Người bệnh tiểu đường cần làm gì để ổn định đường huyết?
Nội dung bài viết
Đái tháo đường là bệnh lý ngày càng phổ biến, xu hướng ngày càng gia tăng và được xem như một “đại dịch” trên toàn thế giới. Khi mắc đái tháo đường, người bệnh có thể tự hỏi mức đường huyết “nên” là bao nhiêu, cũng như cách ổn định đường huyết lâu dài, hiệu quả như thế nào. Bài viết sau đây của Bác sĩ Trần Kiều Hoanh sẽ giải đáp các thắc mắc trên. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Đường huyết ổn định là bao nhiêu?
Trong đa số các trường hợp, người bệnh không thể “cảm nhận” được mức đường huyết của mình – trừ khi đường huyết quá cao hoặc quá thấp. Do đó, người bệnh nên biết cách theo dõi đường huyết và nhận biết khi nào thì chỉ số đường huyết là ổn định, và khi nào đường huyết không ổn, cần liên lạc với bác sĩ hoặc nhân viên y tế ngay.
Kiểm soát đường huyết được đánh giá bằng chỉ số HbA1C, sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục (hay còn gọi là CGM) và theo dõi đường huyết mao mạch.1
1. HbA1C
HbA1C phản ánh lượng đường trung bình trong 2 – 3 tháng qua, và được chứng minh có mối tương quan chặt chẽ với các biến chứng mạn tính của người đái tháo đường. Ưu điểm của xét nghiệm này là khi thực hiện xét nghiệm, người bệnh không cần nhịn đói. HbA1C được xét nghiệm bằng máu tĩnh mạch, thời điểm lặp lại xét nghiệm là từ 3 – 6 tháng tùy theo mức độ kiểm soát đường huyết.
Giá trị HbA1:
- Người bình thường < 5,7%.
- Tiền đái tháo đường 5,7% – 6,4%.
- Đái tháo đường ≥ 6,5%.
Khi đã mắc đái tháo đường, mục tiêu của giá trị HbA1C được khuyến cáo chung trong dân số người trưởng thành không mang thai là < 7%.
Tuy nhiên, ở những đối tượng trẻ, mới chẩn đoán, chưa có biến chứng và ít nguy cơ hạ đường huyết, có thể đưa mục tiêu xuống < 6,5%. Ở chiều ngược lại, trên những đối tượng người cao tuổi, có nguy cơ cao hạ đường huyết, thời gian mắc bệnh kéo dài, nhiều bệnh đồng mắc đi kèm, kỳ vọng sống ngắn có thể chấp nhận nới lỏng mục tiêu HbA1C khoảng 8%.
Một điểm cần lưu ý, đái tháo đường là bệnh lý mạn tính và tiến triển theo thời gian. Nên mục tiêu HbA1C không phải là một mục tiêu cố định mà có thể thay đổi theo diễn tiến của bệnh
2. Đường huyết mao mạch
Bên cạnh việc tái khám định kỳ với bác sĩ và theo dõi chỉ số HbA1C tại cơ sở y tế, người bệnh đái tháo đường típ 2 cần biết cách theo dõi đường huyết tại nhà bằng máy đo đường huyết mao mạch.
Mục tiêu đường huyết ở người trưởng thành không mang thai:
- Đường huyết mao mạch trước ăn 80 – 130 mg/dL (4,4 – 7,2 mmol/L).
- Đường huyết mao mạch sau ăn (sau khi bắt đầu ăn 1 – 2 giờ) < 180 mg/dL (10 mmol/L).
3. Theo dõi đường huyết bằng máy theo dõi đường huyết liên tục
Một cách khác là sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục (hay còn gọi là CGM). CGM có thể được dùng khi bạn có một trong những tình trạng sau:2
- Thường xuyên hạ đường huyết (glucose < 3,9 mmol/L) hoặc hạ đường huyết không có triệu chứng.
- HbA1c cao ≥ 7,0% và đường huyết dao động nhiều.
- Muốn hạ HbA1c < 7,0% mà không gây hạ đường huyết (glucose < 3,9 mmol/L).
