Bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc vết thương cho người tiểu đường đúng cách
Nội dung bài viết
Ở bệnh nhân đái tháo thường, vết thương dù bé hay lớn dường như thường khó lành hơn so với người khác. Sự chậm lành vết thương gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân, cũng như tăng nguy cơ nhiễm trùng và gặp phải những biến chứng đáng tiếc khác. Vì thế trong bài viết này, Bác sĩ Hà Thị Ngọc Bích sẽ giải thích cho bạn đọc hiểu vì sao cần phải chăm sóc vết thương do tiểu đường. Cũng như hướng dẫn cách chăm sóc vết thương cho người tiểu đường cơ bản. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Dữ liệu về đái tháo đường và vết thương
Dữ liệu cập nhật từ Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (The International Diabetes Federation – IDF) năm 2019 cho thấy, khoảng 6% người trưởng thành ở Việt Nam mắc đái tháo đường. Với những số liệu thống kê trên, thì nước ta nằm trong top 10 nước có tỷ lệ gia tăng mắc đái tháo đường cao nhất trên thế giới, với tỷ lệ gia tăng 5,5%/năm.1 2
Mỗi ngày có ít nhất 80 trường hợp tử vong vì các biến chứng liên quan. Đặc biệt là biến chứng tim mạch, chiếm tỉ lệ đến 50% nguyên nhân tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường.2
Bên cạnh đó, loét chân là một trong những lý do nhập viện phổ biến ở người mắc đái tháo đường, tăng gánh nặng y tế, chi phí điều trị, cũng như giảm chất lượng sống của người bệnh. Theo một nghiên cứu công bố năm 2019 tại bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, tỷ lệ đoạn chi chiếm 46,5% số ca nhập viện điều trị vì nhiễm trùng bàn chân. Từ đó đặt ra thách thức về cách chăm sóc, phòng ngừa vết thương ở người đái tháo đường nhằm giảm thiểu nguy cơ này.3
Xem thêm: Tiểu đường và những biến chứng nguy hiểm
Tại sao bệnh nhân đái tháo đường dễ bị vết thương? Vết thương lâu lành hơn những người khác?
Người ta nhận thấy, khoảng 15% bệnh nhân đái tháo đường sẽ xảy ra loét chân ít nhất một lần trong cuộc đời của họ.4
Các vấn đề gặp phải ở người bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến vết thương như sau:4
Biến chứng thần kinh ngoại biên
Khi lượng đường huyết cao lâu ngày làm tổn thương các sợi thần kinh. Từ đó gây ra tê bì, châm chít, đau và giảm cảm giác, và nặng hơn là mất cảm giác. Các vị trí thường gặp là ở tay và chân. Người bệnh sẽ không cảm thấy đau hay phồng rộp nếu bị một vết cắt, hoặc không nhận ra có viên đá đang ở dưới chiếc giày đang mang. Những vết thương bị bỏ qua mà không được nhận ra và điều trị; từ đó sẽ ngày càng nặng hơn.
Những yếu tố khác như giảm mồ hôi, da khô, nứt nẻ hay biến dạng bàn chân cũng góp phần tạo điều kiện cho vết thương dễ xảy ra hơn.5
Biến chứng mạch máu ngoại biên
Ở bệnh nhân đái tháo đường, các mạch máu, chủ yếu là mạch máu ở 2 chân ngày càng hẹp dần và có thể tắc mạch. Từ đó dẫn đến lượng máu không tới nuôi mô đủ tốt. Hậu quả là vết thương có thể nhiễm trùng nặng hơn.
Đường huyết cao
Tình trạng này gây ngăn cản đưa các chất dinh dưỡng và oxy đến nuôi các tế bào. Đồng thời ngăn hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động hiệu quả. Từ đó làm vết thương lâu lành hơn.
