Xét nghiệm kháng nguyên là gì? Xét nghiệm kháng nguyên để làm gì?
Nội dung bài viết
Xét nghiệm kháng nguyên là gì? Khi nào cần thực hiện xét nghiệm kháng nguyên? Bài viết sau đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo sẽ cung cấp thông tin về những vấn đề trên. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Xét nghiệm kháng nguyên là gì? Xét nghiệm kháng nguyên để làm gì?
Kháng nguyên là gì?
Kháng nguyên là một chất có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch khi tồn tại trong cơ thể. Nó có thể là virus, vi khuẩn, độc tố, hóa chất hoặc chất khác từ bên ngoài cơ thể. Các mô và tế bào trong cơ thể cũng chứa các kháng nguyên có thể gây ra các phản ứng miễn dịch.1
Xét nghiệm kháng nguyên là gì? Mục đích để làm gì?
Xét nghiệm kháng nguyên giúp phát hiện kháng nguyên trong cơ thể từ mẫu lấy xét nghiệm. Các kháng nguyên này có thể là các protein tạo nên virus, như đối với SARS-CoV-2 là virus gây ra COVID-19.
Nếu mẫu từ mũi hoặc cổ họng của một người có chứa virus, xét nghiệm kháng nguyên sẽ cho biết kết quả bằng sự thay đổi hình ảnh. Trong xét nghiệm kháng nguyên không kê đơn, kết quả dương tính thường xuất hiện dưới dạng một vạch trên xét nghiệm, giống như que thử thai.
Ưu điểm của các xét nghiệm kháng nguyên là đơn giản và nhanh chóng. Xét nghiệm kháng nguyên có thể nhanh chóng xác định các dấu hiệu bề mặt dễ tìm thấy ở bên ngoài của virus. Một người có thể thu thập mẫu dễ dàng bằng cách ngoáy mũi hoặc cổ họng, nơi virus có xu hướng nhân rộng và tập hợp với số lượng lớn. Các xét nghiệm kháng nguyên cũng có thể tạo ra kết quả trong vòng vài phút. Điều đó nói lên rằng, chúng có thể không chính xác bằng xét nghiệm PCR – một hình thức xét nghiệm phổ biến khác được sử dụng cho COVID-19.1
Phân biệt xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể
Xét nghiệm kháng thể hoặc huyết thanh học là xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu của nhiễm trùng trước đó. Nó phát hiện các kháng thể, là các protein trong máu để chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, không thể dựa vào xét nghiệm kháng thể để dự đoán chính xác khả năng miễn dịch của từng cá nhân.
Ví dụ trong trường hợp xét nghiệm kháng thể của COVID-19. Ngay cả khi bạn nhận được kết quả kháng thể dương tính, cho thấy rằng kháng thể COVID-19 đã được phát hiện, bạn sẽ không biết chắc chắn rằng bạn không thể nhiễm lại COVID-19. Mọi người nên tiếp tục tuân theo các khuyến nghị về cách xa, và vệ sinh cơ thể cho đến khi các nhà khoa học và bác sĩ hiểu rõ hơn về căn bệnh này.2
Các loại xét nghiệm kháng nguyên
Xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể hay xét nghiệm miễn dịch được sử dụng rộng rãi trong y khoa. Mục đích làm tăng hiệu quả chẩn đoán và điều trị. Một số xét nghiệm miễn dịch thường gặp như:
- Xét nghiệm tầm soát bệnh ung thư tiêu hóa.
- Xét nghiệm kháng nguyên dị ứng.
- Xét nghiệm để tìm ra các loại virus như viêm gan B, viêm gan C, HPV, HIV…
- Chẩn đoán thuyên tắc mạch, nhồi máu cơ tim.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Xét nghiệm nhanh các loại thuốc như thuốc gây ảo giác như thuốc lắc, cocain, cần sa.
- Xét nghiệm xác định nhóm máu.
Khi nào cần xét nghiệm kháng nguyên?
Xét nghiệm kháng nguyên được bác sĩ chỉ định khi nghi ngờ bạn có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh tự miễn hệ thống.3 Cụ thể những người này sẽ có dấu hiệu như:
- Mệt mỏi kéo dài.
- Có sốt nhẹ.
- Đau giống như viêm khớp ở một hoặc nhiều khớp.
- Ban đỏ (trong bệnh lupus ban đỏ, ban đỏ dạng cánh bướm trên mặt)
- Da nhạy cảm với ánh sáng.
- Tóc rụng.
- Đau cơ.
- Tê hay châm chích ở bàn chân hay bàn tay.
- Viêm và tổn thương nhiều cơ quan và mô, bao gồm phổi, thận, nội tâm mạc, các mạch máu, hệ thần kinh trung ương.
- Bên cạnh đó để chẩn đoán các bệnh như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm đa cơ, hội chứng Sjogren…
Lưu ý khi xét nghiệm kháng nguyên
- Các loại thuốc sau có thể gây ra hiện tượng dương tính giả: chlorprothixene, chlorothiazides, griseofulvin, aminosalicylic acidhydralazine, penicillin, phenytoin sodium, procainamide, streptomycin, sulfonamide, phenylbutazone, và tetracyclines.