- Trước và trong khi mang thai, đái tháo đường thai kỳ.
- Bất kể bệnh nhân nào có HbA1c ≥ 7,0% và có điều kiện sử dụng CGM.
- Người bệnh đang nằm viện điều trị vì bệnh cấp tính cần theo dõi sát đường huyết.
- Những bệnh nhân có mong muốn quản lý bệnh đái tháo đường tốt hơn.
Hướng dẫn sử dụng và cách đọc kết quả sẽ được chỉ dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa.
4. Một vài tình huống đặc biệt
Phụ nữ mang thai
Mục đích của điều trị đái tháo đường thai kỳ là phòng tránh các tác động bất lợi của tăng đường huyết đối với mẹ và con trong thai kỳ, cũng như về lâu dài sau khi mẹ sinh con. Đồng thời vẫn đảm bảo được sự tăng trưởng và sự phát triển bình thường của thai.
Chỉ số | Mục tiêu |
HbA1c | < 6% |
Đường huyết đói | < 95 mg/dL (5,3 mmol/L), và |
Đường huyết sau ăn | |
Đường huyết sau ăn 01 giờ | < 140 mg/dL (7,8 mmol/L), hoặc |
Đường huyết sau ăn 02 giờ | < 120 mg/dL (6,7 mmol/L) |
Người lớn tuổi
Như đã trình bày, ở người lớn tuổi, mục tiêu điều trị có thể cần nới lỏng hơn:
Tình trạng sức khỏe | Cơ sở để chọn lựa | HbA1c (%) | Glucose huyết lúc đói hoặc trước ăn (mg/dL) | Glucose lúc đi ngủ
(mg/dL) |
Mạnh khỏe | Còn sống lâu | < 7,5% | 90 – 130 | 90 – 150 |
Nhiều bệnh, sức khỏe trung bình | Kỳ vọng sống trung bình | < 8,0% | 90 – 150 | 100 – 180 |
Nhiều bệnh phức tạp hoặc bệnh nguy kịch/sức khỏe kém | Không còn sống lâu | < 8,5% | 100 – 180 | 110 – 200 |
Đường huyết không ổn định có nguy hiểm không?
Thực tế cho thấy, nhiều người mắc đái tháo đường típ 2 không có triệu chứng rõ ràng, và chỉ phát hiện bệnh tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc phải nhập viện vì một bệnh lý khác (phẫu thuật, viêm phổi, nhổ răng…). Khi đó, bệnh có thể đã tồn tại nhiều năm, nhiều biến chứng có thể đã xuất hiện ngay tại thời điểm chẩn đoán bệnh.3
Các biến chứng cấp tính có thể xuất hiện đột ngột gây nguy hiểm tính mạng; hoặc diễn tiến âm thầm gây ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cụ thể, các biến chứng bao gồm:3 4
Hôn mê hạ đường huyết
Hạ đường huyết là biến chứng hay gặp ở người đái tháo đường đang được điều trị với thuốc insulin, hoặc thuốc hạ đường huyết uống, xảy ra khi đường huyết giảm dưới 70 mg/dL.
Triệu chứng nhận biết sớm thường gặp như cảm giác đói, hồi hộp tim đập nhanh, run và yếu cơ, đổ mồ hôi, tay chân lạnh… Tuy nhiên, người bệnh có thể hôn mê mà không có triệu chứng báo trước, thường gặp khi bị đái tháo đường lâu ngày, người lớn tuổi hay hạ đường huyết tái phát nhiều lần.
Hạ đường huyết thường xảy ra đột ngột, đáp ứng điều trị nhanh. Nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến hôn mê, co giật và tử vong. Do đó, mọi bệnh nhân mắc đái tháo đường cần được giáo dục về cách nhận biết triệu chứng và cách xử trí hạ đường huyết.
Xem thêm: Hôn mê tiểu đường
Hôn mê tăng đường huyết
Trái ngược với hạ đường huyết, hôn mê tăng đường huyết là trường hợp rối loạn tri giác đi kèm với tình trạng đường huyết tăng cao. Có hai thể lâm sàng gồm hôn mê nhiễm toan ceton và hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Tình trạng này thường gặp khi ngưng điều trị hay bị một stress, một bệnh lý cấp tính khác xảy ra đồng thời.