Suy giảm hệ thống miễn dịch
Bản thân hệ miễn dịch ở bệnh nhân đái tháo đường bị suy giảm hơn người bình thường. Khi có vết thương thì các tế bào “chiến đấu” để chữa lành vết thương bị giảm đi. Dẫn đến vết thương chậm lành và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khi có nhiễm trùng mà không được điều trị, có thể dẫn đến nặng hơn và có khi phải cắt cụt chi.
Vì sao cần chăm sóc vết thương cho người tiểu đường đúng cách?
Đối với người bình thường, vết thương nhỏ, vết cắt hay vết bỏng là chuyện không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân nhân đái tháo đường, đó là một mối quan tâm lo lắng lớn vì những lý do sau đây:5
- Vết thương dễ nhiễm trùng: Lượng đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi trùng phát triển. Ngoài ra, hàng rào bảo vệ da và hệ thống miễn dịch ở bệnh nhân đái tháo đường lâu năm cũng yếu đi. Nên khi có vết thương thì vi trùng dễ xâm nhập vào và gây nhiễm trùng.
- Vết thương khi loét thì khó lành: Như đã đề cập ở trên, vết loét ở bệnh nhân đái tháo đường là sự kết hợp của nhiều yếu tố hợp lại như biến chứng thần kinh, biến chứng mạch máu, nhiễm trùng,… và tỉ lệ cắt cụt chi rất cao. Việc điều trị vết loét đái tháo đường đòi hỏi phối hợp đa chuyên khoa.
- Vết loét thường phát hiện khi đã trễ: Biến chứng thần kinh ngoại biên làm người bệnh giảm hay mất cảm giác, không để ý hay nhận ra đến những thay đổi trên cơ thể. Từ đó, vết thương, đặc biệt ở vùng chân hay bị bỏ sót, lâu ngày không được chăm sóc điều trị kịp thời. Và khi bệnh nhân nhập viện thì vết thương đã lan rộng và nhiễm trùng rất nặng.
Nếu vết thương không được chăm sóc điều trị đúng cách, thì có thể dẫn đến những biến chứng không mong muốn như:4 5
- Viêm xương: Nếu vết thương không được điều trị sẽ nhiễm trùng. Và nhiễm trùng này có thể lan đến lớp sâu hơn là cơ, xương gây viêm xương, đòi hỏi phải điều trị kháng sinh dài ngày.
- Nhiễm trùng máu: Nếu nhiễm trùng diễn tiến ở vết thương và lan rộng không được điều trị, thì vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu, tăng nguy cơ tử vong.
- Đoạn chi: Khi nhiễm trùng không được kiểm soát, vết thương sẽ diễn tiến hoại thư, hoại tử làm tăng nguy cơ đoạn chi. Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cắt cụt chi do vết loét cao gấp 15 lần.
- Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường khi xuất hiện vết thương hay vết loét khó lành do biến chứng thần kinh hay mạch máu, thì có thể họ cũng sẽ phải đối mặt với một số biến chứng trên cơ quan khác như tim, thận, mắt.
Phân loại vết thương do tiểu đường
Đối với vết thương chưa có nhiễm trùng6
Theo Đại học Texas tại Hoa Kỳ, chia ra 4 độ theo độ sâu của vết thương:
- Độ 0: vết thương trầy xước nhẹ, chưa loét, hoặc vùng da có nguy cơ bị loét, hoặc có tiền sử bị loét đã lành trước đây.
- Độ 1: loét nông chưa lan đến dây chằng, bao khớp hoặc xương.
- Độ 2: loét lan đến dây chằng hoặc bao khớp.
- Độ 3: loét sâu lan đến xương hoặc khớp.
Trong mỗi độ có 4 giai đoạn:
- Giai đoạn A: vết thương sạch.
- Giai đoạn B: vết thương nhiễm trùng.
- Giai đoạn C: vết thương thiếu máu.
- Giai đoạn D: vết thương nhiễm trùng kèm thiếu máu.
Càng tăng độ và/hoặc giai đoạn, sẽ càng làm tăng nguy cơ đoạn chi.
