Trả lời thắc mắc của mẹ bầu “Có thai ngủ nhiều có tốt không?”
Nội dung bài viết
Thời lượng ngủ khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến bạn và thai nhi, mà còn có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ và sinh nở của bạn. Rối loạn giấc ngủ khi mang thai có thể dẫn đến một số biến chứng, bao gồm tiền sản giật. Tình trạng này dẫn đến sinh non. Vậy có thai ngủ nhiều có tốt không? Hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Nội Tổng quát Nguyễn Lâm Giang tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tình trạng ngủ nhiều trong giai đoạn thai kỳ
Trước khi tìm hiểu vấn đề có thai ngủ nhiều có tốt không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài thông tin về tình trạng ngủ nhiều của mẹ bầu.
Chất lượng giấc ngủ có tác dụng vô cùng lớn đối với phụ nữ mang thai. Vì trong quá trình mang thai, cơ thể của mẹ bầu phải chịu nhiều lực ép lớn; tim và thận phải hoạt động nhiều hơn so với bình thường để cung cấp đủ khối lượng máu cần thiết. Ngoài ra, thai nhi dần lớn lên cũng đặt sức ép lên các khớp, cơ của người mẹ. Những điều này có thể sẽ dẫn đến vấn đề rối loạn giấc ngủ thai kỳ.
Thực tế, rối loạn giấc ngủ khi mang thai là triệu chứng thường thấy ở giai đoạn 3 tháng cuối. Phần lớn nguyên nhân là do sự ra tăng nồng độ progesterone. Đây là một loại hormone giúp hỗ trợ quá trình mang thai. Nhưng nó có thể khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi và khó chịu hơn. Nghịch lý xảy ra là nhiều phụ nữ mang thai cho biết họ cảm thấy khó ngủ vào ban đêm nên dẫn đến việc mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày. Một số trường hợp mẹ bầu ngủ gật vào ban ngày.
Vai trò của giấc ngủ đối với mẹ bầu
Tùy theo mỗi đặc trưng riêng của các giai đoạn thai kỳ, mà giấc ngủ cũng như thời gian ngủ của mẹ bầu trong từng giai đoạn sẽ khác nhau.
Giấc ngủ của mẹ bầu
Thực tế cứ mỗi ba tháng của thai kỳ đều mang đến những thay đổi đáng kể trong giấc ngủ của bà bầu. Một số thay đổi với giấc ngủ của mẹ bầu có thể kể đến như:
- 3 tháng đầu thai kỳ: Lúc này nhu cầu đi vệ sinh của bà bầu tăng lên. Điều này khiến cho giấc ngủ bị ảnh hưởng do phải thường xuyên thức dậy. Sự gián đoạn trong giấc ngủ là kết quả của sự căng thẳng về thể chất và tinh thần liên quan đến mang thai. Hậu quả của vấn đề này sẽ khiến phụ nữ mang thai thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày.1
- 3 tháng giữa thai kỳ: Giấc ngủ trong 3 tháng tiếp theo của thai kỳ sẽ được cải thiện đối với nhiều mẹ bầu. Lý do vì tình trạng đi tiểu vào ban đêm sẽ ít hơn do thai nhi đang phát triển. Điều này làm giảm áp lực lên bàng quang. Tuy nhiên, chất lượng giấc ngủ vẫn có thể kém. Lý do có thể là em bé đang phát triển và cảm xúc căng thẳng liên quan đến mang thai.
- 3 tháng cuối thai kỳ: Bà mẹ gặp phải nhiều vấn đề về giấc ngủ nhất trong giai đoạn này. Bụng càng ngày càng lớn. Một số chứng ợ nóng, chuột rút và nghẹt mũi có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Chứng đi tiểu đêm có thể quay trở lại. Lý do vì tư thế thay đổi của em bé gây ra áp lực lên bàng quang.
Xem thêm: Đi tiểu nhiều lần khi mang thai: Một số điều lưu ý dành cho mẹ
Vai trò của giấc ngủ
Với người bình thường, giấc ngủ đã có vai trò rất quan trọng. Thì đối với phụ nữ có thai, giấc ngủ lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Theo các nghiên cứu đưa ra:
- Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thời gian ngủ trung bình là khoảng 8,7 tiếng.