- Hôn mê nhiễm toan ceton có thể khởi phát với triệu chứng tăng đường huyết (tiểu nhiều, khát và uống nhiều, gầy sút gia tăng rõ rệt trong vài ngày), mất nước (mạch nhanh, huyết áp tụt, dấu véo da mất chậm), dấu nhiễm toan (thở nhanh sâu, buồn nôn, ói mửa, đau bụng).
- Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu thường có tình trạng mất nước nặng, rối loạn tri giác với mức độ thay đổi từ lú lẫn tới hôn mê sâu.
Hôn mê tăng đường huyết có nguy cơ tử vong cao, khả năng nguy hiểm tính mạng ngay cả khi đã được chẩn đoán và điều trị. Nên bệnh nhân đái tháo đường típ 2 cần chú ý điều trị, tái khám định kỳ và theo dõi đường huyết đều đặn.
Biến chứng mạn
Tăng đường huyết mạn tính trong đái tháo đường dẫn đến tổn thương, rối loạn chức năng và suy kéo dài các cơ quan khác nhau, đặc biệt:
- Mắt: Biến chứng mắt đái tháo đường liên quan chặt chẽ với thời gian bệnh, mức độ kiểm soát đường huyết. Đồng thời, đái tháo đường là nguyên nhân thường gặp nhất của các ca mù lòa mới ở độ tuổi 20 – 74. Tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và các rối loạn về mắt khác cũng xảy ra sớm và thường xuyên hơn ở người bị đái tháo đường.
- Thận: Có thể diễn tiến đến bệnh thận giai đoạn cuối cần lọc máu hoặc ghép thận. Đái tháo đường cũng là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận mạn giai đoạn cuối.
- Thần kinh: Ảnh hưởng cả thần kinh ngoại biên (nguyên nhân quan trọng nhất của loét chân) và thần kinh tự chủ (gây hạ đường huyết không triệu chứng, nhịp tim nhanh khi nghỉ, hạ áp tư thế, tiêu hay tiểu không tự chủ).
- Bệnh tim mạch xơ vữa: Bao gồm bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não và bệnh động mạch chi dưới. Đây là những nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tử vong trên bệnh nhân đái tháo đường típ 2.
Xem thêm: Đi tiêu không tự chủ: Chuyện khó nói!
Nguyên nhân gây đường huyết không ổn định
Nhiều người thường thắc mắc với bác sĩ rằng tại sao đường huyết của mình không ổn định, lúc cao lúc thấp dù uống thuốc đều. Câu trả lời là vì đường huyết dao động trong ngày rất nhiều, tùy thuộc vào nhiều yếu tố:
Chế độ ăn
Đường huyết sau ăn phản ánh bữa ăn trước đó. Vì vậy, việc duy trì một chế độ ăn lành mạnh có vai trò cốt lõi trong kiểm soát đường huyết.
Không có một chế độ ăn duy nhất phù hợp cho tất cả mọi người, mà chế độ ăn cần được cá thể hóa để phù hợp theo sở thích, văn hóa, tôn giáo. Tuy nhiên, cần tuân theo những nguyên tắc cơ bản như:
- Hạn chế ăn những loại đường nhanh như nước ngọt, nước trái cây, trà sữa…
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn.
- Nên ăn tinh bột giàu chất xơ như gạo lứt, gạo nguyên cám, ăn nhiều cá, các loại hạt và đặc biệt nên ăn nhiều rau.
Vận động thể lực
Đường huyết thay đổi tùy theo cường độ và thời gian tập luyện. Khi chúng ta vận động, thông thường đường huyết có xu hướng giảm do cơ thể tiêu thụ đường để sinh năng lượng.