- Các thuốc chứa steroid có thể làm kết quả âm tính giả.
- Xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể không dùng chẩn đoán hay theo dõi tiến triển lâm sàng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
- Một số tình trạng nhiễm trùng, xơ gan tắc mật, viêm gan tự miễn… có thể cho kết quả xét nghiệm dương tính.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện đúng quy tắc, các chỉ định xét nghiệm.
- Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
Xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 như thế nào?
Định nghĩa
Các xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 phát hiện các protein, được gọi là kháng nguyên từ SARS-CoV-2, loại vi rút gây ra COVID-19.4
Quy trình thực hiện5
1. Trước khi lấy mẫu
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Người lấy mẫu phải thực hiện vệ sinh, sát khuẩn tay trước khi lấy mẫu.
2. Chuẩn bị lấy mẫu
Lấy khay thử ra khỏi túi đựng, sử dụng trong vòng 1 giờ. Đặt khay thử trên bề mặt phẳng sạch nằm ngang. Lấy que ra khỏi túi và tiến hành thu thập mẫu xét nghiệm.
3. Lấy mẫu bệnh phẩm
Lưu ý: lấy không đúng cách sẽ cho kết quả không chính xác.
Lấy mẫu dịch tỵ hầu (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch tỵ hầu):
- Tư thế ngồi lấy mẫu: Ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy, đầu nghiêng về phía sau tạo thành một góc 70 độ. Đối với trẻ nhỏ: đặt ngồi trên đùi của người lớn. Ôm giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Ngả đầu trẻ ra phía sau.
- Cầm que lấy mẫu đưa vào mũi nhẹ nhàng, vừa đẩy vừa xoay nhẹ sao cho que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.
- Giữ que trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa. Từ từ xoay nhẹ nhàng và rút que lấy mẫu ra, cho vào ống có chứa sẵn đệm chiết mẫu.
Lấy mẫu dịch mũi (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch mũi):
- Tư thế người được lấy mẫu giống như lấy mẫu dịch tỵ hầu.
- Cầm que lấy mẫu đưa vào mũi nhẹ nhàng đến khoảng 2 cm, xoay que lấy mẫu 3 giây vào thành mũi.
- Sau khi lấy xong 1 bên mũi, dùng que lấy mẫu này thao tác tương tự bên mũi còn lại. Xoay và rút que mẫu ra nhẹ nhàng rồi cho vào ống chứa đệm chiết mẫu.
4. Tách chiết mẫu
- Nhúng đầu que lấy mẫu vào ống chiết. Xoay và miết đầu que vào thành và đáy ống chiết khoảng 10 lần.
- Ngâm đầu que trong dung dịch 1 phút. Dùng tay bóp 2 thành ống ép vào đầu que. Rút từ từ, kết hợp với xoay que và ép đầu que để thu càng nhiều dịch càng tốt. Đậy chặt ống chiết bằng nắp nhỏ giọt.
- Lắc ống theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu. Tránh làm cho dung dịch chạm tới đầu lọc trong nắp nhỏ giọt. Nhỏ 2 – 3 giọt mẫu chiết từ ống vào ô nhận mẫu (S) của khay thử và canh thời gian.
5. Đọc kết quả
Tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm thời gian đọc kết quả khác nhau. Không được đọc kết trước hoặc sau thời gian quy định của hướng dẫn sinh phẩm.
- Trong trường hợp chỉ xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ): Âm tính.
- Trong trường hợp xuất hiện cả vạch chứng C và vạch kết quả T: Dương tính.
Vạch chứng C và vạch kết quả T không xuất hiện, hoặc chỉ xuất hiện vạch kết quả TK thì kết quả không được chấp nhận.
Lưu ý: nếu vạch chứng C không xuất hiện có thể do khay thử bị hỏng hoặc trong quá trình lấy bị thiếu mẫu. Cần thực hiện test lại hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được hỗ trợ.
6. Thu gom và xử lý vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng
Tất cả các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng được xem như là chất thải lây nhiễm. Các chất thải này cần thu gom và xử lý đúng quy định. Không cho chung các vật liệu xét nghiệm đã sử dụng này vào rác thải sinh hoạt hàng ngày.
Lưu ý khi xét nghiệm kháng nguyên Covid-19
- Đeo khẩu trang.
- Thường xuyên khử khuẩn tay.
- Đeo kính chống giọt bắn để hạn chế khí dung khi tiếp xúc với người khác.
- Tránh tiếp xúc gần với người khác để tránh lây lan dịch bệnh.
Ưu điểm của xét nghiệm kháng nguyên Covid-19
- Phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 do độ nhạy khá cao: dương tính 72% ở người có triệu chứng, và 58% ở người không có triệu chứng…
- Dễ dàng thực hiện, có thể được sử dụng tại các điểm lấy mẫu di động, có thể tự làm xét nghiệm tại nhà.
- Kết quả nhanh chóng, thời gian thường từ 15-30 phút.
- Chi phí rẻ, ít tốn kém hơn so với xét nghiệm RT-PCR.