- 3 tháng giữa thai kỳ, khoảng thời gian này giảm xuống còn 8,4 tiếng.
- 3 tháng cuối thai kỳ thời gian ngủ khoảng hơn 7 tiếng.
Những nguyên nhân dẫn đến ngủ nhiều khi có thai
Mẹ bầu ngủ nhiều hơn bình thường có thể sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến cả mẹ và em bé. Thực tế thì từ khi có thai, cơ thể của phụ nữ sẽ tự động tiết ra hormone progesterone. Hormone này giúp cơ thể được điều hòa khi có sự thay đổi lớn. Đồng thời đây cũng là thủ phạm chính gây ra cơ buồn ngủ nhiều mẹ bầu.
Ngoài ra, khi mang thai, người mẹ phải chịu nhiều sức ép. Vào thời điểm này, các cơ quan như tim, thận và các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể có sự khác biệt lớn. Điều này khiến bà mẹ rất dễ bị mệt mỏi và buồn ngủ.
Một số nghiên cứu cho thấy những thai phụ ngủ ít hơn 6 tiếng một ngày sẽ có nguy cơ phải sinh mổ nhiều hơn những thai phụ ngủ đủ giấc gấp 4 đến 5 lần. Ngoài ra, quá trình chuyển dạ của thai phụ có thể diễn ra lâu và khó khăn hơn những người khác. Chính vì vậy, việc mẹ bầu có một giấc ngủ đầy đủ và chất lượng mỗi ngày là điều vô cùng cần thiết để có một thai kỳ trọn vẹn.
Có thai ngủ nhiều có tốt không?
Tùy vào chế độ sinh hoạt của từng mẹ bầu mà giấc ngủ có thể khác nhau. Bởi trong giai đoạn thai kỳ, ngoài việc ngủ, bạn cần quan tâm đến chế độ ăn, tập luyện và công việc thường ngày. Trường hợp mẹ bầu ngủ quá nhiều mà không chú ý đến việc vận động thì sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và bé. Một số ảnh hưởng khác từ việc ngủ nhiều ở bà bầu như là:
- Mẹ bầu ngủ nhiều có nguy cơ gặp phải chứng thuyên tắc phổi. Phụ nữ mang thai có nguy cơ hình thành cục máu đông cao gấp 5 lần so với bệnh nhân không mang thai. Điều này khiến cho cơ thể của mẹ bầu tăng cường sản xuất các yếu tố thúc đẩy quá trình đông máu. Tử cung ngày càng lớn cũng cản trở sự trở lại của máu trong các tĩnh mạch ở phần dưới của cơ thể. Lúc này các huyết khối tĩnh mạch chân có điều kiện phát triển và di chuyển lên phổi, gây tắc nghẽn.
- Mẹ bầu ngủ nhiều, không thường xuyên vận động sẽ có nguy cơ đối mặt với các tình trạng như cứng cơ, dễ gãy xương.
- Mức đường huyết trong cơ thể của phụ nữ mang thai cũng rất dễ tăng. Dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kì.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đến thăm khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ như mất ngủ khi mang thai, ngưng thở khi ngủ hoặc ngủ quá nhiều vào ban ngày.2 Rối loạn giấc ngủ trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến sinh non và các biến chứng liên quan đến thai kỳ khác. Hoặc các triệu chứng của tiền sản giật bao gồm:
- Đau đầu dữ dội.
- Thay đổi thị lực, mờ mắt.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Khó thở.
- Đau bụng trên phía bên phải.
Xem thêm: Bà bầu ngủ nhiều có tốt cho sức khỏe hay không?
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp một số thông tin giúp bạn trả lời cho câu hỏi “Có thai ngủ nhiều có tốt không?”. Vấn đề ngủ nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu, cũng như sự phát triển của em bé. Vì vậy, mẹ bầu cần có những thói quen nghỉ ngơi hợp lý; cùng với chế độ ăn và tập luyện phù hợp với thể trạng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sleep and Pregnancyhttps://familydoctor.org/getting-enough-sleep-pregnancy/
Ngày tham khảo: 01/11/2021
-
Sleeping While Pregnant: First Trimesterhttps://www.sleepfoundation.org/pregnancy/sleeping-during-1st-trimester
Ngày tham khảo: 01/11/2021