Tuy nhiên, một số trường hợp khi chúng ta vận động mạnh, đường huyết sẽ tăng do cơ thể bị kích thích gây tiết các hormon nhằm sản sinh năng lượng. Đặc biệt, ảnh hưởng của tập luyện thể lực có thể kéo dài lâu đến nhiều giờ sau khi ngưng tập luyện. Ví dụ: có trường hợp tập thể dục buổi chiều nhưng hạ đường huyết vào buổi tối muộn. Vì vậy, thử đường huyết trước và sau khi tập thể dục, đặc biệt ở những bệnh nhân dùng thuốc có nguy cơ gây hạ đường huyết (insulin, nhóm sulfonylurea, glinide) đặc biệt quan trọng.
Cân bằng tâm lý
Cảm xúc tiêu cực như triệu chứng trầm cảm, lo âu thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Và chính những thay đổi trong cảm xúc này cũng ảnh hưởng đến đường huyết. Khi lo lắng, sợ hãi, cơ thể chúng ta sẽ sản xuất ra các hormone như cortisol, làm tăng đường huyết. Do đó, duy trì một lối sống cân bằng, cả về thể chất và tinh thần giúp kiểm soát đường huyết tối ưu.
Thuốc
Một số loại thuốc ảnh hưởng đường huyết, điển hình là corticoid (thường dùng để điều trị giảm đau, bệnh da liễu, bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…). Do đó, khi khám bệnh, người bệnh cần cung cấp cho bác sĩ điều trị thông tin về các bệnh đồng mắc, và các toa thuốc khác đang dùng. Từ đó, bác sĩ có kế hoạch theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị cho phù hợp.
Những đối tượng đặc biệt nào cần lưu ý ổn định đường huyết?
Những đối tượng cần tầm soát đái tháo đường sớm
Với những hậu quả nặng nề trên sức khỏe và chất lượng cuộc sống, những đối tượng sau đây cần đặc biệt lưu ý khả năng có rối loạn đường huyết, và cần tầm soát đái tháo đường sớm:1
Những người có các biểu hiện nghi ngờ: nhiễm trùng da lâu lành, nhiễm trùng tiết niệu hoặc viêm âm đạo tái diễn, viêm quanh chân răng, lao phổi…
Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m²) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:
- Người thân trực hệ thế hệ thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị đái tháo đường.
- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch: bệnh mạch vành mạn, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên.
- Tăng huyết áp (huyết áp ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị tăng huyết áp).
- HDL-cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/L) và/hoặc triglyceride > 250mg/dL (2,8mmol/L).
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
- Ít hoạt động thể lực.
- Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như dấu gai đen).
Tất cả mọi người từ 35 tuổi trở lên.
Đối tượng cần đặc biệt lưu ý ổn định đường huyết
Bên cạnh đó, khi đã được chẩn đoán đái tháo đường, những đối tượng sau đây cần đặc biệt lưu ý vì nguy cơ dao động đường huyết cao, tăng khả năng nhập viện và tử vong:4
- Bệnh Celiac: một rối loạn tự miễn ảnh hưởng đến ruột.
- Sử dụng ma túy hoặc rượu.
- Rối loạn ăn uống.
- Liệt dạ dày: do biến chứng thần kinh tự chủ khiến dạ dày không thể tiêu hóa thức ăn đúng cách.
- Rối loạn nội tiết khác, chẳng hạn như suy thượng thận và suy giáp.
- Các vấn đề trong cách cơ thể hấp thụ insulin hoặc chất dinh dưỡng từ thức ăn.
- Căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác có thể khiến cơ thể đề kháng tác dụng của insulin.
Cách ổn định đường huyết
Chăm sóc toàn diện người đái tháo đường cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, đồng thời cần sự trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân. Điều trị đái tháo đường luôn cần ba thành tố kết hợp: can thiệp dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể lực và điều trị bằng thuốc.
Một điều cần lưu ý, đái tháo đường là bệnh lý mạn tính và khi đã mắc bệnh thì gần như không thể đảo ngược quá trình bệnh lý. Mục tiêu điều trị đái tháo đường là nhằm làm chậm và ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra. Do đó, các biện pháp điều trị cần được duy trì kéo dài và suốt đời.