Nhược điểm của xét nghiệm kháng nguyên Covid
- Độ đặc hiệu không cao. Vì vậy có thể dương tính chéo với các virus khác. Vẫn có trường hợp dương tính giả, âm tính giả xảy ra. Các trường hợp cần xét nghiệm thêm RT-PCR để khẳng định chẩn đoán Covid 19.
- Kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính không được xem là bằng chứng để kết thúc cách ly.
Xét nghiệm kháng nguyên Covid ở đâu?
Hiện nay, test nhanh để phát hiện virus SARS-CoV-2 đang được thực hiện phổ biến trong cộng đồng góp phần kiểm soát dịch nhanh và hiệu quả hơn.
Bạn có thể tự test nhanh Covid 19 tại nhà theo các bước hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, ở hầu hết các trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám cũng có khu vực riêng xét nghiệm Covid. Đối với mỗi cơ sở khác nhau sẽ có mức giá xét nghiệm khác nhau.
Chất lượng bộ kit test rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét nghiệm. Trên thị trường hiện nay có bán rất nhiều bộ kit; nên nếu như mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng thì kết quả cho ra không đảm bảo chính xác. Do đó, bạn cần sử dụng những sản phẩm đã được Bộ Y tế công bố, cấp phép lưu hành.
Bạn có thể mua bộ xét nghiệm kháng nguyên Covid tại nhà ở các nhà thuốc trên toàn quốc. Mức giá rơi vào khoảng 60.000 – 100.000 VNĐ/bộ. Giá này có thể khác nhau tùy vào dạng sản phẩm và chính sách của nhà cung cấp.
Xét nghiệm kháng nguyên HIV như thế nào?
Xét nghiệm kháng nguyên HIV là gì?
Bản chất của xét nghiệm này là tìm kiếm virus HIV trong máu, dịch tiết cơ thể. Kháng nguyên là những chất lạ gây kích hoạt hệ thống miễn dịch. Khi bị nhiễm HIV, kháng nguyên P24 sẽ được sản xuất ngay, trước khi kháng thể phát triển. P24 thường xuất hiện từ 2 – 4 tuần sau khi người bệnh nhiễm virus HIV.6
Sau khi lấy, mẫu sẽ được đem đi nuôi cấy tế bào để phân lập virus nhằm xác định sự nhân lên của HIV trong máu, phát hiện các axit nucleic hoặc DNA trong tế bào.
Phương pháp này có ưu điểm là phát hiện trực tiếp kháng nguyên. Vì vậy nhận ra được tình trạng nhiễm HIV từ giai đoạn rất sớm, ngay cả khi cơ thể chưa đáp ứng. Xét nghiệm kháng nguyên HIV còn phù hợp với trẻ em dưới 18 tháng tuổi, dùng trong những trường hợp nhiễm cấp, tính kháng thuốc, theo dõi điều trị.
Xét nghiệm kháng nguyên HIV ở đâu? Chi phí bao nhiêu?
Những người có nguy cơ cao nhiễm HIV, hoặc nghi nhiễm HIV nên tìm đến các địa chỉ xét nghiệm HIV uy tín. YouMed đã tổng hợp một số đơn vị xét nghiệm HIV cũng như giá tiền qua bài viết Xét nghiệm HIV ở đâu và bao nhiêu tiền?. Quý bạn đọc có thể tham khảo để có những sự lựa chọn phù hợp với bản thân nhé.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích và giải đáp cho bạn đọc thắc mắc “xét nghiệm kháng nguyên là gì?”. Hãy đến các cơ sở uy tín để quá trình xét nghiệm diễn ra an toàn và kết quả xét nghiệm chính xác nhất!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What to know about antigen testshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/what-is-an-antigen-test
Ngày tham khảo: 08/11/2022
-
What is Antibody (Serology) Testinghttps://www.uclahealth.org/antibody-serology-testing#:~:text=An%20antibody%20or%20serology%20test,COVID%2D19%20in%20our%20communities
Ngày tham khảo: 08/11/2022
-
What’s the Difference Between Antigens and Antibodies?https://www.healthline.com/health/infection/antigen-vs-antibody
Ngày tham khảo: 08/11/2022
-
At-Home COVID-19 Antigen Tests-Take Steps to Reduce Your Risk of False Negative: FDA Safety Communicationhttps://www.fda.gov/medical-devices/safety-communications/home-covid-19-antigen-tests-take-steps-reduce-your-risk-false-negative-fda-safety-communication
Ngày tham khảo: 08/11/2022
-
Lưu ý quan trọng khi tự làm test nhanh COVID-19 tại nhàhttps://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/luu-y-quan-trong-khi-tu-lam-test-nhanh-covid-19-tai-nha
Ngày tham khảo: 08/11/2022
-
Ba phương pháp xét nghiệm phát hiện sàng lọc nhiễm HIVhttps://hiv.khanhhoa.gov.vn/vi/kien-thuc-hiv-aids/ba-phuong-phap-xet-nghiem-phat-hien-sang-loc-nhiem-hiv
Ngày tham khảo: 08/11/2022