Đối với vết thương có nhiễm trùng6
Để nhận biết vết thương có nhiễm trùng chưa thì chúng ta dựa vào các dấu hiệu trên vết thương. Theo Hiệp hội Bệnh nhiễm trùng Hoa Kỳ (IDSA) và Nhóm công tác quốc tế và bàn chân Đái tháo đường (IWGDF) định nghĩa, vết thương nhiễm trùng khi có từ hai trong năm triệu chứng sau trở lên:
- Sưng hoặc cứng tại chỗ.
- Vòng đỏ xung quanh vết thương > 0.5 cm.
- Đau tại chỗ.
- Vùng da vết thương ấm hoặc nóng.
- Chảy mủ.
Độ nặng của nhiễm trùng được phân thành 4 mức độ, dựa vào mức độ lan rộng theo chiều dọc và chiều ngang và các triệu chứng toàn thân:
- Độ 1: không dấu hiệu nhiễm trùng.
- Độ 2: nhiễm trùng nhẹ.
- Độ 3: nhiễm trùng trung bình.
- Độ 4: nhiễm trùng nặng.
Cách chăm sóc vết thương cho người tiểu đường
Đối những vết thương nông (độ 0 và 1) và chưa có dấu hiệu nhiễm trùng, chúng ta có thể chăm sóc vết thương tại nhà và thực hiện theo các bước sau:
Bước 1
Rửa tay sạch với xà phòng và nước.
Bước 2
Rửa sạch vết thương với dung dịch nước muối sinh lý, hoặc nước sạch nếu không có sẵn nước muối sinh lý.
Lưu ý:
- Rửa sạch theo cả chiều rộng và chiều sâu của vết thương.
- Nếu có dị vật thì dùng tăm bông sạch, hoặc kiềm sạch đã được khử khuẩn lấy ra.
- Không dùng oxy già để rửa vết thương. Vì điều này sẽ làm tổn thương các tế bào lành xung quanh.
- Dùng gạc sạch để thấm khô vết thương sau khi rửa xong.
Bước 3
Nếu có chảy máu thì dùng tấm gạc sạch để đè ép vết thương để cầm máu.
Bước 4
Bôi thuốc sát trùng dạng kem (nếu có). Ví dụ: neosporin, zinksalbe dialon,…
Bước 5
Băng ép, che chắn vết thương bằng gạc sạch.
Bước 6
Vệ sinh thay băng 1 – 2 lần/ngày hoặc khi băng gạc dơ, thấm dịch. Lặp lại các bước trên mỗi lần thay băng.
Một số lưu ý khác:
- Trường hợp vết thương có phồng rộp, không nên chọc vỡ vì đây là cơ chế bảo vệ bình thường. Nếu vỡ thì thay băng như các bước trên.
- Theo dõi diễn tiến của vết thương. Có thể chụp hình lại để so sánh sự thay đổi qua từng ngày.
- Nếu vết thương lan rộng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng cần đến gặp bác sĩ ngay.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến khám bác sĩ trong những trường hợp sau:
- Vết thương loét sâu và/hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng: Vết thương từ độ 2 trở lên và/hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng (nóng rát, ngứa, đau dai dẳng, mất cảm giác sưng đỏ, chảy mủ hôi hay sốt), thì chúng ta không nên tự ý điều trị tại nhà. Mà cần phải đến khám bác sĩ để có những phác đồ điều trị kịp thời, ngăn chặn vết thương diễn tiến xấu hơn.
- Vết thương xấu hơn hoặc kéo dài hơn 1 tuần.
- Nếu bạn không chắc chắn về vết thương của mình mức độ như thế nào.
Điều trị tại cơ sở y tế như thế nào?
Tại cơ sở y tế, bác sĩ có thể sẽ phải kê đơn cho bạn kháng sinh, các thuốc giảm đau, cũng như sẽ xử lý, cắt lọc những mô hoại tử ở vết thương của người bệnh.
Trường hợp vết thương nhiễm trùng nặng sẽ phải nhập viện để điều trị và theo dõi.