Biện pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm hoạt động thể lực và dinh dưỡng trị liệu, quản lý cân nặng nếu thừa cân/béo phì.
Tuy nhiên, các liệu pháp không dùng thuốc này chỉ có hiệu quả trong khoảng thời gian ngắn từ vài tuần đến vài tháng. Sau đó, đa số bệnh nhân sẽ phải sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết. Các phác đồ hiện nay đều khuyến cáo việc dùng thuốc sớm trên bệnh nhân đái tháo đường ngay khi mới chẩn đoán, song song với thay đổi lối sống nhằm đạt mục tiêu điều trị.
Người bệnh cần làm gì để ổn định đường huyết?
Nhằm đạt mục tiêu ổn định đường huyết hiệu quả và an toàn, các nguyên tắc chung sau đây người bệnh nên được chú ý và tuân thủ:
- Uống thuốc đúng theo toa. Không dùng chung thuốc với người khác, không tự ý tiếp tục dùng toa thuốc cũ khi không có ý kiến của bác sĩ.
- Tái khám định kỳ. Từ đó giúp bác sĩ điều trị đánh giá hiệu quả điều trị cũng như các biến chứng, có cơ sở điều chỉnh thuốc và liều lượng phù hợp với tình trạng bệnh. Khi tái khám, bạn cũng cần cung cấp thông tin các tác dụng phụ xảy ra khi dùng thuốc.
- Không sử dụng cùng lúc nhiều toa thuốc điều trị đái tháo đường được cấp bởi các bệnh viện khác nhau.
- Không tự ý ngưng thuốc điều trị đái tháo đường khi thấy đường huyết ổn định.
Lưu ý và và nhận biết triệu chứng của các tác dụng phụ nguy hiểm có thể gặp khi sử dụng thuốc hạ đường huyết:
- Hạ đường huyết khi dùng insulin, hoặc nhóm thuốc kích thích bài tiết insulin.
- Nhiễm toan acid lactic khi dùng metformin.
- Nhiễm toan ceton khi dùng nhóm thuốc ức chế kênh SGLT2.
Những thông tin cần cung cấp cho bác sĩ điều trị khi tái khám bao gồm:
- Giá trị đường huyết theo dõi tại nhà.
- Các tác dụng phụ của thuốc.
- Dùng thiếu hoặc quên liều thuốc, đặc biệt nếu không mua được đúng loại thuốc.
- Đang mắc bệnh cấp tính.
- Các loại thuốc khác (kê đơn hoặc không kê đơn) có thể ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường.
- Hỏi về sự kiện/dịp đặc biệt được lên kế hoạch có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn.
- Chế độ sinh hoạt, hoạt động thể chất hoặc lịch dùng thuốc.
Tóm lại, đường huyết là chỉ số dao động nhiều trong ngày, tùy theo mỗi bữa ăn, tập luyện thể lực hay bất cứ hoạt động nào khác. Để đạt được mục tiêu kiểm soát đường huyết tối ưu, giúp ổn định đường huyết, mỗi người bệnh đái tháo đường nên biết cách tự theo dõi đường huyết tại nhà. Bên cạnh đó, nhận biết các yếu tố gây ảnh hưởng đường huyết, cũng như tái khám định kỳ, thường xuyên trao đổi với bác sĩ và nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Quyết định 5481/QĐ-BYT Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2https://luatvietnam.vn/y-te/quyet-dinh-5481-qd-byt-huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-dai-thao-duong-tip-2-196326-d1.html
Ngày tham khảo: 04/09/2022
-
Clinical Use of Continuous Glucose Monitoring in Adults with Type 2 Diabeteshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5444486/#:~:text=Indications%20for%20Personal%20Use%20of%20CGM&text=The%20Endocrine%20Society%20recommends%20short,able%20to%20use%20the%20device
Ngày tham khảo: 04/09/2022
- Trần Quang Khánh (2021). Nội tiết học lâm sàng. Nhà xuất bản Y học TP.Hồ Chí Minh, trang 23-109.
-
Brittle Diabeteshttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21499-brittle-diabetes
Ngày tham khảo: 04/09/2022