YouMed

Xuất huyết não: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị

bác sĩ cao hoàng nhã
Tác giả: Bác sĩ Cao Hoàng Nhã
Chuyên khoa: Ngoại thần kinh

Xuất huyết não là tình trạng chảy máu nội sọ. Mặc dù tỉ lệ xuất huyết não thấp hơn nhiều so với nhồi máu não, nhưng nó có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn. Và được xem là một tình trạng cấp cứu cần được xử lý sớm và đúng cách. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Cao Hoàng Nhã tìm hiểu về tình trạng xuất huyết não nhé!

Xuất huyết não là gì?

Xuất huyết não là do chảy máu trong nhu mô não – một loại đột quỵ đe dọa tính mạng. Đột quỵ xảy ra khi não bị thiếu oxy và máu. Nguyên nhân xuất huyết não thường gặp nhất là do tăng huyết áp. Dị dạng động-tĩnh mạch hoặc chấn thương đầu cũng là những nguyên nhân phổ biến. Mục tiêu điều trị tập trung vào việc cầm máu, loại bỏ cục máu đông (tụ máu). Đồng thời, điều trị làm giảm áp lực lên nhu mô não tránh tổn thương lan rộng.

Có 2 nhóm nguyên nhân lớn là tự phát và chấn thương. Trong nhóm nguyên nhân tự phát, lại chia ra nhiều loại. Bao gồm: xuất huyết dưới màng nhện, xuất huyết trong nhu mô não và xuất huyết não thất. Nhóm này thường được gọi là đột quỵ xuất huyết não, chiếm khoảng 10% các nguyên nhân đột quỵ (85% nguyên nhân đột quỵ là nhồi máu não, do gián đoạn nguồn cung cấp máu cho nhu mô não bởi nguyên nhân là tắc mạch máu não).1 2Từ “xuất huyết não” mà ta dùng ở đây được hiểu là xuất huyết trong nhu mô não.

Xuất huyết não thường do vỡ các động mạch nhỏ trong mô não (trái). Khi máu đông lại, cục máu đông hình thành gây tăng áp lực đè ép lên nhu mô não
Xuất huyết não thường do vỡ các động mạch nhỏ trong mô não (trái). Khi máu đông lại, cục máu đông hình thành gây tăng áp lực đè ép lên nhu mô não

Xuất huyết não (ICH) là gì?

Các động mạch nhỏ đưa máu đến các vùng sâu bên trong não được gọi là các nhánh động mạch xuyên. Tình trạng huyết áp tăng cao trong cơn tăng huyết áp có thể làm cho các nhánh động mạch có thành mỏng này bị vỡ. Từ đó, giải phóng máu vào nhu mô não. Vì tất cả được bao bọc bên trong hộp sọ cứng có thể tích không đổi, máu đông và chất lỏng tích tụ làm tăng áp lực trong sọ, có thể đè ép nhu mô não hoặc khiến nó bị lệch và thoát vị.

Khi máu tràn vào nhu mô não, vùng não được động mạch cung cấp lúc này sẽ bị thiếu máu giàu oxy. Tình trạng này được gọi là đột quỵ. Khi các tế bào máu trong cục máu đông ly giải, các chất được giải phóng làm tổn thương thêm các tế bào não ở khu vực xung quanh khối máu tụ.

Xuất huyết não có thể xảy ra gần bề mặt hoặc ở vùng sâu của não. Đôi khi xuất huyết sâu có thể lan tràn vào não thất. Đây là không gian chứa đầy chất lỏng ở trung tâm não. Dịch não tủy là chất lỏng lưu thông quanh não và tủy sống. Tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy có thể gây giãn não thất, lú lẫn, hôn mê, mất ý thức.

