YouMed

Bệnh thận hư và những điều bạn cần biết

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Bệnh thận hư là một trong những căn bệnh nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến chức năng lọc máu và đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Khi mắc phải bệnh thận hư, rất nhiều protein trong máu sẽ thoát ra ngoài qua nước tiểu và ảnh hưởng đến chuyển hoá của cơ thể. Căn bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Qua bài viết sau của ThS.BS Trần Quốc Phong, YouMed sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm những thông tin bổ ích về căn bệnh này.

Bệnh thận hư là gì?

Bệnh thận hư là một nhóm các triệu chứng  xuất hiện khi thận  hoạt động bất thường. Các mạch máu nhỏ trong thận của bạn hoạt động như một bộ lọc, loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Những mạch máu này là một phần của “cầu thận” – bộ phận lọc của thận. Các loại chất thải và nước sau khi lọc qua cầu thận, sẽ đi đến bàng quang và ra khỏi cơ thể bạn dưới dạng nước tiểu. Khi cầu thận bị hư hỏng, rất nhiều protein sẽ đi ra khỏi cầu thận và đi vào nước tiểu của bạn. Kết quả là gây ra hội chứng thận hư.

Cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc phải hội chứng thận hư. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể điều trị được.

Người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh thận hư
Người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh thận hư

Nguyên nhân dẫn đến bệnh thận hư

Hội chứng thận hư thường là do tổn thương các cụm mạch máu nhỏ của thận.

Các cầu thận lọc máu ở thận, và bỏ đi chất thải không cần thiết. Cầu thận khỏe mạnh giữ cho protein trong máu (chủ yếu là albumin) không thoát ra ngoài qua nước tiểu. Khi bị tổn thương, các cầu thận mất khả năng lọc, một lượng lớn protein đi ra khỏi cơ thể và gây ra hội chứng thận hư.

Nhiều bệnh có thể gây tổn thương cầu thận và dẫn đến bệnh thận hư, bao gồm:

1. Bệnh thận do tiểu đường

Bệnh thận do tiểu đường là một biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường type 1type 2.

Theo thời gian, bệnh tiểu đường được kiểm soát kém có thể gây ra tổn thương cho các cụm mạch máu trong thận. Điều này có thể dẫn đến tổn thương thận và gây ra huyết áp cao. Huyết áp cao có thể gây tổn thương thận thêm do làm tăng áp lực trong hệ thống lọc của thận.

bệnh thận hư
Tiểu đường có thể gây ra bệnh thận hư

2. Bệnh cầu thận sang thương tối thiểu

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng thận hư ở trẻ em. Bệnh cầu thận sang thương tối thiểu dẫn đến chức năng thận bất thường, nhưng khi kiểm tra mô thận dưới kính hiển vi, thì không phát hiện thấy tổn thương bất thường.

3. Xơ chai cầu thận khu trú từng vùng

Một phần cầu thận bị xơ hoá, có thể nguyên nhân là do di truyền hoặc tác dụng của một số loại thuốc.

4. Bệnh cầu thận màng

Rối loạn này là kết quả của sự dày lên của màng trong cầu thận, do các chất lắng đọng của hệ miễn dịch. Bệnh cầu thận màng có thể liên quan đến mốt số tình trạng y tế khác, chẳng hạn như lupus, viêm gan B, sốt rét và ung thư, hoặc không rõ nguyên nhân.

5. Bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

Lupus là một bệnh tự miễn. Có nghĩa là một rối loạn mà hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào và cơ quan của chính mình. Đây là căn bệnh viêm mãn tính có thể dẫn đến tổn thương thận nghiêm trọng. Tổn thương thận là một trong những bệnh phổ biến do lupus ban đỏ hệ thống gây ra. Ở người lớn mắc bệnh lupus, cứ 10 người thì có tới 5 người bị bệnh thận. Ở trẻ em bị lupus, 8 trong số 10 trẻ sẽ bị bệnh thận.

6. Bệnh thoái hóa tinh bột (amyloidosis)

Rối loạn xảy ra khi các protein amyloid tích tụ trong các cơ quan của bạn. Nhiều amyloid tích tụ thường làm hư hỏng hệ thống lọc của thận.

Ai là người có nguy cơ cao mắc bệnh thận hư?

Như đã đề cập ở trên, những người mắc tiểu đường, lupus ban đỏ và bệnh amyloidosis làm tăng khả năng bạn bị bệnh thận hư. Ngoài ra nệu bạn đang dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) thường xuyên, tỉ lệ bị hội chứng thận hư của bạn cũng tăng đáng kể. Người mắc một số loại nhiễm trùng sau cũng nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ bị bệnh thận hư:

  • Viêm gan B và C.
  • Bệnh HIV.
  • Bệnh sốt rét.
  • Nhiễm liên cầu khuẩn (đặc biệt ở trẻ em).
bệnh thận hư
Người nhiễm HIV có thể bị bệnh thận hư

Triệu chứng bệnh thận hư

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận hư bao gồm:

  • Sưng nặng (phù nề), đặc biệt là xung quanh mắt và ở mắt cá chân và bàn chân.
  • Nước tiểu có bọt, do dư thừa protein.
  • Tăng cân do giữ nước.
  • Mệt mỏi.
  • Ăn mất ngon.