Những trường hợp nhẹ hơn thì có thể điều trị ngoại trú tại nhà. Và người bệnh phải lưu ý:
- Uống thuốc và chăm sóc vết thương theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh tì đè, áp lực vào vết thương. Người bệnh nên kê cao chân nếu vết thương ở chân; và nên xoay trở thường xuyên nếu vết thương ở vùng mông, lưng.
- Không bôi bất kỳ thuốc gì nếu không có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt không đắp lá hay bài thuốc gia truyền vào vết thương. Vì động tác này sẽ góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng hơn.
Điều trị khác4
Bên cạnh những điều trị đặc hiệu trên vết thương, thì người bệnh cũng cần phải điều trị các vấn đề khác như ổn định đường huyết, ổn định huyết áp, ổn định lipid máu, cũng như điều trị bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh thần kinh ngoại biên nếu có.
Kiểm soát đường huyết
Đây là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị vết thương. Bạn cần tuân thủ điều trị theo toa thuốc của bác sĩ và theo dõi đường huyết thường xuyên.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Thực hiện ăn uống lành mạnh góp phần giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Từ đó tránh bị vết thương hơn, cũng như dễ chữa lành hơn nếu vết thương xảy ra.
Người bệnh nên tránh các loại carbohydrate hấp thụ nhanh như nước ngọt có ga, nước đường,…
Ngoài ra, nên tăng cường bổ sung chất xơ như rau củ, các loại hạt và protein, vitamin cũng như kẽm để giúp quá trình lành vết thương nhanh hơn.
Xem thêm: Những điểm cần lưu ý trong chế độ ăn ở người đái tháo đường
Tập thể dục
Vận động thể lực giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, không nên vận động quá mạnh, hoặc tránh tiếp xúc quá nhiều ở vùng có vết thương. Vì điều này sẽ làm gia tăng áp lực nơi đó. Dẫn đến ảnh hưởng quá trình lành vết thương.
Ngừng hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm giảm vận chuyển oxy đến tế bào và cũng làm rối loạn hệ thống miễn dịch. Đồng thời tăng khả năng biến chứng bệnh động mạch ngoại biên gây thiếu máu nuôi.
Qua bài viết trên, hi vọng đã cung cấp cho bệnh nhân cách chăm sóc vết thương cho người tiểu đường, và những thông tin liên quan. Bệnh nhân đái tháo đường dễ gặp phải vết thương và nếu có thì chậm lành hơn. Đặc biệt ở bệnh nhân đã có biến chứng thần kinh và mạch máu ngoại biên. Điều quan trọng là phải phòng ngừa và chăm sóc nếu có vết thương xảy ra. Điều trị sớm và đúng cách có thể ngăn ngừa nhập viện, nguy cơ đoạn chi và các biến chứng nặng khác.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2”https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-5481-QD-BYT-2020-tai-lieu-chuyen-mon-Huong-dan-chan-doan-dieu-tri-dai-thao-duong-tip-2-460925.aspx
Ngày tham khảo: 25/08/2022
-
Đái tháo đường không phải là ‘bệnh nhà giàu’https://soyte.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/thong-tin-y-te-tren-cac-bao-ngay-12-10-2020
Ngày tham khảo: 25/08/2022
-
TỈ LỆ VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐOẠN CHI DƯỚI Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ LOÉT CHÂN https://admin.ump.edu.vn/uploads/ckeditor/files/Truong/SauDaiHoc/LuanVan/HuynhTan%C4%90at-TTLA.pdf
Ngày tham khảo: 25/08/2022
-
What’s the Connection Between Diabetes and Wound Healing?https://www.healthline.com/health/diabetes/diabetes-and-wound-healing
Ngày tham khảo: 25/08/2022
-
How does diabetes affect wound healing?https://www.medicalnewstoday.com/articles/320739
Ngày tham khảo: 25/08/2022
- Trần Quang Khánh, Trần Quang Nam (2020). Sổ tay lâm sàng Nội tiết, NXB Y học, Bộ môn Nội tiết Đại học Y Dược TPHCM.