Nguyên nhân xuất huyết não

Một số nguyên nhân gây xuất huyết não bao gồm:1 3 4 5

  • Tăng huyết áp. Huyết áp tăng cao có thể làm vỡ các động mạch nhỏ. Chúng được gọi là các nhánh động mạch xuyên bên trong não. Huyết áp bình thường là 120/80 mmHg. Những người có tình trạng tăng huyết áp không kiểm soát có thể gây ra xuất huyết não.
  • Thuốc gây rối loạn đông máu. Các loại thuốc như coumadin, heparin và warfarin có thể gây ra xuất huyết não. Các thuốc này được sử dụng để ngăn ngừa cục máu đông hình thành trong các tình trạng tim mạch. Ví dụ: bệnh lý van tim, rung nhĩ và đột quỵ.
  • Dị dạng động tĩnh mạch (AVM). Đây là một đám rối dị dạng của các động mạchtĩnh mạch bất thường không có mao mạch ở giữa trong não.
  • Túi phình mạch não: phình hoặc yếu thành động mạch.
  • Chấn thương vết thương đầu. Gãy xương sọ và vết thương xuyên thấu (do súng bắn, dao chém) có thể làm tổn thương mạch máu và chảy máu.
  • Bệnh rối loạn đông máu: máu khó đông (Hemophilia A, Hemophilia B), thiếu máu hồng cầu hình liềm, DIC, giảm tiểu cầu (sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu miễn dịch,…)
  • Khối u: các khối u mạch máu cao như u nguyên bào mạch máu và khối u di căn có thể chảy máu vào mô não.
  • Bệnh mạch máu amyloid (thoái hóa mạch máu não dạng bột): sự tích tụ protein trong thành động mạch.
  • Huyết khối các xoang tĩnh mạch não gây ra tình trạng nhồi máu xuất huyết.
  • Các tình trạng bất thường trong thai kì và hậu sản. Bao gồm: tiền sản giật, sản giật, bệnh mạch máu sau sinh, xuất huyết não ở trẻ sơ sinh.
  • Thành mạch yếu và dễ vỡ do bất thường sự hình thành collagen trong thành mạch máu.
  • Sử dụng rượu, cocain và các loại ma túy bất hợp pháp khác có thể gây ra ICH.

Bên cạnh đó, xuất huyết não cũng có thể không rõ nguyên nhân.

Đối tượng nào có nguy cơ bị xuất huyết não?

Có 10% đột quỵ là do xuất huyết não. Xuất huyết não phổ biến gấp đôi so với xuất huyết dưới nhện và có 40% nguy cơ tử vong.5

Xuất huyết não xảy ra ở nam giới với tần suất cao hơn so với nữ giới. Bệnh phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Phi và người Nhật Bản. Đặc biệt là người ở độ tuổi thanh niên và trung niên.5

Tuổi cao và tăng huyết áp là những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của xuất huyết não. Khoảng 70% bệnh nhân bị di chứng kéo dài với nhiều mức độ sau xuất huyết não.5

Di chứng sau xuất huyết não

Khi tình trạng xuất huyết xảy ra, nhu mô não được nuôi dưỡng bởi mạch máu bị vỡ sẽ không nhận đủ máu nuôi, gây ra tình trạng thiếu oxy. Bên cạnh đó, áp lực đè ép mà khối máu tụ gây ra trên nhu mô não lành cũng chèn ép các mạch máu. Điều này gây ra tình trạng thiếu máu và gây phù. Thời gian thiếu oxy nếu kéo dài hơn 3-4 phút sẽ làm cho các tế bào não chết vĩnh viễn, không thể phục hồi được. Chức năng tương ứng với các tế bào não ở vùng tổn thương cũng sẽ bị rối loạn.1 3 4

Vùng não chức năng bị tổn thương vĩnh viễn sẽ để lại những di chứng cho bệnh nhân:1 3 4

  • Liệt ở một chi, liệt nửa người hoặc toàn thân, khó hoặc mất chức năng vận động.
  • Rối loạn về nhận thức, ngôn ngữ, nặng nề nhất là trở thành người thực vật.

Dấu hiệu xuất huyết não

Tùy vào vị trí bị xuất huyết trên não bộ tương ứng với vùng chức năng nào mà người bệnh có các triệu chứng xuất huyết não tương ứng. Các biểu hiện có thể khá tương đồng với đột quỵ thiếu máu não. Thông thường, các biểu hiện hay gặp là:1 3 4

  • Đột ngột liệt nửa người, nói đớ hoặc méo miệng, khó nuốt.
  • Nói khó hoặc phát âm không rõ ràng.
  • Khiếm khuyết cảm giác diễn ra đột ngột. Ví dụ: cảm thấy tê bì cơ mặt, cánh tay hay chân, đặc biệt là chỉ xảy ra ở một bên cơ thể.
  • Mất khả năng thăng bằng và phối hợp vận động.
  • Mất thị lực hoặc nhìn mờ.
  • Đau đầu, buồn nôn và ói.
  • Lú lẫn, không tỉnh táo.
  • Chóng mặt, choáng váng.
  • Co giật, mất ý thức hoặc hôn mê.
  • Khó thở và nhịp tim bất thường (thường thấy ở những người bị xuất huyết ở thân não).

