YouMed

Quai bị ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

BS Tô Hồng Phương Thanh
Tác giả: Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh
Chuyên khoa: Truyền nhiễm

Quai bị là một bệnh khá quen thuộc, lây lan và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Do đó, đây cũng là một trong những bệnh nguy hiểm với trẻ em. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh sẽ cung cấp cho bạn thông tin về bệnh này cũng như cách điều trị, phòng ngừa, chăm sóc trẻ em mắc bệnh quai bị.

Bệnh quai bị ở trẻ em là gì?

Bệnh quai bị ở trẻ em do một loại virus rất dễ lây lan. Bệnh này thường làm cho trẻ em sốt và sưng tuyến nước bọt, sưng khu vực gần tai. Bệnh này có thể liên quan đến hệ thống thần kinh trung ương. Bệnh quai bị ở trẻ em sẽ có các đặc điểm sau:1

  • Lây từ đứa trẻ này sang đứa trẻ khác.
  • Trẻ em dễ bị nhiễm bệnh trước khi triệu chứng xuất hiện (khoảng 1 – 7 ngày).
  • Có thể phòng ngừa bệnh bằng vắc-xin.
  • Bệnh do virus gây ra. Hiện nay, chưa có cách điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng.
  • Việc phát hiện sớm giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Trẻ em mắc bệnh quai bị dẫn đến sưng tuyến nước bọt trên mặt của bé
Trẻ em mắc bệnh quai bị dẫn đến sưng tuyến nước bọt trên mặt của bé

Nguyên nhân gây quai bị ở trẻ em?

Quai bị ở trẻ xuất hiện bởi một loại virus gọi là paramyxovirus. Bệnh lây lan giữa những đứa trẻ với nhau thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi và họng.1 Loại virus này di chuyển từ đường hô hấp (mũi, miệng và cổ họng) vào tuyến mang tai (tuyến nước bọt nằm ở hai bên mặt). Tại đây, chúng bắt đầu sinh sôi nảy nở và làm các tuyến sưng lên.2

Virus này cũng có thể xâm nhập vào dịch não tủy (CSF) – chất lỏng bao quanh để bảo vệ não bộ và cột sống của người bệnh. Ngoài ra, nó có thể đi đến các cơ quan khác trên cơ thể, chẳng hạn như: não, tuyến tụy, tinh hoàn (nam giới) và buồng trứng (nữ giới).2

Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em là gì?

Triệu chứng quai bị ở trẻ em có thể khác nhau tùy vào thể trạng của bé. Khoảng thời gian bé xuất hiện các dấu hiệu của bệnh là 16 – 18 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Các triệu chứng phổ biến nhất được chia theo từng giai đoạn dưới đây.1

Trong giai đoạn đầu của bệnh:1

Trẻ em sẽ bị sốt, đau đầu, mệt mỏi trong giai đoạn sớm mắc quai bị
Trẻ em sẽ bị sốt, đau đầu, mệt mỏi trong giai đoạn sớm mắc quai bị

Trong vòng 24 giờ kể từ khi có các triệu chứng bên trên:1

  • Đau tai hoặc đau mặt.
  • Đau nặng hơn khi nhai.
  • Đau nặng hơn khi ăn thực phẩm kích thích tuyến nước bọt (đồ chua).

Trong 24 giờ tiếp theo:1

  • Sưng một trong các tuyến nước bọt nằm ở một bên mặt, gần bên ngoài tai. Thậm chí toàn bộ vùng má của người bệnh sẽ sưng lên.
  • Trẻ có thể bị sưng hai tuyến nước bọt khác, chúng nằm dưới lưỡi và cằm. Triệu chứng này ít xảy ra hơn.

Biến chứng bệnh quai bị ở trẻ em

Những biến chứng có thể xảy ra ở cả trẻ trai và trẻ gái bao gồm:1

  • Viêm màng não: là tình trạng sưng mô xung quanh não và tủy sống. Các triệu chứng như: nhức đầu, cứng cổ, buồn nônói mửa, thay đổi trong hành vi, mắt nhạy cảm với ánh sáng,…
  • Viêm tụy: là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Các triệu chứng bao gồm: cơn đau dạ dày xuất hiện đột ngột, sốt, ớn lạnh, nôn mửa, yếu đuối.
  • Viêm vú: hay còn gọi là tình trạng viêm mô vú.3
  • Điếc: trẻ em có thể bị mất thính lực khi mắc quai bị.3
Một số trẻ em mắc quai bị có thể ảnh hưởng đến thính lực, thậm chí là điếc
Một số trẻ em mắc quai bị có thể ảnh hưởng đến thính lực, thậm chí là điếc

Các biến chứng có thể xảy ra ở trẻ trai: viêm tinh hoàn với các biểu hiện như: sốt, ớn lạnh, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày, sưng đau ở một hoặc cả hai tinh toàn.1

Các biến chứng có thể xảy ra ở trẻ gái: viêm buồng trứng với các triệu chứng như: sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn, đau ở một bên vùng chậu hoặc cả hai bên.1

Những trẻ nào có nguy cơ mắc quai bị?

