đau bụng, da vàng, mắt vàng, nước tiểu sậm màu, ngứa da và rối loạn đông máu. Đây là những dấu hiệu cảnh báo gan của bạn đang tổn thương.

Ngoài ra, khi bạn là người có nguy cơ cao mắc các bệnh về gan, bác sĩ cũng yêu cầu xét nghiệm AST để tầm soát bệnh. Hoặc gan của bạn đã bị tổn thương nhẹ nên không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nhẹ. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc vấn đề về gan như:

  • Đã từng tiếp xúc với virus gây viêm gan.
  • Thường xuyên sử dụng rượu hoặc chất kích thích.
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh gan.
  • Đang bị đái tháo đường.
  • Béo phì, thừa cân.
  • Phân có màu sáng.
  • Cơ thể xuất hiện các vết bầm.
xét nghiệm AST
Cơ thể xuất hiện vết bầm cùng các dấu hiệu khác cảnh báo lá gan không khỏe mạnh

Hiện nay, những người từng bị nhiễm COVID-19 sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều trên gan. Trên thực tế, những người từng bị các bệnh lý về gan (đặc biệt là gan nhiễm mỡ) dễ bị diễn biến nặng. Những ai có chức năng gan không tốt sẽ hồi phục kém hơn ở bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó khoảng 60% bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã bị suy gan. Những tổn thương về gan chủ yếu do sự gia tăng cấp tính của nồng độ AST và ALT. Do đó, người bệnh từng là F0 trong đại dịch có thể sẽ được chỉ định xét nghiệm AST khi đi khám hậu COVID.1

Quy trình xét nghiệm AST

Trước khi tiến hành xét nghiệm AST, bạn không cần nhịn ăn uống. Bác sĩ sẽ hỏi các loại thuốc bạn đang dùng để xem xét mức độ ảnh hưởng của chứng đến kết quả xét nghiệm. Bạn có thể uống nhiều nước để kỹ thuật viên dễ tiếp cận với các tĩnh mạch khi lấy máu hơn.

Giống các xét nghiệm máu khác, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch cánh tay của bạn. Đầu tiên là bước quấn dải băng quanh vị trí lấy máu để làm cho tĩnh mạch nổi lên. Sau đó, họ sẽ sát trùng bằng cồn y tế và cuối cùng là dùng kim tiêm để “rút” một lượng máu đủ cho xét nghiệm. Máu được đưa vào lọ và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Kết quả xét nghiệm AST

Kết quả xét nghiệm AST sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính. Ngoài ra, tùy vào phòng thí nghiệm mà nồng độ AST sẽ có sự chênh lệch. Mức độ AST bình thường ở người trưởng thành từ 14 U/L đến 20 U/L (đàn ông) và 9 U/L đến 36 U/L (phụ nữ). Trẻ sơ sinh và trẻ em có lượng AST tối đa cao hơn nhiều so với người lớn, lần lượt là 47 U/L đến 150 U/L và 9 U/L đến 80 U/L.

Khi kết quả cho thấy AST tăng lên, bạn có thể đang gặp các tình trạng sau: viêm gan B, viêm gan C; gan nhiễm mỡ; bệnh về huyết sắc tố, hội chứng Wilson, viêm gan tự miễn, thiếu hụt enzym alpha-1-antitrypsin, do một vài thuốc. Ngoài ra, có những trường hợp khác bạn cần lưu ý như:

  • AST cao gấp 5 đến 15 lần phạm vị cho phép: Cảnh báo bệnh viêm gan virus cấp tính.
  • AST cao hơn 15 lần giới hạn: Bạn đang bị ngộ độc acetaminophen hoặc sốc gan (gan không được cung cấp máu).
xét nghiệm AST
Nồng độ AST tăng cao hơn 15 lần so với mức quy định là dấu hiệu cho tình trạng sốc gan

Thông thường, bác sĩ sẽ lặp lại xét nghiệm AST hoặc phối hợp thêm các thí nghiệm khác để kết quả được chính xác, bao gồm: xét nghiệm máu; chụp hình ảnh gan, sinh thiết gan. 

Những “sự cố” khác trên gan gây ra mức AST bất thường như:

Ngoài ra, một vài nguyên nhân khác khiến nồng độ AST tăng cao không liên quan đến gan như: bị đau tim gần đây, làm việc nhiều, tiêm hoặc uống thuốc, bỏng, co giật, phẫu thuật, bệnh Celiac, bệnh trên cơ, tế bào hồng cầu bị phá hủy. 

Những lưu ý khi xét nghiệm AST

Khi xét nghiệm AST, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Giữ tinh thần thoải mái, ăn uống lành mạnh và ngủ sớm vào ngày trước khi xét nghiệm. Điều này giúp kết quả được chuẩn xác nhất.
  • Nếu xét nghiệm AST với mục đích xét nghiệm men gan, bạn sẽ cần nhịn ăn vài giờ.
  • Nơi lấy máu có thể để lại vết bầm nhẹ hoặc cảm giác khó chịu.

Xét nghiệm AST đánh giá chức năng gan ở đâu?

Hiện nay, những ai có triệu chứng bệnh gan, nguy cơ cao mắc bệnh về gan hay bệnh nhân hậu COVID-19 có thể đến bệnh viện gần nhất để tiến hành xét nghiệm AST. Sau đây là một số bệnh viện lớn trên toàn quốc mà bạn có thể tham khảo:

  • Khu vực miền Bắc: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân Y 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,…
  • Khu vực miền Trung: Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng; Bệnh viện Đa khoa Bình Định; Bệnh viện Trung ương Huế,…
  • Khu vực miền Nam: Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Nhân dân Gia Định; Bệnh viện Đại học Y dược Hồ Chí Minh,…
Xét nghiệm AST
Bạn hãy lựa chọn các bệnh viện có uy tín để thực hiện xét nghiệm AST đánh giá chức năng gan

Hy vọng bài viết đã gửi đến bạn những thông tin hữu ích về xét nghiệm AST. Bạn có thể tham khảo những triệu chứng cảnh báo bệnh gan để đến bệnh viện xét nghiệm chức năng gan. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện lối sống lành mạnh để có một quả gan “không bệnh tật”.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Liver function recovery of COVID-19 patients after discharge, a follow-up studyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7738966/

    Ngày tham khảo: 24/04/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người