Điều trị tại nhà có được không? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Xuất huyết não là một tình trạng cấp cứu cần được can thiệp ngay. Khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ do xuất huyết não, hãy gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất. Mặc dù tỉ lệ xuất huyết não thấp hơn nhiều so với nhồi máu não nhưng gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Chẩn đoán xuất huyết não

Khi một người được đưa đến phòng cấp cứu với nghi ngờ xuất huyết não, các bác sĩ sẽ cần càng nhiều thông tin càng tốt về các triệu chứng của bệnh nhân. Ví dụ: các bệnh nền hiện có và trước đây, các loại thuốc đang dùng và tiền sử gia đình. Tình trạng của người đó được đánh giá nhanh chóng. Các xét nghiệm chẩn đoán sẽ giúp xác định nguồn chảy máu.1

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) là phương pháp chụp sử dụng tia X không xâm lấn để xem xét các cấu trúc giải phẫu bên trong não và phát hiện bất kỳ hiện tượng chảy máu nào. Phương pháp này liên quan đến việc tiêm chất cản quang vào dòng máu để xem các động mạch não.
  • Chụp mạch máu não (CTA) để tìm kiếm các mạch máu phình vỡ hoặc xơ vữa, viêm động mạch, khối u, rách nội mạc động mạch, cục máu đông
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một xét nghiệm không xâm lấn, sử dụng từ trường và sóng tần số vô tuyến để cung cấp cái nhìn chi tiết về các mô mềm trong não của bệnh nhân.
  • Chụp cộng hưởng từ mạch não (MRA) bao gồm việc tiêm chất cản quang vào mạch máu để kiểm tra các mạch máu cũng như cấu trúc của não.
  • Chụp động mạch (DSA) là một thủ thuật xâm lấn. Trong đó, một ống thông được đưa vào động mạch và đi qua các mạch máu đến não. Khi đã đặt ống thông, thuốc cản quang sẽ được tiêm vào máu và sử dụng tia X để chụp và dựng hình.
  • Chọc dò tủy sống.

Ngoài ra, một số xét nghiệm bổ sung khác có thể được thực hiện, bao gồm:1

  • Điện não đồ, chụp X-quang ngực, điện tim.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu.
  • Xét nghiệm công thức máu, đông máu, nhóm máu.

Điều trị xuất huyết não

Điều trị có thể bao gồm các biện pháp cứu mạng, giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Sau khi xác định được nguyên nhân và vị trí chảy máu bằng các khảo sát cần thiết, điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa sẽ được thực hiện để cầm máu, loại bỏ cục máu đông và giảm áp lực lên não. Nếu theo diễn tiến tự nhiên, não sẽ hấp thụ cục máu đông trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, tổn thương não do tăng áp lực nội sọ và các chất sinh ra do ly giải cục máu đông có thể gây ra tổn thương não không thể phục hồi.5

Nhìn chung, những bệnh nhân bị xuất huyết nhỏ (< 10 cm³) và triệu chứng nhẹ được điều trị nội khoa. Những bệnh nhân bị xuất huyết tiểu não (> 3 cm³) có diễn tiến lâm sàng đang xấu đi hoặc bị chèn ép thân não và giãn não thất được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ khối máu tụ càng sớm càng tốt. Những bệnh nhân bị xuất huyết thùy lớn (50 cm³) có tình trạng diễn tiến xấu đi thường được phẫu thuật lấy bỏ khối máu tụ.5

Điều trị nội khoa5

  • Bệnh nhân sẽ được nhập đơn vị đột quỵ hoặc khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) để theo dõi và chăm sóc chặt chẽ.
  • Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc làm rối loạn đông máu, các loại thuốc đảo ngược và hóa giải sẽ được sử dụng để phục hồi các yếu tố đông máu.
  • Huyết áp được quản lý chặt chẽ. Điều này là để giảm nguy cơ tái xuất huyết nhưng vẫn cung cấp đủ lưu lượng máu (tưới máu) lên não.
  • Kiểm soát áp lực nội sọ (ICP) là một yếu tố quan trọng khi có khối máu tụ lớn. Một thiết bị được đặt trực tiếp vào tâm thất hoặc trong não. Nó dung để đo áp suất và theo dõi liên tục. ICP bình thường là 20mmHg.
  • Dẫn lưu dịch não tủy (CSF) khỏi não thất giúp kiểm soát áp lực. Một ống thông được đưa vào não thất (EVD hoặc VP shunt) có thể được đặt để dẫn lưu dịch CSF và kiểm soát tình trạng giãn não thất, hạn chế tăng áp lực nội sọ.
  • Tăng thông khí cũng giúp kiểm soát ICP. Trong một số trường hợp, sử dụng thuốc gây mê để hạ ICP.

Điều trị ngoại khoa5

Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ càng nhiều cục máu đông càng tốt. Đồng thời, ngăn chặn nguồn chảy máu nếu nó xuất phát từ một nguyên nhân có thể xác định được. Ví dụ: AVM hoặc khối u. Tùy vị trí cục máu đông, có thể tiến hành phẫu thuật mở sọ hoặc chọc hút có định vị.