Các biến chứng của bệnh thận hư

  • Cục máu đông: Khi bạn đã mất quá nhiều protein trong máu, điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng ngăn ngừa cục máu đông của cơ thể.
  • Cholesterol trong máu cao.
  • Huyết áp cao.
  • Suy thận, do thận bị hư không còn có thể tự loại bỏ các chất thải ra khỏi dòng máu của bạn.
  • Các bệnh nhiễm trùng (viêm phổi, viêm màng não…) do cơ thể bạn mất đi các protein chống nhiễm trùng (immunoglobulin).

Từ đó, hội chứng thận hư có thể gây ra các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng hơn như:

  • Thiếu máu.
  • Bệnh tim.
  • Tích tụ chất lỏng trong cơ thể.
  • Tổn thương thận cấp tính.
  • Bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD) hoặc suy thận.

Cách điều trị bệnh thận hư

Điều trị bệnh thận hư bao gồm điều trị nguyên nhân có thểgây ra hội chứng thận hư của bạn. Bác sĩ cũng có thể đề nghị các loại thuốc và thay đổi chế độ ăn uống của bệnh nhân.

Thuốc có thể bao gồm:

1. Thuốc kiểm soát huyết áp

Thuốc được gọi là chất ức chế men chuyển (ACE) làm giảm huyết áp và lượng protein thải ra trong nước tiểu. Các loại thuốc trong danh mục này bao gồm lisinopril (Prinvil, Qbrelis, Zestril), benazepril (Lotensin), captopril và enalapril (Vasotec).

Một nhóm thuốc khác hoạt động tương tự được gọi là thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB), bao gồm losartan (Cozaar)valsartan (Diovan).

Ngoài 2 loại trên, thuốc ức chế renin cũng có thể được sử dụng để kiểm soát huyết áp của bệnh nhân.

bệnh thận hư
Kiểm soát huyết áp để điều trị thận hư

2. Thuốc lợi tiểu

Như tên gọi của nó, thuốc lợi tiểu làm tăng lượng nước tiểu thải ra mỗi ngày. Thuốc lợi tiểu bao gồm furosemide (Lasix), spironolactone (Aldactone, Carospir) và thiazide (hydrochlorothiazide hoặc metolazone (Zaroxolyn).

3. Thuốc giảm cholesterol

Statin có thể giúp giảm mức cholesterol. Thuốc giảm cholesterol có thể tránh đau tim hoặc giảm nguy cơ tử vong sớm cho người bệnh.

Statin bao gồm atorvastatin (Lipitor), fluvastatin (Lescol XL), lovastatin (Altoprev), pravastatin (Pravachol), rosuvastatin (Crestor, Ezallor) và simvastatin (Zocor).

Video chia sẻ thông tin chi tiết về nhóm thuốc Statin:

4. Thuốc chống đông máu

Những loại thuốc này có thể giảm khả năng đông máu của bạn, giúp máu trong cơ thể lưu thông tốt hơn.

Thuốc chống đông máu bao gồm: Heparin, warfarin (Coumadin, Jantoven), dabigatran (Pradaxa), apixaban (Eliquis) và rivaroxaban (Xarelto).

5. Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch

Thuốc kiểm soát hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như corticosteroid, có thể làm giảm tình trạng viêm kèm theo một số nguyên nhân có thể gây ra hội chứng thận hư. Thuốc bao gồm rituximab (Rituxan), cyclosporin và cyclophosphamide.

Cách phòng ngừa bệnh thận hư

Bạn không thể ngăn ngừa một số nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư. Nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp để không làm tổn thương cầu thận:

  • Kiểm soát huyết áp cao và bệnh tiểu đường nếu mắc phải.
  • Đảm bảo chủng ngừa các bệnh nhiễm trùng thông thường, đặc biệt khi môi trường sống gần những người bị viêm gan hoặc các bệnh khác.
  • Khi bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, hãy tuân theo chỉ định và uống hết đơn thuốc đó kể cả khi triệu chứng đã thuyên giảm.

Rối loạn trong bệnh lý tiểu đường, lupus, amyloidosis,… có thể là nguyên nhân gây hội chứng thận hư. Bệnh nhân thường xuyên sử dụng NSAIDs, bị viêm gan B và C, hoặc nhiễm liên cầu trùng không được điều trị sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Hội chứng thận hư có thể dẫn tới huyết áp cao, cục máu đông hoặc thậm chí suy thận. Thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế miễn dịch,… thường được kê đơn cho người mắc bệnh. Không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn bệnh thận hư nhưng bạn có thể hạn chế tỉ lệ mắc phải. Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của bệnh nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What Is Nephrotic Syndrome?https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-nephrotic-syndrome

    Ngày tham khảo: 24/07/2021

  2. Nephrotic Syndrome in Adultshttps://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/nephrotic-syndrome-adults

    Ngày tham khảo: 24/07/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người