Những đứa trẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh quai bị khi chúng ở gần người bệnh quai bị. Đặc biệt là trẻ em chưa tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh quai bị.2

Chẩn đoán quai bị ở trẻ em

Quai bị thường được chẩn đoán dựa trên bệnh sử và quá trình khám triệu chứng lâm sàng.1 Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể tiến hành các xét nghiệm nước bọt hoặc nước tiểu để chẩn đoán quai bị ở trẻ em.3

Phương pháp điều trị quai bị ở trẻ

Trên thực tế, việc điều trị bệnh quai bị ở trẻ là làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Bạn có thể tham khảo các cách chữa quai bị cho trẻ nhỏ như sau:1

  • Dùng thuốc acetaminophen để hạ sốt và giảm đau.
  • Nghỉ ngơi.
  • Bổ sung nước và dịch cho cơ thể.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống của bé phù hợp. Tránh những thực phẩm khiến bé bị tăng tiết nước bọt.

Khi trẻ mắc quai bị, bố mẹ nên làm gì?

Khi bé bị quai bị, bố mẹ cần cho bé nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh. Bên cạnh đó, bố mẹ hãy cho con uống nhiều nước để đảm bảo cơ thể không bị mất nước. Nếu bé bị sưng đau, bố mẹ có thể chườm ấm hoặc chườm mát để giảm đau cho con.3

Về thực phẩm, bố mẹ hãy cho bé ăn uống đầy đủ. Có thể nấu thực phẩm thành dạng cháo loãng, ninh nhừ, nấu mềm thức ăn để bé dễ nhai, nuốt. Ngoài ra, bố mẹ nên hạn chế để trẻ ăn đồ chua, cay,…

Bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước khi mắc con mình bệnh quai bị
Bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước khi mắc con mình bệnh quai bị

Cách phòng ngừa quai bị ở trẻ em

Để bảo vệ trẻ em tránh khỏi virus quai bị, bố mẹ cần cho con mình tiêm vắc-xin. Đó là loại vắc-xin phối hợp phòng bệnh sởi, quai bị và rubella (MMR). Vắc-xin này cung cấp khả năng miễn dịch cho hầu hết chúng ta. Vắc-xin được tiêm hai liều:3

  • Liều đầu tiên: tiêm cho trẻ em từ 12 – 15 tháng tuổi.
  • Liều thứ hai: tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 4 đến 6. Liều này cần được tiêm ít nhất 4 tuần sau liều đầu tiên.

Để giúp ngăn ngừa sự lây lan bệnh quai bị cho người khác, phụ huynh có thể tham khảo các cách sau:3

  • Không cho trẻ mắc bệnh quai bị đến trường hoặc nhà trẻ đến khi các triệu chứng biến mất.
  • Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc trẻ bị quai bị.
  • Dạy trẻ cách rửa tay đúng bằng xà phòng và dưới dòng nước sạch đang chảy. Rửa ít nhất 20 giây.
  • Đảm bảo các thành viên khác trong gia đình rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn.
  • Cho trẻ em che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho.
  • Vệ sinh sạch sẽ các bề mặt cứng, đồ chơi và tay nắm cửa bằng chất khử trùng.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc, nhất là bậc phụ huynh những thông tin hữu ích về bệnh quai bị ở trẻ em. Bố mẹ hãy cho trẻ tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo bé luôn được bảo vệ trước virus gây ra bệnh quai bị.

Câu hỏi thường gặp

Quai bị ở trẻ em có lây lan không?

Như người lớn, bệnh quai bị ở trẻ em có thể lây lan từ người này sang người khác. Bệnh lây qua đường giọt bắn từ những người bị nhiễm bệnh hoặc qua đường tiếp xúc với các bề mặt chứa virus.2

Trẻ sơ sinh có mắc quai bị không?

Trẻ sơ sinh vẫn có thể mắc bệnh quai bị như người lớn.

Khi nào nên đưa trẻ mắc quai bị đi khám?

Khi nhận thấy trẻ có các triệu chứng của quai bị, phụ huynh nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Mumpshttps://www.childrenshospital.org/conditions/mumps

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

  2. Mumpshttps://www.nhs.uk/conditions/mumps/

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

  3. Mumps in Childrenhttps://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=90&contentid=P02531

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người