  • Phẫu thuật mở sọ bao gồm việc khoan cắt mở hộp sọ, bộc lộ nhu mô não và loại bỏ cục máu đông. Vì có nhiều nguy cơ cho não, kỹ thuật này thường chỉ được sử dụng khi khối máu tụ gần bề mặt não. Hoặc nguyên nhân xuất huyết được xác định như AVM hoặc khối u và cần phải được loại bỏ.
  • Chọc hút dưới định vị là một phẫu thuật xâm lấn tối thiểu cho các khối máu tụ lớn nằm sâu bên trong não. Thủ thuật sử dụng khung định vị để hướng dẫn kim hoặc ống nội soi trực tiếp vào cục máu đông. Hình ảnh học trước phẫu thuật giúp định vị khối máu. Trong khi phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ khoan một lỗ nhỏ có kích thước nhỏ trên hộp sọ. Với sự hỗ trợ của khung định vị, một ống thông rỗng được đưa qua lỗ khoan. Nó tiếp tục đi xuyên qua mô não, tiếp cận trực tiếp vào cục máu đông. Ống thông rỗng được gắn vào một ống tiêm lớn để rút phần chất lỏng của cục máu đông. Sau đó, một ống thông nhỏ hơn sẽ được đưa vào để tiếp tục dẫn lưu trong những ngày tiếp theo đến vài tuần.
Chọc hút qua một ống thông để giảm hiệu ứng khối choán chỗ và áp lực nội sọ
Chọc hút qua một ống thông để giảm hiệu ứng khối choán chỗ và áp lực nội sọ

Điều trị phục hồi sau xuất huyết não4 5

Ngay sau khi xuất huyết não, bệnh nhân sẽ ở trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trong vài tuần. Tại đây, họ được các bác sĩ và điều dưỡng theo dõi chặt chẽ để tìm các dấu hiệu xuất huyết, giãn não thất và các biến chứng khác. Khi tình trạng ổn định, bệnh nhân được chuyển đến phòng thường.

Bệnh nhân xuất huyết não có thể bị di chứng ngắn hạn và dài hạn do xuất huyết não hoặc do quá trình điều trị. Một số di chứng này có thể biến mất theo thời gian bằng nhiều phương pháp trị liệu. Quá trình phục hồi có thể mất vài tuần, vài tháng hoặc nhiều năm. Điều này tùy thuộc vào thời điểm điều trị sớm và đúng cách, mức độ nặng nề của di chứng và phương pháp phục hồi chức năng được áp dụng. Bao gồm: trị liệu ngôn ngữ, vật lý trị liệu và dự phòng tái xuất huyết trong tương lai.

Phòng ngừa xuất huyết não

Bạn có thể kiểm soát nguy cơ bị xuất huyết não trong tương lai bằng cách:4

  • Giữ huyết áp ở mức ổn định.
  • Nếu có tình trạng đái tháo đường phải kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
  • Kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu ở mức cho phép.
  • Kiểm soát cân nặng, có chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên, đều đặn. Nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần. Không bỏ tập quá 2 ngày liên tiếp.
Nên hạn chế rượu bia, thuốc lá để phòng ngừa xuất huyết não
Nên hạn chế rượu bia, thuốc lá để phòng ngừa xuất huyết não

Những người từng bị xuất huyết não hay đột quỵ sẽ tăng thêm khoảng 25% khả năng tái phát trong tương lai. Do đó, bạn cần chú ý chăm sóc sức khỏe thật tốt và thực hiện các biện pháp bảo vệ não bộ.6 7

Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích về xuất huyết não. Việc hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị sẽ giúp ích cho việc phát hiện và có những biện pháp xử trí kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Spontaneous intracerebral hemorrhage: a reviewhttps://thejns.org/focus/view/journals/neurosurg-focus/15/4/foc.2003.15.4.0.xml?tab_body=fulltext

    Ngày tham khảo: 12/10/2022

  2. Warlow CP, Dennis MS, Van Gijn J, Hankely GL, Sandercock PAG, Bamford J, et al. Stroke: A practical guideline to management, 2nd ed. Blackwell scientific publications; Oxford, 2000.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/10/stroke-practical-management-third-edition.pdf

    Ngày tham khảo: 12/10/2022

  3. Epidemiology, Risk Factors, and Clinical Features of Intracerebral Hemorrhage: An Updatehttps://www.j-stroke.org/journal/view.php?doi=10.5853/jos.2016.00864

    Ngày tham khảo: 12/10/2022

  4. Guidelines for the Management of Spontaneous Intracerebral Hemorrhagehttps://www.ahajournals.org/doi/10.1161/str.0000000000000069

    Ngày tham khảo: 12/10/2022

  5. Intracerebral hemorrhage (ICH)https://mayfieldclinic.com/pe-ich.htm

    Ngày tham khảo: 12/10/2022

  6. Recurrent Ischemic Stroke: Strategies for Preventionhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29094912/

    Ngày tham khảo: 12/10/2022

  7. The risk of recurrent stroke after intracerebral haemorrhagehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17220294/

    Ngày tham khảo: 12/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người